Wednesday, April 24, 2024

Thiếu tiền, Việt Nam lại lùi dự án điện hạt nhân

HÀ NỘI (NV) – Không có tiền, dự án điện hạt nhân ở Việt Nam có thể lùi mãi không biết đến bao giờ mới tái khởi động.

Hãng tin Kyodo News nói dựa vào các nguồn thông tin từ nhà cầm quyền Việt Nam, thì các dự án xây dựng các lò điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam do Nga và Nhật xây dựng ở miền Trung vẫn tiếp tục bị đình hoãn vì tình hình tài chính không cho phép.

Nguồn tin nói rằng nhà cầm quyền trung ương đang soạn thảo một bản điều chỉnh lại dự án xây dựng điện hạt nhân để đệ trình Quốc Hội với lý do vào lúc này tình hình tài chính “cực kỳ khó khăn” nên không thể tiến hành như đã từng ước tính.

Quốc Hội CSVN đã thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2009. Theo những tin tức thời đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, với kỹ thuật và tài trợ tài chính của Nga, sẽ được khởi công vào năm 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vào vận hành trong năm 2020. Một năm sau khi thông qua dự án với kỹ thuật của Nga thì Việt Nam cũng thỏa thuận để Nhật Bản tài trợ và xây dựng nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.

Tuy nhiên, thời gian khởi công các dự án diện hạt nhân đã liên tục được dời lại từ vấn đề đào tạo chuyên viên kỹ thuật, vấn đề an toàn trở thành nỗi lo lớn hơn sau thảm họa điện hạt nhân tại Fukushima tháng 3 năm 2011, Nhật Bản. Nhưng trên hết, vấn đề tiền.

Hồi tháng 6 năm 2016, K.B. Komarov, phó tổng giám đốc Tập Ðoàn Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Gia Nga, cho biết các nhà máy điện hạt nhân mà Nga nhận xây dựng cho Việt Nam sẽ bị trì hoãn đến năm 2028, thay vì 2021 hoặc 2022 (như từng thấy loan báo trước đó).

Ông này xác định lại cái tin có từ tháng 3 trước đó khi nhà cầm quyền Việt Nam đưa ra “quy hoạch điện 7 bổ sung,” tức là “quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, trong đó đánh giá lại nhu cầu sử dụng điện trong thời gian tới để cơ cấu lại các nguồn điện.” Theo đó, lùi điện hạt nhân từ năm 2020 xuống năm 2028 có tổ máy đầu tiên.

Tuy nhiên đến tháng 8 năm 2016, báo chí trong nước đưa tin một cách khéo léo nói rằng, “Các chuyên gia cho rằng việc lùi thời hạn hoạt động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết khi Việt Nam chưa có sự chuẩn bị tốt nhất” mà lại còn lùi thêm nữa tức “từ nay đến năm 2030 sẽ không có nhà máy điện hạt nhân,” theo tờ Ðất Việt ngày 30 tháng 8, 2016.

Theo Kyodo News, một số lãnh tụ mới được đưa lên từ đầu năm nay bầy tỏ âu lo về việc xây dựng điện hạt nhân về cả hai mặt an ninh và tài chính khi mà nợ công đã lên rất cao, ngân sách nhà nước không có tiền trả nên cứ phải vay món nợ mới để trả món nợ cũ làm công nợ ngày càng ngập đầu.

Mời độc giả xem video: Học viên trung tâm cai nghiện Đồng Nai tiếp tục nổi loạn

Tuy nhiên, vẫn theo nguồn tin trên, viên chức Bộ Công Thương phủ nhận chuyện dự án điện hạt nhân tại Việt Nam sẽ bị loại bỏ hoàn toàn mà chỉ đình hoãn vì nhu cầu điện tăng gia tăng rất lớn và dự án cũng được nhà cầm quyền hậu thuẫn cao, bất chấp những ý kiến phản biện nêu các bất lợi của điện hạt nhân.

Trong khi chuẩn bị loan báo chính thức về trì hoãn dự án điện hạt nhân thì cuối tháng trước, ngày 27 tháng 10, 2016, báo chí trong nước đưa tin nhà cầm quyền “đề xuất Quốc Hội xem xét một số siêu dự án như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc Nam… với ước tính đầu tư hơn $66 tỷ.”

Mới tuần trước, trong bối cảnh nợ công Việt Nam gần chạm ngưỡng 65% GDP, nhà cầm quyền CSVN dự định chi hơn 10 triệu tỷ đồng, tức là gần $480 tỷ, cho kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế mà người ta cũng biết không có tiền. Nếu muốn thực hiện, Hà Nội sẽ ngó về hướng Bắc và theo một số nguồn tin từ trong nước nếu đúng vậy, Việt Nam ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc Trung Quốc. (TN)

MỚI CẬP NHẬT