Friday, April 19, 2024

Việt Nam chính thức sử dụng 2 tàu ngầm sau cùng

HÀ NỘI (NV) – Hải quân CSVN hôm 28 Tháng Hai làm lễ thượng kỳ trên hai chiếc tàu ngầm cuối cùng mua của Nga trong tổng số 6 chiếc lớp Kilo 636M đã về tới Cam Ranh từ hồi Tháng Giêng năm nay.

Bộ Quốc Phòng CSVN ra một bản thông cáo báo chí nói hai chiếc sau cùng được đặt tên là Đà Nẵng và Bà Rịa – Vũng Tàu. Hai chiếc này sẽ cùng với 4 chiếc khác đã tiếp nhận trước đây góp phần đáng kể nâng cao khả năng bảo vệ vùng biển đảo Việt Nam, dù so sánh với Trung Quốc vẫn là quá nhỏ bé.

Việt Nam ký với Nga năm 2009 đặt mua 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo được mệnh danh là “Lỗ Đen” nhờ khả năng khó phát hiện trên biển, tốn phí tùy nguồn tin khác nhau nói từ $2.1 tỉ đến $2.6 tỉ. Nga cũng thỏa thuận thiết lập tại Cam Ranh một trung tâm bảo trì và sửa chữa tàu ngầm.

Tàu ngầm lớp Kilo mà Việt Nam mua trong danh mục tàu ngầm của Nga được gọi là Dự Án 636M, một biến thể cải tiến từ Dự Án nguyên thủy 877, được chế tạo với đặc điểm thích hợp cho các hoạt động ở vùng biển nông với nhiệm vụ chính yếu chống cả tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương.

Thủy thủ đoàn gồm 52 người, có khả năng hoạt động liên tục trên biển 45 ngày đêm và có thể chạy ngầm dưới nước với tốc độ 20 hải lý. Dự Án 636M dài hơn Dự án nguyên thủy và được trang bị hệ thống định vị thủy âm cải tiến MGK 400E , trang bị võ khí tối tân hơn, và với kỹ thuật mới giúp giảm tiếng ồn nên mới được cho biệt hiệu là “Lỗ Đen”.

Trọng tải khoảng 4,000 tấn khi lặn dưới nước, chúng được trang bị cả ngư lôi và hỏa tiễn siêu thanh 3M-54E Klub-S tầm bắn 220km hoặc 3M-54E1 tầm bắn 300km. Chúng cũng có thể được trang bị cả loại hỏa tiễn tấn công mặt đất 3M-14E tầm bắn 300km với đầu đạn nặng 450kg.

Theo giới chuyên viên quân sự, với các loại hỏa tiễn tầm xa như trên, các tàu ngầm này có thể đe dọa căn cứ hải quân Trung Quốc đặt tại Tam Á (đảo Hải Nam) cũng như các căn cứ hải quân khác của Trung Quốc trên Biển Đông. Thật ra với đội tàu ngầm này, chúng chỉ mang tính răn đe và chống xâm nhập theo tinh thần yếu chống kẻ mạnh hơn là khả năng tấn công.

Trong buổi lễ thượng kỳ nói trên, ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đã rào đón rằng Việt Nam “hiện đại hóa hải quân, phát triển lực lượng tàu ngầm là việc làm bình thường của quốc gia có biển, không phải chạy đua vũ trang, không phải để răn đe các nước trong khu vực, mà để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của tổ quốc trong mọi tình huống”.

Giới chuyên viên quốc tế cho rằng với 6 chiếc tàu ngầm đã sẵn sàng hoạt động, Việt Nam có đạt được khả năng chống tiếp cận, chống xâm nhập vùng biển chủ quyền của mình hay không, tùy thuộc vào khả năng học hỏi sử dụng thuần thục trang bị của tàu ngầm cũng như nắm vững chiến thuật chiến lược.

Để đỡ tốn kém, Việt Nam đã nhờ Ấn Độ huấn luyện các quân nhân và sĩ quan điều khiền tàu ngầm vì Ấn Độ đã có kinh nghiệm hàng chục năm với các tàu ngầm cùng loại cũng mua của Nga. (TN)

Bạo động chưa rõ nguyên do tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh

MỚI CẬP NHẬT