Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc đưa mẫu hạm Liêu Ninh thao dượt ở Biển Đông

ĐÀI BẮC (NV) – Trung Quốc đưa mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống xuống Biển Đông, nơi tranh chấp chủ quyền biển đảo với các nước láng giềng và đe dọa sự ổn định của khu vực.

Sau khi đã tập trận quy mô trong đó có việc tấn công các mục tiêu giả định ở vùng biển Hoàng Hải ít ngày qua, đoàn chiến hạm gồm hàng không mẫu hạm Liêu Ninh (Liaoning) và 5 chiến hạm hộ tống tiến xuống Biển Đông xuyên qua eo biển Đài Loan. Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói đoàn tàu đã vượt qua vùng đảo và bãi đá ngầm Pratas Islands mà Trung Quốc gọi là Đông Sa quần đảo (Dongsha), khu vực hiện do Đài Loan kiểm soát là khu vực đầu của Biển Đông.

Bộ Quốc Phòng Trung Quốc chống chế rằng đây chỉ là cuộc tập luyện thường lệ trên biển. Nhưng hành động này được các nước khác coi như chỉ dấu của sự thách đố, đe dọa, làm tăng thêm căng thẳng ở vùng biển đang có sự tranh chấp chủ quyền biển đảo gay gắt.

Đưa ra chi tiết hơn, Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói hôm 25 Tháng Mười Hai, 2016, mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống được nhìn thấy đang di chuyển ở khu vực khoảng 90 hải lý phía nam Đài Loan và eo biển Ba Sĩ (Bashi), thủy lộ giữa Đài Loan và Philippines.

Căng thẳng tranh chấp khu vực Biển Đông không có dấu hiệu hạ thấp khi Mỹ cũng như Bắc Kinh tố cáo lẫn nhau tăng cường lực lượng quân sự ở khu vực. Không ảnh chụp được những tháng gần đây cho thấy Bắc Kinh gấp rút hoàn thiện các cơ sở và pháo đài quân sự trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Một số đảo ở quần đảo Trường Sa cũng đã được mở rộng thêm và xây cất thêm.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo viết bình luận khoe rằng các cuộc tập trận của mẫu hạm Liêu Ninh chứng tỏ Trung Quốc đang hoàn thiện khả năng tác chiến, chứng tỏ là có thể đi hành động ở những khu vực xa.

Cái loa tuyên truyền của Bắc Kinh đe dọa rằng “Chẳng sớm thì muộn, hạm đội Trung Quốc sẽ ra đến tận phía đông Thái Bình Dương. Khi đến ngày mà hạm đội mẫu hạm của Trung Quốc xuất hiện ở ngoài khơi nước Mỹ, ngày đó Mỹ sẽ phải suy nghĩ về vấn đề luật lệ hàng hải (theo cách Mỹ).”

Tuần trước, tin cho hay nhiều dàn hỏa tiễn phòng không và cao xạ CSA-6b và HQ-9 đã nhìn thấy trên khu vực Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh đảo Hải Nam. Một số phân tích gia tình báo của Mỹ tin rằng chúng sẽ được đưa tới bố trí trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng thành các căn cứ quân sự khổng lồ ở Trường Sa và có thể cả trên các đảo tại Hoàng Sa vào đầu năm 2017.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chống chế rằng họ có quyền bố trí các trang bị phòng vệ của các vùng biển đảo chủ quyền của họ, dù đây là những vùng đánh cướp của Việt Nam vào các năm 1974 đến 1988.

Những tin và không ảnh từ tuần trước của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) ở Washingtom DC cho thấy các lô cốt hình lục giác trên các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa giống như những vị trí của cao xạ và hỏa tiễn tầm gần của họ thấy tại nhiều nơi khác.

Trung Quốc tức tối khi thấy Mỹ cho các chiến hạm tuần tra “tự do hải hành” ở các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, có khi đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo này.

Hồi giữa Tháng Mười Hai, Bắc Kinh cho mọt chiến hạm “đánh cướp” một tàu ngầm không người lái (underwater drone) khảo sát đại dương do một tàu không võ trang của Mỹ thực hiện tại vùng biển gần Philippines, sau đó trả lại dù tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ bắn tiếng muốn muốn đánh cắp thì giữ lấy. (TN)

MỚI CẬP NHẬT