Tuesday, April 23, 2024

Bốc thăm cho con đi học, chuyện may rủi đến trường của trẻ

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chuyện phụ huynh có con từ ba đến năm tuổi chen vai thích cánh trong các cuộc bốc thăm, để những lá thăm này là cơ hội học hành cho con mình đã trở thành phổ biến ở Hà Nội.

Trước đây, tình trạng vừa kể chỉ xảy ra tại các tỉnh nghèo, đông trẻ nhưng rất ít trường mẫu giáo. Giờ nó không còn xa lạ với phụ huynh có con cháu đến tuổi phải vào mẫu giáo ở ngay tại Hà Nội.

Theo báo Lao Động, 6 giờ 30 phút sáng 7 Tháng Bảy, phụ huynh của những đứa trẻ sống trong Khu Đô Thị Linh Đàm, tọa lạc tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, đến tuổi cần vào mẫu giáo đã đổ đến trường Mẫu Giáo Linh Đàm, xếp hàng chờ tới 9 giờ sáng để vào bốc thăm cho con, cháu.

Trường chỉ có thể nhận 40 đứa trẻ vào học nhưng số hồ sơ xin nhập học lên đến 99. Giống như nhiều trường mẫu giáo tại Việt Nam, ban giám hiệu không biết chọn đứa trẻ nào, bỏ đứa trẻ nào và vì vậy, họ quyết định tổ chức bốc thăm.

Đã bốc thăm thì đương nhiên có người “trúng,” người “trật.” Một cụ ông vui vẻ khoe đây là lần thứ năm cụ bốc được lá thăm “trúng” tạo ra cơ hội học hành cho lũ cháu. Song cũng có những trường hợp dở khóc, dở cười. Lần bốc thăm tìm chỗ học mẫu giáo tại trường này có ba cặp song sinh, 1/3 bốc cả hai lá thăm đều “trật,” 2/3 bốc được một lá “trúng,” một lá “trật.” Tất nhiên cả hai gia đình này sẽ phải suy tính xem cho đứa nào trong hai trẻ song sinh đến trường, đứa nào hoặc ở nhà, hoặc đến các trường mẫu giáo tư thục.

Hà Nội có nhiều trường mẫu giáo tư thục nhưng học phí trả cho một đứa trẻ học tại đó từ một triệu đến vài triệu đồng/tháng, không phải gia đình nào cũng đủ khả năng cho con, cháu vào mẫu giáo tư thục.

Không giống như trường này, trường Mẫu Giáo Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, chưa tổ chức bốc thăm mà tiếp tục nhận hồ sơ theo kiểu “ưu tiên cho người đến trước.” Đó cũng là lý do ông bà, cha mẹ đến trường này xếp hàng từ 4 giờ sáng. Tất cả đều bỏ cả việc sở lẫn việc nhà để đi tìm chỗ học cho con cháu. Không ngại mất công, tốn thời gian nhưng không phải ai cũng thỏa nguyện.

Theo tờ Lao Động, có những trường hợp không tìm được chỗ cho con học mẫu giáo công lập nhưng không đủ khả năng cho con theo học mẫu giáo tư thục, một số phụ huynh đã gửi con về quê “du học” tại các trường mẫu giáo ở làng.

Việt Nam có rất nhiều công trình bỏ hoang, từ những nhà máy đến những nhà thi đấu, nhà triển lãm, trung tâm thương mại, chợ… trị giá từ vài tỷ đến hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ hoang, nhưng trường học, bệnh viện lại rất thiếu và nơi nào cũng thiếu, kể cả Hà Nội. Tìm cho con cháu một nơi để học hành càng ngày càng khó và càng ngày càng lắm chuyện.

Cũng vì vậy, vài năm nay “bốc thăm” như vừa kể được khen là “sáng kiến.” Người ta xem giải pháp đó bảo đảm “sự công bằng,” loại trừ được yếu tố gửi gắm, nhũng nhiễu. Không thấy ai thắc mắc tại sao cơ hội học hành của lũ trẻ – vốn là trách nhiệm của hệ thống công quyền – lại phó mặc cho may, rủi! (G.Đ)

Mời độc giả xem phóng sự “Những ngôi tháp Chăm Bình Định”

MỚI CẬP NHẬT