Thursday, March 28, 2024

Phóng viên chiến trường: Mỗi cây bút là một sư đoàn

Quốc Dũng & Ðằng-Giao/Người Việt

ANNANDALE, Virginia (NV) – Chỉ có khoảng 10 phóng viên, nhưng lúc nào tin tức của Ðài Quân Ðội cũng dôi dư khi phát thanh. Ðể làm được khối lượng công việc đó, hầu như mọi phóng viên đều lăn xả ở chiến trường mà không nề hà khó khăn hay tính mạng của mình.

Cựu Ðại Úy Dzương Ngọc Hoán, cựu trưởng ban tin tức, cho biết: “Vì là Ðài Quân Ðội nên tin tức của đài nặng về phần tin có liên quan đến quân đội, như tin chiến sự, tin quyền lợi của binh sĩ& Do đó, những bản tin phát thanh về tin chiến sự là tin chính, còn tin quốc tế thì chỉ những tin quan trọng chúng tôi mới loan, hoặc chỉ là một phần rất nhỏ trong bản tin mà thôi.”

Nặng nợ với phát thanh

Nói về thời gian làm việc ở đài, ông cho hay: “Tôi làm việc cho đài không lâu lắm, độ khoảng chín năm, và làm trong hai giai đoạn. Sau khi bị động viên vào học khóa 14 Thủ Ðức thì năm 1963 tôi ra trường về làm cho Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Ðơn vị này có nhiều cơ sở, trong đó có Ðài Phát Thanh Quân Ðội, nhưng khi đó tôi làm cho phòng báo chí.”

“Ðến năm 1964, tôi được lệnh về đài làm chương trình Mai Lan với cô xướng ngôn viên tên thật là Trúc Diệp. Thời đó đài mới tung ra vài chương trình đặc biệt, trong đó hai chương trình đặc biệt nổi tiếng là Dạ Lan và Mai Lan. Dạ Lan, một chương trình binh vận, nghĩa là hoa lan nở về đêm, phát thanh vào buổi tối. Còn Mai Lan, chương trình đồng minh vận, tức hoa lan nở vào buổi sáng, phát thanh vào mỗi buổi sáng,” ông kể.

“Chương trình Mai Lan này có nghĩa, cô gái hậu phương Việt Nam nói tiếng Anh dùng tâm lý vận động tinh thần chống Cộng Sản của các anh lính Mỹ và đồng minh đang tham chiến trên chiến trường Việt Nam, đồng thời giới thiệu văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt cho các chiến sĩ đồng minh. Chương trình này cũng nhanh chóng thành công như Dạ Lan, hằng ngày có rất nhiều thư của các chiến sĩ Mỹ và đồng minh gửi về,” ông kể thêm.

Tuy nhiên, đến khoảng năm 1965, khi quân đội ra nhật báo Tiền Tuyến, ông được lệnh về làm việc tại báo này.

“Tôi làm việc cho báo Tiền Tuyến tới năm 1966, tức là đã phục vụ quân đội bốn năm, thì được giải ngũ. Nhưng sự kiện Mậu Thân 1968 làm tôi tái ngũ và tôi làm tiếp cho báo này. Cũng trong năm đó, đài tăng giờ phát thanh từ 12 lên 18 tiếng một ngày nên cần người, tôi lại được thuyên chuyển về đây. Và tôi làm trưởng ban tin tức từ năm 1968 đến năm 1975. Tôi thương mến đài lắm, vì một phần tuổi trẻ làm trong đài này,” ông trải lòng.

Mặc dù xác định tin liên quan đến quân đội thì được coi là ưu tiên, nhưng “phóng viên ban tin tức ít quá, chúng tôi có chừng hơn 10 phóng viên, thành ra chỉ gửi đi những chiến trường nào thật sự sôi động thôi,” ông nói.

“Vì vậy, để có được tin, chúng tôi nhờ Phòng 5- Phòng Tâm Lý Chiến của mỗi đơn vị gửi về. Nhân viên các phòng tâm lý chiến này đều được đài tổ chức những lớp huấn luyện về cách viết và gởi tin về đài. Nhờ vậy chúng tôi có tin liên quan đến những trận đánh, tuy nhỏ nhưng họ mang thân xác ra để chiến đấu. Chúng tôi cố gắng loan cho họ để nâng cao tinh thần chiến sĩ lên, bởi vì đơn vị nào chiến thắng cũng đều mở radio cho lính nghe về tin chiến thắng của đơn vị mình trên đài,” ông kể.

“Tin nhiều đến nỗi nhiều khi phải bớt đi vì thời lượng phát thanh chỉ giới hạn, dù các biên tập viên tin tức đã cô đọng lại hết mức,” ông giải thích.

“Riêng những trận quan trọng thì phải loan liên tục. Không chỉ loan trong bản tin thôi, chúng tôi còn loan trong cả những chương trình ca nhạc. Nghĩa là sau phần nhạc ca sĩ hát thì tới đoạn nhạc giữa để chờ hát tiếp, chúng tôi cho nhạc êm xuống và phát một vài tin ngắn nhắc về chiến thắng, hay hoan nghênh một đơn vị nào đó thắng… để luôn luôn cổ võ cho chiến thắng của các đơn vị. Ðặc biệt, một trận đánh lớn chiến thắng xong thì bộ phận văn nghệ phải có ngay một bài hát để ca tụng chiến thắng đó,” ông nói thêm.

Ông cười thật tươi và nói: “Hồi đó ngoài đài chúng tôi, còn có hệ thống Ðài Sài Gòn hay còn gọi là Ðài Quốc Gia. Dù chỉ có hai đài nhưng chúng tôi cũng ngấm ngầm cạnh tranh nhau lắm. Bởi vì mình là đài quân đội mà họ có những chi tiết mà mình không có thì kỳ quá.”

Rồi ông trầm ngâm nói: “Vậy mà đã 42 năm kể từ ngày tôi xa nơi ấy. Khi biến cố 1975 xảy ra, tôi được cố vấn Mỹ của đài đưa tôi cùng gia đình đi từ ngày 25 Tháng Tư. Suốt 42 năm qua, anh em chúng tôi cũng không biết nhiều về tin tức của nhau, thành ra cũng không biết bao nhiêu người đi được và ở lại. Ngay cả những người còn lại trong nước cũng không biết tin tức của nhau, vì tản mác hết.”

“Lúc mới qua, cũng như bao người Việt khác, tôi hốt hoảng chạy đi với hai bàn tay trắng, chỉ mang đúng thẻ căn cước quân nhân trong người, quần áo cũng không có. Sau đó thì nghề gì cũng làm hết. Tôi làm lung tung cho đến năm 1984 thì tôi thi vào Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) và làm được 21 năm, đến cuối năm 2005, tôi nghỉ hưu. Hiện tôi sống tại thành phố Annandale, một thành phố thuộc Virginia, nằm trong vùng ngoại ô của Washington, DC,” ông nói.

Ông tâm sự: “Anh em chúng tôi trong đài tuy không cầm súng ra mặt trận nhưng luôn cố gắng làm tròn phận sự của người quân nhân. Người đời cho rằng những người cầm bút chúng tôi thì một cây bút là một sư đoàn. Tôi chỉ dám nghĩ rằng, chúng tôi đã làm tròn bổn phận của người quân nhân đối với đất nước trong cuộc chiến tranh chống lại cuộc xâm lược của quân Cộng Sản Bắc Việt.”

Làm phát thanh là máu thịt

Ông Dương Phục làm việc ở Ðài Phát Thanh Quân Ðội từ năm 1969 đến năm 1975. Là phóng viên chiến trường, ông phụ trách phần tin tức và làm phóng sự chiến trường tại nhiều mặt trận, thường xuyên đi theo các lực lượng Quân Lực VNCH hành quân tại khắp bốn vùng chiến thuật.

“Mục đích của đài là phát thanh thông tin hiệu quả cho thính giả tại thành phố biết sự hy sinh của chiến sĩ tại các mặt trận,” ông giới thiệu.

Nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm cho đài, ông kể: “Tôi nhớ mãi là cuộc phỏng vấn tường thuật từ các mặt trận Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, hay phỏng vấn Tướng Phạm Văn Phú tại Khe Sanh, trận chiến Bình Long, bị rớt trực thăng thoát chết trên đường bay vào An Lộc và cuộc phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng. Tôi cũng từng đi hành quân theo chân Tướng Nguyễn Khoa Nam khi ông là trung tá chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 3 Nhảy Dù, nhảy dù xuống mật khu Thới Lai, Chương Thiện.”

Ông cùng vợ là bà Vũ Thanh Thủy đồng sáng lập Ðài Saigon Houston năm 1997 và cùng điều hành cho đến nay.

Sau khi cả hai trải qua nhiều nhà tù Cộng Sản và đời sống trốn chạy trong vòng bốn năm, ông trốn khỏi nhà tù Long Giao, và vượt thoát khỏi Việt Nam bằng đường biển. Trên đường đi, ông bà trải qua nhiều cướp bóc và đọa đày trong 21 ngày kinh hoàng bị hải tặc bắt nhốt trên đảo Ko Kra, trước khi đến được trại tị nạn Songkhla tại Thái Lan và định cư tại Hoa Kỳ vào Tháng Chín, 1980.

Ông nói: “Cả hai chúng tôi là bạn đồng nghiệp. Lúc tôi làm cho Ðài Quân Ðội thì vợ tôi làm Ðài Tiếng Nói Tự Do. Chúng tôi gặp nhau tại mặt trận, lấy nhau năm 1974, và tiếp tục làm tại hai đài này tới ngày mất nước.”

Tuổi đã cao nhưng ông vẫn gắn bó với ngành phát thanh. “Ðó là thú vui hằng ngày của tôi. Dù đã 72 tuổi, tôi vẫn mỗi ngày đến đài làm việc. Thỉnh thoảng, tôi vẫn làm tin tức, phóng sự khắp nơi như từng làm trên 47 năm qua.”

Lời khuyên của ông cho các phóng viên, xướng ngôn viên muốn vào nghề là “phải có sự đam mê cao độ mới có thể đeo đuổi lâu năm mà vẫn còn yêu nghề, say mê nghề, chứ không phải chỉ hành nghề để kiếm sống.”

“Phải có sự đam mê,” ông nhấn mạnh.

Với đam mê làm nghề truyền thanh, trong bao năm, ông bươn chải với nghề, với nghiệp gần suốt cuộc đời. Trước năm 1975, từ Ðài Sài Gòn dân sự, ông nhập ngũ, học trường Sĩ Quan Thủ Ðức, rồi gia nhập Ðài Phát Thanh Quân Ðội.

Sau 1975, ông vượt biển đến trại tị nạn Songkhla, cũng thành lập đài phát thanh dã chiến trong trại. Qua Mỹ, ở California, ông cộng tác với nhật báo Người Việt, rồi làm thông tín viên cho Ðài VOA, Ðài Little Saigon Radio. Rồi hoàn cảnh đưa đẩy ông sang Houston, ông lại tiếp tục làm đài phát thanh cho đến giờ.

Ông tâm sự: “Ðộng lực chính là sự đam mê không ngưng nghỉ. Có lẽ sẽ đẩy mình đi mãi cho đến cuối đời.”

Và đó cũng là tâm niệm chung của nhóm phóng viên các ông, khi đã làm phóng viên phát thanh, báo chí, họ sẽ theo đuổi suốt đời.

“Giải mã” chiến trường thách đố An Lộc

Thẻ Báo Chí Quân Sự cấp cho cựu phóng viên Trần Ðạm Thủy. (Hình: Trần Ðạm Thủy cung cấp)
Thẻ Báo Chí Quân Sự cấp cho cựu phóng viên Trần Ðạm Thủy. (Hình: Trần Ðạm Thủy cung cấp)

Chia sẻ về cơ duyên đến với đài, cựu Trung Úy Trần Ðạm Thủy, cựu phóng viên chiến trường, nói: “Tôi nhập ngũ theo lệnh tổng động viên và học Khóa 3/1968 Thủ Ðức, sau Tết Mậu Thân. Thực tế, tôi có thể xin hoãn dịch vì lý do gia cảnh, bởi vì gia đình tôi có ba anh em thì hai người đã ở trong quân đội, chỉ còn tôi ở nhà cùng cha mẹ già trên 60 tuổi. Tuy nhiên, chán cảnh bất ổn và sự tàn sát dân vô tội dã man của Cộng Sản nên tôi nhập ngũ mà không thắc mắc, khiếu nại gì cả.”

Ông cho hay, sau khi tốt nghiệp ông tham dự chiến dịch Diên Hồng và sau đó thuyên chuyền về Ðài Phát Thanh Quân Ðội từ đầu năm 1969 cho đến ngày mất nước năm 1975.

Từ năm 1969 đến 1972, ông là phụ tá trưởng ban chương trình cho Ðại Úy Nguyễn Thiệu Hùng (tức thi sĩ Mai Trung Tĩnh), sau đó ông phụ trách coi tiểu ban kiểm duyệt các chương trình trước và trong khi thu thanh ở các phòng thu âm của đài.

“Các chương trình trước khi thu thanh phải theo đúng đường lối chính phủ và Quân Lực VNCH. Vì vậy, kiểm soát viên phải theo dõi đúng bản sao lúc thu thanh tại phòng thu âm studio. Khi thu xong đánh dấu tape và bàn giao cho quân nhân giữ kho bảo mật, phòng ngừa tráo băng với nội dung phản tuyên truyền,” ông nói.

Qua năm 1972 ông phụ trách tiểu ban tin tức phóng sự thay phóng viên Dương Phục đặc trách tháp tùng tổng thống. Cũng trong năm này, “Chuyện vui nhất trong cuộc đời mà tôi không tưởng tượng mình làm được. Ðó là chuyện Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng tử thủ trận An Lộc, tôi là phóng viên duy nhất liên lạc được với ông,” ông nói.

An Lộc, tỉnh lỵ của Bình Long, là cửa ngõ phía Tây Bắc và chỉ cách Sài Gòn hơn 100 km. Ðầu Tháng Tư, 1972, sau khi chiếm được quận Lộc Ninh, đại quân Cộng Sản tiến về bao vây thị xã An Lộc. “Thời điểm đó vào An Lộc bằng đường bộ, trực thăng vận đều không thành công, vì vậy phóng viên cũng không thể vô được,” ông kể.

Ông nhớ lại: “Hồi Tướng Hưng tử thủ An Lộc thì mấy tờ báo phản chiến, những dân biểu đối lập loan tin là An Lộc đã bị vây hãm. Trước tình hình đó, Bộ Tư Lệnh của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH ra lệnh cho các phóng viên phải làm sao liên lạc phỏng vấn Tướng Hưng để phát lên đài cho yên lòng dân chúng và yên tâm của người chiến sĩ.”

“Mọi người bàn chuyện sẽ để phóng viên ngồi vào thùng tiếp tế rồi thả dù vào đó. Tuy nhiên, mọi ý tưởng đều không thể thực hiện vì rất nguy hiểm. Tình cờ buổi tối tôi bốc điện thoại và xin tổng đài gọi vào Sư Ðoàn 5 Bộ Binh để gặp tướng tư lệnh mặt trận. May thay Tướng Hưng bốc điện thoại nghe. Tôi mới nói ‘Chúng tôi có lệnh là bằng đủ mọi cách lấy tin An Lộc và phỏng vấn chuẩn tướng để chúng tôi phát trên đài phát thanh, báo chí để làm an lòng người dân hậu phương,’” ông kể.

“Tôi nói tiếp ‘Người ta đồn ông đã chết rồi và mọi người đều bị tàn sát do Cộng Sản tràn vào chiếm cả Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và phân khu An Lộc.’ Tức thì, ông cười và nói ‘Tôi còn đây, bằng chứng là tôi đang trả lời và chúng tôi sẽ đánh tới viên đạn cuối cùng rồi tử thủ ở đây, bởi vì bây giờ ra hay vô cũng không có đường nên chỉ có một lối duy nhất là đánh,’” ông kể tiếp.

Ông tâm sự: “Tôi mừng quá và yêu cầu ông viết một bài về hiện tình của An Lộc, đại khái là anh em cùng nhau quyết tâm tử thủ tới giờ cuối cùng, kêu gọi đồng bào đừng nghe những tuyên truyền không đúng sự thật, vì anh em vẫn chiến đấu cuối cùng, không buông súng đầu hàng.”

“Sau đó, bài viết này được Trung Tá Nguyễn Quang Tuyến (nhà văn Văn Quang), quản đốc đài, cho phát băng. Và chỉ sau thời gian ngắn Quân Lực VNCH phản công lại được, đánh tan và lấy lại An Lộc,” ông tự hào nói.

Hiện ông về hưu và sống tại Austin, Texas. (Quốc Dũng & Ðằng-Giao)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT