Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc chối không ‘quân sự hóa’ Biển Đông

CANBERRA, Úc (NV) – Thủ Tướng Lý Khắc Cường chối Trung Quốc không “quân sự hóa” Biển Đông mà chỉ trang bị các võ khí phòng vệ trên các đảo đang tranh chấp để duy trì “tự do qua lại.”

Khi đến thủ đô Canberra để thảo luận với Thủ Tướng Malcolm Turnbull của Úc, ông Lý được báo chí địa phương thuật lời là “Trung Quốc không bao giờ có ý định quân sự hóa Biển Đông.”

Ông Lý Khác Cường tuyên bố như vậy tương tự như lời Chủ Tịch Tập Cận Bình nói với báo chí hồi Tháng Bảy, 2015, khi ông đến Washington, DC.

Nhưng những gì người ta nhìn thấy xuất hiện dần dần trên các đảo nhân tạo mà họ xây dựng ở Trường Sa và tại quần đảo Hoàng Sa, chứng tỏ sự thật khác hẳn những gì lãnh tụ Trung Quốc tuyên bố.

Không ảnh được một số tổ chức nghiên cứu các vấn đề chính trị quốc tế phổ biến chỉ ra các doanh trại đồ sộ, những vị trí, tòa nhà có mái che đóng mở bằng điện, được tin là các nơi sẽ đặt các giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa trên các đảo nhân tạo. Nhiều phân tích gia khuyến cáo rằng Bắc Kinh đang tiến hành từng bước kế hoạch khống chế toàn bộ Biển Đông.

“Các cơ sở của Trung Quốc trên các đảo và bãi đá ngầm có mục đích chính yếu là cho các hoạt động dân sự và ngay cả nơi đó có một số trang bị phòng vệ thì cũng chỉ để duy trì tự do hải hành và phi hành,” ông Lý Khắc Cường chống chế.

Trung Quốc cam kết với quốc tế khi ký với các nước ASEAN từ năm 2002 bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC), giữ nguyên trạng các khu vực tranh chấp. Nhưng Bắc Kinh đã ngang nhiên bồi đắp bảy bãi đá ngầm chiếm của Việt Nam ở Trường Sa thành bảy đảo nhân tạo rồi xây dựng các căn cứ quân sự quy mô tại đây.

Không những vậy, họ bồi đắp mở rộng một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, xây dựng thêm các cơ sở quân sự và trang bị nhiều loại võ khí, gồm cả hỏa tiễn tầm xa.

Theo báo chí Úc, Thủ Tướng Turnbull lập lại quan điểm của Úc là các bên tranh chấp chủ quyền lãnh thổ nên giải quyết bằng đàm phán hòa bình và dựa trên các điều luật và cam kết quốc tế. Quan điểm của Úc cũng tương tự như quan điểm của các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật.

Cái cốt lõi của vấn đề là Trung Quốc cậy thế nước lớn quân sự hùng mạnh, tuyên bố chủ quyền theo các vạch “Lưỡi Bò” chiếm hơn 80% Biển Đông. Nhiều đoạn “Lưỡi Bò” lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines.

Tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, bác bỏ tuyên bố chủ quyền theo đường “Lưỡi Bò” của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục lấn tới, hoàn thiện hay mở rộng các cơ sở quân sự trên các đảo và đảo nhân tạo tại Hoàng Sa và Trường Sa, tự cho là họ có chủ quyền “lịch sử” và không tranh chấp với ai.

Năm 1998, Trung Quốc mua một hàng không mẫu hạm cũ (Varyag) của Ukraine. Tàu chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Họ tuyên truyền mua về làm tàu triển lãm nổi và vui chơi giải trí trên biển.

Đến năm 2002, chiếc tàu được kéo về cảng Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh) và bắt đầu kế hoạch hoàn thiện lắp ráp, trang bị các hệ thống điện tử, cơ khí. Đến Tháng Sáu, 2011, khi chiếc tàu được đóng xong hoàn toàn, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo rằng chiếc hàng không mẫu hạm được đặt tên là Liêu Ninh và được sử dụng vào mục đích nghiên cứu và huấn luyện.

Nhưng đầu năm nay, tàu Liêu Ninh cùng một số tàu hộ tống đã xuống Biển Đông biểu diễn máy bay tập luyện chiến đấu, lộ rõ dã tâm của họ không phải mua xác tàu về làm triển lãm mà nhằm uy hiếp các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với họ. (TN)

Chưa đầy ba tháng, hơn 2,100 người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT