Thursday, March 28, 2024

Mù sương Núi Cấm-Thất Sơn

Trần Tiến Dũng - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Từ xưa, nhiều thế hệ người miền Nam, nhất là dân ở các tỉnh đồng bằng không có núi, đều rộng tâm thức hướng về Núi Cấm-Thất Sơn, tỉnh An Giang, hướng nguyện thành tâm và lắng nghe các truyện kể truyền miệng huyền nhiệm từ các ngọn linh sơn này.

Núi Cấm tên chữ là Thiên Cẩm Sơn. Theo danh nhân Trịnh Hoài Ðức viết trong tác phẩm Gia Ðịnh Thành Thông Chí. “Ngọn núi này được gọi là núi Ðoài Tốn, cao 50 trượng, chu vi 20 dặm dư hình như cái đài cao, nghiễm nhiên ở về cung Thìn Tỵ nên gọi là núi Ðài Tốn… Núi cao đột ngột, sinh sản các loài trầm hương, tốc hương, súc sa, cây sao, giáng hương, thông tre. Cây cối tốt tươi có đường cong queo thông trong núi sâu, dấu người qua lại, gần nơi đồng ruộng, xa có bến nước, kẻ cày cấy, người đánh cá chia từng loại ở nơi chân núi.”

Chúng tôi đến chân núi Cấm vào lúc trời tối. Người xe ôm chở chúng tôi từ thị xã Châu Ðốc đến đây từ chối đưa chúng tôi lên núi. Anh nói rừng nào cọp nấy, “cọp xe ôm” ở núi này toàn là thứ dữ.

Tượng Phật Di Lạt ở trung tâm khu du lịch tâm linh núi Cấm.
Tượng Phật Di Lạt ở trung tâm khu du lịch tâm linh núi Cấm.

Trời tối đen, đường cáp treo lên núi làm theo giờ hành chánh đã nghỉ đưa khách. Nhưng chúng tôi không phải chờ lâu, dân xe ôm thứ dữ đã ra điều kiện: Chở ba lên núi. Sợ đường núi đêm mùa mưa nguy hiểm chúng tôi từ chối. Tay xe ôm trẻ măng nói như ra lệnh. “Bao tánh mạng của mấy cậu, ban ngày chở đôi, đêm chở ba đó là luật của tụi này.” Sau cùng không phải do sợ luật rừng xe ôm mà do sự hấp dẫn của chuyện được ngủ đêm trên núi Cấm nên tôi và nhà văn Ngô Khắc Tài liều mạng gật đầu lên núi Cấm mịt mù sương lạnh.

Hóa ra đường lên núi Cấm ngày nay cũng gập ghềnh rộng 4 thước, nhưng trong đêm khi tay xe ôm dừng xe trước cổng soát vé để chung tiền mãi lộ xin đường với cán bộ quản lý khu cấm địa, việc này đã gây cho chúng tôi cảm giác đây là lãnh địa của thảo khấu trong chuyện đời vài trăm năm trước.

Tay xe ôm đúng là thứ dữ, khi phóng như bay qua sương mù và các đoạn đường lênh láng nước từ các luồn mạch trên núi cao đang tràn xuống. Hơn 8 giờ tối, chiếc xe ôm đậu ngay trước khu nhà nghỉ gọi là được nhất của khu du lịch núi Cấm. Trong ánh đèn tù mù, có cảm giác đây là một ngôi miếu bự chứ không phải nhà nghỉ và cái cảm giác sợ thảo khấu trong chúng tôi được thay bằng cảm giác ớn lạnh sợ âm binh. Ðỉnh núi Cấm vào mùa mưa vắng khách, vắng tới mức khiến người ta dễ sinh ảo giác thánh thần và ma quỉ đang quanh quẩn bên mình.

Người gánh hàng bán rong kiếm sống trong sáng mù sương trên núi thiêng.
Người gánh hàng bán rong kiếm sống trong sáng mù sương trên núi thiêng.

Hai ông đạo trên núi Cấm

Những năm gần đây khi nhu cầu du lịch nội địa phát triển, dân làm du lịch sơn cước thường đồn thổi về nhiều địa danh có khí hậu và cảnh quan giống Ðà Lạt, nhưng chưa hề ai phát hiện núi Cấm trong dãy Thất Sơn là một Ðà Lạt giữa đồng bằng.

Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi ở núi Cấm là buổi sáng mờ mịt mặt người và ngay cả cỏ cây cũng chìm khuất trong dòng sông sương mù, nhiệt độ mát lạnh như Cao Nguyên. Vào thời đại khí hậu trái đất ngày một nóng mà được ở giữa biển sương mù của núi Cấm thì đúng là một ân sủng. Chúng tôi sau khi đi lướt qua các địa danh như chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh… quanh cái hồ nhân tạo mới đào đang nuôi vô số cá phóng sinh giữa thời cá biển, cá sông ở khắp Việt Nam đua nhau chết vì bị đầu độc môi trường sống, thì các loài cá trong hồ này cũng có thể gọi là có phước, có căn tu.

Ở chỗ tượng Phật nằm, chúng tôi dừng lại lắng nghe câu chuyện của mấy người phụ nữ trẻ bán nhang cho khách thập phương cúng chùa. Chuyện của họ chỉ xoay quanh đề tài tình dục và sinh sản, nhưng người miền Nam có cách nói rất có duyên, họ nói ba má họ “nhéo nhau” lòi ra họ, rồi vợ chồng họ “nhéo nhau” liên tục sanh ra một bầy con. Một cô phụ nữ chỉ khoảng 25 tuổi nói, “Ông bà già tui nhéo ra chục mười sáu đứa luôn, hơn nửa chục bỏ quê lên núi bán nhang, chạy xe ôm, tưởng chốn thanh tịnh nhéo không ra ai dè vợ chồng tôi nhéo cũng được năm đứa.”

Như một ông đạo, người thương phế binh VNCH Thái Văn Thơm bán nhang kiếm sống bao năm trước tượng Phật nằm trên núi Cấm.
Như một ông đạo, người thương phế binh VNCH Thái Văn Thơm bán nhang kiếm sống bao năm trước tượng Phật nằm trên núi Cấm.

Hẳn nhiên chúng tôi biết họ đều là người lưu dân không gia sản, lên núi Cấm để kiếm sống nương nhờ lòng thiện tâm của bá tánh. Ðột nhiên chúng tôi nhìn thấy bên rìa cỏ ướt sương lạnh cạnh bờ hồ có một người đàn ông lớn tuổi ngồi im lặng như một khối đá. Lại gần ông, ông cũng là người bán nhang, nhìn tình trạng thương tật của ông, hỏi thăm ông, mới biết ông là thương phế binh VNCH, ông cụt hai tay, mù hai mắt, ngày ngày ngồi như một khối đá câm lặng bên đường hành hương của các tín đồ.

Tên của ông là Thái Văn Thơm, cấp bậc trung sĩ, đại đội 4, Tiểu Ðoàn 435 Ðịa Phương Quân Sa Ðéc, ông bị thương vì đạp mìn ở Kinh Một Thước, trận Cai Lậy năm 1974. Nhiều năm nay ông sống bằng nghề bán nhang cúng và với ông núi Cấm như người mẹ hiền đã rộng vòng tay đùm bọc.

Ông nói giọng bình thản, “Nhiều người bàn tán là tôi lên núi Cấm để tu như mấy ông đạo thời xưa, ban đầu tôi nghĩ họ mỉa mai vì thấy tôi là phế nhân, nhưng ngồi đây tượng Phật trước mắt mà không thấy, cảnh chùa lớn sau lưng có ngoái đầu nhìn cũng không thấy, nhưng biết mình đang ở giữa núi thiêng, biết rõ lắm mấy ông ơi, vì một phế binh như tôi có muốn tham sân si cũng không được vậy không phải tu là gì!” Nghe ông tâm sự chúng tôi cũng thấy lòng chùng xuống, người đi tu hay dù đắc đạo hay không cũng không phải để tìm sự quên lãng của nhân gian. Nhất là với người lính đã chiến đấu và hy sinh vì tự do đã trở thành phế binh này, chẳng lẽ giữa đỉnh núi bảo bọc sự sống cả vùng đồng bằng đã bị đẩy vào cõi quên lãng!

Suốt mấy ngày ở núi Cấm chúng tôi cứ tơ tưởng đến cơ duyên được gặp các ông đạo thứ thiệt ở nơi từng có rất nhiều ông đạo ẩn cư tu hành luyện phép, gỡ bùa ngải, bốc thuốc.

Ông Ba Lưới, 105 tuổi, được coi như một ông đạo cuối cùng còn ẩn cư trên linh sơn.
Ông Ba Lưới, 105 tuổi, được coi như một ông đạo cuối cùng còn ẩn cư trên linh sơn.

Ông đạo thứ hai mà chúng tôi may mắn được gặp trên núi Cấm là ông Ba Lưới, ông tên thật là Nguyễn Văn Y. Những người bạn văn nghệ An Giang cho biết có thể coi như ông Ba Lưới là ông đạo cuối cùng của ngọn núi thiêng.

Khi người xe ôm chở chúng tôi quanh co, trơn trợt trên các lối mòn đường núi để đến nhà ông Ba Lưới, nơi ông đạo này ở suốt từ lúc còn là một chàng trai 18 tuổi cho đến tận ngày nay 105 tuổi. Ngôi nhà gỗ của ông đạo khá khang trang và theo mẫu nhà của người miền Nam xưa. Lúc chúng tôi đến, người chạy xe ôm chỉ cho chúng tôi thấy một ông già đang nằm vắt vẻo trên võng dưới hiên nhà. Anh nói, “Mấy ông hên đó nghe, chớ giờ này thường ổng không tiếp ai, giờ ổng tu luyện mà.”

Khi chúng tôi đến gần thưa hỏi, ông đạo với râu tóc bạc trắng sắc mặt hồng hào chỉ gật đầu. Nhìn ông, chúng tôi không thể nào tin rằng đó là một người có tuổi thọ hơn một thế kỷ. Không cần ông biểu, người nhà cũng mang trà nước ra mời.

Câu chuyện đầu tiên mà chúng tôi muốn biết là có phải ông là ông đạo hay chỉ là một người dân sống trên núi lâu năm. Ông nói giọng từ tốn, “Tôi tu theo Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tu để giúp đời, biết tới đâu làm tới đó.” Khi ông lấy gói thuốc lá từ trong túi áo bà ba, chúng tôi kinh ngạc vì không ngờ ở tuổi này ông vẫn còn hút thuốc lá. Ðoán biết được ý nghĩ chúng tôi về chuyện thuốc lá, ông bèn kể vanh vách các loại thuốc lá mà thời trẻ dưới chế độ VNCH ông đã hút qua.

Phòng hốt thuốc nam của ông đạo Ba Lưới ẩn khuất trong núi cao.
Phòng hốt thuốc nam của ông đạo Ba Lưới ẩn khuất trong núi cao.

Không hề có ý gây ấn tượng, ông chỉ bình thản kể như một người già cần ôn lại chuyện xưa cho con cháu. Ông nói, “Tui mười tám tuổi lên núi này tu, hơn bốn mươi mới có gia đình, tiếp tục tu tại gia, hai ba bà vợ tui cũng là người lưu lạc lên đây cả, lấy họ để cưu mang mà cùng nhau tu hành chớ hổng vì ân ái. Thời đó ở đây ít người, gạo thì mua dưới sóc Miên, nhưng thường ăn trái cây, rau củ rừng. Ai muốn tu thì tu, tui biết gì chỉ đó, chớ tu không có rủ rê. Thời đó trăn, rắn, mãng xà ở đây lớn lắm, có cọp, voi,… nhưng nó biết mình tu, mình tránh nó, nó tránh mình, không ai hại ai.”

Khi chúng tôi hỏi các giai thoại về loài mãng xà khổng lồ ở núi Cấm, ông nói, “Mãng xà có con lớn cả ôm nhưng đáng sợ hơn là loài phướng (rắn hổ mây), nó toàn là đi trên đọt cây, đi như gió lớn khó lòng tránh nó nếu nó muốn làm hại mình.”

Các câu chuyện về một thời huyền bí núi Cấm giữa ông đạo cuối cùng và người hậu sinh cứ hết chuyện này qua tới chuyện kia. Tất cả các câu chuyện mà ông Ba lưới kể đang minh định về trí nhớ không chút lẫn lộn dù tuổi thọ của ông đã hơn thế kỷ. Cuối buổi nói chuyện ông trầm giọng như tâm sự, “Hồi đó núi Cấm linh thiêng lắm, máy bay có khi bay qua mà không thấy núi do Trời-Phật muốn giấu núi đi, chùa, am trên núi thì toàn là mái tranh, cây rừng, tượng thờ thì đẽo gỗ, đẽo đá mà thờ. Thời bây giờ chùa lớn, tượng lớn bá tánh lên nườm nượp quanh năm mới nhìn cũng biết là vì chuyện tiền bạc, lợi lộc không hà. Thử hỏi núi thiêng bây giờ còn gì nữa mà tu hành đắc đạo để có tình thương cứu độ bá tánh.”

Thật khó tin khi ông cho biết thỉnh thoảng ông vẫn còn chống gậy đi hái thuốc quanh nhà. Kể chuyện còn cứng gối đi quanh nhà phơi thuốc, hái thuốc, ông Ba Lưới, Nguyễn văn Y cất tiếng cười sảng khoái, “Tuổi tôi mà còn tu, ngồi tịnh để làm gì, chỉ làm bạn với cây thuốc để răn, sửa mình mà giúp đời tới hơi thở cuối vậy mà an.”

Khi chúng tôi chúc sức khỏe tạm biệt ông đạo cao niên cuối cùng của núi Cấm-Thất Sơn cũng là lúc có đợt sương mù kéo đến. Vì chắc rằng đây là lần sau cùng chúng tôi có duyên gặp ông, nên bỗng nhiên chúng tôi nhớ đến bài thơ Ðường Thi: Tầm Ẩn Giả Bất Ngộ, nổi tiếng của thi hào Giả Ðảo:

Gốc thông hỏi chú học trò,
Rằng: “Thầy hái thuốc lò mò đi xa.
Ở trong núi ấy đây mà,
Mây che mù mịt biết là nơi nao?”
(Tản Ðà dịch)

Hai tay Nam bộ, một thơ, một văn lên núi Cấm trong thời linh sơn thành cái chợ tôn giáo-du lịch, trong bình minh mở rộng suốt đồng bằng ngày mai này, có thể linh khí duy nhất mà chúng tôi cảm nhận được từ đỉnh cao một thời huyền nhiệm trong tâm thức người miền Nam chỉ còn là sự trụi trơ đến bùi ngùi của một linh sơn đã thành món hàng tâm linh giá rẻ. Xin cúi đầu trước các đấng cao cả đang u khuất nơi thiên sơn!

MỚI CẬP NHẬT