Friday, April 19, 2024

Bước chân của báo Người Việt đang đi khắp bốn phương trời

Phan Lạc Đông Quân

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

“Ngôn ngữ Việt Nam còn, nước Việt Nam còn.” Dường như câu nói đó đã ăn sâu vào tâm trí mỗi người Việt Nam từ lúc thơ bé cho đến cuối cuộc đời của mỗi người Việt Nam chúng ta.

Sau khi Cộng Sản xâm chiếm miền Nam Việt Nam vào ngày đen tối nhất, đó là ngày 30 Tháng Tư, 1975, hàng vạn người phải bỏ lại tất cả, bơi ra biển khơi, phó mặc sinh mạng để làm sao đến được bến bờ tự do. Làm sao mỗi người được đặt chân đến đây có thể quên những ngày đen tối đó sau khi họ đã đặt chân đến miền đất đầy xa lạ. Họ chưa quên tiếng Việt và ít nhiều gì cũng chưa thích nghi với tiếng Anh và văn hóa Mỹ.

Nắm được tâm tư và nguyện vọng của đông đảo người Việt tị nạn lúc đó, cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến đã cố gắng hết sức mình với tài lực của mình để cho ra đời số báo đầu tiên mang tên Người Việt với bốn trang báo trong một tuần vào ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978, trong một garage của gia đình ông tại Quận Hạt Orange, Califonia, bằng số vốn tự có là $4,000 lúc bấy giờ để in khoảng 2,000 số báo đầu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người Việt tị nạn lúc bấy giờ muốn được hiểu về tin tức cũng như chia sẻ những nỗi buồn vui, tình cảm cho nhau bằng ngôn ngữ Việt Nam nơi xứ lạ, quê người.

Nói làm sao hết được những mất mát đau thương sau biến cố ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi phải rời bỏ quê hương, bỏ lại tài sản, và bỏ lại những gì quý giá nhất của từng người, từng gia đình, và từng ước mơ nhỏ nhoi khi mà chợt nhớ đến. Từng buổi sáng giá lạnh của mùa đông về, cái tình cảm lâng lâng bên ly cà phê buổi sáng khi nhìn về phía chân trời xa và chung quanh là những ngôn ngữ khác biệt… Lúc này, khi trong tay cầm một tờ báo Người Việt mới cảm thấy có một sự đồng cảm và chia sẻ nào đó cho nhau, mới cảm thấy mình không còn cô đơn giữa những ngày, tháng đông giá.

Có thể có những giọt nước mắt rơi khi nhớ về những ngày, tháng ấm cúng, hạnh phúc của miền Nam Việt Nam hay những người lính Việt Nam Cộng Hòa vừa phải bỏ chiến y oai hùng, giã từ cây súng để giờ đây họ đang buồn và… Làm sao nói hết được những tâm tư, nguyện vọng của từng người, từng hoàn cảnh của những người mang tên tị nạn Cộng Sản, nhưng cái mẫu số chung mà báo Người Việt mang lại đó là: làm thế nào nuôi dưỡng cái văn hóa Việt Nam – tình cảm và cách sống của người Việt, trong một xã hội được biết là xã hội đa văn hóa như xã hội Mỹ.

Sự khó khăn của bất kỳ một người nào từ một nền văn hóa khác khi đến Mỹ đều gặp phải “cú sốc về văn hóa.” Có lẽ chính vì lý do đó mà ông Đỗ Ngọc Yến đã không ngần ngại và bỏ công sức để lập nên báo Người Việt ngay trên đất Mỹ từ buổi đầu tiên của những người tị nạn Cộng Sản. Dần dần báo Người Việt đi sâu vào từng tâm tư và nguyện vọng của người Việt tị nạn Cộng Sản được hình thành trên những trang tâm sự, thơ, văn và những sinh hoạt cộng đồng nơi mà những người Việt từ bốn phương trời có thể tìm đến nhau, ôn lại những ngày tháng cũ nơi quê nhà để giúp họ quên đi những  nỗi buồn phảng phất đâu đó khi phải lưu vong, xa xứ.

Tờ báo Người Việt ra đời có lẽ là một trong những tờ báo sớm nhất tại California cũng như trên nước Mỹ. Không phải tự nhiên mà tờ báo Người Việt hình thành, đó là do một sự thôi thúc của cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến và tất cả mọi người Việt phải xa quê hương lúc bấy giờ. Chính nhu cầu của độc giả là một yếu tố quan trọng để giúp cho tờ báo được tồn tại và phát triển vươn lên để hòa mình trong một xã hội đa văn hóa như xã hội Hoa Kỳ.

Như một người Mỹ tên là Seth Mydans đã viết dưới tiêu đề “The Rough Drafts of Vietnamese American History” trên tờ báo New York Times ngày 17 Tháng Năm, 2006: “Mr Do was among the first refugee to arrive when Sai Gon fell in 1975 and soon began to publish a news paper that helped define the refugee experience  with his newspaper, Người Việt Daily News, Mr.Do, a courtly, cerebral man, became the steady, moderating core of this hyperactive refugee community known as Little Saigon.”

Báo Người Việt cứ thế mà ra số báo đều đặn theo thời gian và theo mọi bước chân của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản từ những ngày đầu tiên khi những người Việt tị nạn đầu tiên đến Hoa Kỳ. Nhìn lại quãng đường hơn 40 năm qua, từ những ngày đầu tiên tị nạn cho đến nay đã có biết bao sự thăng trầm, thay đổi trong xã hội Hoa Kỳ cũng như trong cộng đồng Người Việt Nam tại Mỹ, nhưng báo Người Việt vẫn luôn bên cạnh người Việt Nam và người Mỹ để làm sao cố gắng mang đến sự hiểu biết, trao đổi thông tin hằng ngày cho nhau để giúp cộng đồng Việt Nam có thể hòa nhịp với xã hội Hoa Kỳ.

Từ những mẩu tin hằng ngày khắp nơi trên đất nước Mỹ cũng như trên thế giới cho đến những thông tin của cộng đồng, đoàn thể Người Việt Quốc Gia  đều được có mặt trên những trang báo của Người Việt. Những thông tin trong cộng đồng cùng với những thông tin thương mại, quảng cáo, và những nhu cầu cuộc sống của mỗi người khi có yêu cầu cũng được đăng tải trên trang báo Người Việt đúng lúc và đúng yêu cầu của từng cá nhân.

Có thể gặp lại các chiến hữu của mình, những giây phút của thời chinh chiến ngày xưa qua cột báo “Góc Chiến Trường Xưa” để  ôn lại những kỷ niệm hào hung mãnh liệt của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 trong công cuộc bảo vệ miền Nam Việt Nam tự do và cũng đồng thời truyền lại tinh thần bất khuất, anh dũng của thế hệ đi trước cho thế hệ trẻ của người Việt tị nạn Cộng Sản trong lúc mà Cộng Sản Việt Nam đang ra sức bôi nhọ, xuyên tạc về chế độ Việt Nam Cộng Hòa và những người lính của quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Tờ báo Người Việt đã và đang mang lại một tinh thần mới, một tinh thần của những người Việt tị nạn nơi đất khách, quê người đó là tinh thần làm chủ lấy nền văn hóa của chính Người Việt Quốc Gia trước 1975. Những trang sách của miền Nam Việt Nam dần dần cũng có mặt trên những trang sách, đọc sách online nhằm giúp độc giả có thể ôn lại những di sản văn chương của miền nam ngày xưa. Giúp độc giả có thể thả mình hồi tưởng lại những khoảnh khắc êm đềm tự do của miền Nam Việt Nam trước ngày mất nước 30 Tháng Tư, 1975.

Từ tờ báo giấy trong căn hộ garage của cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến, Người Việt đã và đang chuyển mình sang “tờ báo Người Việt Online.” Một buổi sáng mùa Đông, giá lạnh, tuyết rơi trắng trời của miền Tây Bắc, độc giả chỉ cần mở computer tại căn phòng mình cũng có thể biết được những tin tức khắp nơi. Thông tin ngày nay rất đa dạng, phong phú, và độ tin cậy cũng rất cao. Nhân viên của báo Người Việt cũng phải tăng lên theo số lượng. Các thông tin được truyền đi nhanh nhạy và đôi khi có video hoặc phỏng vấn đi kèm. Tin tức từ mọi nơi trên khắp đất nước Hoa Kỳ và các nơi khác như ở Việt Nam được mang đến kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của độc giả không những ở California, mà còn tất cả các nơi khác.

Cùng với báo Người Việt ở California, các báo Người Việt ở Tây Bắc (Seattle, Washington) hay tại các tiểu bang miền Đông của nước Mỹ. Năm 2004, nhật báo Người Việt đã được đăng ký kiểm toán phát hành tại Hoa Kỳ. Mặc dù trong điều kiện cạnh tranh, nhật báo Người Việt cũng đã đứng vững trong muôn ngàn khó khăn, điều đó ai cũng thấy rõ qua vụ kiện tụng vào Tháng Chín năm 2012.

Mặc cho mọi mũi dùi chĩa vào báo Người Việt, báo cũng đã vượt qua để chứng tỏ một tờ báo đúng đắn và được người Việt tị nạn Cộng Sản tin cậy rằng: Tờ báo Người Việt luôn đồng hành và đứng về phía những người tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ nhằm để nối nhịp cầu giữa hai nền văn hóa Việt – Mỹ; bên cạnh các bài báo bằng Việt Ngữ, nhật báo còn có bài báo bằng Anh Ngữ.

Đây là bước tiến và nỗ lực của báo nhằm giúp thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn Cộng Sản có thể gặp khó khăn trong tiếng Việt có thể đọc và hiểu những giá trị tinh thần truyền thống của thế hệ người Việt Nam đã đi trước đó và cũng đồng thời đóng góp cho sự bảo tồn giá trị văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng Người Việt xa quê hương, nhưng vẫn không quên cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam cũng đã và đang được xuất hiện trên những cột báo của Người Việt; từ những ngày lễ của mọi tôn giáo cho đến những món ăn mang dáng dấp quê hương làm gợi nhớ và trân trọng những giá trị văn hóa, tinh thần của Việt Nam đã được lan tỏa tận cùng ở mọi nơi dường như báo Người Việt cũng đang đồng hành với mọi bước chân của người Việt lưu vong.

Hầu như hơn 40 năm qua, nhật báo Người Việt đã và đang vươn lên không ngừng trong việc phục vụ nhu cầu tinh thần của không những những người Việt tị nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ, mà còn vươn xa tới mọi nơi trên thế giới, ngay tại quê nhà Việt Nam. Tờ báo là tiếng nói chung của tất cả những người Việt với tinh thần yêu tự do, dân chủ, chống lại thể chế độc tài đảng trị của Cộng Sản Việt Nam vẫn còn đang cai trị đất nước Việt Nam.

Những bài bình luận, diễn đàn trên báo Người Việt cũng đã nói lên phần nào những băn khoăn, trăn trở về những suy đồi đạo lý, xã hội băng hoại trong xã hội cộng sản Việt Nam hiện nay. Trên báo Người Việt thỉnh thoảng thấy có những bài viết của các tác giả từ trong nước nói lên tiếng về sự thật lịch sử, về những xấu xa, băng hoại của Cộng Sản Việt Nam nhằm giúp độc giả ở hải ngoại hiểu thêm về những diễn tiến  đang diễn ra tại quê nhà.

Tờ báo đã giúp các độc giả có dịp trao đổi những suy nghĩ của riêng cá nhân về những thực trạng chính trị từ khắp nơi. Bước chân của Người Việt cũng đã đi xa hơn khắp thế giới từ Úc, Âu Châu, và Á Châu nhằm cất cao hơn những ý tưởng của giá trị về tự do, dân chủ.

Với tôi, hằng ngày được đọc báo Người Việt, được nghe và được đọc những tin tức mới nhất trong ngày là niềm vui. Một buổi sáng trời băng giá, ngồi trong phòng, nhấm nháp ly cà phê, đọc tin tức qua báo Người Việt thì thú vị biết bao. Tại đây, một cảm giác lâng lâng khi đọc những tin, suy tư về hiện tại và tương lai… về những biến chuyển của thế giới xung quanh mà ta cảm thấy dường như chính tôi đang hòa đồng cùng thế giới đó, đang cùng nhịp bước với họ trên những đoạn đường của dân chủ, tự do. Thông cảm sâu sắc với dân chúng đang bị Cộng Sản Việt Nam đày đọa.

Từ trong cái garage trong nhà, chập chững đi bước đầu tiên còn dè dặt, đến nay báo Người Việt đã và đang trưởng thành theo thời gian và vượt qua mọi thách thức từ bất kỳ trở ngại nào để làm thế nào đứng vững và tiếp tục truyền đạt những thông tin nhanh nhạy nhất, hòa mình vào với cộng đồng Người Việt Quốc Gia.

Bước chân của báo Người Việt cũng đã và đang đồng hành cùng những bước chân đi tới của tất cả người Việt từ khắp bốn phương trời. Vượt qua bão táp, phong ba, ngày nay, báo Người Việt đã và đang  tạo riêng cho mình một phong cách mới mẻ đó là sự tự tin và dám chấp nhận những thử thách như trong quá khứ.

Tiếng nói của tự do, dân chủ, và nhân quyền hy vọng sẽ là phương châm làm việc của báo. (Phan Lạc Đông Quân)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT