Friday, April 19, 2024

‘Mênh mông’ chợ trời Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Với người Sài Gòn thì trước sau gì, cái thú dạo chợ trời vẫn là thứ nghiện thú vị. Nếu trước 1975, chợ trời Sài Gòn gồm khu chợ Dân Sinh và một số chợ rải rác ngay trên hè phố, còn chợ trời Sài Gòn ngày nay thì “mênh mông” khó ai quán xuyến cho xuể. Nhưng có thể tạm chia ra hai loại chợ trời gồm chợ trời có chợ và chợ trời không cần chợ.

Chợ trời có chợ

Gọi là chợ trời có chợ trong ý nghĩa có một nơi cố định như lề đường, lòng cầu, bền xe… để bày bán. Loại chợ trời này mang bản sắc truyền thống chợ trời Sài Gòn. Ðây là loại chợ có sức sống mãnh liệt, nhất là bất chấp sự săn đuổi triền miên ráo riết, mọi lúc mọi nơi của công an. Nổi tiếng hàng đầu trong “trường kỳ chợ trời” là chợ trời Nhật Tảo-Lý Nam Ðế.

Chợ trời Nhật Tảo-Lý Nam Ðế ngày nay dù được gọi là chợ bán đồ điện tử nhưng trước sau gì cũng là một chợ trời. Khu chợ trời này bao bọc bởi các con đường 3/2, Lý Thường Kiệt, Tân Phước, Lý Nam Ðế, Lê Ðại Hành và lòng chợ chính là đường Nguyễn Kim, Nhật Tảo và Vĩnh Viễn.

Ở khu chợ này bạn có thể mua ký lô mảnh thủy tinh màn hình tivi hay mua một cái mô-tơ bự bằng cái thùng phi hoặc bạn muốn phục chế cái iPhone vừa rớt vô bồn cầu hoặc bạn muốn mua cái “laptop trái táo” giá bèo… Bãi rác công nghệ toàn cầu ở chợ này sẽ phục vụ tất tần tật mọi nhu cầu.

Nếu bạn chán nản các phế phẩm công nghệ, muốn tìm đến bảo tàng hoặc cửa hàng thời trang đồng hồ mắt kính, máy hát, loa… các kỷ vật quí giá hay linh tinh có “tầm vóc” bảo vật bảo tồn, hàng hiệu chôm chỉa thì ôi thôi thượng vàng hạ cám.

Tuy không rạch ròi nhưng khu chợ trời này chia làm hai, phía Nhật Tảo-Nguyễn Kim thì chuyên bán đồ mới phi mậu dịch, chủ yếu là hàng Trung Quốc, phía Nhật Tảo-Lý Nam Ðế thì chuyên đồ rác công nghệ tùm lum, trong hai khu này, tất cả các loại đều được dân chuyên nghiệp bán ra với phương châm hàng bán đều là thứ xịn, hàng mua vô là đồ lạc xon theo kiểu dân mua dạo “Ai có tivi, tủ lạnh, máy giặt, hột quẹt, đồng hồ, tiền cũ bạc cắc xưa bán hôn.”

Cảnh bán đồ ở chợ trời lề đường, còn gọi là chợ chạy. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chợ trời không cần chợ

Cùng với trào lưu soi mặt suốt ngày trên màn hình di động cảm ứng, ngày nay, giới trẻ Sài Gòn đang theo phong trào mua bán qua mạng.

Tất nhiên không thể gọi những web, blog thương mại tràn ngập thời công nghệ số là chợ trời nhưng do đặc điểm về, giới thiệu, coi hàng, thanh toán tiền mặt… mà giới mua bán qua mạng ở Sài Gòn thường lôi việc kinh doanh của mình từ “mạng trời” xuống” mạng đất.” Vì thế hình thành chợ trời không cần chợ, cứ a lô là rề vô mọi chỗ hẹn từ nhà thờ, chùa, văn phòng công sở, phòng khách nhà người quen, quán cà phê, quán nhậu… chỉ cần có một vài người có nhu cầu mua hoặc bán là bất cứ đâu cũng được coi là chợ trời ráo trọi.

Khu vực quận 1, quận 3 nơi có nhiều quán hàng dành cho dân trung lưu trẻ. Dân bán hàng xách tay Mỹ, Nhật, Hàn… hoặc hàng đặt mua qua các công ty xuất nhập khẩu cổng trời. Dân bán chợ trời kiểu này lúc nào chưng hàng hiệu đi theo người như quần áo, điện thoại, xe, đồ chơi công nghệ và có khi cả đồ chơi tình dục. Giới này được tôn vinh là tinh hoa Việt Nam thời kinh tế thị trường, mua bán với họ là dịp mở rộng danh mục về hàng hóa công nghệ và kích thích ham muốn hưởng thụ hàng hiệu dù có khi chỉ là hàng giả cấp một hay hàng tái chế từ rác hàng hiệu.

Q, một tay chuyên mua bán máy ảnh số, cho biết: “Có em út hỏi tôi làm nghề gì mà lúc nào cũng sang trọng vậy, tôi nói thiệt. Anh chỉ là thằng bán len (ống kính máy ảnh). Ðúng vậy, phải phục anh chàng này phần kiến thức cực kỳ về thế giới máy ảnh số. Một tay khác tên M. Nếu không bận đi Thái, Hàn, Trung Quốc săn nguồn mỹ phẩm mới, anh ta bắt đầu ngày làm việc trong quán cà phê hạng sang và kết thúc ở nhà hàng đặc sản.

Anh này kể: “Có thời ai cũng khen con gái Việt Nam trắng hơn hột gà luộc, mình cũng vui vì tính ra cứ mười em trắng muốt thì ít nhất cũng vài đổi đời nhờ hàng của mình.”

Hiện nay, người Sài Gòn có nhu cầu đến với các điểm chợ trời họp phiên vào hai ngày cuối tuần. Nổi tiếng nhất là chợ trời ve chai của ca sĩ CM ở gần cầu Panky, Bình Thạnh hay chợ trời ở đường Phạm Thế Hiển, Quận 8,… Dân đi chợ trời này thường là giới trung lưu. Giới bán chợ trời cứ vô điểm, bàn nào trống thì ngồi bày hàng ra sẽ có người của chủ đến thu tiền chỗ. Nhưng nếu không ngồi bán mà mang túi xách đi dạo cũng sẽ bị thu tiền chỗ, cứ thấy mang túi là bị gán cho là dân có nghề chợ trời.

Phải nói các điểm chợ trời ve chai có thương hiệu này là thực hiện chủ trương của chế độ về hội nhập thế giới, toàn cầu hóa toàn cầu hóa thành công nhất vì mọi loại hàng hóa ở đây dù đồ cổ, đồ xưa, đồ mới thượng vàng hạ cám đều nhờ chính sách mở của của chế độ đồ chợ trời của toàn thế giới tụ được thu gôm về để có mà bán, có để mua chơi.

Mời độc giả xem phóng sự “Vườn cảnh Nhật Bản độc đáo tại Sài Gòn”

MỚI CẬP NHẬT