Wednesday, April 24, 2024

Tân Thành, chợ ‘nghĩa địa’ xe gắn máy lớn nhất Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Thật khó để biết số lượng xe gắn máy ở Sài Gòn. Nhưng dám chắc là trong hơn 10 triệu dân cư mà Sài Gòn hiện có, trừ trẻ em chưa đủ tuổi thành niên và người già tay run, gối mỏi thì hầu hết mỗi người đều ôm một chiếc xe gắn máy, có người sắm tới hai ba chiếc như sắm món hàng thời trang.

Với số lượng xe gắn máy nhiều vô kể và đủ các thương hiệu, có cái sản xuất từ thời Tây, vậy sao không thấy Sài Gòn có nghĩa địa xe máy nào, như kiểu ở các nước phương Tây có nghĩa địa xe hơi? Thật ra xe máy Sài Gòn không bao giờ được đưa vô nghĩa địa làm sắt vụn, dù là đã sét hay lỗi mốt đến cỡ nào cũng đều được đưa ra chợ trời xe máy, và trong mỗi cái chợ trời như vậy bạn có thể tìm mọi món phụ tùng của mọi loại xe từng lăn bánh trên đường, kể cả các loại xe sản xuất từ thế kỷ 20.

Không kể các chợ trời xe gắn máy từ nhỏ tới lớn có mặt khắp Sài Gòn. Trong các chợ trời này, nổi tiếng và tồn tại lâu đời nhất Sài Gòn là chợ trời Tân Thành ở quận 5. Qui mô của chợ trời Tân Thành xuyên qua các con đường tấp nập mua bán như Bùi Hữu Trí, Ðỗ Ngọc Thạnh, Tân Hưng, Tân Thành, Hà Tôn Quyền, Dương Tử Giang, Phạm Hữu Trí,…

Theo chân một người chơi xe Mobylette cổ, chúng tôi ghé vào một sạp không tên, không số, chỉ thấy bày ngay ra lòng đường,… một mớ đồ sét xẹt đáng để đưa vào lò nấu sắt vụn.

Ðây là một trong nhiều con đường trở thành chợ nghĩa địa xe máy Tân Thành. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Ðây là một trong nhiều con đường trở thành chợ nghĩa địa xe máy Tân Thành. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Vì không thấy người bán nên người mua phải lớn tiếng hỏi, lập tức có một tay mặc áo thun ba lỗ, quần đùi chạy tới hỏi, “Mấy anh kiếm đồ gì?” Khi biết tay chơi xe cổ muốn tìm cái cặp gác chân hàng zin cho người ngồi yên sau của xe Mobyllete. Người bán nhanh miệng nói, “Bảy trăm ngàn một cặp ($30), không trả giá, chịu thì mở kho lấy liền.”

Không phải chuyện giá cả trên trời cho một cặp gác chân bằng hình chữ U của thứ xe cổ lỗ sĩ, cái chính là cái kho xập xệ chừng 10m2 của tay bán đồ phụ tùng này có đủ loại phụ tùng từ Mobyllete, Goebel, Puch, Sachs, Honda PC50, Vespa,… Khi thấy đống đồ xe gắn máy cổ trị giá tiền tỉ trong kho, người chơi xe cổ nói, “Cha chứa đồ từ hồi nào mà đủ món ăn chơi hết vậy, phục sát đất luôn nghe.”

Nếu muốn đi tìm dân kế thừa mánh lới đầu cơ tích trữ một thời vàng son ở Chợ Lớn thì có lẽ nên đến chợ trời xe máy Tân Thành. Ở chợ này có câu châm ngôn ngoài cửa miệng dành cả người mua và bán: Muốn gì cũng có chỉ sợ không có tiền.

Bên cạnh việc trữ hàng phụ tùng các loại xe cổ thì chợ Tân Thành cũng lừng danh chuyện hô biến xe mới chôm chỉa thành từng món phụ tùng rời để bán cho khách. Không có gì quá đáng khi cho rằng, chợ Tân Thành là nơi cạnh tranh không hợp pháp trong việc bán đồ phụ tùng chính hãng với các đại lý ủy quyền của các hãng xe gắn máy hiện có mặt khắp Sài Gòn.

Một tay có thâm niên trụ ở chợ Tân Thành kể, “Vấn đề là ông biết coi đồ zin hay biết nhìn ra đồ dỏm không, chớ cỡ như xe SH của Honda Việt Nam mới ra chưa được đầy tháng, thì ông ra đây, có đủ đồ để thay cho ông, bảo đảm rẻ hơn đồ chính hãng.”

Một góc chợ với các sạp bán đồ phụ tùng xe đủ loại. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Một góc chợ với các sạp bán đồ phụ tùng xe đủ loại. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi hỏi đùa, “Như loại SH300i của Honda mới ra giá gần $11,000 ông có phụ tùng thay không?” Tay lão làng này cười khì khì nói, “Tụi này a lô một tiếng là bên Thái đưa đồ về ngay, muốn đồ gì cũng có chỉ sợ không có tiền.”

Thật ra thị trường chính mà người dân mua bán ở chợ Tân thành khai thác chính là các món đồ phụ tùng giá rẻ từ các dòng xe gắn máy lỗi mốt của giới trung lưu, nhưng vừa túi tiền người lao động nhập cư. Một sinh viên, quê từ Bình Ðịnh, mang từ quê vô Sài Gòn chiếc xe gắn máy Trung Quốc bèo bọt để làm chân, anh chàng này ngày đi học, tối đi làm bồi bàn quán nhậu, để dành được tiền cứ ra chợ Tân Thành thay dần đồ phụ tùng, vậy là chẳng đầy năm anh có được chiếc xe đẹp chở bồ đi chơi, xe giấy tờ là xe Trung Quốc nhưng toàn là đồ zin xe “Dream Thái.”

Khi đặt vấn đề, ngại xe thay đồ không đúng số sườn số máy trên giấy tờ xe. Một anh làm nghề giao nước đá, có ba bốn chiếc xe để thồ hàng, thứ xe nát đến mức công an giao thông có thấy cũng ngó mặt đi chỗ khác. Anh chàng Bắc mới nhập cư này nói, “Xe nào nát quá chúng em cứ chạy ra chợ này vất cho các anh bán phụ tùng, chi thêm vài trăm nghìn là mang xe khác về. Còn các bác công an ư, đằng nào thì các bác ấy cũng đòi tiền đút túi, lo gì.”

Nếu ví Việt Nam là một vương quốc xe gắn máy và gọi chợ xe máy Tân Thành như một nghĩa địa phụ tùng xe máy lớn nhất Sài Gòn và cả nước cũng không có gì quá đáng.

Có người còn dự đoán rằng: “Tình yêu” dành cho xe gắn máy của người Sài Gòn là bất tử. Có khi tới thế kỷ thứ 22 con cháu các chủ sạp bán đồ phụ tùng xe máy ở chợ Tân Thành không dại gì mà từ chối quyền kế thừa thị trường ngon ăn này.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Tư, ngày 15 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT