Tuesday, April 16, 2024

Phụ thuộc Trung Quốc, nông dân Việt chưa chết cũng trọng thương

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Đổ bỏ rau, củ, trái cây, nhìn gia súc, gia cầm và những sản phẩm từ chúng (thịt, trứng,…) rồi khóc ròng là điệp khúc trong nhiều thập niên nhưng nông nghiệp vẫn chuyển động theo định hướng từ Trung Quốc.

Thực trạng vừa kể không có gì mới, tuy nông dân đã khánh kiệt, nông nghiệp đã suy sụp, cách ứng phó duy nhất chỉ là những cuộc vận động “giải cứu” (kêu gọi mua dùm) mang tính tự phát của một số tổ chức, nhóm hoặc cá nhân còn hệ thống công quyền vẫn không làm gì cả.

Vụ “giải cứu” gần nhất xảy ra hồi hạ tuần tháng hai do các thành viên Câu Lạc Bộ Quản Trị và Khởi Nghiệp – nơi tập họp những sinh viên đang theo học các ngành liên quan đến kinh tế, tài chính của nhiều trường đại học ở Sài Gòn – thực hiện.

Vào thời điểm ấy, các thành viên của Câu Lạc Bộ Quản Trị và Khởi Nghiệp liên tục giới thiệu về “chuối nghĩa tình” trên Internet, kêu gọi mọi người hỗ trợ.

“Chuối nghĩa tình” là chuối ế ở Đồng Nai. Trước đó, nông dân nhiều huyện của tỉnh như Trảng Bom, Tân Phú, Định Quán, Thống Nhất,… lao vào trồng chuối theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng khi chuối chín hàng loạt thì thương lái mất dạng.

Trước tình trạng vừa kể, câu lạc bộ này quyết định đến Đồng Nai mua chuối và mang về Sài Gòn bán giúp nông dân.

Tuy nhiên, không phải lúc nào rau, củ, trái cây, gia súc, gia cầm và những sản phẩm từ chúng cũng được “giải cứu,” và không phải cuộc “giải cứu” nào cũng thành công.

Đó là lý do từ đầu năm đến nay, nông dân Việt Nam tiếp tục phải tham dự “canh bạc” do thương lái Trung Quốc bày ra và lại tiếp tục trắng tay.

Hồi đầu năm, những người nuôi heo ở nhiều nơi tại Việt Nam nghẹn ngào khi giá heo hơi rớt từ 40,000 đồng/ký xuống còn 28,000/ký vì Trung Quốc ngưng nhập heo. Lỗ nặng cả về công sức lẫn về vốn, nhưng nông dân phải bán đổ, bán tháo vì càng nuôi càng lỗ. Giá heo hơi tiếp tục tụt xuống và tính ra còn rẻ hơn rau!

Sau heo tới gà. Giá bán gà tuột từ 26,000 đồng/ký xuống còn 16,000 đồng/ký. Rồi chuyện tương tự tiếp tục lặp lại với hoa, cà chua,… Ngay vào lúc này, điều tương tự đang diễn ra với dưa hấu ở Quảng Ngãi, Trà Vinh. Thương lái Trung Quốc lắc đầu, giá dưa hấu tụt xuống còn 1,000 đồng/ký! Nông dân Việt Nam vẫn chỉ có một lựa chọn duy nhất: Hoặc đem công sức, vốn liếng của mình cho… bò ăn. Nếu không có bò, hoặc bò ăn không được, thì để mặc cho nông sản mình làm ra héo rũ, mục thối ngoài ruộng, vườn!

Đáng ngạc nhiên là giới lãnh đạo các ngành, chính quyền các địa phương vẫn chỉ ca một bài. Đó là đã “cảnh báo” về “nguy cơ” trồng theo, nuôi theo đơn đặt hàng của thương lái Trung Quốc nhưng nông dân không nghe. Hệ thống công quyền Việt Nam đã soạn ra kế hoạch phát triển “tam nông” (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) từ lâu. Kế hoạch này đã ngốn hàng trăm ngàn tỷ cho đủ thứ, từ thay đổi diện mạo nông thôn (chương trình xây dựng nông thôn mới), dạy nghề cho nông dân (kiểu như một xã có tới 600 người “đăng ký” học nghề… thiến heo) nhưng vẫn không thể hướng dẫn nông dân trồng gì, nuôi gì và cũng không thiết lập được mạng lưới tiêu thụ, xuất cảng nông sản. Những điểm thiết yếu đó vẫn do thương lái Trung Quốc nắm giữ.

Mới đây, trong một cuộc trò chuyện với Infonet về những cuộc “giải cứu” cả nông sản lẫn nông dân, ông Đào Thế Anh, viện phó Viện Cây Lương Thực và Thực Phẩm của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, thú nhận, “giải cứu” chỉ là giải pháp tạm thời. Sở dĩ phải liên tục áp dụng loại giải pháp “cực chẳng đã” đó vì nông nghiệp, nông dân Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi không đủ thông tin và các giao dịch thương mại chỉ thuộc dạng tiểu ngạch, chứ không ký được những hợp đồng rành mạch.

Cùng thảo luận về chủ đề này, ông Lê Đức Thịnh, cục phó Cục Kinh Tế Hợp Tác – Phát Triển Nông Thôn của Bộ Nông Nghiệp – Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, nhấn mạnh, đó là hậu quả từ sự vắng mặt tầng lớp trung gian, nông sản không tiếp cận được với thị trường. Ông Vũ Vinh Phú, chủ tịch Hội Siêu Thị Hà Nội, thì than, bởi có quá nhiều trung gian, một con heo phải gánh tới 51 loại phí nên giá bán cao, thị trường không chấp nhận,…

Các cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn như đã từng xảy ra. Chính sách “tam nông” vẫn được “tổng kết” hàng năm, năm nào cũng có “một số chuyển biến tốt” và “một số tồn tại.” Nông nghiệp tiếp tục lụn bại, nông dân tiếp tục khánh kiệt. (G.Đ.)

MỚI CẬP NHẬT