Tuesday, March 19, 2024

Kết bạn với Người Việt đi chứ!

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Lê Văn

Trải qua bao tháng năm tù đày, ngay sau Tháng Tư năm 1975, tôi về lại gia đình trong tủi hận. Dù sống bên người thân, nhưng ngày mai vẫn là màn đen vô định. Tôi phải chọn sự ra đi và suýt mất mạng trong chuyến vượt biển, bỏ lại mẹ già,vợ con, thiếu vắng người thân là những chấn động lớn trong đời tôi.

Dù sao tôi cũng còn chút vui thầm lúc rời khỏi trại tù trở về – mừng sống sót trên biển – háo hức  văn minh tự do – tương lai sắp mở ra, thì tôi nhận ra bao nỗi lo âu khác: trời buốt lạnh ở Boston – Anh ngữ, tiền bạc, xe hơi, việc làm, nhớ người thân yêu, nhớ quê nhà,… chừng ấy chuyện, làm sao vượt qua đây, khi tôi ở vào tuổi trung niên, lại không người thân ở Mỹ.

Ngán ngẫm xứ lạnh, nhưng ước muốn về Cali là điều cũng không dễ thực hiện. Hè 1988, dịp người chị vừa từ Philippines định cư, tôi chỉnh đốn chiếc xe cũ, nhìn bản đồ chạy môt mạch từ Boston đến Cali mất 4 ngày 3 đêm không ngủ. Ước muốn đã đạt và vui được gặp chị tôi.

Sáng hôm sau tôi đến khu Bolsa, ghé qua phở Hòa, đọc báo Người Việt lần đầu tại đây. Vì cần tìm việc, tôi lướt sơ đề mục, dán mắt vào trang Rao Vặt. Thấy mục cần gấp người phát báo. Bỏ 25 xu vào điện thoại công cộng và gặp ngay chủ báo hẹn tôi sáng mai, gặp rồi tính.

Tôi phát hành tuần báo mỗi Thứ Năm, công việc không đơn giản như tôi tưởng, nhiêu khê vì đường lạ, quảng cáo nhiều nên khá vất vả, tưởng đã bỏ cuộc. Tôi ghi, xếp địa chỉ từ xa đến gần theo bản đồ từ Long Beach, Fullerton,… đến Westminster, sao cho kịp trong ngày.

Được ông chủ báo hướng dẫn về layout, thế là tôi vừa trình bày và phát hành báo. Thời đó, giá quảng cáo khá đắt, nên chủ báo rộng tay với nhân viên, vì thế anh em làm báo thêm điều kiện sống. Thường mỗi sáng, chúng tôi ngồi tràn cả thềm trước và hông quán ở Crossant Doré gần Phước Lộc Thọ; nào chủ bút, ký giả, nhân viên, kẻ nói, người nghe lai rai bên tách café, bánh crossant. Với địa điểm tốt, cảnh ấm áp, khách lịch lãm, nên cách nói và lời càng hấp dẫn, sôi nổi không ồn ào; đơn giản có thế mà không sao tìm lại được cảnh cũ người xưa.

Theo trang Rao Vặt trong báo Người Việt, lần nữa, tôi được nhận việc ở Continental, trình bày và phát báo các sản phẩm hàng điện tử của họ. Vừa học thêm ngành thẩm mỹ, vừa làm cho tuần báo Việt và Continental, kiêm phát hành hai tờ báo, nên tôi nhờ bạn cùng tù vừa định cư phụ giúp tôi trong việc phát hành. Có việc, tôi an tâm vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và tự tin mình sống được ở quận Cam.

Tại quận Cam, thời điểm từ 1988 đến 1990, chỉ có vài giờ phát thanh tiếng Việt đã là niềm vui lớn cho nhiều gia đình. Người tị nạn khao khát tin tức, nên báo chí đối với cộng đồng Việt là một nhu cầu thật sự. Báo chí lúc đó đóng một vai trò rất quan trọng không thể phủ nhận, nhưng báo Người Việt là nhật báo nên khá nhiều tin tức cập nhật, nhiều bản tin đưa ra cùng ngày phát hành như các tờ báo lớn bản xứ nên đã có ảnh hưởng khá lớn.

Nhật báo Người Việt lúc đó chỉ có 4, 5 số báo mỗi tuần, thời điểm đó ngành truyền thông không như bây giờ, nhưng cũng đủ vui lòng cho những mảnh đời tị nạn. Lượng thông tin đáp ứng tạm đủ cho nhu cầu kinh doanh: các quán ăn, đồ gia dụng, hàng điện tử; và các văn phòng dịch vụ: di trú, bảo lãnh, luật sư, bác sĩ, lái xe, thẻ xanh, quốc tịch, lãnh vợ chồng, bảo lãnh thân nhân, v.v… báo chí là nguồn kết nối khách hàng với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hỗ tương cùng nhau phát triển khá hiệu quả. Riêng các dịch vụ gởi hàng rất bận rộn, khá nhiều khách chờ, trông nét mặt họ hơi hơi giống nhau cùng biểu hiện vui, buồn, lo lẫn lộn; người chuyển hàng thì kẻ in địa chỉ, người quấn băng keo rột rẹt, bọc kín các thùng quà, thùng thuốc vuông vắn chất chồng chờ gởi về quê hương cho gia đình làm quà, làm vốn – mà phần đông, người nhà của họ đang khốn khó, thiếu thốn và còn bị bao phiền nhiễu, chỉ vì có người thân muốn tự do nên vượt rừng, vượt biển, vượt biên.

Các chương trình phóng sự của Người Việt TV. (Hình chụp lại từ màn hình)

Năm 1989, vợ con tôi suýt mất mạng trên đường vượt biển, may có tàu Na Uy vớt đem sang Nam Hàn, rồi chuyển Philippines. Thời điểm này trại tị nạn đã đóng cửa, nên vợ con tôi cũng phải đợi chờ ở trại khá lâu.

Lễ Giáng Sinh 1990, chúng tôi được đoàn tụ tại Cali, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, cũng là thời điểm  chương trình H.O cho các gia đình của nhân viên, công chức, quân đội bị tù được định cư; tiếp theo nhiều chương trình khác như H.R; Mc.Cain… ngay cả diện bảo lãnh thân nhân và fiancé cũng dễ dàng đến Mỹ. Khoảng thời gian 1990 đến 1995, kinh tế Mỹ có chậm lại, nhưng các cơ sở và dịch vụ của người Việt không bị ảnh hưởng mà có phần khởi sắc, người Việt định cư tăng nhanh nên các siêu thị, quán ăn, dịch vụ… càng rộn ràng.

Riêng ngành thẩm mỹ gồm móng tay, da mặt, cắt tóc nở rộ, không những chỉ ở Nam Cali mà lan rộng khắp Hoa Kỳ, ngay cả Canada, Đức, Úc, Pueto Rico… Các hãng xưởng Mỹ sa thải khá nhiều thợ, nhân viên, nhưng người Việt đã nhận ra được ngành thẩm mỹ càng lúc càng mạnh, kiếm sống dễ dàng. Vì thế, họ dễ dàng quyết định chuyển nghề, cộng thêm số lượng lớn người mới định cư, nên các trường thẩm mỹ phát triển thấy rõ, nhiều trường mới mở ra để đáp ứng nhu cầu cấp thiết này.

Lúc này, nhật báo Người Việt đã phát hành đủ 7 số báo mỗi tuần, nên nguồn tin tức khá phong phú, quảng cáo dày hơn; chỉ riêng mục Rao Vặt về ngành thẩm mỹ này chiếm hàng ngàn mục tìm thợ, học nghề, mua bán tiệm, sản phẩm, v.v… Đến Little Saigon, bạn sẽ thấy được hình ảnh người đi bộ tay cầm báo đong đưa, kẻ thì báo cặp nách mang vô xe, vào hàng quán đọc, mà ai cũng muốn báo mới trong ngày nên tờ nhật báo Người Việt luôn được song hành.

Sau nhiều năm định cư, tôi dần nhận ra, quận Cam mới là nơi đáng sống của những người tị nạn, vì môi trường, khí hậu, tự do, an toàn, công bằng và giá trị nhân phẩm được đề cao. Tầm nhìn người Việt có thay đổi theo hướng tiến bộ trong nhiều lãnh vực, không xét đoán mọi nghề nghiệp miễn sao cách kiếm sống lương thiện; biết tôn trọng, thương mến giúp nhau giữa người với người và giữa con người với con vật.

Vì nhu cầu cuộc sống, nên tôi cũng đã chuyển sang nghề cắt tóc, mở tiệm, ngành này giúp cho tôi thêm ổn định. Tôi học thêm ngành giảng viên và dạy học cho các trường đại học thẩm mỹ công, tư quanh vùng Los Angeles và Quận Cam. Thời gian dạy nghề này đã cho tôi rất nhiều niềm vui, truyền đạt cho người đi sau một nghề cần thiết dễ học, dễ sống mà phần lớn lại là đồng hương. Hơn 20 năm dạy nghề, tôi vui thấy được hàng ngàn học sinh của mình, là hàng ngàn đồng hương có được cuộc sống tốt, trong số họ nhiều người thành đạt, vui hơn nữa, là được nhận những lời viết trong cánh thiệp vào những dịp lễ lớn, mà chỉ những ai đã từng giáo chức mới có.

Tôi cũng có cơ hội gởi nhiều bài viết chuyên ngành thẩm mỹ cho báo Người Việt, tờ báo Việt lớn nhất hải ngoại, các bài được đăng cũng đã gây được tiếng vang. Báo Người Việt như là con thoi tin tức cho chúng ta từ quê nhà đến quê người, hỗ tương nhau giúp chúng ta sớm hòa nhập cuộc đời mới.

Little Saigon ngày càng phát triển, nhiều dich vụ mới, thêm món ăn ngon lạ, có nhật báo Việt lớn nhất, cộng đồng mạnh, nhiều vị dân cử Việt. Đặc biệt năm 2018, mùa thu hoạch dân cử vừa nhiều, vừa trẻ, nhờ vào lá phiếu đồng hương, cũng đáng là niềm hãnh diện cho người Việt chúng ta.

Tôi sống 30 năm ở Quận Cam đã thấy bao đổi thay, kể cả chính mình, con người và đời sống lúc suy lúc thịnh, ngành báo chí cũng vậy. Tiến trình của cuộc sống, xã hội luôn thăng trầm, trầm thăng nên đôi lần báo Người Việt cũng có những lỗi lầm đáng tiếc, bị chống đối dữ dội. Theo tôi, đó là lẽ thường, cái sai sót cần chấp nhận và sửa chữa, nhưng tòa báo biết điều chỉnh để hôm nay ngày một hoàn thiện hơn.

Mỗi tuần tôi chỉ tốn 50 xu mua 2 tờ báo Người Việt, mua báo là cho vui, vì muốn thưởng thức cái sảng khoái đọc tờ báo giấy bên ly cà phê, chứ hằng ngày luôn đọc, nghe, xem Người Việt online, TV và tôi còn thừa hưởng biết bao sản phẩm miễn phí của họ. Từ những bước đi xa của báo Người Việt về các phóng sự quốc tế trực tiếp: APEC ở Việt Nam; cộng đồng Việt bị bão ở Philippines,… còn tại Hoa Kỳ biết bao bài báo hay, nhanh; phỏng vấn; giờ giải ảo; phóng sự trực tiếp về nghề đánh cá Hawaii, ông trùm ngành nails, vua cà phê, trái cây Florida, trồng rau, trại gà, ấp trứng,…. không cách gì mà nghe và đọc hết nổi khối lượng thông tin của báo Người Việt.

Không thể phủ nhận báo Người Việt đã góp phần không nhỏ trong tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng Việt Nam hải ngoại, không chỉ Little Saigon ở quận Cam và biết bao nơi khác có cộng đồng Việt sinh sống.

Ngày nào hơn 30 năm trước, người Việt chúng ta có được công việc để nuôi thân, nuôi gia đình còn ngỡ ngàng, chập chững khá lâu mới dần ổn định, chắc hẳn với bốn mươi năm báo Người Việt trải qua biết bao gian nan, hành trình dài đến được như hôm nay là việc làm cần được trân trọng; và sự nghiệp này được thành công phải từ những con người có tâm, có tầm nhìn và hoài bão lớn.

Bốn mươi năm cho tờ báo ở hải ngoại là chặng đường khá dài, phải vững vàng mới liên tục phát triển, cũng đủ cho chúng ta một kết luận: Little Saigon không thể thiếu trong tâm tư mỗi người Việt hải ngoại, thì báo Người Việt cũng thế. Vậy sao tôi không kết bạn với Người Việt chứ! (Lê Văn)

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT