Thursday, April 25, 2024

Miền Tây sông rạch chằng chịt nhưng phải lo trữ nước

ÐỒNG THÁP (NV) – Cả chính quyền lẫn dân chúng đồng bằng sông Cửu Long vừa được khuyến cáo phải trữ nước ngọt vì mùa khô sắp tới sẽ khốc liệt hơn mùa khô vừa qua, vốn từng được xem là chưa từng có!

Tuy đang giữa mùa mưa nhưng theo Ðài Khí Tượng-Thủy Văn An Giang, so với mức trung bình của nhiều năm thì tổng lượng mưa từ tháng 6 đến nay tại tỉnh này thiếu hụt khoảng từ 10% đến 60% (so theo khu vực).

Tương tự, Ðài Khí Tượng-Thủy Văn Ðồng Tháp cho biết, lượng mưa trong tháng 8 ở tỉnh này chỉ có 66 mm, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái – vốn đã được xem là rất thấp – tới 15.8 mm.

Không chỉ vũ lượng tiếp tục giảm mà lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm trầm trọng. Ðây là năm thứ ba đồng bằng sông Cửu Long không còn “mùa nước nổi” (mùa mà nước từ thượng nguồn đổ về ngập trắng đồng).

Kể từ khi Trung Quốc rồi Lào thi nhau đắp các đập chặn nước phía thượng nguồn sông Mekong để xây dựng các nhà máy thủy điện, khu vực hạ lưu sông Mekong bắt đầu khô hạn và nước mặn từ biển bắt đầu theo sông, rạch lấn sâu vào đất liền.

Ðể đối phó với tình trạng này, cả Thái Lan, Cambodia cùng tìm cách tích nước. Ðó là lý do khiến tình trạng thiếu hụt nước ở đồng bằng sông Cửu Long đã trầm trọng còn trầm trọng hơn.

Ông Dương Văn Ni, một chuyên gia môi trường làm việc tại Ðại Học Cần Thơ, giải thích, trước đây, vào đầu mùa mưa, khoảng 30% đến 40% lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong sẽ đổ vào Biển Hồ của Cambodia. Khi Biển Hồ đã “no” nước, nước sẽ chảy từ Biển Hồ xuống đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng 50% lượng nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long là nước từ Biển Hồ chảy xuống. Nói cách khác, lượng nước trên sông rạch ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào lượng nước ở Biển Hồ. Tuy nhiên tới nay, Biển Hồ mới chỉ tích lũy được khoảng 50% lượng nước trung bình so với hàng năm. Khả năng từ nay đến tháng 10, Biển Hồ tích được 100% lượng nước để nước tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long gần như là không thể xảy ra, trừ khi ưa dồn dập đổ xuống Hạ Lào và Cambodia trong hai tháng còn lại của mùa mưa.

Mời độc giả xem thêm video: Hải sản ở 4 tỉnh miền Trung không an toàn

Ðó cũng là lý do tình trạng hạn hán, nước mặn xâm lấn sâu vào đất liền trong mùa khô tới được dự báo sẽ khốc liệt hơn mùa khô vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh Sóc Trăng – một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề vì hạn hán, nước mặn xâm nhập trong mùa khô vừa qua, tỏ ra hết sức bi quan khi ở thời điểm giữa mùa lũ mà khu vực Tân Hồng-Ðồng Tháp (nơi được xem như một trong những “rốn lũ” ở đồng bằng sông CửƯu Long) thiếu nước ngọt và độ mặn của nước vượt xa mức trung bình của nhiều năm trước. Ông Thể nhận định, mùa khô sắp tới, hạn hán, nước mặn sẽ gây tổn hại cho toàn bộ đồng bằng sông CửƯu Long chứ chẳng riêng gì Sóc Trăng.

Trong khi viên bí thư tỉnh Sóc Trăng đề nghị suy tính cách thức biến sông Tiền và sông Hậu, sông Vàm Cỏ thành những hồ chứa nước ngọt để đối phó với thực trạng thiếu nước, nước mặn xâm lấn càng ngày càng sâu vào đất liền thì các chuyên gia khác tỏ ra khá dè dặt với đề nghị này bởi phải tính toán rất kỹ, không dễ làm ngay. Họ chỉ nhấn mạnh rằng từ nay đến cuối tháng 10 sẽ có nhiều trận mưa lớn và chính quyền 13 tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long phải có giải pháp để trữ được lượng nước mưa này nhằm hỗ trợ dân chúng khu vực duyên hải đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô sắp tới.

Ít nhất đã có Bến Tre đang chuẩn bị cho việc trữ nước. Bảy cây số kênh Lấp ở huyện Ba Tri đang được nạo vét và làm cống chặn ở hai đầu để biến đoạn kênh này thành một hỗ trữ nước ngọt có diện tích khoảng 60 hecta, trữ lượng chừng một triệu khối nước để phục vụ cho 200,000 dân. Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Bến Tre cho biết đang chuẩn bị cho việc biến các kênh nội đồng ở Bình, Ðại, Thạnh Phú thành các hồ chứa nước song song với việc kêu gọi dân chúng tự trữ nước.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những tính toán nhằm thỏa mãn nhu cầu về nước trong sinh hoạt. Dù đã được cảnh báo từ lâu song giới hữu trách tại Việt Nam và tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đưa ra được giải pháp nào để hỗ trợ nông dân chuyển đối sinh kế khi trồng lúa, chăm vườn, nuôi thủy sản theo phương thức, tập quán cũ không còn có thể đem lại no đủ nữa. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT