Friday, March 29, 2024

Ði chợ ở nơi tận cùng nước Việt

Nguyễn Trọng Tín - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Ðó là chợ Ðất Mũi. Ngôi chợ này xa nhất nước về phương Nam, cũng là một trong những ngôi chợ trẻ nhất nước. Chợ Ðất Mũi nằm ở trung tâm xã Ðất Mũi thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, ngôi chợ này nằm ở mũi nhọn chon von, chót cùng tổ quốc hình chữ S.

Những năm cuối thế kỷ 20, nơi đây chưa có chợ, nên người dân sinh sống cả đời ở đây chưa biết cái chợ ra làm sao.

Muốn đi đến chợ, dân ở đây phải vượt hơn 50 cây số đường thủy để lên chợ Năm Căn. Ðoạn đường này dù không phải xa lắm, nhưng do cách trở sông nước nên mỗi chuyến đi và về phải mất ít nhất một ngày, nếu như thuận gió, thuận nước.

Xóm lưới Rạch Tàu ngày nay. (Hình: Nguyễn Hải Tần)
Xóm lưới Rạch Tàu ngày nay. (Hình: Nguyễn Hải Tần)

Xóm đáy Rạch Tàu hình thành nên chợ

Ngày ấy nơi này chỉ là một xóm chài có tên là xóm Rạch Tàu. Dấu vết của xóm chài ấy giờ vẫn còn hiển hiện trên con sông Rạch Tàu với những giàn phơi lưới đáy dăng dăng dọc bờ sông, ghe thuyền đánh cá đi về tấp nập. Ở đây, nghề biển chủ yếu của ngư dân là đóng đáy hàng khơi.

Nghề đáy hàng khơi là một nghề khai thác hải sản khá đặc biệt, chỉ có ở vùng biển từ Trà Vinh kéo dài đến Mũi Cà Mau. Ðáy là những tấm lưới ống to lớn được ngư dân căng đặt trên những dòng hải lưu ngoài khơi để hứng cá tôm.

Nơi này có những chủ đáy với hơn trăm miệng đáy ngoài biển như ông Sáu Sỹ, chủ đáy lớn nhất trong toàn vùng Ngọc Hiển, Năm Căn, với hơn 160 miệng đáy.

Thông thường, những giàn đáy hàng khơi cách bờ từ 12 đến 20 hải lý, nằm trên khoảng giáp ranh giữa vùng nước biển đục và trong, người địa phương gọi là vùng giáp ngời. Tùy vào từng đoạn của dòng hải lưu, mỗi giàn đáy hàng khơi thường kết nhau từ 10 đến vài chục miệng.

Rừng đước ở Mũi Cà Mau. (Hình: Nguyễn Hải Tần)
Rừng đước ở Mũi Cà Mau. (Hình: Nguyễn Hải Tần)

Ðáy hàng khơi có thể khai thác quanh năm, nhưng mỗi năm có hai vụ chính. Mùa nam từ Tháng Ba đến Tháng Sáu, mùa chướng từ Tháng Chín đến Tháng Mười Hai Âm Lịch. Vào chính vụ, bạn chòi phải túc trực trên giàn đáy mỗi con nước từ một tuần đến 10 ngày.

Thời điểm đặt lưới khai thác trong từng ngày cũng luôn thay đổi, dựa vào chu kỳ chảy của dòng hải lưu, khi là nửa đêm lúc khác lại là ban ngày. Vì thế, ngoài bạn chòi còn có những ngư dân bạn ghe luôn hợp đồng chặt chẽ để đưa tàu ra đáy đúng vào lúc lên lưới (gọi là đổ đục) để thu gom tôm cá chở vào bờ, đồng thời tiếp tế những vật dụng thiết yếu cho bạn chòi sống được qua con nước trên những ngôi nhà như những tổ chim lúc lắc trên những chiếc cột đáy.

Nhờ sự nhộn nhịp này mà dần dà chợ Ðất Mũi thành hình. Hoạt động của chợ Ðất Mũi nhịp nhàng với nghề đáy hàng khơi, khi đáy vào con nước thì chợ cũng tấp nập rộn ràng. Sản vật của đáy hàng khơi là đủ loại tôm cá.

Do đặc thù là vùng đất nằm dưới mặt nước biển, cho đến nay, tập quán sinh sống của người dân trong vùng phần lớn vẫn còn cư trú trên các nhà sàn. Sự đi lại của con người ở vùng đất này chủ yếu dựa vào thủy lộ với các phương tiện xuồng, ghe. Vì thế, người bán và người mua đến chợ Ðất Mũi chủ yếu bằng phương tiện đường thủy, phổ biến nhất là chiếc vỏ lãi. Không chỉ đi chợ, sáng sáng dân Rạch Tàu đến các quán cà phê cũng bằng vỏ lãi.

Lao động ở đáy hàng khơi. (Hình: Nguyễn Hải Tần)
Lao động ở đáy hàng khơi. (Hình: Nguyễn Hải Tần)

Chợ Ðất Mũi giàu có

Chợ Ðất Mũi phong phú với nguồn hải sản khai thác được từ đáy hàng khơi. Ðặc biệt nổi tiếng là mặt hàng tôm khô. Do lượng tôm khai thác dồi dào nên ở chợ Ðất Mũi có một nghề dịch vụ rất độc đáo, đó là nghề lò luộc và sấy tôm khô thuê với hơn chục cơ sở quanh chợ nổi lửa suốt ngày đêm.

Nơi này còn là chợ nghêu giống vào loại lớn nhất nước. Ðoạn bãi biển bao quanh Mũi Cà Mau, dài hơn hai chục cây số, chỉ cách chợ Ðất Mũi 10 phút đi vỏ lãi, là một mỏ nghêu giống khổng lồ. Nghêu giống Ðất Mũi không chỉ bán cho người nuôi ở các bãi biển vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn đi ra tận các tỉnh Nam Ðịnh, Hải Phòng và Quảng Ninh phía Bắc.

Do đời sống khai thác biển, thu nhập của ngư dân theo từng con nước, mùa vụ nên người mua ở đây có thể thoải mái mua hằng ngày mà không cần phải trả tiền. Ðến con nước thu hoạch khi người mua có thu nhập, người bán sẽ đến tận từng nhà để nhận tiền.

Trước khi chợ Ðất Mũi hình thành, việc mua bán trao đổi hàng hóa của dân cư ở đây chủ yếu dựa vào hoạt động của giới thương hồ, mua bán lưu động trên các ghe xuồng theo sông nước. Vì vậy, cho dù bây giờ chợ Ðất Mũi đã hình thành, vẫn còn nhiều quầy bán hàng bông, thịt cá và cả tạp hóa lưu động trên các ghe xuồng dập dìu trên sông, tới từng nhà chào mời phục vụ cho người dân.

Sống ở đáy hàng khơi. (Hình: Nguyễn Hải Tần)
Sống ở đáy hàng khơi. (Hình: Nguyễn Hải Tần)

Từ cuối năm 2015 về trước, muốn đến chợ Ðất Mũi từ thị trấn Năm Căn, người ta phải đi bằng ghe xuồng dọc theo con sông Cửa Lớn về phía biển Tây. Ðây là con sông lớn, chiều rộng trung bình từ 500 đến 1,200 mét và mang một đặc điểm độc đáo có một không hai ở nước ta: cả thượng nguồn và hạ nguồn của sông đều đổ ra biển.

Sông bắt đầu từ cửa Bồ Ðề ở Biển Ðông, sau chặng hành trình gần 60 cây số thì lại gặp biển Tây (Vịnh Thái Lan) ở cửa Ông Trang. Sông như nhát cắt ngang phần đuôi của bán đảo Cà Mau, biến cái mỏm nhọn cuối cùng này, mà ngày nay là toàn bộ huyện Ngọc Hiển, thành một hòn đảo chìm với phần nổi lên mặt nước là màu xanh của rừng ngập mặn và những nếp nhà sàn của cư dân. Dòng sông là một dòng tôm cá trù phú với nghề đáy sông có gần 200 năm nay.

Ðặc biệt, đến với chợ Ðất Mũi là du khách đến với địa chỉ mà có lẽ không một người Việt Nam nào không ao ước được có một lần đặt chân đến: điểm chót cùng của mũi Cà Mau. Ở đây, du khách sẽ được ngắm cảnh mặt trời mọc lên từ biển và khi hoàng hôn về, mặt trời cũng lại lặn xuống biến.

Nghề đáy sông trên sông Cửa Lớn. (Hình: Nguyễn Hải Tần)
Nghề đáy sông trên sông Cửa Lớn. (Hình: Nguyễn Hải Tần)

Ở chót cùng mũi đất này ngày nay là khu du lịch sinh thái mũi Cà Mau, nơi có cột mốc số 0 đánh dấu điểm khởi đầu xa nhất của đất liền ở phương Nam. Khu du lịch Ðất Mũi có các dịch vụ ăn uống phục vụ du khách với nhiều món đặc sản sinh thành từ tự nhiên hoang sơ và giàu có của biển và rừng ngập mặn. Không chỉ được thưởng thức, du khách còn có thể “mục sở thị” cách thức người dân sạt sò (sò huyết), móc cua, bắt nghêu, bắt ốc len, thả lưới, đẩy te tại chỗ để bắt tôm cá.

Tháng Giêng vừa rồi, con đường bộ cuối cùng dài 50 cây số từ thị trấn Năm Căn đến chót Mũi Cà Mau được khánh thành cùng với chiếc cầu bê tông bắt qua sông Cửa Lớn. Con đường này cùng với lưới điện quốc gia về tới tất cả các cụm dân cư trên toàn vùng rừng ngập mặn Năm Căn là hai hiện thực vượt xa hơn mơ ước trăm năm của người dân Ðất Mũi.

Thật khó tin, nhưng bây giờ đã là hiện thực: Một người đồng bào Mông trên vùng cửa khẩu Săm Pun của Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chỉ cần lên xe đi một mạch là đến được với chợ Ðất Mũi.

Mời độc giả xem chương trình “Miền Nam yêu dấu! Giai phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu” (Phần 1)


  • Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
    Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
    Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com.
    Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
    Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email: [email protected]
    Bấm vào Đây để mua Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

MỚI CẬP NHẬT