Thursday, April 18, 2024

Không dễ xuyên thủng ‘vỏ’ của vụ tai tiếng ‘tàu đánh cá vỏ thép’

BÌNH ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Tuy được chính quyền tỉnh Bình Định mời nhưng báo giới không thể tham dự cuộc họp giữa chính quyền tỉnh này với Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn về scandal “tàu đánh cá vỏ thép.”

Theo tờ Người Lao Động, chuyện báo giới được mời rồi bị chính quyền tỉnh Bình Định cấm vào vì “đoàn công tác đặc biệt” thứ hai của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn đòi như thế.

Dẫu thiệt hại cho cả quốc gia lẫn ngư dân đã rất rõ ràng nhưng trách nhiệm của những bên tạo ra scandal “tàu đánh cá vỏ thép” vẫn còn hết sức mơ hồ.

Năm 2014, chính phủ ban hành nghị định 67, khẳng định sẽ đầu tư-phát triển hoạt động thủy sản, đặc biệt là sẽ dành ra một “gói” trị giá $14,000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.

$14,000 tỷ đồng vừa kể chủ yếu được dùng vào việc chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại.

Trên thực tế gần như các tàu đánh cá vỏ thép đều không thể ra khơi vì sau một hay vài chuyến hải hành, máy móc, thiết bị cùng hư, sửa chữa dù rất tốn kém nhưng không hiệu quả. Chẳng riêng máy móc, thiết bị không an toàn mà vỏ thép của các tàu đánh cá này cũng bị xem là đáng ngờ về phẩm chất.

Ngoài chuyện rỉ sét nhanh và nhiều, có tàu như BĐ 99939 của ông Nguyễn Thư, ngụ ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, bị phá nước, chìm giữa biển lúc áp thấp nhiệt đới đang đổ đến ngang trong chuyến hải hành đầu tiên.

Nói cách khác, những tàu đánh cá vỏ thép, trị giá hàng chục tỷ đồng/tàu đang dìm các chủ tàu chìm sâu trong nợ. Những ngân hàng đã cho họ vay tiền đối diện với nguy cơ mất cả chì lẫn chài. Kế hoạch hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông coi như phá sản.

Tháng trước, sau cuộc khảo sát ở miền Trung, ông Nguyễn Ngọc Oai, tổng cục phó Tổng Cục Thủy Sản, người giữ vai trò trưởng đoàn công tác đặc biệt đợt đầu tiên của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, nói rằng dù thực tế đúng là như vừa kể nhưng đó là điều mà các cơ quan hữu trách của chính phủ đã… “lường trước.” Ông nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện nghị định 67, nếu phát hiện trục trặc thì sẽ tìm nguyên nhân để điều chỉnh kịp thời nhằm hỗ trợ cho ngư dân.

Những công ty có liên quan đến chương trình đổi tàu đánh cá vỏ gỗ thành vỏ thép cũng lên tiếng. Theo đó, máy các tàu đánh cá vỏ thép hư hỏng vì: (1) Ngư dân vận hành sai với hướng dẫn. (2) Ngư dân tự cải tạo, thay đổi kết cấu của máy.

Theo nhận định của ông Oai, vỏ tàu bị gỉ sét nhanh và nhiều có thể do… sơn chưa tốt. Trưởng đoàn công tác đặc biệt cho rằng “quy trình” (chuyển tiền cho một số công ty đóng tàu để giao cho ngư dân) “rất tốt.” Trách nhiệm giám sát việc đóng tàu (kể cả kỹ thuật) thuộc về ngư dân.

Mới đây, theo báo điện tử Zing, kết quả kiểm tra sơ bộ của một nhóm giám định viên độc lập do chính quyền tỉnh Bình Định mời, đối với các tàu đánh cá vỏ thép không thể ra khơi cho thấy, hệ thống điện trên các tàu này không an toàn, công suất bóng đèn đã lắp chỉ khoảng 2/3 so với thiết kế, các bộ chấn lưu (transformer) không rõ nguồn gốc, tính năng kỹ thuật vì dữ liệu in trên thân đã bị cạo sạch, do thiếu hệ thống tản nhiệt, dễ chập mạch nên các bóng đèn rất dễ cháy. Thay vì phải làm bằng thép không gỉ, phải có hệ thống thoát nước thì các hầm chứa hải sản lại thiếu hẳn những yếu tố quan trọng này nên vừa gỉ sét nhanh, vừa làm giảm phẩm chất hải sản.

Tờ Tuổi Trẻ thì dẫn lời người đại diện hãng Mitsubishi của Nhật tại Singapore, khẳng định máy hiệu Mitsubishi lắp trên các tàu đánh cá vỏ thép không phải sản phẩm do chính hãng này phân phối. Đó có thể là “hàng trôi nổi, không bảo đảm về phẩm chất.”

Chuyện liên quan đến scandal “tàu đánh cá vỏ thép” chắc chắn là còn dài. Tuy nhiên muốn xuyên thủng “vỏ” scandal để truy cứu trách nhiệm thì không dễ.

Tác giả của đa số “tàu đánh cá vỏ thép” không thể ra khơi là công ty đóng tàu Nam Triệu – một doanh nghiệp thuộc… Bộ Công An. Còn Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, nơi tổ chức, giám sát chương trình chuyển đổi các tàu đánh cá bằng gỗ thành tàu có vỏ thép, hiện đại thì đã từng đưa hai chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển nhằm khẳng định chủ quyền đến chỗ phá sản.

Tháng Tư, 2006, chính quyền Việt Nam chính thức xác nhận, sau khi ngốn hết 1,400 tỷ đồng, chương trình hỗ trợ ngư dân “đánh bắt xa bờ,” khởi xướng hồi 1997, thất bại hoàn toàn vì 95% của khoản tiền này bị tham nhũng.

Cuối thập niên 2000, chương trình “Lắp Thiết Bị Định Vị Vệ Tinh Cho Tàu Đánh Cá” nhằm hỗ trợ ngư dân kết thúc không kèn, không trống vì thuyền trưởng của 2,000 tàu đánh cá được chọn “thí điểm” đồng loạt đòi trả lại thiết bị vì phẩm chất tồi, hiệu quả kém mà lại quá nhiều ràng buộc. (G.Đ)

Cụ ông 88 tuổi lặn lội tặng cơm người nghèo Tây Ninh

MỚI CẬP NHẬT