Friday, April 19, 2024

Quan chức thể thao Việt Nam ‘ăn theo’ SEA Games

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Rủa xả tăng vọt cả về số lượng lẫn mức độ sau khi đại diện Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch phân bua về việc đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 29 có tới 10 phó đoàn, và 34 người “ăn theo” cuộc tranh tài thể thao lần này.

SEA Games là cách gọi tắt cuộc tranh tài về thể thao của 11 quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á (Southeast Asian Games), diễn ra hai năm một lần. SEA Games năm nay là lần tranh tài thứ 29 và được tổ chức tại Malaysia (từ 11 Tháng Tám đến 1 Tháng Chín).

Hồi đầu tuần này, Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch công bố danh sách đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29. Theo đó, đoàn này có 693 người và công quỹ đài thọ toàn bộ chi phí cho 637 người (visa, bảo hiểm, đi lại, ăn ở, liên lạc, tiền tiêu vặt…). Ðáng lưu ý là trong số này chỉ có 476 vận động viên (264 nam, 212 nữ), tham gia tranh tài 32 môn thể thao. Nếu cộng thêm 106 huấn luyện viên, 21 nhân viên y tế thì vẫn còn tới 34 người “ăn theo” cuộc tranh tài thể thao lần này.

Lướt qua danh sách đoàn tham dự SEA Games 29 có thể thấy bộ bổ nhiệm tới 10 viên chức làm phó đoàn và hơn 20 viên chức khác tham gia như là các… chuyên gia. Họ vốn là vụ trưởng và chuyên viên một số vụ của Tổng Cục Thể Dục Thể Thao, kể cả những vụ vốn chẳng dính dáng gì tới tranh tài thể thao như Vụ Tổ Chức Cán Bộ, Vụ Kế Hoạch-Tài Chính, Vụ Hợp Tác Quốc Tế, giám đốc một số Trung Tâm Huấn Luyện Thể Thao Quốc Gia, giám đốc Sở Văn Hóa-Thể Thao một số tỉnh hoặc thành phố, sĩ quan Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An…

Sự góp mặt của 10 phó đoàn và các chuyên gia làm nhiều người bất bình. Trên Internet một số người gọi đó là “ăn theo,” một số người khác gọi đó là “ăn bám,” một số người khác chỉ trích nặng hơn, gọi sự góp mặt này là “trơ trẽn,” “vô liêm sỉ”…

Nói với báo điện tử Zing, ông Nguyễn Thái Bình, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của bộ, cho biết việc sắp xếp đủ loại viên chức của nhiều ngành, nhiều cấp khác nhau theo đoàn sang Malaysia trung tuần tháng tới “hoàn toàn là vấn đề công việc và trách nhiệm chứ không có yếu tố lợi ích.”

Theo ông, sở dĩ đoàn tham dự SEA Games 29 có tới 10 phó đoàn vì số lượng huấn luyện viên, vận động viên… quá đông, các cuộc thi tài diễn ra ở nhiều nơi khác nhau nên cần nhiều phó đoàn hỗ trợ trưởng đoàn điều hành, quản trị.

Cần lưu ý là tại SEA Games lần này, 4/32 môn thể thao mà Việt Nam tham gia tranh tài là bowling, hockey, cricket, bơi nghệ thuật thì vận động viên và người hâm mộ phải tự trang trải toàn bộ chi phí!

Ông nói thêm là tất cả các thành viên từ trưởng đoàn, phó đoàn, cán bộ, đến huấn luyện viên, vận động viên “đều được hưởng sự đãi ngộ như nhau” nhưng không đả động gì đến nguyên nhân khiến công chúng lên tiếng rủa sả viên chức sắp hàng đi theo để làm gì trong một cuộc tranh tài thuần túy thể thao.

Ngay sau đó, báo Người Lao Ðộng đăng một bài nhấn mạnh rằng thiên hạ “bất phục” với lối giải thích của ông Bình.

Tờ báo này điểm tên hàng loạt viên chức và nhấn mạnh, sự góp mặt của những viên chức này trong cương vị phó đoàn là không cần thiết vì môn nào cũng đã có đội trưởng, huấn luyện viên.

Báo này nêu ra một thắc mắc khác là tại sao không điều động thêm nhiều nhân viên y tế để chăm sóc cho các vận động viên tốt hơn. 21 nhân viên y tế phải chạy tới, chạy lui nhiều nơi để chăm sóc cho 476 vận động viên rõ ràng là quá ít. Tờ báo này nhấn mạnh là lần nào, đoàn thể thao Việt Nam đi tranh tài tại ngoại quốc cũng khiến dư luận ồn ào vì quá đông viên chức tháp tùng.

Tháng Tám năm ngoái, công chúng Việt Nam đã từng chỉ trích kịch liệt việc có tới 11/27 người đi theo 23 vận động viên Việt Nam đến tranh tài Olympic mùa Hè lần thứ 31 (diễn ra ở Rio de Janeiro, Brazil) là… viên chức. Vì khả năng của công quỹ có hạn mà số viên chức tháp tùng để “quản lý” quá nhiều nên đoàn thể thao Việt Nam thiếu bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các vận động viên. Thậm chí nhiều vận động viên đến Olympic Rio 2016 một mình, không có cả huấn luyện viên để hỗ trợ tranh tài! (G.Ð)

Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 6 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT