Thursday, March 28, 2024

Sài Gòn, khi người dân ‘sống trong sợ hãi’

“Nhân từ” hơn, có một số cơ sở sản xuất chà bông gà từ nguyên liệu là… bã sắn dây.

Bột sắn dây, được lấy từ cây sắn dây (ngoài Bắc). Khi đã lấy hết tinh bột, thì phần bã thải ra, có hình dạng giống như là… chà bông. “Nhà sản xuất” chỉ việc xịt thêm hóa chất tạo màu, tạo mùi là ra chà bông gà, chà bông heo… tùy thích. Và loại chà bông “đểu” này được bán với giá là 100 ngàn đồng/1 ký. Trong khi chà bông thực sự làm từ gà thật phải có giá là 500 ngàn đồng/ký. Do vậy, dân Sài Gòn thường có câu “Người mua lầm, chứ người bán thì không có lầm.”

Vì vậy, nếu không có chỗ thực sự quen biết, tin tưởng để mua bột sắn dây. Thì người mua sẽ mua phải bột khoai mì, dĩ nhiên cũng đã được “chế biến” bằng hóa chất.

Ly kỳ nhất của “công nghệ hóa chất” là có thể biến từ thịt heo thối, thành ra… thịt bò tươi.

Đầu tiên, miếng thịt thối được ngâm hóa chất cho săn chắc lại. Sau đó có một chất bột tạo ra màu thịt tươi, và sau cùng nhúng thịt vào máu bò tươi…

Mới đây, cơ quan chức năng ở Sài Gòn bắt được 700 tấn thịt “không rõ nguồn gốc.” Thực ra đó là tên gọi khác của các loại thịt thối đã được xử lý bằng hóa chất, đem bỏ mối cho mấy tiệm… bò-né.

Đáng kể nữa, phải nói tới thuốc kích thích tăng trưởng được dùng vô tội vạ trong chăn nuôi cũng như cây trồng.

Công an Tiền Giang bắt được hai “kỹ sư” Tàu cộng, đang tận tình hướng dẫn nông dân miền Tây xịt thuốc kích thích tăng trưởng cho cây trồng.

Trong khi công ty dịch vụ sân bay Nội Bài, nhập trái cây Trung Quốc, nhưng lại dán nhãn hàng Việt Nam để giả hàng “đặc sản,” bán cho hành khách làm quà quý biếu tặng người thân.

“Thời loạn trị” nên đậu phụ (tàu hũ) được bỏ thạch cao cho mau đông. Giá sống được xịt thuốc tăng trưởng cho mau ra giá và cọng mập. Bánh phở, hủ tiếu… được bảo quản bằng formol (chất dùng để ướp xác)…

 

Chỉ thị suông

 

Hàng năm Việt Nam đều có ban hành chỉ thị: Tăng cường và tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm. Nhưng cán bộ cấp cơ sở (phường, xã) thì than phiền là họ làm không xuể, vì có vô số hàng trôi nổi, vô số gánh hàng rong, tiệm ăn “di động,” buôn bán vãng lai. Mà phương tiện kiểm tra chỉ có mắt và… tay. Hoàn toàn không có thiết bị phát hiện chất độc hại…

Cơ quan chuyên môn Bộ Y Tế (chủ quản của Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm) trong một báo cáo cho biết, “Việt Nam chỉ có 14 trong số 64 tỉnh thành là có phòng xét nghiệm. Trong khi 75% nhân sự làm việc trong lãnh vực quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm không hề có bằng cấp chuyên môn.”

Thực phẩm bán trong siêu thị cũng phải trương bảng “an toàn thực phẩm” để trấn an người mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Thực phẩm bán trong siêu thị cũng phải trương bảng “an toàn thực phẩm” để trấn an người mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)

Tại Quảng Trị,mới đây khi kiểm tra một kho đông lạnh, phát hiện có 30 tấn cá nục có chứa chất phenol (chất này từng được Đức quốc xã sử dụng trong phòng hơi ngạt để diệt chủng người Do Thái). Sở Y Tế Quảng Trị ra thông báo chất phenol cực kỳ độc hại, tuyệt đối không sử dụng trong thực phẩm. Nhưng Cục Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm (thuộc Bộ Y tế) thì tuyên bố chất phenol không bị cấm…

Sống trong sợ hãi thường trực hàng ngày, hãi hùng trong từng miếng ăn.Vì ăn là tự đầu độc mình, một xứ sở như vậy thì còn có gì đáng để mà sống?

Nếu Việt Nam không có được một cơ quan như FDA của Hoa Kỳ. Thì sự suy tàn và diệt vong có lẽ cũng không còn là điều cần phải tranh cãi gì cho lâu lắc.

MỚI CẬP NHẬT