Thursday, April 18, 2024

Một năm sau thảm họa, hàng ngàn người biểu tình chống Formosa

NGHỆ AN, Việt Nam (NV) – Hàng ngàn người dân, phần đông là giáo dân thuộc Giáo Phận Vinh tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa dự thánh lễ, biểu tình tuần hành hôm Thứ Năm, 6 Tháng Tư, nhân một năm biển bị Formosa đầu độc.

“…Hàng ngàn bà con ngư dân tại các xã, huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An xuống đường biểu tình phản đối Formosa, lên án giới chức cầm quyền địa phương đã tiếp tay, bảo kê cho thủ phạm hủy hoại môi sinh Việt Nam, khiến bà con ngư dân mất cơ nghiệp, thất nghiệp tràn lan…”

Trang tin Công Giáo Tin Mừng Cho Người Nghèo (GNsP) tường thuật như vậy về cuộc biểu tình tuần hành tại các giáo xứ, dọc theo biển của hàng ngàn người trong giáo phận. Một nhóm thông tin khác, nhóm Thanh Niên Công Giáo đưa tin, video clip, hình ảnh về biến cố này từ các thành viên là Facebooker phổ biến nhanh chóng và có người còn chuyển trực tiếp live stream trên mạng xã hội.

Cùng ngày, các thánh lễ cũng được tổ chức ở các giáo xứ và người ta lại được nghe họ hát “Kinh Hòa Bình,” một bản thánh ca với những lời như “Lạy Chúa từ nhân xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp…”

Các thánh lễ, thắp nến cầu nguyện và biểu tình của người dân dọc theo biển các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh diễn ra một ngày sau khi đài truyền hình Cộng Sản Việt Nam loan tin nhà máy luyện gang thép Formosa đã được chấp thuận cho bắt đầu chạy lò số 1 vì họ đã giải quyết xong những “lỗi” đã dẫn đến xả chất thải độc hại ra biển một năm trước.

Tường thuật về biến cố này, trang tin Thanh Niên Công Giáo viết: “Chưa năm nào người dân giáo xứ Phú Yên và miền Trung lại nhiều lần hát ‘Kinh Hòa Bình’ như thế, từ ngày thảm họa môi trường do Formosa gây ra, cuộc sống người dân đã chao đảo. Lời kinh tiếng hát với niềm tin tưởng vào Chúa là chỗ dựa còn lại cho nhân dân tôi.”

Theo trang thông tin của nhóm cựu tù nhân lương tâm Thanh Niên Công Giáo, khoảng 3,000 người thuộc các vùng phụ cận Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đồng loạt tưởng niệm một năm Formosa đầu độc biển miền Trung.

Theo trang tin GNsP, người biểu tình cầm các khẩu hiệu đi diễn hành đến bản doanh nhà máy luyện thép Formosa tại cảng Vũng Áng. Tin này thuật lại: “Trước trụ sở khu công nghiệp Formosa, bà con hô to ‘Formosa – Cút khỏi Việt Nam.’ Nhiều băng-rôn, khẩu hiệu cũng được bà con cầm trên tay như: ‘Võ Kim Cự là tội đồ của dân tộc,’ ‘Ai đã rước Formosa về đầu độc Dân Việt,’ ‘Yêu cầu chính phủ khởi tố Formosa,’ ‘Ðừng vì Fomrosa mà phản bội nhân dân’”…

Giáo xứ Ðông Sơn thuộc xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Nam, tỉnh Hà Tĩnh; giáo xứ Phú Yên thuộc xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cùng nhiều giáo xứ khác thắp nến cầu nguyện, tuần hành tưởng niệm thảm họa biển bị đầu độc mà cho đến nay, hậu quả vẫn còn nguyên.

Trang tin Tin Mừng Cho Người Nghèo dẫn lời một ngư dân Ðông Yên xuống đường biểu tình cho biết: “Nếu chính quyền không quyết tâm làm biển sạch cho chúng tôi thì chúng tôi tiếp tục xuống đường đòi hỏi quyền sống của chúng tôi để khi nào biển sạch thì thôi. Thực tế Formosa xả thải độc tố xuống biển tại khu vực này, nhưng đài truyền hình Việt Nam nói là nhiều điều sai sự thật, họ đúng là ngu xuẩn.”

Một ngư dân khác lớn tuổi uất ức nói: “Yêu cầu chính phủ bồi thường xứng đáng cho người dân. Chúng tôi yêu cầu chính phủ bồi thường thỏa đáng, làm sạch môi trường biển và đuổi Formosa cút khỏi Việt Nam. Chính phủ hiện nay có thái độ xem dân như cỏ rác.”

Cuối tuần qua, người dân giăng lưới chận ngang quốc lộ 1A khu vực đi qua thị xã Kỳ Anh và chiếm trụ sở huyện Lộc Hà đòi hỏi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bồi thường thỏa đáng cho các thiệt hại họ vẫn còn đang phải chịu đựng.

Một cuộc vận động chữ ký kêu gọi chính phủ Ðài Loan, Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế áp lực công ty Formosa “phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân.”

Từ khi phát động chiến dịch lấy chữ ký từ giữa Tháng Ba đến nay, đã có hơn 100,000 người ký tên và hiện chiến dịch còn đang tiếp diễn. (TN)

Tổng thống Pháp bổ nhiệm một phụ nữ gốc Việt làm đại sứ tại Cambodia

MỚI CẬP NHẬT