Friday, April 19, 2024

Ngư dân Việt Nam có nguy cơ bị tòa án Trung Quốc xét xử

BẮC KINH (NV) – Không chỉ bị bắt bớ, đánh đập, phá hại tài sản, ngư dân Việt Nam có nguy cơ bị tòa án Trung Quốc sẽ xét xử qua các vụ vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên các vùng biển họ tranh chấp với các nước trên Biển Ðông.

Theo AP, ông Chu Cường (Zhou Qiang), chủ tịch Tòa án Tối cao Trung Quốc, loan báo qua bản báo cáo với Quốc Hội nước này cho hay, Bắc Kinh cương quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và các lợi ích trên biển.

Theo đó, tòa án Trung Quốc sẽ được cho thẩm quyền rộng hơn để “xét xử” ra khắp các vùng biển thuộc “chủ quyền” dù là những vùng biển đi cướp của Việt Nam trên Biển Ðông mà Việt Nam vẫn luôn luôn tuyên bố chủ quyền.

Dịp này Chu Cường dọa rằng “công dân Trung Quốc và nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sẽ bị truy tố ra tòa án Trung Quốc.”

Hồi Tháng Ba 2016, người ta đã thấy báo chí Trung Quốc đưa tin nước này thiết lập các “trung tâm luật pháp hàng hải” để bảo vệ quyền lợi của nước họ. Ðạo luật có hiệu lực từ Tháng Tám 2016 cho thẩm quyền Tòa án Tối cao Trung Quốc bao gồm không những vùng đặc quyền kinh tế mà cả thềm lục địa và “mọi khu vực khác thuộc chủ quyền Trung Quốc.”

Trung Quốc đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH ngày 19 Tháng Giêng 1974. Ðến năm 1988, Bắc Kinh mới xua thêm một nhóm tàu khác tới cướp một số bãi đá ngầm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Ðến nay, 7 bãi đá ngầm trong đó có bãi đá ngầm Gạc Ma đã được Trung Quốc bồi đắp thành 7 đảo nhân tạo khổng lồ, đang xây dựng các căn cứ quân sự khổng lồ, trang bị tối tân gồm cả radar, truyền thông vệ tinh, các pháo đài trang bị hỏa tiễn phòng không tầm xa, phi trường, cảng biển.

Những năm qua, tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu tuần Trung Quốc bắt gặp ở vùng biển Hoàng Sa chỉ bị họ cướp, tông cho chìm, hay bắn cháy. Trong tương lai, theo luật mới này, ngư dân Việt Nam có thể bị lôi ra tòa án Trung Quốc với án tù, phạt vạ, tàu bị tịch thu.

Thay vì tiếp tục giở thói cường đạo trên biển, nay Bắc Kinh dùng vỏ bọc pháp lý của kẻ mạnh để tước đoạt quyền sống của ngư dân Việt Nam trên các vùng biển Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền.

Tháng Bảy năm 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, ra phán quyết tuyên bố chủ quyền Trung Quốc hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% Biển Ðông là vô giá trị. Tuy nhiên, Bắc Kinh cậy thế mạnh nước lớn tuyên bố không công nhận phán quyết đó dù cũng là một nước ký công nhận Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS).

Cách đây ít ngày, cũng giống như những năm trước, Trung Quốc ra lệnh cấm đánh cá trên Biển Ðông từ giữa Tháng Năm đến đầu Tháng Tám lấy cớ bảo vệ sự phát triển bền vững của các loài thủy sản, nhưng lại nằm trong mùa đánh cá chính vụ của ngư dân Việt Nam.

Hôm 13 Tháng Ba 2017, báo chí trong nước cho hay, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch trái phép đến quần đảo Hoàng Sa và việc tàu Hải Cảnh Trung Quốc truy đuổi một tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNg 95215 TS ở khu vực đảo Bạch Quy, quần đảo Hoàng Sa, phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình chỉ lập lại những lời tuyên bố cũ là “Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”

Ông này nói tiếp rằng, “Những hành động như vậy đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Ðông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc ký tháng Mười 2011. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, chấm dứt ngay và không tái diễn những hoạt động đó, đóng góp xây dựng vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông.”

Bắc Kinh biết Hà Nội chỉ phản đối suông nên thường xuyên tảng lờ như không nghe thấy gì. (TN)

Nhật sắp đưa chiến hạm lớn nhất tới Biển Đông

MỚI CẬP NHẬT