Thursday, March 28, 2024

Sau Tết biểu tình bùng phát ở Việt Nam

VIỆT NAM (NV) – Ngay sau Tết Đinh Dậu, trong hai ngày 5 và 6 Tháng Hai, đã có hai cuộc biểu tình, một xảy ra ở thành phố Hà Nội, một xảy ra ở tỉnh Quảng Bình.

Theo báo chí Việt Nam, sáng 6 Tháng Hai, các tiểu thương Chợ Gốm Bát Tràng ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, đã đổ đến cổng ngôi chợ này căng biểu ngữ, đánh trống phản đối Công Ty Sứ Bát Tràng đột ngột khóa cổng, không cho họ vào trong buôn bán.

Chợ Gốm Bát Tràng được tạo lập trên thửa đất của Xí Nghiệp Gốm Sứ Bát Tràng – doanh nghiệp thuộc Sở Công Thương Hà Nội. Năm 2003, xí nghiệp này cho hàng trăm tiểu thương thuê đất. Họ bỏ tiền xây dựng các kiosque và buôn bán tại đó suốt từ 2003 đến nay.

Tháng Sáu năm ngoái, xí nghiệp được cổ phần hóa và trở thành Công Ty Cổ Phần Sứ Bát Tràng.

Sáng 6 Tháng Hai, khi đến chợ, các tiểu thương thấy cổng của chợ bị khóa và một thông báo, theo đó, công ty tạm thời dừng hoạt động kinh doanh của các kiosque tại khu hành chính để sửa chữa, cải tạo mặt bằng trong khuôn khổ mà công ty được phép quản lý và sử dụng.

Để hạ nhiệt, đến trưa ngày 6 Tháng Hai, chính quyền xã Bát Tràng và chính quyền huyện Gia Lâm đã tổ chức phá khóa, mở cổng chợ cho tiểu thương vào buôn bán như trước nhưng ngay sau đó, công ty đã cho người đến đào hố giữa sân chợ và tiểu thương chợ Gốm Bát Tràng biểu tình trở lại…

Trước đó vào trưa ngày 5 Tháng Hai, hàng trăm người cư trú tại xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, đã tuần hành đòi cách chức trưởng và phó thôn Cồn Sẻ, đồng thời đòi phải xét lại việc bồi thường sao cho thỏa đáng đối với những gia đình nuôi cá bè bị thiệt hại nặng nề vì chất độc do nhà máy thép của tập đoàn Formosa xả ra biển.

Một số hình ảnh và video clip được đưa lên Internet cho thấy, những người biểu tình ở xã Quảng Lộc đã giương cao các biểu ngữ cho rằng họ không phải là bò nên đừng mị dân, họ sẽ không ngưng phản kháng nếu không bồi thường thỏa đáng, đồng thời đòi phải minh bạch, công khai khi xét bồi thường.

Trò chuyện với BBC, Linh Mục Hoàng Anh Ngợi, phụ trách Giáo Xứ Cồn Sẻ, ước đoán, có từ 200 đến 300 người tham gia phản kháng. Đây là những gia đình chưa được nhận tiền bồi thường.

Tại thôn Cồn Sẻ có 94 gia đình nuôi cá bè nhưng chỉ có 79 gia đình được bồi thường với số tiền khoảng 100 triệu đồng/gia đình. Người ta không rõ tại sao các cán bộ thôn lại được giao đảm trách việc xét bồi thường và tại sao các cán bộ thôn có thể ưng ai thì cho, còn không ưng thì từ chối, bất kể người mà họ không ưng có thiệt hai hay không. Chính vì các cán bộ thôn không thèm giải thích lý do tại sao lại bồi thường cho gia đình này mà từ chối bồi thường cho gia đình khác nên dân chúng mới tuần hành phản đối.

Nghi án một du khách Úc chết bí ẩn ở vịnh Hạ Long

Sau khi xả nước thải có chất độc ra biển, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngư nghiệp, du lịch, dịch vụ ở bốn tỉnh phía Bắc miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), tập đoàn Formosa đã thỏa thuận với chính phủ Việt Nam rằng sẽ chi $500 triệu (khoảng 11,000 tỉ đồng) để bồi thường cho các nạn dân.

Đến nay, chính quyền Việt Nam chỉ mới chi ra chừng 4,700 tỉ đồng. Trong đó có 3,000 tỉ đồng được chi hồi cuối năm ngoái và 1,700 tỉ mới chi trước Tết Âm Lịch vừa qua. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT