Thursday, March 28, 2024

Văn Quang và Phạm Hậu, hai ‘linh hồn’ của Ðài Quân Ðội

Quốc Dũng & Ðằng-Giao/Người Việt

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau 42 năm, nhắc về Ðài Phát Thanh Quân Ðội không thể thiếu tiếng nói của hai vị quản đốc cuối cùng của hệ thống phát thanh nổi tiếng một thời Việt Nam Cộng Hòa, cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang) và cựu Trung Tá Phạm Hậu (nhà thơ Nhất Tuấn).

Người gắn bó với đài cho đến ngày mất nước là nhà văn Văn Quang. Hiện ông 84 tuổi và còn ở Sài Gòn, Việt Nam. Còn nhà thơ Nhất Tuấn, thời điểm đó ông là tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã, hiện ông 82 tuổi và ở tại Seattle, Washington.

Văn Quang – người quản đốc cuối cùng

Nói qua điện thoại với phóng viên nhật báo Người Việt, nhà văn Văn Quang gần như không nghe được. “Tai tôi yếu rồi, rất khó nghe điện thoại, thường là ai gọi đến cũng phải nhờ bà xã tôi nghe rồi nói lại,” ông nói.

Vậy nhưng, khi nói về Tháng Tư Ðen, ông cho hay: “Sau 42 năm mất nước, Tháng Tư Ðen lại đang đến gần. Năm nào tôi cũng bùi ngùi tưởng nhớ đến những ngày đau buồn này của dân tộc chúng ta. Có lẽ chẳng phải chỉ mình tôi mà hầu như cả những người ở miền Bắc xưa và người Việt ở khắp nơi trên thế giới cũng mang tâm trạng đau buồn này.”

“Tôi là quản đốc Ðài Phát Thanh Quân Ðội VNCH, nhận thấy mình cũng có một phần trách nhiệm trong trách nhiệm gìn giữ đất nước này. Những ngày cuối cùng là những ngày buồn nhất của chúng tôi. Anh chị em chúng tôi còn làm việc và ở lại ngay tại trụ sở đài cho đến khi những chiếc xe tăng địch kéo qua cầu Thị Nghè, qua cổng đài. Lúc đó chúng tôi mới ngơ ngác đứng nhìn nhau, có người rơi lệ khóc thầm rồi ôm nhau nói lời từ biệt. Ðó là những giây phút tôi chưa bao giờ quên trong cuộc đời mình,” ông kể.

Ông tâm sự: “Bây giờ, nếu có dịp gặp lại những anh chị em cũ của đài chắc tôi không thể nói được điều gì ngoài việc nhìn nhau với những thăng trầm biến đổi trên nét mặt từng người như gặp lại người anh em ruột thịt của mình. Thật ra hồi đó cùng làm việc với nhau, chúng tôi vẫn coi nhau thân thiết như anh em một nhà. Hầu như chưa từng có bất cứ một sự việc đáng tiếc nào xảy ra.”

“Tôi nhớ từng người. Chưa bao giờ tôi quên các bạn dù có bất cứ chuyện gì xảy ra,” ông bùi ngùi nói.

Nhắc lại những kỷ niệm về đài, ông cho hay: “Anh em phóng viên của đài hầu hết có tuổi đời còn rất trẻ. Những ‘ông trời con’ này cũng ngang ngang bướng bướng chứ không vừa đâu. Ăn chơi văng mạng và làm việc cũng hết mình. Anh nào cũng nghèo trơ xương, có khi đi công tác mà trong túi chẳng còn đồng xu teng nào, vậy mà vẫn xách ba lô và máy thu thanh lên đường đến các chiến trường xa. Ðến đơn vị nào cũng ăn đậu ở nhờ thôi.”

“Hồi đó chiến trận ở khắp nơi, có khi đang ở Huế, vừa làm xong công tác bị điều động đến ngay chiến trường Pleiku, Kon Tum, hay Bình Long, bởi vì lúc đó chỉ có chừng hơn 10 phóng viên thôi. Ðôi khi tôi phải nhờ các cô nữ phóng viên đi thay,” ông kể.

Cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang) năm 1964, khi còn là chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa. (Hình: Văn Quang cung cấp)
Cựu Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang) năm 1964, khi còn là chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa. (Hình: Văn Quang cung cấp)

“Tình trạng thiếu phóng viên mỗi lúc một gay go nên chúng tôi tổ chức một lớp huấn luyện cho các anh phóng viên ở ngay tại sư đoàn, gọi là các phóng viên tại đơn vị. Nhờ đó, có tin gì các anh này gọi thẳng về đài mà không phải qua bất kỳ sự kiểm soát nào của Bộ Tham Mưu Sư Ðoàn,” ông kể tiếp.

“Lớp huấn luyện này ở ngay đài do anh Dzương Ngọc Hoán làm giám đốc khóa học và trực tiếp giảng bài. Anh Hoán từng được cử đi học làm phóng viên tại nước ngoài gồm nhiều quốc gia có nhân viên theo học ở đây. Anh là một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa học này rồi trở về làm trưởng ban tin tức của đài. Sau khóa học, các phóng viên sư đoàn được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị cấp giấy chứng nhận là phóng viên chính thức của quân đội. Từ đó chúng tôi giải quyết được việc thiếu phóng viên,” ông kể thêm.

Nói về cơ duyên đến với đài, ông cho hay: “Năm 1960, tôi vừa là trưởng phòng báo chí, vừa làm chủ bút báo Chiến Sĩ Cộng Hòa và là phụ tá chuyên môn của Khối Kỹ Thuật-Cục Tâm Lý Chiến. Khi đó Khối Kỹ Thuật gồm có năm phòng chuyên môn về các công tác báo chí, phát thanh, truyền hình, ấn họa và phòng văn nghệ.”

“Giữa năm 1969, anh Phạm Hậu được điều động sang Bộ Thông Tin làm giám đốc Ðài Phát Thanh Quốc Gia Sài Gòn, tôi được lệnh về thay thế anh,” ông hồi tưởng.

“Cần nói rõ thêm là tình hình chính trị vào lúc đó rất phức tạp vì có nhiều đoàn thể, đảng phái, tôn giáo có những lập trường khác nhau. Vì vậy, việc phổ biến tin tức thời sự cần phải rất thận trọng. Quân đội là của toàn dân và có nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc, không nghiêng theo bất cứ đoàn thể hay giáo phái nào. Phải giữ vững lập trường đó để làm tình hình chính trị, kinh tế ổn định hơn,” ông nhấn mạnh.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, cũng như mọi sĩ quan Quân Lực VNCH khác, ông bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong thời gian dài hơn 12 năm, ở K5 Vĩnh Phú và K2 thuộc Z30 tại Hàm Tân.

Tháng Chín, 1987, ông được thả ra. Trở về Sài Gòn, ông từ chối đi theo diện H.O., và quyết định ở lại Việt Nam.

“Tôi vẫn cho rằng những người bạn tôi đi định cư hầu hết vì lo cho tương lai của con cái, cho cuộc sống gia đình. Họ có lý do chính đáng để ra đi. Còn tôi chẳng có lý do gì. Khi tôi ở trại tù ra, vợ con tôi đã vượt biên rồi. Bốn đứa lớn tôi cho đi học ở Mỹ và chúng nó bảo lãnh cho nhau đi Mỹ hết rồi. Hiện nay tôi có tám người con ở Mỹ và tất cả đều lập gia đình. Chỉ còn mình tôi ở lại đây thôi,” ông kể.

“Ðời sống kinh tế rồi cũng ổn định, bằng việc học điện toán, rồi ra ‘hành nghề’ đánh vi tính thuê và làm lay-out cho các tiệm sách báo. Hồi đó Sài Gòn có rất ít máy điện toán và người làm được công việc này càng hiếm. Cái may mắn của tôi là ngay khi ở trại tù ra, tôi đã tò mò đi học khóa đầu tiên. Sau khi học xong vài khóa, tôi được các cháu ở Mỹ yểm trợ cho mấy cái máy và máy in laser để hành nghề. Công việc kiếm ăn khá phát đạt. Vì thế tôi thấy không cần phải đi đâu nữa cả. Hơn thế, vợ cũ của tôi và các cháu cũng đã ‘yên bề gia thất’ nên tôi không muốn khuấy động cuộc sống của gia đình mình, gây thêm những thắc mắc vướng bận cho những người thân,” ông kể thêm.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, ông cho biết: “Cuộc sống của tôi bây giờ cũng ung dung và yên ấm rồi. Chẳng còn gì phải đi đâu nữa. Ở đây còn có nhiều đề tài sống để viết nên tôi ở lại tiếp tục làm công việc mình cần làm. Tuy bây giờ tuổi đã cao, tôi không còn được minh mẫn như ngày nào, nhưng mỗi tuần tôi vẫn cố gắng nắm bắt và phân tích tình hình kinh tế chính trị, văn hóa nhất là đời sống của người dân từ thành thị tới nông thôn để viết một bài tường thuật. Tôi nói lên tiếng nói của người dân không thể nói được những mong ước của đời mình. Những bài nay tôi chỉ gửi ra báo ở nước ngoài thôi.”

“Ðôi khi có một số anh chị em là phóng viên cũ của đài có dịp về Việt Nam ghé thăm tôi, ngồi nhắc lại chuyện xưa. Thú thật, tôi nhớ nhớ quên quên có khi nói mãi mới nhận ra người bạn xưa của mình là ai. Những lúc như thế tôi nghĩ đây là lần gặp nhau cuối cùng trong đời. Khi các anh chị ấy ra về, tôi còn ngẩn ngơ đứng sau khung cửa hẹp nhìn theo bóng dáng người bạn xưa,” ông tâm sự.

Và cũng vì viết bài “gửi ra báo ở nước ngoài” mà cách đây chừng 5-6 năm, ông bị công an Sài Gòn tịch thu hết máy móc nên “tất cả hình cũ không còn cái nào nữa,” ông tiếc rẻ nói.

Bệnh Alzheimer’s không làm gục ngã cựu quản đốc đài

Vợ chồng cựu Trung Tá Phạm Hậu và cựu Ðại Úy Dzương Ngọc Hoán (phải) trong lần gặp mặt năm 2017. (Hình: Dzương Ngọc Hoán cung cấp)
Vợ chồng cựu Trung Tá Phạm Hậu và cựu Ðại Úy Dzương Ngọc Hoán (phải) trong lần gặp mặt năm 2017. (Hình: Dzương Ngọc Hoán cung cấp)

Năm nay, ở tuổi 82, cựu Trung Tá Phạm Hậu phải cố gắng lắm mới ôn được chuyện xưa. Nhiều lúc ông cần có sự trợ giúp của vợ, bà Bạch Thị Hoàng Oanh.

Ông kể: “Tôi về làm việc tại đài năm 1968. Lúc này, đêm nào Cộng Sản cũng pháo kích hỏa tiễn vào Sài Gòn. Tôi liên lạc với Biệt Khu Thủ Ðô để có tin và loan tin cho thật nhanh. Bản tin cũng phải viết cẩn thận, chính xác mà lại không cho địch biết chúng đã pháo trật hay trúng mục tiêu.”

Nói về một chương trình nổi tiếng của đài, ông cho hay: “Chương trình Dạ Lan, một chương trình dành cho lính rất nổi tiếng, cũng phải tạm ngưng một thời gian vì cô Dạ Lan nghỉ việc. Thư lính gửi về đài tràn ngập mỗi ngày, than phiền vì chương trình hay quá mà tại sao không phát thanh đều. Tôi trình với cựu Thiếu Tá Lê Ðình Thạch, khi đó là chánh sự vụ Sở Kỹ Thuật của Cục Tâm Lý Chiến, để coi kỹ lại chương trình này.”

Ông cho hay, chương trình binh vận của đài, Dạ Lan, mới đầu do xướng ngôn viên Hoàng Xuân Lan, tức Dạ Lan 1, phụ trách từ năm 1964 tới năm 1966 thì nghỉ việc. Từ năm 1967 đến 1975, xướng ngôn viên Hồng Phương Lan, tức Dạ Lan 2, còn có tên Mỹ Linh, người từng trông coi chương trình Nhạc Yêu Cầu của đài từ năm 1957, thay Dạ Lan 1 khi cô nghỉ việc.

Những năm làm việc tại đài, kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là lần được mời ăn cơm chiều tại Dinh Ðộc Lập.

Ông khoe: “Ðây là lệnh trực tiếp chứ không phải thông qua thượng cấp của tôi. Nhóm chúng tôi, có anh Nguyễn Ðạt Thịnh bên phòng báo chí, được ông Hoàng Ðức Nhã, bí thư kiêm tham vụ báo chí tổng thống, đón tiếp. Ông Nhã nói với chúng tôi, ‘Tổng thống nghe tường trình về các anh em, và tổng thống cũng nghe radio, đọc báo thường xuyên, biết các anh em làm việc vất vả, lâu lâu cũng muốn anh em thoải mái một chút. Bữa nay đẹp trời, tổng thống cho mời anh em tới nói chuyện và ở lại ăn cơm chiều với tổng thống.’”

“Chừng nửa giờ thì Tổng Thống Thiệu từ Dinh Ðộc Lập đi ra. Ông bắt tay mỗi người, ngồi xuống nói chuyện với ông Nhã và toán 10 người chúng tôi thật là vui. Vì ông Thiệu ở trong quân đội lâu năm trước khi làm tổng thống, ông dùng ngôn ngữ nhà binh nói chuyện với chúng tôi về đời quân nhân nhiều hơn là chính trị. Bữa cơm chiều từ nhà hàng đem tới khá ngon; hơn nữa, chúng tôi hãnh diện vì được ăn trong hoa viên của Dinh Ðộc Lập với tổng thống,” ông nói.

Nhắc về nhân viên cũ, ông nói rằng ai được nhận vào đài cũng có tài cả. Nhưng có một người đặc biệt là Trung Úy Quách Vĩnh Trường. “Tôi rất phục anh ấy. Anh cụt một tay và một chân vì cứu 30 anh em binh lính trong lúc chuẩn bị hành quân. Sau khi bị thương 170% như vậy, anh vừa làm việc tại đài, vừa là sinh viên trường luật nữa.”

Ông kể: “Giữa năm 1969, vì lý do riêng, tôi nộp đơn xin theo học khóa chỉ huy tham mưu cao cấp trên Ðà Lạt, và bàn giao đài lại cho anh Văn Quang. Sau đó, tôi làm quản đốc Ðài Phát Thanh Sài Gòn. Ðến năm 1971 thì làm giám đốc Nha Vô Tuyến Truyền Thanh (Hệ Thống Truyền Thanh Việt Nam). Và gần cuối năm 1974 tôi về làm tổng giám đốc Việt Nam Thông Tấn Xã. Nhưng chưa làm được bao lâu thì lại có thay đổi nội các. Tôi bàn giao cho anh Nguyễn Ngọc Bích rồi về lại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Và tan hàng!”

Bà Hoàng Oanh, vợ ông, nhắc lại kỷ niệm với đài: “Tôi thuộc ban biên tập. Công việc hằng ngày của tôi là liên lạc với Việt Tấn Xã hoặc gọi điện thoại trực tiếp cho các sĩ quan ở mặt trận để lấy tin nóng hổi nhất. Sau đó tôi viết thành bản tin rồi đợi các sĩ quan trưởng ban như ông Dzương Ngọc Hoán hoặc Nhật Bằng duyệt xong rồi chuyển ra cho các xướng ngôn viên phát thanh.”

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, sau khi ông Dương Văn Minh đầu hàng, ông Phạm Hậu quyết định đưa vợ vượt thoát ra ngoại quốc.

“Khoảng 2 giờ chiều hôm ấy vợ chồng tôi thoát khỏi Sài Gòn trong đường tơ kẽ tóc. Lúc đó đang ở Nhà Bè, nên tiện đường chúng tôi xuống một cái ghe nhỏ, lái ra đến Phú Quốc. May quá, ông nhà tôi liên lạc được với một người bạn đang ở trên chiến hạm với ông Hoàng Cơ Minh. Biết tin về chúng tôi, ông Minh điều chiến hạm HQ 5 là chiếc đi sau cùng, quay lại đón và đưa chúng tôi đến đảo Guam,” bà cho hay.

Sang Mỹ ở tuổi 40, ông bà cùng làm việc cho chính phủ Mỹ cho đến khi về hưu tại Seattle, Washington.

Trong những năm gần đây, bà luôn sát cánh bên chồng để giúp ông đương đầu với chứng bệnh Alzheimer’s. (Quốc Dũng & Đằng-Giao)

——————

Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT