Thursday, April 25, 2024

Việt Nam phải đánh đổi cải cách để lấy mục tiêu tăng trưởng

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6.7% trong năm nay, các chuyên gia cho rằng phải đánh đổi bằng cách trì hoãn cải cách. Đó là khuyến cáo của nhiều chuyên gia trong phúc trình thường niên về kinh tế Việt Nam mà Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Chính Sách (VERP) thuộc trường Đại Học Kinh tế-Đại Học Quốc Gia Hà Nội công bố hôm 16 Tháng Sáu, tại Hà Nội.

Sau khi trở thành thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc liên tục cam kết sẽ tiến hành cải cách toàn diện để Việt Nam có một “chính quyền kiến tạo.” Tuy nhiên đầu tháng này, cũng chính ông Phúc hứa sẽ “kỷ luật” các viên chức hữu trách nếu kinh tế Việt Nam không đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc Hội đã đề ra là 6.7% GDP so với năm ngoái.

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, trước vô số khó khăn như hiện nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam chỉ khoảng 6.3% GDP. Họ tin rằng, giống như năm trước, năm nay, mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam khó mà đạt “chỉ tiêu.”

Để mức độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt “chỉ tiêu,” chính phủ Việt Nam dự trù sẽ tăng sản lượng dầu thô, hỗ trợ hệ thống nhà máy của tập đoàn Samsung để dựa vào đó nâng kim ngạch xuất cảng của quốc gia… Thậm chí, nhiều người tin rằng, việc cho phép Formosa vận hành nhà máy thép tại khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng nhằm cải thiện GDP.

Đó cũng là lý do khiến các chuyên gia lên tiếng. Theo họ, nếu tiếp tục chạy theo thành tích như nội các cũ do ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành, cam kết cải cách sẽ chỉ là tuyên bố suông.

Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam mà VERP công bố cũng lưu ý, nếu tìm mọi cách để đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” thì phải trì hoãn cải cách.

Theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ, trong buổi công bố phúc trình mới nhất về kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thành, viện trưởng VERP, nhấn mạnh trở ngại lớn nhất cho kinh tế Việt Nam là ngân sách thâm hụt triền miên, nợ nần tăng nhanh và nhiều, không thể giảm được chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền), trong khi đó hệ thống công quyền thiếu chuyên nghiệp, thường xuyên can thiệp vô nguyên tắc vào thị trường… Những yếu tố đó khiến doanh giới ngần ngại đầu tư dài hạn vì không dự trù được rủi ro, ảnh hương bất lợi cho tăng trưởng.

Nếu tìm cách đạt cho bằng được “chỉ tiêu tăng trưởng,” chính phủ Việt Nam sẽ phải trì hoãn cải cách để khai thác tối đa các nguồn lực nhằm tiếp cận “chỉ tiêu tăng trưởng.” Chẳng hạn chuyện cổ phần hóa, rút vốn khỏi khối doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chậm lại vì khối này là một công cụ để nâng số liệu tăng trưởng trong năm nay. Muốn đạt “chỉ tiêu tăng trưởng” sẽ phải can thiệp vào thị trường, điều này không chỉ trái với mục tiêu xây dựng “chính quyền kiến tạo” mà còn đẩy tỉ lệ lạm phát tăng từ 2.35% lên 3.5%.

Ông Trương Đình Tuyển, cựu bộ trưởng Thương Mại, khuyến cáo chính phủ cần phải kiên định với việc thay đổi mô hình quản trị từ chỉ huy sang kiến tạo, chú ý khai thác tiềm năng tăng trưởng dài hạn. Chú tâm vào việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư hơn là đạt “chỉ tiêu tăng trưởng.”

Tương tự, ông Nguyễn Sĩ Dũng, cựu phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, tin rằng cắt giảm chi phí, xóa bỏ độc quyền, tận dụng nguồn lực của các thành phần kinh tế mới là mục tiêu cần phải theo đuổi. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT