Friday, March 29, 2024

Đọc Người Việt để trau dồi tiếng Việt

Linh Tạ (SaoMai)

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Nhớ thời gian đầu tiên tôi mới đặt chân lên đất Mỹ, tôi đã được các anh chị sang trước dặn dò phải chịu khó đọc sách báo bằng tiếng Anh hầu giúp cho khả năng tiếng Anh được tiến bộ nhanh chóng để khi đi học không bị rơi vào tình trạng chán nản do trở ngại ngôn ngữ.

Tôi phải nghe tin tức trên đài Mỹ mỗi ngày ít nhất nửa tiếng. Lúc đó tôi nghe cứ như vịt nghe sấm. Nghe một hồi chán quá thế là tôi ngủ quên lúc nào không biết. Chỉ có hai ngày cuối tuần là tôi có thể coi phim bộ Hồng Kông lúc đó đang được những người mới sang định cư bên Mỹ ham mê lắm. Tôi có thể coi phim đến tận 2 giờ sáng cũng không biết mệt là gì. Nhưng dĩ nhiên là chị lớn nhất trong nhà không bao giờ cho thức khuya sau 12 giờ đêm vì một điều đơn giản là mỗi sáng phải dậy trễ lắm là 8 giờ sáng. Đối với tôi như vậy cũng vui lắm rồi vì tôi vẫn có thời giờ để coi phim trước khi đi học chính thức.

Thỉnh thoảng chị cũng mang vài tờ báo do người Việt bên này xuất bản như Người Việt, Việt Báo, Sài Gòn Nhỏ, Viễn Đông… về cho bố mẹ đọc và tôi cũng đọc ké vì tôi ghiền đọc sách báo lắm. Chủ yếu tôi đọc mục gỡ rối tơ lòng và phần rao vặt. Mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” tôi đọc cũng thấy vài điều hữu ích có thể áp dụng trong đời sống. Còn mục “Rao Vặt” thì tôi xem coi có ai cần bán thứ gì mà gia đình cần với giá phải chăng thì tôi sẽ chở bố mẹ tới đó mua. Ngoài ra có những nơi cần mướn người làm những việc không cần bằng cấp thì chúng tôi có thể xin đi làm. Đời sống ở đây là như vậy đó; ai ai cũng phải tự lập chứ không ỷ lại vào người khác.

Thời gian trôi qua nhanh chóng. Tôi đã quen với đời sống bên này. Đi học tôi đã bắt kịp với mọi người trong lớp và thiếu điều còn vượt trội hơn người bản xứ về các môn cần tính toán. Do vậy tôi đã xin được công việc dạy kèm môn Chemistry ở ngôi trường tôi đang theo học. Tiếng Anh của tôi ngày càng khá lên vì khi đi học và đi làm, bắt buộc tôi phải dùng tiếng Anh để giao tiếp. Tôi đã có thể hiểu được những câu nói giỡn, những từ lóng của người Mỹ. Điều quan trọng là khi tôi đọc những bài thơ hoặc bài văn của các nhà văn học nổi tiếng, tôi cũng có thể hiểu được sơ sơ ý của tác giả cho dù không sâu sắc lắm.

Song song với việc rèn luyện thêm tiếng Anh, tiếng Việt cũng được tôi trao dồi thêm. Tôi luôn tự nhủ: tôi là người Việt thì cho dù tôi có sống ở Mỹ mấy chục năm đi nữa thì tôi cũng vẫn là người Việt. Đã là người Việt mà không biết nói, không biết viết tiếng Việt thì làm sao các sắc dân khác họ nể phục mình được? Hơn nữa tôi sang bên này khi tôi đã học xong lớp 12 thì không có điều gì biện minh cho việc quên tiếng Việt được.

Hằng tuần tôi đều mua báo Người Việt về đọc. Tôi đọc tất cả các mục trong tờ báo chứ không chỉ là mục “Gỡ Rối Tơ Lòng” hay “Rao Vặt” như hồi xưa nữa. Rồi mỗi khi Tết đến, tôi mua đủ các loại báo Xuân để gia đình cùng đọc. Tuy là các báo Xuân, trong đó có báo Người Việt, quảng cáo nhiều nhưng tôi cũng vẫn muốn đọc báo Xuân mỗi khi Xuân về.


 





Có lẽ khi cầm tờ báo Xuân trong tay, tôi cảm thấy không khí ngày Tết đang nhè nhẹ trở về vùng Nam California. Tết bên này nhằm ngày trong tuần là ai cũng phải đi học hoặc đi làm. Chỉ có đến cuối tuần gia đình mới có thể tụ họp lại để cùng đón Xuân. Những năm tôi đi học xa, Tết đến tôi không về nhà với bố mẹ được, tôi chỉ biết gọi điện thoại chúc Tết bố mẹ và nhân tiện nhờ mẹ giữ lại mấy cuốn báo Xuân để khi tôi về nhà, tôi sẽ mang sang nơi tôi đang học để đọc từ từ. Chỉ có ở California thì mới có nhiều báo Xuân để đọc chứ các tiểu bang khác báo hiếm lắm.

Tuy tôi đọc báo Người Việt nhiều và năm nào cũng ghé ngang tòa soạn báo Người Việt để lấy cuốn niên giám điện thoại mới, nhưng tôi chưa bao giờ đi vào bên trong tòa soạn. Hồi ấy báo Người Việt còn có mục “Truyện Ngắn Bolsa” (tôi nhớ mang máng chứ không chắc lắm) do nhiều độc giả gởi cho báo bằng bưu điện hay qua email. Độc giả có thể viết một câu chuyện ngắn phản ảnh đời sống hằng ngày hoặc cũng có thể là những tâm tình của người viết về một sự kiện gì đấy. Tôi cũng tham gia mục này vài lần. Nhưng sau này tôi không còn thấy mục này nữa. Chắc có lẽ những câu truyện đó đụng chạm đến nhiều người Việt ở Little Saigon nên tòa soạn quyết định dẹp bỏ mục đó chăng?

Khi bố tôi mất, chị em tôi ghé vào tòa soạn để đăng cáo phó cũng như đăng lời cám ơn sau đám tang của bố. Chị tôi quen một người bạn đang làm ở tòa soạn và chị ấy nói chúng tôi có thể viết một bài về bố để đăng lên báo vào số kế tiếp. Khi tờ báo được phát hành, tôi mang tờ báo đó về đưa mẹ đọc bài tôi viết về bố. Mẹ đọc bài viết mà nước mắt mẹ lăn dài trên má. Người quen ai cũng xúc động khi đọc bài ấy. Tôi thấy an ủi vô cùng vì bài viết của tôi đã chạm đến trái tim của người đọc. Tôi biết sở dĩ tôi viết được một bài có hồn như thế vì tôi đọc rất nhiều sách báo tiếng Việt.

Giờ thì tôi đọc báo Người Việt Online mỗi ngày. Khi tôi đọc báo, tôi gạn lọc những câu viết hay, những vần thơ đẹp cũng như những tâm tư tình cảm của tác giả trong mỗi câu viết. Bởi vì tôi trân trọng tiếng Việt lắm nên tôi cũng thất vọng không ít vì có nhiều người đã dùng những từ ngữ không đẹp chút nào mang lên trên diễn đàn công cộng để chửi rủa công kích người khác. Muốn người khác nghe theo mình thì phải nói lý lẽ sao cho họ phục thì tự khắc họ sẽ đi theo mình chứ không phải thóa mạ người ta rồi bắt người ta nghe theo ý của mình.

Tôi cũng chứng kiến những vụ biểu tình trước tòa soạn báo Người Việt vì họ nói báo Người Việt theo Cộng Sản. Tôi không biết rõ báo Người Việt có theo Cộng Sản hay không nhưng cách họ biểu tình rất là kỳ cục. Thôi thì đủ ngôn từ tục tằn, đủ mọi hành động tục tĩu được áp dụng trong các cuộc biểu tình. Biểu tình bên này là quyền tự do của mọi người nhưng cũng đừng vì thế mà làm những chuyện khó coi như thế. Chỉ cần người đứng đầu của nhóm biểu tình đưa ra các bằng chứng và nói năng rành mạch đâu vào đấy thì chắc chắn người chung quanh sẽ ủng hộ. Xin đừng sử dụng những từ thô tục mà làm vẩn đục tiếng Việt.

Sau này báo Người Việt có thêm phần tiếng Anh chắc cho thế hệ trẻ bên này cũng như người bản xứ đọc chăng? Một ý tưởng hay! Nhưng đôi khi tôi thấy người viết còn bị sai chính tả cũng như lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã. Mong là tòa soạn quan tâm hơn một chút về phần này. Nhưng công bằng mà nói tờ báo Người Việt hay Người Việt Online đã đem đến nhiều hữu ích cho mọi người Việt, trong đó có tôi. Mỗi khi tôi cần một thông tin gì, tôi đều kiếm trên Người Việt Online. Và tối nào tôi cũng đọc Người Việt Online để giải trí cũng như cập nhật tin tức, do đó tôi biết có cuộc thi: “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm,” để rồi bài viết này được góp mặt trong cuộc thi. (Linh Tạ)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT