Friday, March 29, 2024

Việt Nam: Cả gia đình hay cả gia tộc làm ‘quan’ cũng chẳng sao

VIỆT NAM (NV) – Trong một báo cáo vừa được gửi cho Quốc hội Việt Nam, chính phủ Việt Nam ghi nhận có 9/63 tỉnh, thành phố xảy ra chuyện bổ nhiệm thân nhân làm lãnh đạo. Chấn chỉnh thế nào thì phải chờ.

Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ thì ghi nhận vừa kể thể hiện trong một phụ lục đính kèm “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017”.

Chính phủ Việt Nam xác nhận có 58 trường hợp bổ nhiệm thân nhân làm lãnh đạo tại chín tỉnh, thành phố là: Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng.

Có một điểm cần lưu ý là 58 trường hợp đó đều từ tố giác của dân chúng và được báo giới nêu lên như một vấn nạn. Hệ thống công quyền tại Việt Nam không “phát hiện” được trường hợp nào.

Ngoài chuyện bổ nhiệm thân nhân làm lãnh đạo, chính phủ Việt Nam thừa nhận một vấn nạn khác cũng làm “dư luận bức xúc” là dân chúng bất bình vì số lượng viên chức được sắp đặt làm lãnh đạo quá lớn. Chẳng hạn Sở Lao động – Thương binh – Xã hội tỉnh Hải Dương có 44 lãnh đạo/46 công chức. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Thái Nguyên bổ nhiệm thừa 23 cán bộ lãnh đạo. Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa có tới 8 phó giám đốc. Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Bình Định có 6 phó giám đốc..

Một điểm đáng lưu ý khác là dù thừa nhận những vấn nạn vừa kể làm “dư luận bức xúc” nhưng chính phủ Việt Nam không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào.

Chuyện cha con, dâu rể, vợ chồng, anh em, thân bằng quyến thuộc chia nhau các vị trí lãnh đạo một xã, một huyện, một tỉnh hoặc một ngành hoặc chuyện “quan” nhiều hơn “lính” dù đã được báo giới kiểm tra, liệt kê và đề cập liên tục trong hai năm vừa qua nhưng giới hữu trách không xử lý được vụ nào vì tất cả đều “đúng qui định, đúng qui trình”.

Khi trình bày “Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2016 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2017”, ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng thường trực của chính phủ Việt Nam chỉ hứa “sẽ hoàn thiện” và “thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công tác cán bộ, nhất là về tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức, kể cả người đã nghỉ hưu”. (G.Đ)

Chém người vì nghi hàng xóm đi ăn cưới bằng phong bì rỗng tại Bà Rịa

MỚI CẬP NHẬT