Wednesday, April 17, 2024

Tòa án Hà Nội dùng ‘luật rừng’ xử vụ Đỗ Đăng Dư

HÀ NỘI (NV) – Phiên tòa xử vụ thiếu niên Đỗ Đăng Dư bị đánh chết chỉ sau 2 tháng bị tạm giam tại trại giam của Công An Hà Nội bị tố cáo sai từ căn bản.

Vũ Văn Bình, 18 tuổi, bị đưa ra tòa án ở Hà Nội ngày 22 tháng 9, 2016 với cáo buộc “cố ý gây thương tích” dẫn đến cái chết cho thiếu niên cùng tuổi tên Đỗ Đăng Dư hồi tháng 10 năm ngoái sau hơn hai tháng bị tạm giam trại tạm giam số 3 công an thành phố Hà Nội.

Vụ án từng được xếp đặt xử hồi cuối tháng 5 vừa qua nhưng đã bị hoãn lại vì dịp này dư luận đang phẫn nộ với việc nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải độc hại ra biển, làm chết một vùng biển rộng lớn kéo dài từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Theo bản cáo trạng được thuật lại trên báo điện tử VietNamNet, Đỗ Đăng Dư (sinh năm 1998), bị bắt giam vì bị tố cáo của người hàng xóm rằng cậu ta lẻn vào nhà ăn cắp gần 2 triệu đồng. Dư bị giam chung với Vũ Văn Bình và hai thiếu niên khác.

“Khoảng 8 giờ 30 ngày 4 tháng 10, 2015, Đỗ Đăng Dư, Vũ Văn Bình cùng 2 can phạm khác là Nguyễn Nam Trường và Lê Đức Anh ăn sáng tại buồng giam. Theo sự phân công của các bị can trong buồng, sau khi ăn xong, Đỗ Đăng Dư đi rửa bát. Do thấy Dư rửa bát bẩn, Bình gọi Dư đến, tát liên tiếp vào má trái Dư và nói: “Từ sau mày phải rửa bát cho sạch. Bát của cả buồng chứ không phải của mày.” Dư nói: “Vâng! Từ sau em sẽ rửa bát sạch sẽ.”

VietNamNet thuật lại như vậy và kể tiếp rằng: “Bình đứng dậy và tiếp tục dùng gót chân trái nện 3 cái liên tiếp vào đầu, trán Dư theo hướng từ trên xuống. Khi bị đánh, Dư có nói: “Em xin lỗi.”

“Ít phút sau, Dư kêu đau bụng, nôn ra thức ăn… Cùng lúc đó, cán bộ quản giáo Nguyễn Mạnh Cường phát hiện thấy sự việc đã cùng mọi người đưa Dư xuống bệnh xá cấp cứu, đồng thời báo cáo Ban Giám Thị trại tạm giam. Được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện sau đó, đến 18 giờ ngày 10 tháng 10, 2015, Đỗ Đăng Dư tử vong.”

Mời độc giả xem video: Học sinh mỗi ngày bơi 2 lượt qua sông đến trường trong mùa lũ tại Việt Nam

Bản cáo trạng chỉ nói Đỗ Đăng Dư “bị tát” và bị “nên 3 cái gót chân” vào đầu mà dẫn đến cái chết. Nhưng bà Đỗ Thị Tuyết, bác ruột của Đỗ Đăng Dư nói với báo chí là: “Một ông bác sĩ bảo nội tạng cháu đã hỏng hết, phù nề não. Mặt thì tím thâm, bầm hết cả, hai bên đùi sưng to lắm. Từ đầu gối trở xuống thì teo lại rồi.”

Vì bị áp lực của dư luận nên không thể ỉm đi được, nhà cầm quyền thành phố buộc phải lên tiếng xoa dịu như công an mở cuộc điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của Đỗ Đăng Dư. Hai luật sư Trần Thu Nam và Lê Văn Luân nhận đứng ra bảo vệ quyền lợi pháp lý cho nạn nhân và gia đình nạn nhân đã bị “côn đồ” được nhà cầm quyền bảo kê và chỉ đạo hành hung dã man khi đến gặp bà Đỗ Thị Mai, mẹ Đỗ Đăng Dư, đẻ tư vấn pháp lý.

Cuối cùng, chỉ có Vũ Văn Bình là bị lôi ra hành tội trong khi trách nhiệm của các quản giáo trại giam trong vụ này được lờ đi. Ngay từ đầu, các luật sư đã chỉ ra rằng việc bắt giam Đỗ Đăng Dư, trẻ vị thành niên ở thời điểm bị bắt giam, là trái luật.

Số tiền bị gọi là “trộm cắp tài sản” quá nhỏ nên không được phép giam giữ lâu ngày theo điều 303 của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự của chế độ. Ông Nguyễn Đức Chung khi đó còn là giám đốc công an thành phố Hà Nội thì vẫn cố cãi là “đúng luật.”

Theo Luật Sư Lê Văn Luân nêu ra trên Facebook nhiều cái sai và sự cố ý làm trái luật của chủ tọa phiên tòa bị coi là “án bỏ túi” ở phiên tòa ngày 22 tháng 9, 2016.

“Án sơ thẩm vụ ‘Cố ý gây thương tích’ Vũ Văn Bình – Đỗ Đăng Dư, Viện và Tòa không tranh luận, dù giám định pháp y trái luật (phải gồm 2 giám định viên nhưng trong vụ này chỉ có một), dù các cơ chế tạo nên vết thương và tình trạng thương tích chưa hề được làm rõ và với biên bản thực nghiệm hiện trường chứng tỏ rằng một mình Bình không thể gây ra cú đánh làm chết người đó.”

Theo Luật Sư Luân, “Phiên tòa thiếu 2 nhân chứng trực tiếp rất quan trọng, là bạn cùng giam với Bình và Dư, vắng người quản giáo hôm xảy ra sự việc. Các lời khai mâu thuẫn liên tiếp nhau, từ Bình đến quản giáo, còn hai nhân chứng có lời khai ban đầu rất phù hợp các tình tiết của vụ án (hôm nay vắng mặt) nhưng không được sử dụng và có xu hướng thay đổi ngược lại ngay sau lần lấy lời khai đầu tiên (vì lúc này vẫn bị giam ở trại tạm giam số 3, nơi xảy ra vụ án nghiêm trọng này).”

Luật Sư Luân viết rằng: “Tòa vẫn bất chấp các đề nghị của luật sư, tuyên Vũ Văn Bình 10 năm tù giam, bồi thường 82 triệu, không khởi tố vụ án ‘ra quyết định trái pháp luật’ đối với cơ quan tố tụng huyện Chương Mỹ vì đã bắt giam trái luật vị thành niên về tội ít nghiêm trọng (trộm cắp 2 triệu đồng).”

Chưa biết bà Đỗ Thị Mai có quyết định kháng án hay không. Trên trang Facebook của Luật Sư Lê Văn Luân, có người bình luận cách xử án tại Việt Nam là theo “luật rừng,” có người chỉ trích “tư pháp Việt Nam là một trò hề!” (TN)

MỚI CẬP NHẬT