Saturday, April 20, 2024

Quân đội Trung Quốc sẽ ‘nghênh cản và bám theo’ trên Biển Ðông

BẮC KINH (NV) – Hải Quân và Không Quân Trung Quốc sẽ nghênh cản các máy bay muốn xâm phạm và bám theo các tàu quân sự của nước ngoài “trong các vùng trong phần trách nhiệm của chúng tôi” trên Biển Ðông.

Bên lề cuộc họp của Quốc Hội Trung Quốc, Vương Duy Minh (Wang Weiming) phó tổng tham mưu trưởng Hải Quân Trung Quốc nói trong cuộc phỏng vấn của Tân Hoa Xã về những gì họ làm để đối phó với những cuộc tuần tra hải hành và phi hành của lực lượng Hoa Kỳ.

Câu trả lời tổng quát của ông Vương Duy Minh không cho người ta hiểu các hành động “bám theo” hoặc bay “nghênh cản” tàu và máy bay nước ngoài khi họ có mặt trên cả Biển Ðông, trong phạm vi “lưỡi bò” hay chỉ bên trong phạm vi 12 hải lý.

Tháng Mười năm 2015, khi khu trục hạm USS Lassen của Hải Quân Mỹ di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo nhân tạo Subi mà Trung Quốc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa. Hai chiến hạm Trung Quốc cũng đã bám theo và lên tiếng xua đuổi nhưng chiến hạm Lassen vẫn tảng lờ và di chuyển theo lộ trình đã được xếp đặt.

Trong Quốc gọi là “chủ quyền” nhưng Hoa Kỳ, theo định nghĩa của Công ước Quốc tế về Luật Biển, coi những vùng này là vùng biển quốc tế. Ðảo nhân tạo không được dùng làm vị trí căn bản để xác định chủ quyền.

Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, Tháng Bảy 2016, đã ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền hình “lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm hơn 80% Biển Ðông. Dù vậy, cậy thế nước lớn có lực lượng quân sự hùng mạnh, Bắc Kinh tuyên bố phủ nhận phán quyết của tòa.

“Thủy thủ của chúng tôi phải cảnh giác và có thể đối phó với mọi tình huống khẩn cấp trong mọi lúc,” ông Vương Duy Minh nói.

Lời bình luận của Vương Duy Minh về nghênh cản máy bay nước ngoài có thể là điềm báo trước về một tuyên bố Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) mà Trung Quốc có thể áp đặt trên Biển Ðông.

Năm 2013, Bắc Kinh đã tuyên bố Vùng Nhận Dạng Phòng Không trên Biển Hoa Ðông, nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, nhưng đều bị Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ không chấp nhận. Các nước này đã cho máy bay quân sự bay qua vùng biển Hoa Ðông và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền mà không thông báo cho Bắc Kinh.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Ðài Loan tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ đối với quần đảo Trường Sa. Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với Hải Quân VNCH. Ðến năm 1988 Trung Quốc cướp tiếp một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa nay đã bồi đắp chúng thành những đảo nhân tạo và xây dựng thành những căn cứ quân sự khổng lồ trên Biển Ðông.

Trước tin tức Nhật Bản đưa mẫu hạm trực thăng tới Biển Ðông, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm Thứ Ba, 14 Tháng Ba 2017, nói trong cuộc họp báo là Trung Quốc muốn nghe Nhật Bản chính thức thông báo tại sao nước này lại đưa tàu Izumo đi tới Biển Ðông 3 tháng và mong nước Nhật “có tinh thần trách nhiệm.”

Nhiều lính Miến Điện thiệt mạng khi đụng độ với bộ tộc thiểu số

“Nếu đó là chuyến thăm viếng bình thường, đi qua một số quốc gia cũng như đi ngang qua Biển Ðông thì chúng tôi không có gì phản đối.” Nhưng bà này nói thêm rằng, “Nếu nó tới Biển Ðông với những ý định khác, thì đó là chuyện khác.”

Trong khi bà Hoa Xuân Oánh bày tỏ nghi ngờ chủ đích của Nhật đưa tàu tới Biển Ðông, Tokyo cũng cảm thấy bất an khi Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng tài khóa tới lên khoảng 152 tỉ đô la. Tướng Từ Quang Dụ (Xu Guangyu) một tướng lãnh hồi hưu của Trung Quốc nói trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo tuần trước rằng ngân sách mới của nước này sẽ giúp tăng cường sức mạnh của hải quân cả tại vùng biển Hoa Ðông cũng như Biển Ðông.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo cũng dẫn lời Lý Kiệt (Li Jie) một chuyên viên phân tích quân sự hải quân thường được báo chí nhà nước phỏng vấn bình luận, nói khu vực biển phía Ðông Trung Quốc sẽ là trọng tâm mà Trung Quốc khai triển lực lượng hải quân vì liên quan đến lợi ích cốt lõi cũng như chủ quyền đất nước. (TN)

MỚI CẬP NHẬT