Thursday, March 28, 2024

34 năm biết bao ân tình với Người Việt

Võ Thành Điểm

GIAI PHẨM NGƯỜI VIỆT XUÂN KỶ HỢI 2019 – Một buổi trưa Tháng Mười Một, 2018, đang ngồi layout một mẩu quảng cáo của khách hàng, anh phụ trách tờ báo Xuân Người Việt Kỷ Hợi 2019 đến bên cạnh tôi to nhỏ: “Chú ơi, nhân dịp 40 năm Người Việt, chú viết cho một bài về 40 năm này cho báo Xuân đi chú!”

Ừ! Viết thì viết, dù tôi chỉ là người phụ trách trang thể thao cho tờ báo như là “nghề tay trái” còn công việc chính vẫn là làm quảng cáo và layout. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, cũng nhân dịp này, nhờ những dòng chữ thổ lộ phần nào tâm tình của mình về những nỗi khó khăn, những ân tình, những chia sẻ, những cảm nhận cay đắng ngọt bùi đủ hết với những người chung quanh liên quan đến công việc.

“Duyên” với Người Việt

Ba mươi bốn năm trôi qua – từ năm 1984 tôi bắt đầu vào làm cho Người Việt đến hiện tại – tờ báo trải qua biết bao những thăng trầm thay đổi mọi thứ, từ con người đến cơ sở vật chất, và ngay cả phòng kỷ thuật mà tôi đang làm việc cũng vậy. Có những người đến, rồi đi, và ngày càng nhiều anh chị em trẻ tuổi, với kiến thức mới mẻ, tay nghề vững vàng cùng nhau đóng góp cho tờ báo vượt qua bao thử thách để sống vững mạnh và hơn nữa như hiện nay.

Người Việt trải qua nhiều giai đoạn từ những năm tháng chỉ phát hành một tuần một số với khổ tabloid cho đến những thời gian mỗi tuần phải ba lần đưa bảng layout đến nhà in theo khổ lớn như của Mỹ, và sau này trở thành nhật báo với số lượng phát hành mỗi ngày một tăng.

Trong suốt thời kỳ khủng hoảng kinh tế nhất là khi kỹ thuật Internet phát triển mạnh mẽ, làm chao đảo báo chí trên thế giới, nhiều tờ báo lớn của Mỹ phải đóng cửa hoặc giảm bớt số lượng phát hành, nhưng nhật báo Người Việt với tâm nguyện cùng nhau làm việc cho tờ báo sống còn đã vượt qua thời gian khó khăn này và tiếp tục hướng tới tương lai.

Thật ra có vài anh chị gia nhập gia đình Người Việt trước tôi như chị Nhung (đã về hưu) nhưng tính theo thời gian không gián đoạn thì tôi có thể tự hào là một trong những người làm việc có “thâm niên công vụ” lâu dài nhất với công việc chính layout quảng cáo và “nghề tay trái” là viết và phụ trách trang thể thao cuối tuần.

Ngay những ngày ở còn ở đảo Palawan, Philippines, tôi biết được anh Đỗ Ngọc Yến cùng một số anh em, bạn hữu có ra tờ báo Người Việt nhưng lúc đó tôi không thể hình dung ra hình ảnh tờ báo và cũng như trụ sở tờ báo này ở đâu, như thế nào. Sau khi được chuyển về Bataan, Philippines, tôi có dịp đọc được báo Người Việt. Và tôi cũng tự nhủ thầm: “Đây rồi, qua Mỹ, tìm được trụ sở Người Việt chắc chắn sẽ lần ra được những bạn bè của những ngày tháng ngồi ở giảng đường Văn Khoa hay Đại Học Sư Phạm.”

Máy Varityper mà báo Người Việt sử dụng trong những năm 1980. (Hình: Võ Thành Điểm)

Tuy nhiên vì thuộc dạng “bảo trợ chùa,” không có thân nhân bảo lãnh, nên ai cho đi định cư ở đâu thì đi đó. Thế là tôi được đưa về thành phố Tustin thuộc tiểu bang Arizona trong những ngày đầu của Tháng Sáu, 1983, mà không có đồng xu dính túi. Lúc bấy giờ đại diện của Hội USCC ở Tustin dẫn tôi về căn apartment một phòng cho bốn người với thức ăn mua sẵn để trong tủ lạnh, rồi hẹn những ngày kế tiếp sẽ làm thủ tục ban đầu khi định cư tại Mỹ.

Được biết người đứng ra bảo trợ bốn anh em chúng tôi là một người Mỹ làm việc tại một bệnh viện ở Tustin. Vài ngày sau đó, người Mỹ này có đến thăm chúng tôi, chỉ nói chuyện chừng năm, mười phút rồi ra về và bặt tăm cho tới tận bây giờ. Ba mươi bốn năm trôi qua, anh em chúng tôi vẫn chưa được gặp lại lần thứ hai người Mỹ bảo trợ này.

Với khí hậu quá nóng, mới 9 giờ sáng ra đường, quen thói cũ, không mang dép, nóng muốn phỏng chân, tôi nản quá gọi điện thoại cho thằng em họ, qua trước tôi vài tháng, giúp tôi về ở chung tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon, chỉ hai tuần sau đó.

Đến cuối năm 1983, sau những tháng ngày chịu lạnh lẽo, tôi lại “move” về Nam California, ở trọ nhà một ông anh quen từ trại tị nạn Palawan, ở Huntington Beach, Quận Cam.

Thời đó phố Bolsa đâu có sầm uất như hiện nay, chỉ một vài tiệm rải rác nằm cách biệt nhau. Khu đất góc đường Bushard và Bolsa là ruộng dâu, xe cộ thưa thớt cho dù là ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật hay ngày lễ. Còn muốn tìm món ăn chính gốc Việt Nam, phải đi đến khu đoạn đường First (Bolsa nối dài) giữa Harbor và Fairview, với Phở Tàu Bay và những nhà hàng Việt Nam khác mà tôi không thể nhớ tên.

Chỉ một ngày sau khi đến Huntington Beach, tôi bắt xe buýt đến tòa soạn báo Người Việt, một căn phòng nhỏ ở cuối dãy nhà đâu lưng với dãy nhà hàng Song Long hiện nay.

Nụ cười đầu tiên đón nhận tôi là anh Nguyễn Đức Quang, lúc ấy là tổng giám đốc tờ báo. Lúc đó anh Quang không biết tôi, nhưng tôi thì biết vì anh Quang vốn được giới sinh viên chúng tôi biết đến với những đêm hát của phong trào du ca tại quê nhà.

Nhờ anh Quang, tôi lần lượt gặp được những người quen thân cũ mà khi còn ở Việt Nam từng học cùng trường Văn Khoa hoặc Đại Học Sư Phạm hoặc sinh hoạt chung với nhau trong những chương trình sinh viên học sinh, CPS, chương trình “Các sinh viên Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê nhà” mà anh Đỗ Ngọc Yến là trưởng ban tổ chức.

Sau vài tháng làm việc cho một công ty Mỹ nhỏ chuyên về tiện, ngán ngẫm những buổi ra về với áo quần luôn dính đầy dầu mỡ, bụi sắt… với số lương $4.5 một giờ nên khi được anh Phan Huy Đạt hỏi muốn về làm việc cho tờ báo không là tôi “OK” không một chút do dự.

Một trang báo Người Việt hồi năm 1984, lúc còn khổ tabloid. (Hình: Tài liệu Người Việt)

Thế rồi 34 năm gắn bó với tờ báo Người Việt từ lúc tòa soạn nằm trên đường Bolsa phát hành một tuần một số khổ tabloid, cho đến tăng lên ba số một tuần khổ lớn rồi trở thành nhật báo với số lượng ngày càng tăng. Còn tòa soạn tiếp tục hai ba lần di chuyển từ trụ sở Viễn Đông ngày nay, sau đó tại trụ sở tờ Việt Báo và cho đến trụ sở hiện thời.

“Thương hải biến vi tang điền” – khoảng thời gian với bao thăng trầm, sóng gió, lúc lên lúc xuống, tưởng chừng như không thể vượt qua, nhưng rồi cũng sóng êm biển lặng và tiếp tục vững mạnh và phát triển. Được như bây giờ là nhờ tất cả mọi người trong tòa báo dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng hết lòng hết sức chung vai gánh vác. Sau này có nhiều người đến và người ra đi vì nhiều lý do khác nhau và cả những người thật sự đã vĩnh viễn rời xa, nhưng tất cả đều là những người hết lòng đóng góp cho tờ báo.

Làm việc xuyên đêm

Công việc đầu tiên của tôi tại Người Việt từ khoảng thời gian đầu năm 1984 là đánh máy những tin tức, những bài bình luận, phóng sự… Không phải đánh trên máy đánh chữ như thường thấy trước đây, mà trên máy Varityper với một monitor nhỏ – một loại máy đánh chữ đặc biệt để dùng làm báo, in sách. Máy này khi dùng cho tiếng Anh thì các chữ hiện rõ trên màn hình nhưng nếu đánh tiếng Việt phải nhớ những code số thay thế cho các dấu huyền, ngã, hỏi, nặng… Những ai không thuộc những ký hiệu thay thế này sẽ không bao giờ hiểu và đọc được những dòng chữ hiện ra trên màn ảnh.

Đánh xong một bản tin, có chia cột hẳn hoi, khi in ra trên loại giấy đặc biệt rồi đem vào phòng tối rửa bằng thuốc hóa học nặng mùi “amoniac” (mùi nước tiểu) để cho chữ hiện ra rồi phơi khô. Sau đó các anh chị khác mới lấy những tờ giấy này, cắt dán layout trên những trang giấy trắng cứng hơn có chia từng cột hẳn hoi.

Máy này rất lớn và rất đắt tiền khoảng trên $30,000 một máy. Người Việt lúc bấy giờ chỉ mua máy cũ giá rẻ hơn nhưng vẫn không dưới $10,000. Mỗi lần bị trục trặc, gọi chuyên viên Mỹ đến sửa phải trả chi phí trên $1,000. Đây là số tiền quá lớn vì lúc đó một tô phở chỉ $2.5, xăng chỉ khoảng trên dưới $1, còn lương tôi không hơn một ngàn bạc.

Tôi luôn luôn đánh máy những tin tức bài vở có trước trong những ngày không ra báo để đề phòng khi tới đêm đưa bảng layout đi đến nhà in mà máy bị trục trặc là nguy to vì không ai đến sửa và tờ báo sẽ chậm đi trong việc phát hành.

Sau này, theo đà phát triển kỹ thuật, chúng tôi được trang bị thêm nhiều computer, monitor với đĩa lớn trong máy, để các anh chị em khác cùng đánh máy, xong đưa đĩa đến máy Varityper chính để in ra giấy.

Chị Nhung, vừa mới nghỉ hưu trong năm vừa qua, vào làm cho Người Việt trước cả tôi và thuộc dạng “pro” về việc sử dụng máy Varityper. Có thời gian dài, chị nghỉ làm báo Người Việt, ra ngoài mở “shop” nhận đánh máy layout cho các tờ tuần báo, đặc san, các bản tin… Thế nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau, chị dẹp tiệm trở lại làm việc cho báo Người Việt.

Một đêm của Lễ Giáng Sinh tại trụ sở mới của nhật báo Người Việt (báo Viễn Đông bây giờ). Từ trái, anh Nguyễn Đức Quang, Võ Thành Điểm và Phan Huy Đạt. (Hình: Võ Thành Điểm)

Tôi còn nhớ trong thời gian Người Việt phát hành mỗi tuần một số, Thứ Năm là ngày tất bật nhất nhưng lại là ngày vui và hạnh phúc nhất đối với tôi. Chúng tôi rất cực, thức đến hai, ba giờ sáng mới hoàn tất bảng layout báo và đem đi in. Tất cả các anh Yến, Quang, Phước Quan, anh chị Nguyễn Đồng-Nguyễn Thị Hợp, chị Mai Phương, Cường… sau này là anh Phát (đã mất) đều cùng nhau cắm cúi làm việc cho đến khi xong, thở phào nhìn đồng hồ thấy: “Ơ! Mới 4 giờ sáng thôi mà….” Thế là chúng tôi cùng nhau đến tiệm ăn của Mỹ (lúc bấy giờ có tiệm mở suốt 24 giờ) trên đường Beach hoặc tiệm ở góc đường Magnolia và Trask, cũng như tiệm góc đường McFadden và Brookhurst để ăn… khuya hay gọi ăn sáng cũng không sai chút nào.

Trong lúc ăn, chúng tôi thường trao đổi với nhau những gì đã làm, những gì chưa làm, chỗ nào sai, chỗ nào đúng để kịp sửa chữa cho tờ báo kỳ tới cùng những chuyện “tám” vui buồn lẫn lộn.

Sau này khi dọn về chỗ của tờ nhật báo Viễn Đông bây giờ, Người Việt phát triển mạnh hơn với số phát hành ba ngày một tuần. Vì thế chúng tôi không còn những thời gian tà tà trong những ngày không ra báo của cái thuở một tuần một số, mà gần như phải làm mỗi ngày với số lượng tin tức và những bài bình luận lẫn bài nằm (bao gồm nhiều đề tài khác nhau) nhiều hơn, nên buộc tờ báo phải mua thêm nhiều computer với monitor mới. Lẽ dĩ nhiên, Người Việt lúc bấy giờ phải thuê mướn nhiều anh chị vào làm công việc đánh máy và từ thuở ban đầu chỉ mình tôi hoặc chị Nhung sử dụng Varityper biến thành phòng kỹ thuật với hai máy Varityper lớn và khoảng 3-4 computer nhỏ cùng năm, ba anh chị em làm công việc đánh máy và sau này phụ trách luôn cả layout nữa.

Điều đặc biệt khi báo Người Việt dời về chỗ Viễn Đông bây giờ, phòng kỹ thuật là phòng duy nhất có gắn máy lạnh chạy 24/24 giờ, để bảo vệ máy Varityper khỏi bị hư trong những tháng mùa Hè nóng bức. Nhờ đó chúng tôi được hưởng “ké” trong khi ở phòng biên tập và layout bên ngoài chỉ sử dụng máy quạt trong thời gian này.

Những người vào làm ở phòng kỹ thuật sau đó cho tới bây giờ, theo tôi nhớ lần lượt có chị Tâm, Bích Ngọc, Ngô Lê Trọng Tú, Vân Khanh, Hằng, Ngọc Lan, chị Minh Thủy, Lê Giang Trần, Vũ Đình Trọng, Bảo, Chinh… và còn nhiều người khác nữa mà tôi không nhớ hết. Chúng tôi vẫn làm việc giúp đỡ lẫn nhau trong công việc rất vui vẻ và thường xuyên đi ra ngoài ăn uống chung cho ấm tình đồng nghiệp.

Tuy nhiên vì tờ báo phải ra ba số một tuần nên từ lúc này chúng tôi gần như không có cơ hội ra ngoài ăn khuya như thời gian trước đây. Thế nên những đêm Thứ Năm ăn sáng cùng với anh Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang, chị Minh Phú, anh chị Đồng, Phước Quan, Cường… là những đêm sống mãi trong tâm khảm tôi. Đối với tôi đây là ngày hạnh phúc nho nhỏ mà tôi có được cho tới tận bây giờ.

Hạnh phúc khi viết thể thao

Thời gian trôi qua, kỹ thuật điện tử ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, nhiều loại computer và những software mới ra đời từ computer 286, 386 đến 486… cho đến 500G và hơn nữa cùng với sự phát minh và phát triển của hệ thống Internet buộc chúng tôi phải học hỏi, thay đổi mọi thứ. Tôi phải vừa làm vừa học từ sách vở, từ bạn bè đồng nghiệp để cho tờ báo được phát hành suôn sẻ nhất là khi Người Việt trở thành nhật báo cho đến tận bây giờ.

Phải nói trong suốt 34 năm làm việc cho Người Việt, ngoài công việc layout, điều hạnh phúc thứ hai của tôi là mỗi cuối tuần xách máy ảnh lang thang ngoài sân cỏ theo cùng các đội bóng tròn Việt Nam thi đấu để chụp những tấm hình rồi về viết bài đăng báo trên trang thể thao.

Hình ảnh các chiếc cúp của một giải đấu bóng tròn được tổ chức tại khu vực Little Saigon, Quận Cam, trong thập niên 1990 mà người viết chụp lại trong những ngày lang thang trên sân cỏ. (Hình: Võ Thành Điểm)

Nhờ phụ trách thể thao nên tôi có dịp dự các đại hội thể thao Bắc Mỹ tại Virginia, Washington DC, Montreal, Toronto (Canada), Quận Cam, đi theo đội tuyển túc cầu Nam Cali dự các giải thể thao tại New Orleans, Houston… trong những năm thập niên 1990 và những năm đầu của thế kỷ 21. Sau này những đại hội thể thao như thế này cũng vì nhiều lý do khác nhau đã không còn tổ chức nữa.

Tin thể thao cộng đồng Việt Nam thế là giảm dần nhưng tôi vẫn tiếp tục phụ trách thể thao vào ba ngày cuối tuần với những tin tức chính là bóng tròn, kế đến là quần vợt, football Mỹ (bóng cà na), bóng rổ… nhờ theo dõi qua hệ thống truyền hình, Internet và mới đây cả Facebook nữa.

Đặc biệt các kỳ giải vô địch bóng tròn Châu Âu Euro Cup cũng như FIFA World Cup, báo Người Việt đều có phát hành những kỷ yếu đặc biệt. Tôi cùng những anh em khác như Phạm Phú Thiện Giao, Đỗ Dzũng, Hà Tường Cát, Đỗ Tài Thắng và nhiều người nữa trong tờ báo cùng chung tay góp sức.

Những ngày xưa với bao khó khăn, nhưng mỗi lần Xuân về Tết đến, chúng tôi lại có khoảng thời gian cùng nhau làm tối tăm mặt mũi vừa lo tờ báo ngày vừa phải làm sao phát hành tờ báo Xuân khổ tabloid để cho đồng hương Việt Nam tại Little Saigon và vùng phụ cận có dịp thưởng thức món ăn tinh thần trong ba ngày Tết.

Tôi còn nhớ đầu mùa Xuân 1985 hay 1986 gì đó, khu Phước Lộc Thọ lúc đó chỉ là một garage sửa xe hoặc máy cày với khoảng đất trống cho cộng đồng Việt Nam mượn tổ chức hội chợ Tết. Và dĩ nhiên báo Xuân Người Việt cũng góp mặt.

Thời gian trôi qua, với bao thay đổi thăng trầm ghi vào trong tôi biết bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn không thể nào quên. Bây giờ nhật báo Người Việt với nhiều người làm hơn, được hưởng phúc lợi và lương bổng đầy đủ. Thế đứng của tờ báo không những vững vàng mà còn lan rộng trên khắp Hoa Kỳ, thế giới và vang dội về Việt Nam qua hệ thống Internet với mạng lưới nguoi-viet.com. (Võ Thành Điểm)

(*) Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019

MỚI CẬP NHẬT