Thursday, April 18, 2024

Tờ báo Việt

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Nam Phương

Là người Việt Nam ở phương  xa trong một lần về thăm Little Saigon được nhìn thấy tờ báo Việt ngữ khổ lớn với những hàng chữ Việt thân thương đã cho chúng tôi một niềm vui khó tả. Cảm giác đó tưởng như mới đây thôi mà đã 20 năm qua rồi và hôm nay còn được biết tờ báo Người Việt năm ấy đã có sinh nhật đến 40 năm. Sự gặp gỡ tình cờ với nhiều điều yêu thích nơi miền Nam nắng ấm là một duyên lành lớn, một sự thay đổi lớn trong cuộc đời của chúng tôi.

Đúng là như vậy, cách đây 20 năm, khi lần đầu tiên về Nam California thăm người em gái sống ở Aliso Veijo, được đến khu Phước Lộc Thọ Little Saigon, được nhìn thấy mọi thứ Việt Nam hiển hiện từ các nhà hàng với các món ăn ngon tuyệt, thích thú hơn nữa khi nhìn thấy những ngôi nhà có vườn trái cây cam, ổi, quýt, hồng, những ngôi chợ rộng lớn, thức ăn tươi ngon lại rẻ. Càng tuyệt vời hơn với thời tiết ấm áp, nắng gió quanh năm như miền nhiệt đới lại thêm vào niềm vui có nhiều cơ quan truyền thông, báo chí, nhiều thông tin, thời sự cập nhật mà trong đó có tờ báo Người Việt thấy như gần gũi thân quen từ lâu, nên khi về đến đây điều đầu tiên là chúng tôi đặt mua ngay một năm báo liền, giống như người đang khát khao tin tức thời sự vậy. Thú thật còn nhiều thứ lắm của Cali nói chung và của Little Saigon nói riêng, không sao kể hết đã quyến rũ chúng tôi đến thế nào, như ngày xưa có câu nói “Sài Gòn đi dễ khó về” mà nay có thể đổi lại là “Bolsa đi dễ khó về” vậy.

Chúng tôi đến Mỹ vào ngày 9 Tháng Ba, năm 1992, là nhờ sự bảo lãnh của bố tôi, một người lính trong quân lực VNCH đã theo con tàu Trường Xuân di tản sau cuộc chiến 1975. Thành phố mà nơi ông đến định cư đầu tiên là Chicago, Illinois,  thế là chúng tôi cũng đã đến đây chia sẻ 10 năm với 10 mùa Đông lạnh giá, 10 cái Tết cổ truyền không thấy mùa Xuân mà toàn một màu trắng tuyết chỉ được bù lại bằng những cành hoa mai Mỹ nhỏ cánh có màu vàng sáng nở vào dịp này còn thấy chút không khí ngày Xuân. Tuy vậy mọi người nơi đây cũng cố gắng kiến tạo mùa Xuân ngày Tết bằng nhiều thứ bánh mứt như ở quê nhà, cũng có áo dài, khăn đóng, múa lân cổ truyền… cho đỡ nhớ quê hương, nhưng thật sự cũng không thoải mái lắm với tiết trời lạnh cóng, con đường trơn trợt đá và những chiếc áo khoác dầy nặng.

Ở Chicago nơi vùng Up town có con đường nhỏ tên Argyle là khu phố chính của người Việt với những tiệm ăn, những cửa hàng hay chợ tuy không lớn nhưng là nơi mà hầu hết người Việt sống ở ngoại ô hay những vùng lân cận vào cuối tuần đều đến đây để ăn uống, hay mua sắm, thế nhưng khu phố nhỏ bé này chỉ đến 7-8 giờ tối mọi cửa hàng đều phải đóng sớm vì an ninh không được bảo đảm. Riêng về khoản sách vở, báo chí thì thật hiếm hoi, chỉ có một cơ sở gọi là Hội Người Việt, được nhiều người biết đến mỗi tháng ra một tờ báo in trên giấy trắng cứng, không dầy lắm với các trang in rời phải xếp vào thành tập đóng kim kẹp rồi cắt xén, nội dung đa phần là những trang quảng cáo với bài vở khiêm tốn, ít ỏi cùng các tin tức thu thập đã cũ, vậy đó mà mỗi tháng được cầm trên tay tờ báo tiếng Việt cũng đã là vui lắm vì lúc ấy còn khan hiếm thông tin, chưa có đài phát thanh hay truyền hình tiếng Việt, không biết Internet, online là gì, tiếng Anh thì còn ngờ nghệch nên có khát khao tin tức thời sự cũng chẳng biết tìm kiếm nơi đâu. Thời gian như vậy khá dài khiến cho đầu óc, kiến thức bị thu hẹp dần, một phần bận rộn với đời sống phần nữa lo con cái sẽ bị ảnh hưởng bởi đời sống Mỹ quá sớm khi ở đây không thấy có lớp Việt ngữ nào trong chương trình sinh hoạt của các hội đoàn hay cơ sở tôn giáo, vì vậy cho dù bận rộn thế nào sau những giờ làm việc để mưu sinh, chúng tôi cũng phải dành thời gian để nói tiếng Việt và dạy chữ Việt cho đứa con gái nhỏ mới lên 4 tuổi của mình.

