Thursday, April 18, 2024

Sài Gòn, còn đó nghề nuôi gà thuê cho dân ‘đá độ’

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Với người Sài Gòn, chuyện đá gà ăn tiền dù có gầy độ kiểu tài tử ở hẻm phố hay lùm bụi ngoại ô thì cũng vẫn bị coi là “tệ nạn.” Nhưng khi nói về những người nuôi gà đá để tiêu khiển hay nuôi thuê mướn để kiếm cơm độ nhật qua ngày thì lại là chuyện cần nhìn rộng lòng hơn để hiểu thêm đời sống và đời làm nghề ở góc khuất của đô thị.

Cả xóm mọi người đều gọi ông là Hai Gà, tên thật ông là gì, chắc chỉ còn ông tổ trưởng dân phố là biết và nhớ. Điều này vốn không lạ, vì người bình dân Sài Gòn xưa nay vẫn có thói quen tự đặt tên thường gọi của người hàng xóm theo nghề nghiệp của họ, như anh Sáu Xe Ôm, bác Ba Nước Đá, bà Bảy Bánh Mì…

Ông Hai Gà đích thị là người sống bằng nghề nuôi gà, ông không nuôi gà thịt hay bán gà thịt mà ông Hai Gà suốt từ trẻ đến nay chuyên nghiệp nghề nuôi gà đá độ. Có người thấy khó tin, sao xứ Sài Gòn ngày nay vẫn có người cả đời chỉ kiếm sống bằng mỗi cái nghề nuôi gà thuê cho người ta ôm đi đá độ, chớ người tự nuôi gà đá rồi đưa gà đi trường gà thì thiếu gì.

Ông Hai Gà năm nay qua tuổi bảy mươi, dịch vụ nuôi gà thuê tại gia của ông tính ra cũng phải có hơn năm mươi năm tuổi nghề. Chúng tôi về ở gần xóm với ông ba mươi sáu năm, tận mắt chứng kiến nghề của ông và gà ông nuôi vượt qua nhiều trận càn quét lớn nhỏ của các dịch cúm gà, cũng như các cao trào săn bắt gà chống tệ nạn đá gà ăn tiền của công an.

Ông Hai Gà có dáng đi khập khiễng do tàn tích chiến tranh ngày trước còn lưu dấu trên thân thể người phế binh. Ông không bao giờ kể về đời lính, dù là để tự hào hay than trách mà chỉ thường khoe những năm tháng đời lính trẻ lên hương trong việc nuôi bầy gà đá cho một vị tướng không quân mê gà đá khét tiếng. Chính nhớ kinh nghiệm tuyển gà, chăm gà đá này mà đến thời kỳ bao cấp, cả Sài Gòn sống trong cảnh thịt tem phiếu chớ riêng nhà ông thì lại thừa thịt gà đá “bị tử trận.”

Có thể nói căn nhà nhỏ khoảng 20 mét vuông, vách gỗ, mái tôn của ông đã đón ít nhất hai ba thế hệ dân chơi, cặp nách gà đá hay xách túi đệm đựng gà đến nhờ ông ra tay nghề quần sương, tẩm nghệ, tắm nắng, mát-xa, hút đờm… cho con gà cưng trước khi đưa nó ra đấu trường sinh tử.

Có người ăn nên làm ra rời xóm, khi có dịp trở lại than thở với ông Hai Gà là sống thiếu tiếng gà gáy của ông có khi cũng thấy buồn buồn. Tất nhiên cách nói lấy lòng đó thuộc về người đô thị lớp trước, lớp còn chút tình thương nhớ đồng quê, chớ thế hệ mới ngày nay thức khuya, ngồi máy chơi game, nghe nhạc, coi phim… sáng tinh mơ mà bị mấy con gà sắp lên đường tử chiến cất tiếng giục giã buổi bình minh thì họ cứ nhè ông mà chửi thề.

Có ở gần người nuôi gà thuê cho dân đá độ mới biết kỳ công người chăm gà đá. Ngay cái cảnh ông Hai Gà dùng miệng hút đờm nhớt cho cặp gà sau khi xổ (đá thử, đá dợt) thì người nhạy cảm cũng muốn ói theo. Theo ông Hai Gà thì thời trước dân chơi gà độ hào phóng hơn thời nay, nuôi gà cho họ họ nuôi mình và gia đình mình sống tử tế. Ngày nay không tìm đâu ra dân chơi thứ thiệt đó nữa. Ngay đến con gà cũng vậy, chẳng còn thấy ai thương con gà đá hay như thương “quí tử” hay trọng con gà rặt nòi như “chiến tướng” nữa.

Khi được hỏi về tiền công chăm gà, ông Hai Gà cho biết là dân chơi đem con gà đến cho mình nuôi, bỏ ra ít tiền cho mình cà phê với mua lúa cho gà, nhưng phải ôm gà theo họ đi đá độ, tùy theo thắng độ lớn hay độ nhỏ mà họ bo cho mình như bo cho gái bia ôm, còn thua thì xù, coi như làm không công.

Riêng với con gà thua độ thì chẳng chủ gà nào còn màng đến việc mướn mình chăm sóc, trị thương tích nó như người chơi ngày xưa, con gà đá ngày nay dù hay đến đâu đi nữa cũng bỏ cho chết, kiếm con khác chồng độ khác, bán xe, bán nhà ăn thua đủ cho hả máu me cơ bạc là chính, chớ đâu phải như xưa coi đá gà là một thú chơi.

Với một người gần như có cả cuộc đời được các con gà đá độ nuôi sống như ông Hai Gà thì cái chuyện lơ tơ mơ tưởng đến thời huy hoàng của món chơi “nghệ thuật” đá gà như ngày xưa cũng không có gì quá đáng.

Ông có tánh người Nam hiền lành đến trầm mặc, cả xóm thường chỉ nghe tiếng vợ ông rầy rà ông chớ chẳng mấy khi nghe ông lớn tiếng. Có khi vào mùa gió bấc về, dân chơi đem gà đến thuê ông nuôi để đá mùa Tết đầy cả sân, nhìn cảnh hai vợ chồng già bắt ghế ngồi ngoài trời gió bụi, canh cho đám gà nòi, gà tre đủ cỡ tắm nắng hàng giờ mà thương.

Cứ mỗi đầu đêm, hàng xóm nhìn ông Hai Gà thắp nhang trên bàn Thiên, người ta không biết ông có tưởng tới hồn của biết bao con gà đá đã qua tay chăm sóc của ông không, nhưng người ta biết chắc một đều là các con gà đá “thế hệ” mới vẫn tiếp tục không cho ông về hưu và tiếp tục nuôi sống đôi vợ chồng già của ông.

Đất Sài Gòn thật kỳ diệu với nhiều nghề kỳ dị ở khắp các xó xỉnh nuôi sống biết bao đời người mà không cần làm phiền đến hệ thống an sinh xã hội nào.

MỚI CẬP NHẬT