Wednesday, April 24, 2024

Hà Nội – Sài Gòn, 7 ngày ‘rượt’ theo Tổng Thống Obama

Khôi Nguyên - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

“Hai anh chỉ có 7 ngày, nhắc lại là 7 ngày, đi Việt Nam, làm sao cung cấp thông tin cho độc giả báo Người Việt, tức cộng đồng người Việt ở hải ngoại, cái nhìn trung thực, khách quan về chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến Việt Nam trong 3 ngày 23,24 và 25 Tháng Năm. Mọi công việc hàng ngày, tòa soạn sẽ ‘gánh thay’ trong thời gian các anh vắng mặt.”

Ðó là “lệnh” từ cấp trên, Chủ Nhiệm Phan Huy Ðạt và Chủ Bút Phạm Phú Thiện Giao, cho hai chúng tôi, Khôi Nguyên và Ðỗ Dzũng, sau khi nhận được visa loại công vụ từ cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại Hoa Kỳ, 24 tiếng trước lúc khởi hành.

Với hơn 10 bài phóng sự, phỏng vấn cùng 20 videos clip các loại gởi về từ Việt Nam cho 3 sản phẩm truyền thông nhật báo Người Việt, Người Việt Online và Người Việt TV trong chuyến công tác 7 ngày, đã thu hút hàng triệu lượt độc giả, khán giả vào xem. Ðó là con số bất ngờ về mức độ quan tâm của độc giả về chuyến thăm Việt Nam của Tổng Thống Obama và cũng bất ngờ về sức làm việc của cả ban biên tập báo Người Việt trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” ấy.

Chuyện ông Obama đến Hà Nội rồi Sài Gòn, gặp ai, tuyên bố gì, di chuyển, ăn uống, ngủ nghỉ ra sao; tình cảm, sự nồng nhiệt, lòng say mê, ngưỡng mộ của người dân Việt Nam dành cho vị tổng thống da màu đầu tiên của Hoa Kỳ và “hội chứng Obama” diễn ra nhiều ngày sau đó,… độc giả đã có dịp theo dõi trên nhật báo Người Việt, Người Việt Online, Người Việt TV cùng nhiều cơ quan truyền thông khác. Giờ, xin kể vài kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công tác của hai chúng tôi, Khôi Nguyên và Ðỗ Dzũng, vốn chưa có dịp tỏ bày cùng độc giả trong “cơn lốc” thông tin về những ngày ông Obama đến Việt Nam.

Khôi Nguyên và Ðỗ Dzũng tại phi trường Tân Sơn Nhất sau khi đón Tổng Thống Obama đặt chân đến Sài Gòn.
Khôi Nguyên và Ðỗ Dzũng tại phi trường Tân Sơn Nhất sau khi đón Tổng Thống Obama đặt chân đến Sài Gòn.

Hà Nội, phở và bia

Dù Tổng Thống Obama chính thức đến phi trường Nội Bài vào tối 23 Tháng Năm, nhưng ngay từ ngày 18 Tháng Năm chúng tôi đã phải lên đường. Theo khuyến cáo từ cơ quan ngoại giao Việt Nam, “các anh phải đến sớm vài ngày vì nhiều thủ tục cần làm mới được ‘tác nghiệp.’”

Trên chuyến bay của hãng hàng không Eva Airlines cất cánh từ LAX, ngồi trên máy bay tôi và anh Ðỗ Dzũng ít nói về công việc, dù rất nhiều âu lo, mà chỉ nói về Hà Nội, thành phố với Ðỗ Dzũng là 24 năm và tôi hơn 10 năm, mới có dịp quay trở lại.

Khi ngồi chờ đổi chuyến bay ở Ðài Loan, biết hai chúng tôi lâu lắm mới về lại Hà Nội, một cặp vợ chồng người Hà Nội đi du lịch ở Mỹ về vui chuyện giới thiệu hàng loạt các “món ngon, vật lạ” ở Hà Thành và đề nghị chúng tôi nếm thử. Nhưng không hiểu sao, cả tôi và Ðỗ Dzũng chỉ cùng nhắc đến hai món phải nếm thử ngay là phở và bia hơi, vốn rất đặc trưng và phổ biến ở thành phố này.

Nụ cười mãn nguyện của Ðỗ Dzũng trước khi được nếm thử món phở Hà Nội. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Nụ cười mãn nguyện của Ðỗ Dzũng trước khi được nếm thử món phở Hà Nội. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Ðến phi trường Nội Bài vào trưa ngày 19 Tháng Năm, có lẽ một phần vì đồ ăn chán ngắt trên chuyến bay nên khi hai người bạn đón chúng tôi hỏi thích ăn món gì, thì ngay lập tức cả hai đồng thanh: “Phở!”

Khác xa nhiều năm trước, hầu hết các đường phố ở Hà Nội đều có tiệm phở, nhưng những người bạn Hà Nội vốn cầu kỳ nên nhất quyết đưa chúng tôi đến khu phố cổ ăn phở Bát Ðàn nổi tiếng với thương hiệu phở bò gia truyền. Nhưng thật không may, buổi trưa quán đóng cửa và chỉ mở lại lúc 3 giờ chiều nên đành ăn phở Lý Quốc Sư gần đó. Thú thật là bữa phở ấy không có gì đặc biệt mà phải đợi đến sáng ngày hôm sau, tôi cùng Ðỗ Dzũng từ khách sạn trên đường Hai Bà Trưng đi bộ đến quán phở gia truyền gần đó mới cảm nhận hết được cái mùi vị đặc trưng của món phở Hà Thành.

Như nhiều quán phở khác ở thành phố này, phở ở đây không có rau thơm, hành giấm, tương đỏ, tương đen, như ở Sài Gòn hay California, mà chỉ có thật nhiều hành lá và tương ớt đi kèm. Không thể mô tả chi li về món phở bò gia truyền này, chỉ biết rằng nó ngon “một cách rất khác lạ” và có thể nhìn thấy cái ngon ấy qua nét mặt tươi rói, mồ hôi ròng ròng, đầy mãn nguyện của Ðỗ Dzũng khi anh húp đến giọt nước cuối cùng trong tô phở của mình.

Cũng trong ngày đầu tiên ấy, buổi tối chúng tôi lại rủ nhau đi uống bia hơi vỉa hè, mà thành phố này có hàng hàng lớp lớp quán bia như thế. Quán bia mà chúng tôi ghé vào nằm trên đường Yên Phụ, gần Bến Nứa, nơi tụ tập của dân lao động. Hà Nội trong cái nóng Tháng Năm, nhìn những ly bia vàng óng ánh sủi bọt được rót ra từ các thùng bia tròn như cái trống (người Hà Nội gọi là “bom bia”) đã thấy mát dịu cả người.

Ðỗ Dzũng thưởng thức bia ở Bờ Hồ, Hà Nội, sau 24 năm trở lại thành phố này. (Hình: Khôi Nguyên)
Ðỗ Dzũng thưởng thức bia ở Bờ Hồ, Hà Nội, sau 24 năm trở lại thành phố này. (Hình: Khôi Nguyên)

Không như Sài Gòn, người Hà Nội uống là chính, “mồi” đơn giản chỉ là vài bịch đậu phọng rang. Ngồi nhấp từng ngụm bia mát lạnh, trong cái không khí náo nhiệt xô bồ, lâu lâu thấy bóng cảnh sát trật tự khách lại dạt vào sát vỉa hè, bỗng nhiên cảm thấy thú vị, vì nó khác xa cái bình lặng, êm ả của cuộc sống ở Hoa Kỳ.

Hỏi Ðỗ Dzũng thích nhất điều gì ở quán bia này, anh cười tươi rói “thật là thoải mái,” quên luôn cả cái cách rửa ly của bà chủ quán: Khách này vừa uống xong, bà nhúng cái ly qua loa vào xô nước, xong lấy ra rót tiếp bia vào cho khách khác, mà suốt hơn một tiếng đồng hồ, bà rửa hàng chục cái ly cũng chỉ bằng mỗi cái xô nước ấy!

Một góc quán bia hơi ở Yên Phụ, Hà Nội. (Hình: Khôi Nguyên)
Một góc quán bia hơi ở Yên Phụ, Hà Nội. (Hình: Khôi Nguyên)

“Kính thưa các loại thẻ!”

Ðó là câu than thở của một phóng viên thường trú của một hãng truyền thông quốc tế tại Hà Nội về quá nhiều loại thẻ do cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ cấp cho các phóng viên “tác nghiệp” trong hàng loạt sự kiện có mặt của Tổng Thống Obama. Ngoài một thẻ chính mang tính tượng trưng, phóng viên muốn tham dự sự kiện nào lại phải có thẻ của sự kiện ấy. Vì thế, trong hai ngày ông Obama ở Hà Nội, mỗi phóng viên trung bình phải mang trên cổ ít nhất 5 loại thẻ khác nhau. Mà mỗi loại thẻ cũng có giá trị nhất định, vòng trong hay vòng ngoài, cách xa tổng thống bao nhiêu mét, vân vân và vân vân.

Mà để có được các thẻ này cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thủ tục hành chính tại Việt Nam vẫn còn rắc rối và chậm chạp, dù “ghi danh” làm việc trước đó 3 ngày, những mãi đến 4 giờ chiều ngày 23 Tháng Năm, tức chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là máy bay của Tổng Thống Obama đáp xuống Nội Bài, hai chúng tôi mới được cầm trên tay những cái thẻ do Phòng Hướng Dẫn Báo Chí Quốc Tế của Bộ Ngoại Giao cấp.

Một số loại thẻ dành cho các phóng viên vào tham dự các sự kiện có mặt Tổng Thống Obama. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)
Một số loại thẻ dành cho các phóng viên vào tham dự các sự kiện có mặt Tổng Thống Obama. (Hình: Khôi Nguyên/Người Việt)

Cách cấp thẻ cũng thật oái oăm, tuy báo Người Việt có hai phóng viên, nhưng mỗi sự kiện chỉ được một người tham dự, một vài sự kiện khác thì được loan báo là “hết thẻ.” Riêng sự kiện mang tính “nhạy cảm” như việc Tổng Thống Obama gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự, lời đề nghị được cấp thẻ đã không có “hồi âm.”

Ðón “hụt” tổng thống

Vì không được cấp thẻ vào tận phi đạo của phi trường Nội Bài để đón Tổng Thống Obama khi chiếc Air Foce One đáp xuống, chúng tôi phải tìm cách “canh me” giống như đi câu cá. Chuyến bay đáp xuống vào tối 23 Tháng Năm, thì buổi chiều anh tài xế taxi “bật mí” cho chúng tôi, toàn bộ con lươn trên con đường Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ nối liền cầu Nhật Tân mới xây xong, cửa ngõ vào Hà Nội, được rửa sạch sẽ. Thêm nữa, rất có thể tổng thống sẽ về nghỉ ở một khách sạn ven Hồ Tây, thế là chúng tôi chọn cầu Nhật Tân để đón đoàn xe của tổng thống. Chờ mãi, chờ mãi, gần 10 giờ tối chẳng thấy tổng thống đâu, ít phút sau Ðỗ Dzũng từ khách sạn đang viết bài gởi về tòa soạn cho biết, “ổng đổi lịch trình, đi đường cầu Thăng Long để về khách JW Marriott Hotel ở gần khu Mỹ Ðình.” Thế là “xôi hỏng, bỏng không.”

Phóng viên “4 trong 1”

Cái vụ “đón hụt” tổng thống của tôi được bù đắp vào sáng hôm sau, 24 Tháng Năm, khi “lễ đón chính thức tổng thống tại phủ chủ tịch” chỉ có mình tôi được tham dự bởi vì “các anh hai người nhưng chỉ có một thẻ mà thôi,” như lời của nhân viên thuộc Trung Tâm Hướng Dẫn Báo Chí Quốc Tế cho biết vào tối 23 Tháng Năm.

Khôi Nguyên tường thuật từ “Phủ Chủ Tịch,” nơi diễn ra lễ đón chính thức Tổng Thống Obama đến Việt Nam.
Khôi Nguyên tường thuật từ “Phủ Chủ Tịch,” nơi diễn ra lễ đón chính thức Tổng Thống Obama đến Việt Nam.

Công việc của chúng tôi vừa làm phóng sự cho báo giấy, vừa cho Online, vừa cho TV, vậy mà chỉ có một người duy nhất phải vừa ghi chép, vừa chụp hình, vừa quay phim và làm tường thuật cho TV. Vụ quay phim và chụp hình tôi thạo hơn, nên anh Ðỗ Dzũng vui vẻ “nhường” lại sự kiện này. Rất may sau đó, cũng Trung Tâm Hướng Dẫn Báo Chí Quốc Tế, gọi Ðỗ Dzũng cho biết, anh có một suất tham dự cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Bộ Ngoại Giao giữa Tổng Thống Obama và Chủ Tịch Nước Trần Ðại Quang. Cũng chính tại đây, Ðỗ Dzũng là người trực tiếp chứng kiến lời công bố của Tổng Thống Obama “Hoa Kỳ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam” khi anh chỉ đứng gần ông chừng 5 mét.

Khác với anh Ðỗ Dzũng vốn chỉ cố định một chỗ trong phòng họp, công việc của tôi phức tạp và di chuyển nhiều hơn. Lễ đón tổng thống diễn ra lúc 10 giờ sáng, nhưng 4 tiếng trước đó tôi phải có mặt trong khuôn viên Phủ Chủ Tịch và bị rà soát từ người đến đồ nghề mang theo qua hai cửa an ninh, vòng ngoài là Việt Nam và vòng trong là Hoa Kỳ. Chụp hình, quay phim, ghi chép, tôi có thể tự làm, nhưng khi làm tường thuật, phải tự quay camera vào chính mình thì chịu chết, mà không thể nhờ bất cứ đồng nghiệp nào vì ai cũng bận rộn. Một “sáng kiến” lóe lên, cắm cái chân camera xuống, quay ống kính ngược về phía mình và bấm chế độ quay tự động rồi cầm microphone tường thuật. Ơn trời, tôi đã thành công. Những thước phim gởi về khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên, làm sao có thể cùng một lúc làm 4 công việc như thế!. Ðây cũng là cách tôi và anh Ðỗ Dzũng áp dụng cho một số các sự kiện diễn ra sau đó, như ông Obama gặp ông Nguyễn Xuân Phúc, hay khi vào Sài Gòn tường thuật từ trung tâm GEM trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm khi tổng thống gặp gỡ gần 1,000 bạn trẻ.

Mời độc giả xem chương trình “Miền Nam yêu dấu! Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu” (Phần 1)

Taxi Hà Nội “trên cả tuyệt vời!”

“Trên cả tuyệt vời!” là cách nói của người Hà Nội ngày nay khi khen một ai, hay việc gì đó quá xuất sắc và lời khen này chúng tôi muốn dành cho các bác tài lái taxi ở Hà Nội.

Ngoài việc là phương tiện di chuyển nhanh, an toàn, giúp cho công việc của chúng tôi thuận lợi, đa số các bác tài ở Hà Nội là những người vui chuyện, am hiểu nhiều thứ, từ đường sá, ăn uống đến cả chính trị thuộc loại thời sự “cung đình.” Trò chuyện mới thấy, họ theo dõi rất sát các loại thông tin “lề trái,” như ông này tham nhũng, ông nọ “đánh” ông kia. Những từ mà “lề trái” gọi các lãnh đạo ngồi ở Ba Ðình, như “Tư Ếch,” “Ba X,” “Cả Lú”… họ thuộc vanh vách. Nhiều bác tài “bình luận” thời sự cả trong nước lẫn quốc tế không thua gì các chuyên gia hay học giả, như tài xế Nguyễn Văn Hồng mà chúng tôi có dịp phỏng vấn khi anh nói rằng, “Hơn 70% người Việt Nam thích tổng thống Mỹ hơn là Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”

Chuyện vui nhất mà chúng tôi thể quên là một bác tài còn rất trẻ, khi chúng tôi lên xe vừa ấm chỗ, cậu hỏi ngay: “Em nhìn hai bác quen lắm, gặp ở đâu rồi í.” Rồi tự trả lời: “Thôi chết rồi, em nhớ đã xem hai bác nói chuyện trên TV ở Youtube, mà nói cái gì ‘phản động’ lắm!” Chúng tôi cười trêu lại: “Thật không? Nếu vậy, hôm nay cậu chở ‘phản động,’ tội to lắm đấy nhé.’” Cậu tài xế cười toác miệng: “Ôi thế thì em vinh dự quá!”

Ðứng trước Hồ Gươm Hà Nội, Ðỗ Dzũng và Khôi Nguyên bình luận về phản ứng của người dân trước ngày Tổng Thống Obama đến Việt Nam. (Hình: Từ videos Người Việt TV)
Ðứng trước Hồ Gươm Hà Nội, Ðỗ Dzũng và Khôi Nguyên bình luận về phản ứng của người dân trước ngày Tổng Thống Obama đến Việt Nam. (Hình: Từ videos Người Việt TV)

Sài Gòn: “Ðón tổng thống nên mang theo bánh mì”

Ðó là kinh nghiệm mà tôi cùng Ðỗ Dzũng đồng ý với nhau sau khi tham dự tường thuật sự kiện “đón tổng thống thăm Sài Gòn” vào buổi chiều ngày 24 Tháng Năm bằng cái bụng đói meo.

Ðể kịp đón Tổng Thống Obama lúc 3:30 chiều tại Tân Sơn Nhất, hai chúng tôi từ Hà Nội đáp chuyến bay gần như sớm nhất trong ngày, nhưng đến Sài Gòn đã gần 11 giờ trưa, mà 12 giờ đã phải có mặt tại Sở Ngoại Vụ để lên xe bus theo đoàn phóng viên quốc tế vào lại phi trường. Quãng đường từ Tân Sơn Nhất đến Sở Ngoại Vụ gần Dinh Ðộc Lập, nếu đi xe gắn máy mất chừng 20 phút, nhưng chúng tôi “dại dột” lại trèo lên taxi nên khi kẹt xe phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới chỗ hẹn để làm thủ tục. Rồi thì cũng vào được phi trường, lại chờ cấp thẻ an ninh của Việt Nam, phía Hoa Kỳ thêm một thẻ nữa. Qua hai ba vòng kiểm tra an ninh, xe chở chúng tôi ra phi đạo để lại đồ nghề rồi lại chạy ngược vào phòng chờ. Rồi lại kiểm tra an ninh, và lại ra phi đạo đứng chờ chiếc Air Foce One đáp xuống trong cái nóng Tháng Năm gay gắt của Sài Gòn chúng tôi mệt rã rời vì đói.

Có một điều lạ, tại khu vực chờ VIP, cơ quan an ninh của cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam chỉ cho nước uống mà không thấy có bán đồ ăn, đến 3 giờ chiều, khi cơn đói làm người muốn rã rời thì một đồng nghiệp từng là phóng viên AFP tại Việt Nam rút từ trong túi ra một ổ bánh mì và bẻ cho cả hai chúng tôi một nửa. Anh bạn này dặn, vào mấy chỗ này nên mang theo đồ ăn, vì “nội bất xuất, ngoại bất nhập” có muốn xin ra ngoài mua thì cũng chẳng ai cho phép. Ðúng là “lời khuyên để đời!”

Như trở về nhà

Sài Gòn đón chúng tôi bằng cái nóng nung người, nhưng cả tôi và Ðỗ Dzũng cùng có chung cảm xúc là như được trở về nhà mình. Sài Gòn, nơi quen thuộc từng con đường, góc phố, tiếng nói cười của mọi người. Không còn từ nào để diễn tả việc người Sài Gòn hâm mộ Tổng Thống Obama trong suốt hai ngày 24 và 25 Tháng Năm, có vẻ như trên môi người Sài Gòn trong những ngày ấy không ai không nhắc đến tên ông Obama và ai cũng dành cho ông những lời lẽ tốt đẹp nhất.

Trong suốt những ngày làm việc ở Việt Nam, chúng tôi luôn thiếu giờ để ngủ, vì ban ngày đi làm, ban đêm (khi đó ở California lại là ban ngày) phải viết bài, làm phim gởi về tòa soạn. Nhưng trong cái đêm 24 Tháng Năm ấy, chúng tôi gần như thức trắng cùng hàng trăm ngàn người Sài Gòn háo hức chờ và mong được nhìn thấy Tổng Thống Obama khi biết nơi ông ở là khách sạn InterContinental Asiana, quận Nhất.

Chiều 25 Tháng Năm, sau khi ông Obama gặp gỡ gần 1,000 bạn trẻ tại trung tâm GEM Center trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận I rồi sau đó bay sang Nhật dự Hội Nghị G7, chúng tôi gởi những bài phóng sự, hình ảnh và phim cuối cùng về tòa soạn, cả hai lúc ấy dù rất mệt nhưng không quên nở một nụ cười mãn nguyện, bởi biết rằng đã hoàn thành nhiệm vụ!

“Phá rào” đi thăm nhà bà quả phụ cố đại úy mũ đỏ tên Ðương

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, dù đã được các viên chức ngoại giao của việt Nam cảnh báo rằng “các anh đừng đi đến những nơi ‘nhạy cảm’ (về chính trị),” nhưng tôi vẫn nhờ cộng tác viên Việt Hùng “giúp chở đến thăm nhà bà quả phụ ‘anh hùng mũ đỏ tên Ðương.’”

Tưởng cũng nên nhắc lại, hồi Tháng Ba năm 2016, qua bài viết của cộng tác viên Việt Hùng, cả cộng đồng người Việt Hải Ngoại, nhất là các cựu quân nhân VNCH, đều xốn xang trước hoàn cảnh khó khăn của bà Trần Thị Mai và anh Nguyễn Viết Xa, vợ và con trai duy nhất của cố đại úy nhảy dù Nguyễn Văn Ðương, người nổi tiếng qua ca khúc “Anh Không Chết Ðâu Anh” của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Ngay sau đó, qua báo Người Việt, thị trưởng thành phố Westminster Tạ Ðức Trí mở đợt gây quỹ giúp bà Mai và anh Xa thực hiện được mong ước sang Hạ Lào tìm về thăm nơi cố Ðại Úy Ðương hy sinh.

Trước bàn thờ cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhà báo Khôi Nguyên tặng bà quả phụ Nguyễn Thị Mai tờ báo Người Việt, số ra ngày 30 Tháng Tư, 2016, đăng bài của phóng viên Việt Hùng về chuyến về thăm Hạ Lào, nơi Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Trước bàn thờ cố Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương, nhà báo Khôi Nguyên tặng bà quả phụ Nguyễn Thị Mai tờ báo Người Việt, số ra ngày 30 Tháng Tư, 2016, đăng bài của phóng viên Việt Hùng về chuyến về thăm Hạ Lào, nơi Ðại Úy Nguyễn Văn Ðương hy sinh. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Việt Hùng chở tôi đi trên những con đường Sài Gòn một thời quen thuộc, đến một con hẻm trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11. Căn nhà bà Mai và anh Xa sống trong suốt hàng chục năm tuy là nhà xây nhưng bên trong khá tồi tàn. Bàn thờ cố Ðại Úy Ðương đặt trên căn gác, nơi vừa làm phòng ngủ và sinh hoạt.

Tôi thắp nhang, nhắn gởi đến cố Ðại Úy Ðương những tình cảm của độc giả báo Người Việt và người Việt ở hải ngoại dành cho ông và gia đình.

Bà Mai cảm động, mãi mới nói nên lời cảm ơn các nhân viên tòa soạn báo Người Việt và Thị Trưởng Tạ Ðức Trí cùng tấm lòng của hàng ngàn đồng hương đã dành cho gia đình bà.

“Tôi cám ơn tất cả và mãn nguyện về chuyến đi Hạ Lào và yên tâm sống trọn vẹn tuổi già bằng sự giúp đỡ của mọi người.”

Cũng như bà Mai, chúng tôi cũng mãn nguyện khi được bước chân vào thăm căn nhà này. Mãn nguyện vì đã làm trọn nhịp cầu nhân ái, mà như nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng viết: “Tạ ơn trên người vẫn thương người!”

Như một lời chia tay Tổng Thống Obama

Thật khó nói hết cảm xúc sau một tuần công tác ở Việt Nam trở về. Tôi cùng nhà báo Ðỗ Dzũng nhận được nhiều sự quan tâm thăm hỏi, khen ngợi và cả phê bình từ độc giả, khán giả,… Nhưng hơn hết vẫn là cảm nhận được cái tình từ các đồng nghiệp đã “gồng gánh” chia sẻ công việc cho chúng tôi trong suốt một tuần trọn vẹn.

Khi bài viết này đến tay độc giả thì chỉ còn ít ngày nữa, Tổng Thống Barack Obama sẽ rời Tòa Bạch Ốc, chính thức rời chức vụ để bàn giao lại cho tổng thống tân cử Donal Trump.

Hai nhiệm kỳ với 8 năm làm tổng thống, phạm vi bài viết này không bàn về sự thành bại của ông Obama trong vai trò lãnh đạo quốc gia đứng đầu thế giới. Nhưng bằng tình cảm của một người Mỹ gốc Việt và niềm mong muốn sự thay đổi cho quê hương cũ của mình, tôi không ngại ngần nói rằng ông Obama đã thành công rực rỡ và ngoài mong đợi qua chuyến thăm Việt Nam, nhất là tình cảm của hàng triệu người dân Việt dành cho ông.

kn-dd
Đỗ Dzũng, Khôi Nguyên tường thuật từ GEM Center, Sài Gòn nơi Tổng thống Obama gặp gỡ gần 1,000 bạn trẻ trưa 25 tháng 5, 2017. (Hình cắt từ clip NVTV)

Như một khán giả viết trên trang Youtube của Người Việt TV rằng: “Có lẽ trước khi mời Obama sang Việt Nam, những nhà lãnh đạo Việt Nam không thể tưởng tượng được dân chúng lại cuồng Mỹ đến thế. Ðiều này làm cho những người hoạt động dân chủ vững tâm hơn, tin tưởng vào con đường mình lựa chọn. Còn với nhà cầm quyền Việt Nam, chắc hẳn, họ sẽ phải suy nghĩ lại đường lối và phép cai trị của mình.”

Tương tự, một khán giả khác, viết: “41 năm (nhà cầm quyền Việt Nam) tuyên truyền cho toàn dân căm thù đế quốc Mỹ đã thất bại ê chề! Thế mới biết người dân khát khao tự do… Khát khao ấm no tới mức nào rồi.”

Và một khán giả khác viết: “Không cần giải pháp quân sự, Clinton và Obama của đảng Dân Chủ đã thắng Việt Cộng qua giải pháp hòa bình.”

Với tôi thì lại rất nhớ lời người tài xế taxi tuổi trung niên ở Hà Nội khi đưa chúng tôi ra phi trường Nội Bài để bay vào Sài Gòn: “Anh chỉ là thằng lái taxi. Có thể nói cuộc đời mình sẽ không bao giờ có cơ hội để nhìn thấy ông Obama bằng xương bằng thịt, nhưng lòng yêu mến ông ấy là vô bờ bến.”

Vậy còn niềm vui nào hơn, khi hai chúng tôi từng có cơ hội “rượt” theo tổng thống của mình từ Hà Nội đến Sài Gòn, mà có khi đứng gần ông chỉ chừng 5 mét!

Bài viết này như một lời chia tay với Tổng Thống Obama, người đã “chạm” vào nơi sâu thẳm trong trái tim của hàng triệu đồng bào tôi bên kia bờ Thái Bình Dương, với nỗi khát vọng hàng ngày về tự do, dân chủ, nhân quyền và no ấm!

________________

  • Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
    Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
    Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com.
    Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
    Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email: [email protected]

Bấm vào Đây để mua Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT