Friday, April 19, 2024

Phú Yên: Tôm hùm chết hàng loạt, người nuôi tôm điêu đứng

PHÚ YÊN, Việt Nam (NV) – Tôm hùm trên vùng nuôi ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, chết khoảng 350 – 400 tấn, ước thiệt hại hơn 700 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân.

“Tính đến ngày 1 Tháng Sáu, vùng nuôi tôm hùm thuộc phường Xuân Yên và xã Xuân Phương (thị xã Sông Cầu) có 502 gia đình nuôi tôm hùm bị thiệt hại với số lượng 769,175 con. Tỉ lệ số gia đình nuôi mất trắng lên đến 70% – 80%, số còn lại đều thiệt hại hơn 50% nên đời sống các gia đình đang rất khó khăn và bị áp lực lớn về nợ nần,” ông Nguyễn Tri Phương, phó giám đốc Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Phú Yên, nói với báo Thanh Niên.

Ông Nguyễn Quốc Phong (ở khu phố Phước Lý) than, từ tối 24 Tháng Năm đến nay, tôm cá chết với số lượng rất nhiều. Hầu hết các gia đình nuôi tôm hùm ở đầy đều bị thiệt hại, có gia đình nuôi 20 lồng nhưng đã chết sạch.

“Cuộc sống người dân xung quanh vịnh Xuân Đài chủ yếu dựa vào nghề nuôi tôm hùm. Thế nhưng, tôm hùm chết hàng loạt khiến trắng tay,” ông thở dài nói.

Ông Cao Văn Hòa (ở khu phố Phước Lý) ngao ngán nói: “Gia đình tôi thả nuôi hơn 10 lồng với số lượng hơn 2,000 con tôm hùm sỏi được năm tháng, nhưng đến sáng nay chỉ còn khoảng 400 con. Nếu để lại nuôi ở vùng này thì tôm sẽ tiếp tục chết đến hết nên gia đình tôi quyết định chuyển số lượng tôm còn sống này đến đầm Cù Mông, xã Xuân Cảnh để lánh nạn.”

Theo ngư dân ở đây, giá bán tôm hùm còn sống loại 1 từ 800,000-1.2 triệu đồng/kg, nhưng khi chết chỉ bán được từ 60,000-100,000 đồng/kg. “Với giá này, người nuôi tôm lỗ nặng,” ông Phong nói.

Không chỉ vùng nuôi tôm hùm ở khu phố Phước Lý, các vùng nuôi tôm khác như ở thôn Phú Mỹ và Dân Phú 1 (xã Xuân Phương), tôm hùm cũng chết hàng loạt.

Để làm rõ nguyên nhân tôm chết, sáng 2 Tháng Sáu, Tổng Cục Thủy Sản (Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn) đến vùng nuôi tôm hùm chết để khảo sát, nắm tình hình thực tế và thu mẫu vùng nuôi có hiện tượng tôm chết tại thị xã Sông Cầu.

Trước đó, tỉnh Phú Yên đã lấy mẫu tôm chết ở nhiều địa điểm khác nhau để tìm nguyên nhân nhưng “Khả năng chuyên môn ở cấp tỉnh có giới hạn nên chưa thể kết luận được. Vì vậy, ủy ban tỉnh có kiến nghị hai bộ Tài Nguyên-Môi Trường và Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn hỗ trợ kiểm định nhiều mẫu khác nhau, để từ đó đối chiếu, so sánh, rồi mới đưa ra kết luận có tính khách quan nhất và đúng đắn nhất,” ông Trần Hữu Thế, phó chủ tịch tỉnh, cho biết.

Liên quan đến nghi vấn của người dân đối với công ty Nguyễn Hưng xả thải gây ô nhiễm môi trường, làm tôm chết, ông Nguyễn Tri Phương cho biết ngày 29 Tháng Năm, ủy ban tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra việc bảo vệ môi trường tại nhà máy chế biến thủy hải sản của công ty này.

Nói với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Kiên, chủ tịch thị xã Sông Cầu, cho biết: “Hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh đang làm rõ nguyên nhân, trong đó có việc kiểm tra, xác định nhà máy của công ty Nguyễn Hưng có xả thải ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước nuôi thủy sản hay không. Chính quyền cam kết sẽ giải quyết sự việc một cách trung thực, khách quan, sớm có kết quả trả lời cho bà con.” (Q.D.)

Phái đoàn Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ đến Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT