Thursday, March 28, 2024

Người lính, em bé mồ côi và những chuyện bên ngoài trang báo

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong cuộc đời làm báo của mình, không ít lần tôi chứng kiến những trùng hợp, những ngẫu nhiên, những bất ngờ đến mức ngỡ như chỉ có thể là… hư cấu.

Dẫu rằng thực tế đôi khi có những điều không như mình kỳ vọng, mong mỏi, nhưng bao nhiêu người tôi tiếp xúc, là bấy nhiêu câu chuyện đời với những điều rất riêng, không lẫn vào với bất kỳ ai.

Câu chuyện tôi muốn chia sẻ dưới đây cũng nằm trong những điều không trùng lắp đó.

Ngược dòng quá khứ

Bốn năm trước đây, cũng vào độ trung tuần Tháng Năm, lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện về một người lính trên đường chạy loạn vào Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 nhặt một đứa bé đang tìm vú mẹ bên xác người mẹ đã chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng. Người lính, trong lúc kiệt sức, kịp trao em bé lại cho một thiếu úy Thủy Quân Lục Chiến (TQLC). Ngay sau đó viên thiếu úy giao đứa bé lại cho các nữ quân nhân ở phòng xã hội sau khi đặt được cho nó một cái tên.

Hơn 40 năm sau, mọi người biết Thiếu úy TQLC đó tên là Trần Khắc Báo, đang sống tại Albuquerque, tiểu bang New Mexico. Cô bé mồ côi năm xưa được ông đặt tên là Trần Thị Ngọc Bích, và mọi người khẳng định cô chính là Hải quân Trung tá Kimberly Mitchell ở New York.

Năm 2013, ông Báo và cô Kimberly-Ngọc Bích gặp nhau và họ nhận nhau làm cha con nuôi.

Không ai biết gì về người lính đã nhặt em bé mồ côi, không biết ông tên gì, hiện giờ còn mất nơi nào.

Cho đến Tháng Năm năm nay, tháng của Mùa Hè Đỏ Lửa 45 năm trước, tôi nhận được email từ một phụ nữ tên Nguyễn Thị Hải Yến, hiện sống ở Đức, cho biết “Người lính năm xưa cứu cô bé bên xác mẹ tên là Kiều Văn Thắng, hiện còn sống ở Đà Nẵng.”

Thật khó mà tưởng tượng được cuộc đời lại có những sự xuất hiện lần lượt như thế.

Theo số điện thoại có được, tôi gọi về Đà Nẵng nói chuyện với người tên Kiều Văn Thắng, những mong được nghe tiếp phần đầu câu chuyện chưa bao giờ được biết.

Câu chuyện của người lính tên Kiều Văn Thắng

Qua điện thoại, ông Thắng cho rằng ký ức về câu chuyện “không mấy người biết” này được gợi lại một cách rất đơn giản, “Con rể tôi ở Bà Rịa- Vũng Tàu, cũng ngoài 60 rồi, ra Đà Nẵng thăm tôi. Nói chuyện mới biết ngày trước con rể là lính TQLC, từng đóng ở Quảng Trị. Nghe vậy, tôi kể hồi Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 tôi có ra Quảng Trị tìm người và nhặt được một đứa bé, rồi giao đứa bé đó cho một thiếu úy TQLC.”

Giấy tờ ông Kiều Văn Thắng (Hình: Nguyễn Thị Hải Yến cung cấp)

“Nghe vậy, con rể tôi mới nói là có bài báo viết về chuyện này và họ đang muốn tìm người lính nhặt được em bé năm xưa,” ông Thắng kể.

“Không biết có phải là cô bé đó không” là câu mà ông Thắng nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong lúc kể lại sự kiện đã xảy ra từ 45 năm trước.

Theo lời ông Thắng, Mùa Hè Đỏ Lửa năm đó ông đang là tài xế công binh ở Đà Nẵng, không được biệt phái ra Quảng Trị.

“Nhưng vì năm 71 tôi có quen một cô ở Quảng Trị và có con với cổ, nên tôi đi nhờ xe của một anh lính dân vận ra đó tìm cổ,” ông ‘thú nhận.’

Ông kể, “Khi xe qua khỏi tiểu khu Quảng Trị ở Hải Lăng thì chú tài xế bị thương, không lái được, tôi mới lái dùm. Chạy trên đường lộ đó nhìn thấy dân chết nhiều, mà lính cũng chết nhiều lắm. Hôm đó là ngày 30 Tháng Tư hay 1 Tháng Năm tôi không nhớ rõ vì lâu quá rồi.”

“Khi đó tôi nhìn thấy có cô bé bò trên bụng mẹ, mà bà mẹ chết rồi. Tôi dừng xe lại, vẫn để máy nổ và nhảy xuống bồng nó lên. Em bé chừng 4, 5 tháng, mới biết bò à, em bé cũng xỉu gần chết rồi. Trời thì nắng quá, khi đó khoảng 9-10 giờ sáng. Em bé chỉ bận có cái áo thôi chứ không có quần, tại vì quần dính máu mẹ,” ông kể.

Ông tiếp tục câu chuyện bằng giọng người miền ngoài mà thỉnh thoảng tôi phải hỏi đi hỏi lại để chắc là mình không nghe sai, “Chạy được một đoạn nữa thì xe hết dầu hết xăng. Tôi bồng em bé xuống xe đi bộ cùng một số dân đến chỗ cầu Mỹ Chánh thì thấy một số lính Thủy Quân Lục Chiến, trong đó có một anh thiếu úy nói tiếng miền Nam, đa số những người lính đó đều là miền Nam, nói giọng Sài Gòn. Tôi nhờ anh thiếu úy giữ dùm đứa bé rồi tôi quay trở lại với mục đích đi tìm người thân tiếp nhưng mà không tìm được, đến khi quay trở lại thì những người lính đó đã đi mất rồi.”

Tôi hỏi, “Tại sao ông lại đưa em bé cho ông thiếu úy đó?”

Ông Thắng trả lời, “Thực tế thì trước đó trên đường chạy cỡ khoảng 2, 3 cây số, tôi có gửi cho một số dân nhưng mà họ không nhận, ai cũng phải lo cho gia đình họ. Nên khi gặp nhóm lính, có ông thiếu úy, tôi nhờ ổng nhận dùm. Lúc đó qua giờ chiều rồi. Tôi có kể với ổng nghe là tôi nhặt được đứa bé ở chỗ Hải Lăng. Rồi tôi có xin một người lính của ổng gói gạo sấy để ăn trước khi đi, vì cả một ngày một đêm đói quá rồi.”

Ông cho biết thêm, “Tôi còn nhớ tôi chỉ cho cô bé uống nước bằng cái bình tông, mà cũng không dám cho uống nhiều sợ nó chết vì nó đói quá rồi. Khi chiếc xe hết dầu tôi bồng cô bé đi, trời nắng quá không có gì che, tôi mới cúi xuống lượm cái nón lá bên đường hơi hư rồi che cho cô bé để khỏi nắng. Khi gặp nhóm lính, tôi bỏ em bé vô cái nón đưa luôn cho ông thiếu úy. Từ đó đến nay thì tôi không còn biết tin gì nữa.”

Tôi hỏi thêm, “Ông có nhớ khi đó ông chạy thì trên người vẫn còn mặc đồ lính hay không?” – “Đồ lính, nhưng nhàu bét à, vì cả một ngày một đêm mệt lắm,” ông trả lời không đắn đo.

Ông nói thêm, “Chuyện này, tôi nghĩ là sự may mắn cho cô bé và cũng là cho tôi, vì khi tôi dừng xe lại bồng cô bé đó lên, thì chiếc xe sau chạy vượt qua, nhưng chỉ hơn trăm mét là bị mìn hay pháo gì nổ tan bành. Cho nên nếu tôi là người chạy trước thì chắc gì tôi còn hôm nay. Coi như tôi cứu cổ, và cổ cứu tôi.”

“Tôi không biết người trong bài báo đó có phải là người tôi cứu không. Riêng bản thân tôi thì nay con cái cũng lớn hết rồi, tuổi cũng cao rồi nên không có sự đòi hỏi gì đâu. Tôi chỉ muốn chuyển lời hỏi thăm sức khỏe của tôi đến họ thôi, và nếu có dịp về thăm Việt Nam thì mời họ ghé nhà tôi chơi,” ông nhắn nhủ.

Cuộc trò chuyện của người lính và ông thiếu úy sau 45 năm

Sau cuộc trò chuyện với ông Kiều Văn Thắng, tôi dò tìm số điện thoại mà 4 năm trước tôi từng gọi phỏng vấn Thiếu úy Trần Khắc Báo. Tuy nhiên, số điện thoại đó được báo không còn sử dụng.

Qua một vài người quen biết, cuối cùng tôi cũng liên lạc được với ông Báo, kể cho nghe về người lính Kiều Văn Thắng và muốn nghe ông xác nhận xem đó có phải là người lính trao em bé trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm nào cho ông không.

Cựu Thiếu Úy TQLC Trần Khắc Báo, người từng cứu và đặt tên Trần Thị Ngọc Bích cho một bé gái vào ngày 1 Tháng Năm, 1972 ở Phong Điền-Thừa Thiên-Huế. (Hình: Chụp lại từ website của RFA)

Dĩ nhiên ông Báo không từ chối. Nhưng giọng nói ông cho tôi đoán ông vừa có sự háo hức muốn biết người lính đó, đồng thời cũng có sự dè dặt liệu có sự ngộ nhận nào hay không.

Hơn 8 giờ tối, từ California tôi gọi điện thoại về Việt Nam, và gọi sang tiểu bang New Mexico, làm cầu nối cho cuộc chuyện trò giữa anh lính công binh Kiều Văn Thắng và ông thiếu úy TQLC Trần Khắc Báo.

Ngay sau đôi câu chào hỏi, ông Thắng hỏi ngay, “Anh Báo là người Nam phải không?” – “Dạ tôi người Nam,” ông Báo trả lời (trước đó, qua điện thoại ông Báo nói với tôi ông là người Bắc.)

“Tôi không biết Mùa Hè Đỏ Lửa tôi có bồng đứa bé giao cho một người không biết có phải là anh không?” ông Thắng hỏi tiếp.

“Khi đó anh ở đâu mà anh giao cho tôi?” ông Báo hỏi ngược lại, giọng nhẹ nhàng.

Ông Thắng kể lại câu chuyện như ông đã kể cho tôi ở trên.

Chờ ông Thắng kể xong, ông Báo hỏi, “Vậy hả? Hồi đó anh lính gì?”

Khi nghe ông Thắng nói “là lính công binh”, ông Báo hỏi thêm, “Anh ở đơn vị nào?” – “Tôi Công binh Sư đoàn 8, ở Đà Nẵng,” ông Thắng nói.

Ông Thắng cũng cho biết “năm nay tôi 67 tuổi” dù rằng giấy tờ ông ghi ông sanh tháng 10, năm 1952 (vậy theo tuổi Mỹ ông chỉ mới… 64 mà thôi).

Ông Báo hỏi câu như tôi đã hỏi, “Lúc chạy qua cầu anh mặc đồ lính chạy qua hả hay là sao?” – “Tôi mặc áo lính nhưng mà dơ lắm, tại vì chạy một ngày một đêm mà, giày cũng te tua luôn.”

Ông Thắng nói tiếp, “Tôi nói anh nghe coi có phải là anh không nha. Lúc đó lính không nhiều, chừng mấy chục người thôi, trong đó có anh thiếu úy TQLC, mà có phải anh không không biết, cao người, ốm và đen”

“Đen hả? Lính lúc đó thằng nào hỏng đen, ai cũng sương gió hết,” ông Báo cười ngất trả lời.

“Thì đó, nên tôi không biết có phải là anh không. Tôi có giao, có gửi đứa bé đó. Rồi tôi có xin một bao gạo sấy của ông lính của anh, tôi ăn, tôi nói chuyện với anh, nói đơn giản thôi chứ không có nói nhiều đâu, rồi tôi đi,” ông Thắng giải thích thêm.

Ông Báo hỏi lại, “Anh có xin lính tôi gạo sấy hả? Anh xin tôi hay xin lính?” – “Của một người lính đơn vị anh,” ông Thắng trả lời.

Sau cuộc chuyện trò, ông Báo nói, “Câu chuyện anh cứu em bé đó cũng tốt cho anh em quân đội mình thôi, mình làm để cứu đồng bào mình vì trách nhiệm người lính của mình, điều đó rất là tốt. Với cô Ngọc Bích thì giờ cổ cũng rất là bận rộn công việc của cổ. Nếu có dịp gặp, tôi sẽ chuyển lời hỏi thăm của anh đến cổ.”

Đó không phải là người lính năm xưa”

Lắng nghe cuộc trò chuyện của hai người, tôi đã đoán kết quả. Dù vậy, sau khi tắt điện thoại phía Việt Nam, tôi vẫn hỏi ông Báo, “Có phải người đó không?” – “Không phải,” ông Báo trả lời, giọng không buồn không vui.

Dĩ nhiên, cuộc gặp gỡ đặc biệt này, với những tình tiết đáng nhớ, chỉ có thể là người trong cuộc xác nhận được, chứ không phải là một ai khác.

Tôi nhớ lại những gì ông Báo từng kể với tôi trước đây: “Khi đó cũng chiều rồi, tôi thấy bên kia cầu có một anh chỉ còn mặc có cái quần xà lỏn mà ảnh thất tha thất thểu muốn đi qua cầu nhưng mà thấy dường như đi không muốn nổi.

Sau khi tôi đưa được anh đó qua bên cầu thì anh đó mới nói là ảnh thấy một cảnh không thể nào bỏ đi được, dù ảnh đã đi qua rồi nhưng lại quay trở lại vì ảnh thấy một em bé nằm trên bụng mẹ, loay hoay tìm vú mẹ, mà mẹ nó thì chết hồi nào ảnh không biết. Thấy vậy tội quá nên ảnh bỏ đứa bé vô nón lá mang theo.

Anh đó nói ảnh là lính quân cụ của tiểu khu Quảng Trị nhưng trên đường chạy giặc không dám mặc đồ lính mà phải giả dạng thường dân, giờ chỉ còn cái quần xà lỏn thôi.

Tôi nhận cái nón lá để anh lính đó đi. Khi qua bên cây cầu giở ra tôi thấy trong đó là một bé gái, trên nón lá có đậy một cái khăn thôi. Tôi nhận em bé như vậy đó.”

Đó là một buổi chiều ngày 1 tháng 5, 1972.”

“Tôi nghĩ anh đó cũng giống như thiên thần, ông tiên gì đó cứu cô bé để giao cho tôi rồi ảnh đi. Giờ không biết ảnh sống chết nơi nào,” ông Báo từng nói.

Câu hỏi còn bỏ ngỏ…

Bốn năm trước, khi tìm hiểu để viết loạt bài liên quan đến sự kiện này, một chi tiết tôi tìm thấy, nêu ra, nhưng không biết vì lý do gì nhiều người trong cuộc đã không lời giải thích.

Sau khi nhận đứa bé từ người lính quân cụ không biết tên tại cầu Mỹ Chánh thuộc tỉnh Quảng Trị vào chiều ngày 1 Tháng Năm, 1972, thiếu úy Trần Khắc Báo mang đứa bé ấy về giao lại cho các nữ quân nhân của Phòng Xã Hội thuộc Lữ Đoàn TQLC ở Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) và đặt cho nó cái tên là Trần Thị Ngọc Bích.

Soeur Mary Trần Thị Hưởng (trái), Kimberly Mitchell (giữa) và soeur Vincent Lê Thị Phục tại cô nhi viện Thánh Tâm-Đà Nẵng hồi Tháng Tám, 2011. (Hình: Chụp lại từ website BBC)

“Các cô nữ quân nhân ở phòng Xã Hội mang cô bé đó đi đâu thì tôi hoàn toàn không biết.” Ông Báo khẳng định nhiều lần với Người Việt.

Câu chuyện Kimberly Mitchell có tên là Trần Thị Ngọc Bích, từng sống tại cô nhi viện Thánh Tâm-Đà Nẵng và trở thành một sĩ quan hải quân xuất sắc trong Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, là có thật.

Câu chuyện thiếu úy TQLC Trần Khắc Báo nhận một bé gái từ trong chiếc nón lá của một người lính quân cụ vào chiều hè 1 Tháng Năm, 1972 và đặt cho bé cái tên Trần Thị Ngọc Bích là có thật.

Tuy nhiên, Trần Thị Ngọc Bích-Kimberky Mitchell tại cô nhi viện Thánh Tâm Đà Nẵng và Trần Thị Ngọc Bích do thiếu úy Trần Khắc Báo đặt tên có phải là một người hay không?

Bởi lẽ, trong sổ danh bộ còn giữ lại ở cô nhi viện Thánh Tâm mà cô Kimberly từng ghé thăm năm 2011 có một chi tiết đã không được ai chú ý tới.

Đó là: Cô nhi Trần Thị Ngọc Bích, số thứ tự 899, được đưa vào Thánh Tâm ngày 25 tháng 11 năm 1971. Tức là, em bé này đã có mặt tại viện cô nhi khoảng 6 tháng trước ngày ông Báo đặt tên Ngọc Bích cho đứa bé mà ông nhận được tại cầu Mỹ Chánh ở Quảng Trị.

Souer Mary Trần Thị Hưởng, người tiếp chuyện với Kimberly trong chuyến cô quay trở lại Việt Nam vào Tháng Tám, 2011 để tìm hiểu về gốc tích của mình, cũng khá ngỡ ngàng khi đọc cho phóng viên Người Việt nghe lại ngày tháng năm sinh, ngày vào và ngày rời khỏi cô nhi viện Thánh Tâm của Trần Thị Ngọc Bích-Kimberly Mitchell: “Ngày sinh: 22/11/1971; Ngày vào viện: 25/11/1971; Ngày về với gia đình: 6/4/1973.”

“Souer không để ý đến điều này, chỉ thấy trong sổ có duy nhất một cái tên Trần Thị Ngọc Bích, trùng hợp với tên mà cô Kim nói thì biết là cô nhi từng sống ở đây thôi. Đâu có ai chú ý hỏi về ngày tháng này làm gì.” Souer Mary nói.

Thiếu úy Trần Khắc Báo cũng cho rằng “chưa từng nghe nói về điều này.”

Một sĩ quan cao cấp của phòng xã hội thuộc sư đoàn TQLC từ năm 1968 đến 1975,  cho biết: “Nếu nói về trận chiến xảy ra tại Đại Lộ Kinh Hoàng thì chỉ có duy nhất một đứa bé được giao cho Phòng Xã Hội. Vì là trường hợp độc nhất nên tôi biết chứ, tôi chỉ không biết ai đưa nó đến và chi tiết như thế nào.”

“Tôi không biết là đưa đến cô nhi viện nào nhưng chắc chắn phải là cô nhi viện ở Huế, vì khi đó Phong Điền cách Quảng Trị chừng mấy mươi cây số làm sao mà chúng tôi đưa về Đà Nẵng được, làm gì có phương tiện. Chỉ đưa vào cô nhi viện ở Huế thôi.” Viên sĩ quan này khẳng định.

Như vậy, có phải chúng ta vẫn có quyền chờ đợi, hy vọng về một câu chuyện thật hay, một cuộc đời thật đẹp của cô Trần Thị Ngọc Bích, người từng có cơ may được người lính quân cụ và thiếu úy TQLC Trần Khắc Báo cứu sống năm xưa, xuất hiện cùng người lính ấy?

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT