Tuesday, March 19, 2024

Trung Quốc cho các chuyến bay dân sự hàng ngày đến Hoàng Sa

BẮC KINH (NV) – Trung Quốc bắt đầu các chuyến bay thuê bao bay hàng ngày đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, theo bản tin của Tân Hoa Xã loan báo hôm Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016.

Đảo Phú Lâm được Trung Quốc đặt làm thủ phủ của huyên đảo “Tam Sa” bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa. Trung Quốc đã cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974 sau môt trận hải chiến với hải quân VNCH năm 1974. Đến năm 1988 tiếp tục xua tàu tới cướp một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa mà gần đây được họ bồi đắp thành những hòn đảo nhân tạo khổng lồ, xây dựng các căn cứ quân sự quy mô trong mưu đồ bá chủ Biển Đông.

Chuyến bay đến đảo Phú Lâm xuất phát từ phi trường ở Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam, lúc 8 giờ 45 phút sáng, theo Tân Hoa Xã, đến Phú Lâm rồi sẽ rời nơi đây lúc 1 giờ trưa. Phi trường trên đảo Phú Lâm mới được chấp thuận cho cả nhu cầu dân sự từ thứ sáu tuần trước. Giá vé cho một chuyến bay khứ hồi khoảng $173.

Theo bản tin nói trên của Tân Hoa Xã, Bắc Kinh đã chấp thuận cho sự dụng phi trường trên đảo Phú Lâm cho các hoạt động dân dụng sau khi đã nâng cấp và kéo dài thêm hồi năm ngoái.

Tháng hai vừa qua, Tân Hoa Xã loan báo đã thực hiện chuyến bay dân sự thuê bao đến đảo Phú Lâm, một dấu hiệu báo trước cho việc đưa các chuyến bay dân sự đến đây thường xuyên hơn.

Những không ảnh do tổ chức không gian Digital Globe cung cấp cho Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế mấy tháng gần đây cho thấy, ngoài việc bồi đắp các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, Bắc Kinh cũng đồng thời đã bồi đắp mở rộng thêm một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa, trong đó có đảo Phú Lâm.

Không ảnh cũng cho thấy Trung Quốc đã đưa một số giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 đến bố trí trên một số khu vực mới được bồi đắp thêm trên đảo Phú Lâm sau khi có tin chiến hạm Mỹ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của một đảo trong quần đảo này. Phi cơ quân sự đã thấy bay đến đây nhiều lần.

Trên đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã bỏ ra nhiều tỉ đô la xây dựng rất nhiều dinh thự, đường phố gồm cả nhà máy lọc nước biển, nhà máy điện, chợ, nhà bưu điện, ngân hàng, đài truyền hình cho hàng ngàn lính trấn giữ tại đây.

Hiện Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện các sân bay và các cơ sở khác trên ba đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Các phi đạo này có chiều dài đến 3,000 mét, đủ để các phi cơ quân sự lớn nhất của họ sử dụng. Hồi tháng Bảy, máy bay dân sự Trung Quốc đã thực hiện các chuyến bay thử đến 2 sân bay mới xây dựng ở Đá Vành Khăn và Đá Subi, thuộc quần đảo Trường Sa.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 22 tháng 12 năm 2016

Trước các hành động ngang ngược của Bắc Kinh, Hà Nội chỉ có thể cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lập đi lập lại lời tuyên bố “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.”

“Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT