Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc hoàn tất các căn cứ trên 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa

WASHINGTON DC (NV) .- Công việc xây dựng các cơ sở, trang bị các hệ thống căn bản cho các tòa nhà, cơ sở trên ba đảo nhân tạo lớn nhất mà Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa coi như đã xong để sử dụng.

Bài viết tóm tắt kèm theo các không ảnh mà bộ phận Asia Maritime Transparency Initiative (Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu) của Tổ Chức Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) tại Washington DC vừa công bố hôm 27 Tháng Ba 2017 cho người ta những thông tin mới nhất về hành động lấn tới từng bước trong tham vọng khống chế toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc.

Hơn một năm trước, cựu giám đốc tình báo quốc gia James Clapper gửi cho nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện, lá thư đưa ra một số nhận định của ông về hoạt động và ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo ông Clapper, Trung Quốc sẽ hoàn tất các việc xây dựng tại các đảo nhân tạo vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Lời tiên đoán của ông Clapper cũng không sai chạy bao nhiêu khi phân bộ Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu phân tích các tài liệu và các không ảnh họ nhận được mới nhất được chụp hơn một tuần lễ mới đây, tức vào các ngày 9, 11 và 14 Tháng Ba 2017.

Đảo nhân tạo Đá Thập gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)
Đảo nhân tạo Đá Thập gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Ba đảo nhân tạo lớn có phi đạo dài 3,000 mét gồm đảo Đá Thập, đảo Vành Khăn và đảo Su Bi đã xong các cơ sở cho hải quân, không quân, radar cũng như các cơ sở phòng thủ khác mà bộ phận Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu theo dõi sát suốt từ gần hai năm qua. Chúng hầu như đã hoàn tất.

“Bây giờ Bắc Kinh có thể điều động các trang bị quân sự gồm cả phi cơ chiến đấu và các giàn hỏa tiễn lưu động đến quần đảo Trường Sa bất cứ lúc nào.” Bản tường trình của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu viết.

Theo tổ chức này, ba căn cứ không quân ở ba đảo nhân tạo nói trên cùng với căn cứ không quân đặt trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa cho phép phi cơ Trung Quốc hoạt động gần như bao trùm toàn diện Biển Đông. Điều này cũng đúng đối với khả năng bao trùm khu vực của các giàn radar tân tiến mà họ đặt trên các đảo làm nhiệm vụ quan sát, cảnh báo sớm như tại đảo Đá Thập, đảo Su Bi, đảo Vành Khăn, đảo Châu Viên, đảo Phú Lâm và nhiều đảo khác nhỏ hơn ở cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Trung Quốc đã duy trì hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 tại đảo Phú Lâm từ hơn năm qua mà ít nhất họ đã lộ ra cho mọi người thấy 2 dàn sau khi một khu trục hạm Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực nam của quần đảo Hoàng Sa.

Bây giờ, người ta thấy trên ba đảo nhân tạo nói trên có các cơ sở rất kiên cố với mái che bấm điện mở ra đóng lại sẽ được dùng để tàng trữ các giàn hỏa tiễn lưu động.

Đi vào chi tiết, các nhà chứa máy bay trên đảo Đá Thập đủ lớn để chứa 24 máy bay chiến đấu, 4 máy bay lớn như máy bay vận tải, tiếp dầu trên không hay máy bay ném bom tầm xa đã hoàn tất. Từ Tháng Giêng vừa qua, các vòm radar đã được lắp trên ba tòa tháp cao ở phía tây bắc cũng như một tòa tháp cao ở phía bắc của phi đạo trên đảo mà trước đây chưa biết họ làm gì. Một nhóm nhiều vòm radar ở phía bắc của phi đạo được hiểu là các giàn radar và hệ thống cảm biến điện tử.

Đảo nhân tạo Vành Khăn gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)
Đảo nhân tạo Vành Khăn gần hoàn tất các công trình xây dựng cơ sở, các vị trí phòng hóa tiễn thủ cũng như tấn công. (Hình: CSIS/DigitalGlobe)

Trên đảo nhân tạo Vành Khăn, các nhà chứa đủ cho 24 máy bay đã hoàn tất và trong những ngày đầu Tháng Ba, nhân công đã hoàn thiện những chi tiết cuối cùng cho 5 nhà để máy bay lớn. Một tòa tháp radar đạt ở giữa đảo và ba tòa tháp lớn được xây dựng tại góc tây nam. Việc đặt các vòm radar trên mặt đất bên cạnh các tòa tháp này cho người ta hiểu là chúng cũng sẽ được lắp giống như ờ Đá Thập và Su Bi. Các mái che kéo ra kéo vào được cũng đã được lắp vào các cơ sở chứa các giàn hỏa tiễn di động mới hoàn tất.

Trên đảo nhân tạo Su Bi, xây dựng cũng đã hoàn tất cho nhà chứa 24 máy bay và 4 nhà chứa máy bay lớn. Những hình ảnh mới nhất cho thấy những dãy vòm radar trên ba tòa tháp đang ở những giai đoạn hoàn thiện khác nhau trong khi một tòa tháp radar đã hoàn tất bên cạnh phi đạo. Trên đảo này còn có một giàn radar đặc biệt mà các đảo khác chưa thấy, nhiều phần là radar tần số cao được đặt gần các vị trí phòng thủ nhằm bảo vệ chống lại các vụ tập kích từ trên không hay hỏa tiễn bắn tới.

Ngày 23 Thán Hai 2017, Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu cũng đã có một bản tường trình về các tòa nhà dành cho các giàn hỏa tiễn lưu động và các vị trí hỏa tiễn phòng không tại các đảo Vành Khăn, Đá Thập và Su Bi.

Trước đó, ngày 8 Tháng Hai 2017, họ cũng đã tường trình về các hoạt dộng mở rộng, bồi đắp một số đảo tại quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc cướp của Việt Nam. (TN)

Trong một năm, Việt Nam có trên 1,000 trẻ bị xâm hại tình dục

MỚI CẬP NHẬT