Thursday, March 28, 2024

Người Việt và Tôi

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Hồ Hoàng Hạ

Ngày 27 Tháng Chín, năm 1994, gia đình Hoàng Hạ tôi gồm hai con nhỏ và… vợ, nhờ chương trình chính phủ Hoa Kỳ dành riêng cho những tù nhân chính trị sau ngày 30 Tháng Tư Đen, đã được đặt chân xuống phi trường Sky Harbor của thành phố Phoenix, thủ phủ tiểu bang Arizona, theo danh sách H.O34. Vì thuộc diện “đầu trọc,” không có anh em hay bà con gần, xa thân thuộc nào đến Mỹ trước, nên cả nhà chúng tôi được Hiệp Hội Tin Lành Lutheran ở đây nhận bảo trợ, tiếp đón và giúp đỡ mọi mặt trong thời gian sáu tháng đầu.

Một ông nhân viên làm việc cho cơ sở Hội Thánh Tin Lành địa phương, nguyên là một sĩ quan cấp tá, đến từ 1990, năm đầu tiên của chương trình H.O thực thi, được cử đi đón rước và đưa bốn con người mới toanh vừa đến với xứ sở thiên đường, tới một khu chung cư đã được thuê mướn sẵn trước một căn phòng nhỏ.

Tuy hân hoan hớn hở nhưng tất cả không giấu được vẻ mệt mỏi trên gương mặt, vì phi trình nửa vòng trái đất quá đỗi là… xa với hai ba lần chuyển máy bay, cùng ánh mắt ngơ ngác tò mò quan sát cảnh trí, xe cộ nơi xứ người; chẳng khác nào người thiểu số, chốn quê hương là rừng núi, lần đầu tiên may mắn được dịp… về thành.

Trên lộ trình, qua một vài câu trả lời thăm hỏi của người rước là ông thiếu tá… tài xế, hẳn nhiên, khi xe chạy ngang một khu phố có nhiều hàng quán cửa tiệm, tự dưng tôi buột miệng hỏi: “Ở đây có báo chữ Việt không, anh? Nhờ anh ghé vô giúp tôi mua vài tờ”. Chả là vì tôi mót đọc báo mỗi ngày như thể nhu cầu ăn uống vậy. Đó là sở thích, là thói quen đã trở thành quán tính của tôi từ thời niên thiếu, do có được người cha ghiền duy nhất mỗi một thứ ngoài danh sách “tứ đổ tường,” đó là đọc sách báo, tuy học vấn của ông chỉ mới tới hết bậc tiểu học. Cũng một phần, thời tiểu học, tôi có trải qua ba năm tròn lăn lóc nơi chợ đời, theo cha sinh sống bằng nghề bán báo trong suốt thời gian ông… giận chủ, bỏ hãng nên… thất nghiệp! Thời gian đó, ngoài một buổi học, buổi còn lại tôi trông sạp hàng báo ở chợ Bà Chiểu Gia Định phụ với cha. Ở chốn chợ búa luôn náo nhiệt đông người, bạn bè trang lứa đâu để tôi cùng chơi với qua những trò chơi trẻ con. Nên tôi chơi với… sách báo có sẵn trong tầm tay. Tôi xem và đọc bất cứ nội dung gì đăng trên báo, nên tôi ghiền nặng khi lớn lên, thời trung học, thời dở dang đại học, thời vào lính, rồi tới thời… đi tù Cộng Sản. Nhưng cái thời đi tù thì báo đâu mà đọc, nên khi ra tù, nói thiệt, báo chí VC tôi cũng… mải mê xem. Nên nhiều khi coi mà cứ tức anh ách vì truyền thông, báo bổ của họ “xạo hết chỗ nói.” Những tay viết báo của họ là những họa sĩ bậc thầy, chỉ chuyên theo trường phái độc một tài là vẽ tranh chỉ dùng mỗi màu… hồng!

Ông nhân viên Hội Thánh liếc nhìn tôi, kinh ngạc. Ý chừng như ông nghĩ tôi là hiền nhân quân tử nào đây. Sợ một ngày không đọc sách báo, soi gương nhìn thấy mặt mình đần độn chăng? Vừa mới chân ướt chân ráo, thậm chí chưa bước được bước nào vào tổ ấm mới của gia đình mình, sinh hoạt ra sao, làm lụng thế nào, cơm gạo có kiếm được đủ no cho vợ con chưa… đã lo đi kiếm chữ nghĩa để xem… Rõ là tay “bất nghị, vô ưu” có hạng đây! Qua ánh mắt tôi chỉ suy luận vậy thôi chứ ông bạn chỉ trả lời “có” rồi chạy chậm từ từ, bẻ lái quẹo vô trước một ngôi chợ nhỏ, dừng lại. “Anh vào trong đó. Có báo đấy”.

Tôi mở cửa xe bước ba bước vào chợ. Thấy ngay sau cánh cửa có một cái giá sách báo, bên trên chỉ độc mỗi hai đầu báo. Đó là nhật báo Người Việt được xếp ở ngăn trên còn ngăn dưới, sát đất là tờ tuần báo Sài Gòn Nhỏ. Tôi quơ vội liền hai tờ và hỏi ngay cô tính tiền bán hàng  phía sau quầy: “Cho tôi mua hai tờ này. Bao nhiêu tiền vậy, cô?” Vừa hỏi tôi vừa móc bóp túi quần sau. (Khi rời Việt Nam, tôi và bà xã có ký cóp để dành tiền, đổi được bốn trăm tiền Mỹ, chỉ bốn tờ. Tôi giữ hai, nhà tôi giữ chỗ còn lại). Câu trả lời của cô thu ngân làm tôi chưng hửng: ”Báo Free.” “Báo free là sao, cô?” tôi hỏi. “Là cho không!” Vừa trả lời cô bán hàng vừa chăm chú nhìn tôi có vẻ kỹ hơn. Và dường như cô ta “hiểu chuyện” qua bộ cánh tôi đang mặc có cả “cà-ra-vát” tươm tất, nên nói: “Ông từ Việt Nam mới qua?” “Dạ vâng. Thôi chào cô. Xe đang chờ tui.” Tôi trả lời vội, quay lui ngay, tay không quên nhón theo hai tờ báo.

Tác giả cùng vợ đến hội trường Người Việt xem mấy buổi World Cup 2018. (Hình: Tác giả cung cấp)

Trên đường đến khu chung cư, tôi cứ vương vấn chuyện “báo cho không.” Thật lạ. Rồi làm sao báo sống còn, tồn tại lâu dài để phục vụ độc giả đây? Trong nước mà tôi vừa ra đi, làm gì có chuyện đó. Báo chí là món ăn tinh thần sau thực phẩm là món ăn vật chất. Để có được nó nhất thiết phải mua, phải trả tiền sòng phẳng. Tại sao xong một bữa ăn tại nhà hàng người ta có thể cho tiền típ năm ba đô hay hơn, còn tờ nhật báo chỉ một, hai đô nếu “free” thì đọc, còn mua thì có người không màng! Mà để “làm” ra được một tờ báo in và phát hành hằng ngày, đâu phải đơn giản! Phải cần tới biết bao người góp bàn tay lẫn tim óc vào mới có. Từ các nhân viên kỹ thuật ấn loát đến những phóng viên, thợ ảnh, ký giả, nhà văn… Đòi hỏi nhiều công sức lắm chứ chẳng phải như nấu nướng, chế biến một vài món ăn với nguyên liệu thực phẩm có sẵn, rồi cứ thế, bồi bàn mang ra cho thực khách là xong.

Thời gian một vài năm sau khi ổn định sinh sống ở “đất nhà” Phoenix Arizona, có dịp sang thăm bằng hữu bên Cali, tôi nhận thấy báo chí ở đây cũng được bày bán hẳn hoi, chỉ “free” chăng là một vài “tập san chợ” đặt trong những tiệm ăn nhằm câu khách. Trong những chuyến đi này, tôi có ý tìm gặp một vài anh bạn đang làm việc cho báo Người Việt. Là bạn, có anh là bạn lối xóm, có anh là bạn làm việc trong ngành Chiến Tranh Chính Trị trước kia, có anh là bạn tù cải tạo. Nhưng đúng ra là đàn anh của tôi về số tuổi cũng như trình độ học vấn. Đó là các anh Lê Thụy, anh Nguyễn Chí Kham và anh Nguyễn Huy Tiến (Nguyên Huy). Tôi biết cả ba đang cộng tác với Người Việt qua các bài viết trên báo. Tuy nhiên, do không đúng dịp nên không gặp được ai. Sau đó, về lại nhà, chỉ liên lạc các anh qua điện thoại và email thôi. Riêng trường hợp Nguyên Huy, do có viết một số bài gửi tới báo KBC Hải Ngoại và trang Cựu Chiến Binh mà anh phụ trách biên tập nên tiếp theo, tôi có sáng tác, viết cho Người Việt đôi bài qua các đề mục khác tôi có tư liệu và sự trải nghiệm của chính bản thân. Cũng như, qua lần tiếp xúc ngắn gọn với anh Vũ ĐìnhTrọng tại buổi phát giải “Chuyện Tù Cải Tạo” tại hội trường nhật báo Viễn Đông làm tôi ngẫu hứng, thực hiện một số hình ảnh thời sự “phe ta” tại “đất nhà” gửi đến chuyên mục thời sự bằng ảnh của báo Người Việt, nên còn được “gắn sao” nữa đấy.

Do không ở Cali nên tôi chỉ có báo Người Việt để đọc khi lấy “free” từ một hai chợ ở đây. Báo không có thường xuyên và đủ ngày. Dù vậy cũng đủ an ủi cho con nghiện đọc báo, mê xem nhật trình hơn hẳn mọi thứ mê khác này là tôi. Cũng từ đó, tôi “đâm” khoái ông Bùi Bảo Trúc trước kia, “sinh” cảm ông Huy Phương bây giờ. Rồi thì là… ngưỡng mộ nhà giáo, nhà báo Ngô Nhân Dụng cách gì đâu. Còn nữa… lại thêm nồng nhiệt mến cô Ngọc Lan từ các bài phóng sự rất giàu tình người, qua văn phong đầy nữ tính, khéo dàn trải, dẫn dắt câu chuyện một cách khá hấp dẫn, lôi cuốn bằng một kỹ thuật viết rất riêng…

Học giả Phạm Quỳnh nói: “Truyện Kiều còn, tiếng Ta còn. Tiếng Ta còn, nước Ta còn.” Câu phát biểu lừng danh để đời này, đến nay nhận thấy vẫn còn duy trì giá trị thực chứng như một định đề văn học bất biến của nó. Tuy nhiên, cái thời của một truyện Kiều thơm nức lịch sử văn học nước nhà, nay có vẻ như dần phai mờ theo giòng thời gian cuộn chảy tới tương lai trước mặt rồi chăng?. Hơn nữa, “Tiếng” đây là tiếng nói. Là “Thanh ngôn.” Một biểu hiện vô hình. Còn “Người Việt” ở đây là nhật báo. Với những dòng chữ viết được in ra. Là ”Ký tự.” Một hiển hiện hữu hình. Nên “Bút sa (thì) gà chết!” Phải cẩn thận. Vì khi viết mà không ít nhiều biết lách, biết tôn trọng người khác thì chuyện gây thù chuốc oán, đáo tụng đình không khó để xảy ra cho mình lắm lắm.

Ở xứ Huê Kỳ này, truyền thông báo chí là quyền thứ Tư được ghi chép rạch ròi trong Hiến Pháp. Có lẽ không ai không biết. Người viết trộm nghĩ, nhật báo Người Việt, qua chủ trương và lập trường kiên định bấy lâu nay, phải chăng là pháo đài kiên cố nhất ở hải ngoại này với sứ mạng thiêng liêng, gìn giữ sự tinh tuyền trong sáng của ngôn từ, chữ nghĩa tiếng Việt nhằm chống trả, chận đứng mọi mưu đồ đen tối, hiểm độc qua sự cải biến, chủ trương thêm thắt những mẫu tự cùng  cách phát âm, đánh vần sao cho trộn lẫn được vào với ngữ âm của kẻ thù truyền kiếp phương Bắc đối với dân tộc Việt Nam, từ một vài tay ngụy ngôn, giả… học trong nước.

Nên và thích hợp chăng, từ câu danh ngôn của học giả Phạm Quỳnh, chúng ta đồng thanh xướng thêm: Người-Việt còn… Chữ Việt còn… Chữ Việt còn… Nước Việt còn!”

Với 40 năm hiện diện, phát hành liên tục, không gián đoạn của nhật báo Người Việt. Xin chúc mừng!

Những lần hiếm hoi được dịp sang Cali, tới Little Saigon, dù không có việc gì, tôi vẫn hay thích thả bộ chậm rãi trên lề đường tòa soạn của hai tờ nhật báo mà tôi tôi ít nhiều có cơ duyên “chạm” tới. Đó là Người Việt và Viễn Đông. Tôi tự mình “enjoy’ niềm vui từ sở thích này mang đến cho mình.

Đôi lần, dừng chân dưới tên bảng đường Moran street, dường như trong tôi có dấy lên một niềm xúc cảm nhẹ nhàng, thấy như tiêng tiếc một chuyện gì đó trong quá khứ đã lỡ… Ước gì… (Hồ Hoàng Hạ)

MỚI CẬP NHẬT