Tuesday, April 23, 2024

Nổ lớn ở nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh khi sản xuất thử nghiệm

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả khu vực xảy ra tại nhà máy gang thép Formosa tại Vũng Áng, Hà Tĩnh, chiều 30 Tháng Năm khi đang trong tiến trình sản xuất thử nghiệm.

Vụ nổ làm dấy lên những âu lo về thảm họa môi trường do nhà máy này tạo ra khi nó tiếp tục được tiến hành kế hoạch sản xuất với các hệ quả được dự báo vô cùng khủng khiếp vì tiêu chuẩn an toàn không được chế độ Hà Nội tuân theo các chuẩn mực quốc tế.

Báo Tuổi Trẻ thuật lời ông Dương Tất Thắng, phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Qua kiểm tra ban đầu, các cơ quan chức năng xác định vụ nổ ở lò nung vôi của Formosa là do lỗi kỹ thuật của thiết bị lọc bụi. Do lò cao được bọc các tấm cách nhiệt kín, khi thiết bị lọc bụi phát nổ khiến các tấm cách nhiệt trong lò bị áp suất khiến vỡ vụn xuống thành từng mảnh.”

Theo báo này, hiện các chuyên gia nước ngoài cùng với cơ quan chức năng giám sát, tìm hiểu nguyên nhân.

Nguồn tin nói rằng lò luyện vôi này là công trình phụ trợ nằm tách riêng cách xa lò cao số 1 vừa đưa vào hoạt động thử nghiệm, không ảnh hưởng đến lò cao số 1. Việc khắc phục thiết bị lọc bụi của lò luyện vôi này sẽ mất khoảng hai tuần. Lò nung đá vôi thành vôi bột được dùng để khử lưu huỳnh trong tiến trình luyện thép.

Ông Chang Fu-ning (Trương Phục Ninh), phó chủ tịch điều hành nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nói với hãng thông tấn Reuters: “Các máy móc thu gom bụi phát nổ. Chúng tôi ngay lập tức cắt điện để kiểm soát an toàn. Chúng tôi đang cố tìm nguyên nhân tại sao lại xảy ra như vậy. Không có cháy, hư hại hay thiệt hại nhân mạng.”

Ông cho biết thêm, nhà máy “vẫn tiến hành các việc chạy thử lò luyện thép.”

Bên lề cuộc họp Quốc Hội ở Hà Nội, Bộ Trưởng Tài Nguyên-Môi Trường Trần Hồng Hà được tờ Tuổi Trẻ thuật lời chống chế cho vụ nổ rằng đây là sự việc “đáng tiếc nhưng không nguy hiểm.”

Theo ông bộ trưởng, vụ nổ cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình vận hành thử nghiệm lò cao số 1 (từ ngày 29 Tháng Năm) và xưởng luyện thép (dự trù bắt đầu từ ngày 1 Tháng Sáu) của Formosa.

Trước đó, ngày 3 Tháng Tư, ông Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, nói với báo chí: “Theo tinh thần chỉ đạo của thủ tướng, khi nào Formosa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động an toàn, không để xảy ra sự cố thì cho phép hoạt động. Còn nếu như hoạt động không đảm bảo an toàn thì sẽ tiếp tục đóng cửa. Đây là quan điểm nhất quán của người đứng đầu chính phủ.”

Dù ông Dũng “truyền đạt” ý kiến của ông thủ tướng như thế, cũng như bất chấp những âu lo của quần chúng, tin cho hay nhà máy gang thép Formosa vẫn thử chạy máy sản xuất từ nay đến cuối năm, sau đó sẽ chính thức sản xuất thương mại, cung cấp ra thị trường.

Hồi Tháng Tư, 2016, nhà máy Formosa xả hàng trăm tấn hóa chất độc hại ra biển, đầu độc một vùng biển kéo dài hơn 200 km từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Tất cả các loại sinh vật biển từ tôm, cua, cá đến san hô, rong đều bị tận diệt. Hàng triệu người bị ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế. Sau vài lần điều đình bí mật, tập đoàn Formosa đã chỉ bồi thường thiệt hại có $500 triệu.

Giới chuyên môn ước tính rằng muốn khôi phục lại môi trường biển miền Trung, cần phải đầu tư hàng chục tỷ đô la và mất nhiều thập niên. Số tiền mà Formosa trao cho nhà cầm quyền Việt Nam rất nhỏ bé so với sự thiệt hại mọi mặt cho người dân và biển miền Trung.

Người ta không biết chế độ Hà Nội đã phát ra bao nhiêu trong số đó cho dân chúng sống dọc theo biển bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và còn giữ lại bao nhiêu, để làm gì trong khi không hề có một cuộc nghiên cứu quy mô nào về tình trạng môi trường biển bị đầu độc hiện ra sao, cần phải làm gì để phục hồi và thời gian kéo dài bao lâu.

Rất nhiều cuộc biểu tình của người dân miền Trung đòi hỏi bồi thường công bằng và đầy đủ cho các sự thiệt hại mà họ đã phải chịu đựng và còn tiếp tục phải chịu đựng những năm tháng sắp tới. Chỉ thấy chế độ Hà Nội nói dối rằng biển miền Trung “đã an toàn” dù thỉnh thoảng người ta vẫn thấy cá chế dạt vào bờ, kể cả loài cá lớn như cá voi không phải là loài sống ở tầng đáy của biển.

Hai linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục thuộc Giáo Phận Vinh là các chỗ dựa tinh thần của ngư dân tỉnh Nghệ An đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải công bằng khi bồi thường thiệt hại. Hiện hai ông đang bị nhà cầm quyền mở chiến dịch đấu tố, bôi nhọ và kể cả đe dọa hành hung, bỏ tù. (TN)

Mặc dân phản đối, chính quyền Thái Bình quyết phá rừng xây khu công nghiệp

MỚI CẬP NHẬT