Tuy mùa Đông nơi đây giá băng nghiệt ngã nhưng Chicago cũng có một cộng đồng người Việt đáng kể, cũng có những hội đoàn, đoàn thể khá đông đảo và khi nhìn thấy những đứa trẻ Việt Nam trong cộng đồng có độ tuổi với con mình, chúng tôi ước ao đến việc làm sao để bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa cũng như giữ gìn tiếng Việt nơi đây cho lớp trẻ. Thật vô cùng may mắn khi gặp gỡ được  nhiều bạn trẻ với tinh thần hăng say và tấm lòng đầy nhiệt huyết họ đã cố gắng cùng nhau xây dựng được một Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo có tên là Trúc Lâm, để ngoài việc chia sẻ những lời dạy đạo đức của Đức Phật, còn có các lớp Việt ngữ là nguyện vọng của nhiều bậc phụ huynh cũng muốn duy trì những bản sắc Việt nơi miền đất lạnh lẽo này. Cho đến hôm nay trung tâm đã phát triển lớn mạnh, những thế hệ tiếp nối sau này đã trở thành lực lượng nồng cốt tiếp tục dìu dắt các em nhỏ Việt Nam nơi đây ngày một đông hơn.

Chicago là thành phố cổ, đường phố nhỏ hẹp, chật chội nhất là ở khu Up town và những khu phố nghèo, lại phải chịu đựng những trận bão tuyết hằng năm cùng với những chiếc xe rải muối, cào tuyết càng làm cho con đường nhỏ chật chội thêm hư hao, nứt nẻ và nỗi khổ trong mùa Đông ở đây là phải cào tuyết xe mỗi sáng sớm đi làm, nhưng có lẽ vẫn không khổ cho bằng tìm được chỗ đậu xe vào mỗi buổi chiều đi làm về, người ta dành nhau từng tấc đất đậu xe cho nên phải parallel giỏi lắm mới có thể chen vào đậu được trong những khoảng đường nhỏ xíu giữa hai xe và khi đã về đến nhà tìm được chỗ đậu thì chẳng dám đi đâu nữa. Đó là những điều bất cập nơi đây nhưng Chicago lại là thành phố nổi tiếng đẹp vô cùng vì có bốn mùa rõ rệt, mùa Thu với những con đường lá phong đổi màu đẹp rực rỡ, những ngày đầu mùa Xuân cây cối tưng bừng đua chen sắc xanh sau mùa Đông dài trắng xoá. Riêng với down town Chicago là nơi có không gian sang trọng đẹp đẽ hơn nhiều nhất là vào ban đêm, với những kiến trúc lộng lẫy chạy dọc theo con đường Lake Shore Drive của Ngũ Đại Hồ to rộng, mênh mông, những con đường trung tâm vào đầu Xuân khi thời tiết mát lạnh hoa tulip đủ màu nở rộ đẹp vô cùng.

Thế nhưng tất cả những điều ấy cũng không giữ được chân chúng tôi cho đến khi gặp Little Saigon, mọi thứ đã thay đổi, chúng tôi quyết định rời Chicago để dọn về Nam Cali. Tuy vậy cũng phải mất đến mấy năm sau 2002 mới về được đến đây.

Thật sự mà nói người Việt nào cũng có ước mơ về sống ở Cali hay loanh quanh đâu đó nếu gần được Bolsa thì càng vui hơn, bởi đây là biểu tượng của Việt Nam, của Sài Gòn tự do nhưng thật cũng không phải dễ dàng để thực hiện ước mơ vì nhiều lý do. Khi về đây nhìn những con phố rộng rãi thênh thang, những con đường nhiều lane, có cả lane only cho quẹo trái, quẹo phải, parking mênh mông, thuận tiện rất nhiều so với khu Up town Chicago, có báo Việt ngữ, đài phát  thanh tiếng Việt và còn nhiều nhiều thứ nữa, cảm nhận thật bình yên, hạnh phúc như đang sống giữa thủ đô Sài Gòn vậy. Ngày Xuân, ngày Tết nơi đây tưng bừng không thua kém gì ở Việt Nam mà còn hơn Việt Nam ở chỗ được chính quyền cho phép đốt pháo càng rộn ràng thêm không khí đầu Xuân. Nhiều lễ hội, chợ Tết với các thế hệ cháu con xúng xính trong áo dài truyền thống trông càng thấy vui hơn.

Nhân đây xin chúc mừng sinh nhật tờ báo người Việt và cũng xin được cảm tạ, tri ân đến nhà báo Đỗ Ngọc Yến và các thân hữu của ông với tấm lòng yêu tiếng Việt, chữ Việt đã cho ra đời tờ báo sớm nhất cũng là tờ báo có uy tín nhất trong cộng đồng người Việt, hơn thế nữa đã tồn tại cho đến ngày hôm nay với 40 năm tuổi thật là đáng trân quý. Ngày nay với phương tiện Internet, online với nhiều đài truyền thanh, truyền hình tiếng Việt hay có thêm nhiều tờ báo Việt cũng là để phát triển và duy trì nền văn hóa Việt Nam.

Ngoài ra còn được biết ông Đỗ Ngọc Yến cũng là một trong những thành viên xây dựng nên Little Saigon mà nay đã trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn không chỉ cho người Việt ở các tiểu bang Hoa Kỳ mà còn cho người Việt nói chung trên toàn thế giới, đó cũng là một niềm hãnh diện, tự hào bởi công sức và tình yêu thương của những người đi trước. Sáng nay vừa đọc được tin vui nơi tờ báo Người Việt về Đại Học UCI, đang mở rộng chương trình giảng dạy giúp các trẻ em từ lớp 7 đến lớp 11 có khả năng phân tích bài văn, tìm hiểu suy nghĩ của các tác giả cũng như tập làm văn, làm thơ, đào sâu kiến thức và tìm biết thêm về nhiều ngôn ngữ khác trong cộng đồng, quả thật là điều đáng quý vì hiện nay đa số trẻ em biếng lười đọc sách, chỉ mê game, ghiền máy tính, TV thì đây đúng thật là một tin vui, tốt lành. (Nam Phương)

(Nam Phương)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

 

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT