Thursday, March 28, 2024

Sao chỉ hài tội Võ Kim Cự, Nguyễn Minh Quang?

HÀ NỘI 24-4 (NV) – Không phải các ông Võ Kim Cự, cựu bí thư tỉnh Hà Tĩnh và ông Nguyễn Quang Minh, cựu bộ trưởng Tài Nguyên – Môi trường giám “quyết” mà phải cấp trên cao hơn phải chịu tội về vụ Formosa.

“…những vi phạm liên quan tới sự cố môi trường biển không phải là chuyện của một mình cá nhân ông Cự. Ông Cự không thể tạo nên vi phạm nếu không được các bên liên quan ‘gật đầu’. Và trách nhiệm đó còn thuộc về các Bộ, ngành, thậm chí là cao hơn nữa”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Thường trực Quốc hội CSVN, phát biểu như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo Giáo Dục Việt Nam hôm Thứ Hai 24/4/2017.

Những gì ông Trần Quốc Thuận nêu ra từng được cánh “lề trái” nói đến lâu nay. Ông Thủ tướng hồi đó là Nguyễn Tấn Dũng đến Vũng Áng dự lễ khởi công xây dựng nhà máy Formosa và sau đó, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đến thị sát.

Khi Formosa thải hàng trăm tấn hóa chất kịch độc ra biển hồi Tháng Tư 2016, tất cả mọi loài tôm cá, sinh vật biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế hơn 200km bị tận diệt. Đời sống dân chúng các tỉnh dọc theo biển từ Nghệ An xuống phía nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà cầm quyền đã phải phát gạo cho dân các làng ngư dân để họ sống cầm hơi.

Rất nhiều cuộc biểu tình của người dân Việt Nam đã diễn ra tại các tỉnh bị ảnh hưởng, và cả tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội . Không ai có thể ngờ là một thứ thảm họa khủng khiếp như thế lại đổ ập lên đầu hàng triệu người.

Tuần vừa qua, hệ thống báo đài của Hà Nội đồng loạt loan tin chính ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng chủ tọa phiên họp vào các ngày 18 và 21/4/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, rồi đưa ra hình thức “kỷ luật cảnh cáo” đối với ông Nguyễn Minh Quang, nguyên Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường.

Đồng thời “kỷ luật cách chức” các chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Võ Kim Cự, bao gồm cách chức cả các chức vụ: Bí thư Ban cán sự đảng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Cùng bị “kỷ luật” trong vụ này, “kỷ luật cách chức” Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016 đối với hai ông nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường là Bùi Cách Tuyến và Nguyễn Thái Lai. Tức cũng là “cách” cái chức không còn giữ.

Ông Võ Kim Cự, theo bản tin TTXVN viết thì “đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định…; thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Dự án”.

Tuy phạm tội “cố ý làm trái” có nêu rõ ràng trong luật hình sự của chế độ nhưng ông Võ Kim Cự lại chỉ bị lột mất các chức vụ ông ta không còn giữ nữa. Từ tháng Mười 2015, ông được đẩy sang làm Bí thư, Chủ tịch đoàn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020, đồng thời là “đại biểu Quốc hội” đơn vị Hà Tĩnh, thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Tháng Bảy 2016, khi cho báo VNExpress phỏng vấn để ông chống đỡ cho các lời cáo buộc về trách nhiệm của ông trong vụ Formosa, ông Võ Kim Cự kể cho biết tuy tỉnh của ông đã cấp giấy phép đầu tư cho Formosa, nhưng đã trình lên “lấy ý kiến thủ tướng” và đã được chấp thuận chứ không phải địa phương “mặc áo qua khỏi đầu”.

Theo thứ tự thời gian, VNExpress kể lại tóm tắt trình tự cấp giấy phép đầu tư : “Ngày 6/1/2008, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký thay Chủ tịch tỉnh công văn gửi Thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) báo cáo và đề nghị Thủ tướng, các bộ ngành liên quan cho phép Tập đoàn Formosa lập dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện các dự án: Cảng nước sâu Sơn Dương; nhà máy liên hợp luyện thép tại khu kinh tế Vũng Áng.”

“Ngày 4/3/2008, Thủ tướng có ý kiến đồng ý chủ trương, giao UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng hướng dẫn nhà đầu tư lập dự án đầu tư và hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổ chức thẩm định dự án theo Luật đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định.

“Ngày 2/6/2008, UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có công văn xin chủ trương hai dự án trên. Ngày 6/6/2008, Thủ tướng có ý kiến: Về nguyên tắc đồng ý việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa – Đài Loan thực hiện dự án đầu tư khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Vũng Áng. UBND tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu ý kiến các bộ, ngành trung ương hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan, chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng tổ chức thẩm định và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án theo quy định hiện hành; kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của dự án…”

“Ngày 12/6/2008, Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh.”

Đúng 12 giờ 30 ngày 2/12/2012, ông “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo một số bộ, ban ngành trung ương, địa phương cùng lãnh đạo Formosa đã nhấn nút chính thức khởi công Nhà máy luyện gang thép”, theo tường thuật trên tờ VNExpress.

Như vậy, “ăn ốc” là một dọc từ trên xuống dưới gồm cả mấy người ngồi ở Bộ Chính Trị, nhưng chỉ có vài người bị bắt đi “đổ vỏ”. Ông luật sư Trần Quốc Thuận không dám chỉ mặt đặt tên những ai bên trên các ông Võ Kim Cự và Nguyễn Minh Quang phải “đổ vỏ”.(TN)

Mời độc giả xem phóng sự: “Tấm lòng vàng của người thợ may hơn 90 tuổi”

MỚI CẬP NHẬT