Thursday, March 28, 2024

Báo Người Việt và người Sài Gòn

Vũ Gia Phan

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Sau năm 1975 thì Sài Gòn gần như thay đổi hoàn toàn, không một tờ báo tư nhân nào còn tồn tại, và đệ tứ quyền của một xã hội văn minh theo đó cũng ra đi. Người dân miền Nam Việt Nam cũng mất đi quyền tự do ngôn luận kể từ ngày cực kỳ đen tối đó.

Tôi và gia đình về sống ở Sài Gòn từ năm 1970. Mỗi ngày đi học ngang qua các sạp sách báo nho nhỏ ở đầu hẻm hay dọc đường, tôi thấy trên kệ có bày bán nhiều nhật báo và tạp chí. Lúc đó tôi đang còn là học sinh tiểu học, nhưng thỉnh thoảng cũng đọc lướt qua tờ nhật báo mà ông anh lớn trong nhà, là một người nghiện xem tin tức mua về đọc xong rồi bỏ đâu đó trên bàn, trên tủ. Nhưng ở cái tuổi còn ham mê những con dế, những con cá lia thia màu xanh, màu đỏ… tôi hầu như không hiểu gì nhiều về những tin tức ở một đất nước đang có cuộc chiến tranh dai dẳng đã hơn chục năm.

Vài năm sau, tôi lớn lên thêm cùng với cường độ cuộc chiến mỗi ngày một ác liệt. Những tin tức hằng ngày từ đây đó tôi thoáng đọc được trên báo hoặc từ những đứa bạn nghe lóm người lớn bàn luận rồi kể lại làm tôi hiểu được chút ít về cuộc chiến đang xảy ra trên quê hương mình. Những cái chết của thường dân miền Nam vì một quả mìn khủng bố, những cuộc biểu tình của học sinh sinh viên bị bao phủ trong làn khói cay xé mắt, những vành khăn tang bên những cổ quan tài quàng cờ vàng, những người lính đồng minh trên đường phố…

Có một điều kỳ lạ lúc đó là tuy tình hình đất nước đang trong cảnh tranh tối tranh sáng, báo chí Sài Gòn phần lớn được tự do tường thuật về nhiều vấn đề đang xảy ra mà người viết không hề phải sợ hãi. Việc này cũng giống như bài hát “Kỷ Vật Cho Em” được phát sóng trên đài phát thanh một cách rất tự nhiên trong lúc những người lính VNCH phải đánh nhau trên khắp bốn vùng chiến thuật mỗi ngày, nhiều người đã nằm xuống vì đạn quân thù, người trở thành phế nhân vì một phần thân thể đã bỏ lại chiến trường khi cầm súng bảo vệ tự do.

Thời đó cuộc sống ở miền Nam tôn vinh những giá trị của tự do, trong đó có quyền tự do báo chí nên nhiều người dân đã phản ứng với những điều mà họ cho là nghịch lý, nhất là các quân nhân khi họ cảm thấy bị báo chí hay ai đó phản bội. Thật sự thì Cộng Sản miền Bắc vốn có đầu óc ranh mãnh đã khai thác sự sơ hở của điểm mạnh này, nhằm gây nên các rối loạn trong lòng miền Nam Việt Nam, vốn là một nước được sinh ra trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, đa số người dân còn dễ bị lung lạc từ những câu chuyện tuyên truyền giả dối của họ. Biết vậy nhưng chính quyền miền Nam không thể ngang nhiên cấm một tờ báo nào đó xuất bản, vì sẽ có nhiều tiếng nói phản đối từ trong nước cũng như ở nước ngoài, từ những nước đồng minh trong khối tự do khép tội VNCH là một chính thể độc tài, đàn áp báo chí.

Rồi khi miền Nam thất trận thì mọi thứ cũng ra đi, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do làm báo… tan biến dưới bàn tay sắt của chính quyền Cộng Sản. Mọi người miền Nam xem như vừa bị câm vừa bị mù. Cả miền Nam và Sài Gòn sống trong bóng tối của sự sợ hãi và tiếc nuối. Tiếc nuối những ngày tự do rất đỗi bình thường trong thời chiến nay đã bị đánh mất. Các chính thể Cộng Sản đều biết sức mạnh của báo chí nên kiểm soát lĩnh vực này rất chặt chẽ, họ tuyệt đối không cho một tờ báo tư nhân nào tồn tại, kể cả những tờ báo thân tín của họ dưới thời VNCH.

Cả Việt Nam lúc đó chỉ có vài tờ báo mà chỉ có một tổng biên tập (nay cũng vậy!), và chỉ tường thuật tin tức một chiều có lợi cho nhà nước. Người dân Sài Gòn cũng như dân chúng miền Nam đã quen với tự do báo chí nên chỉ còn trông chờ vào các đài phát thanh nước ngoài để có những tin tức không che đậy sự thật, vì rất nhiều người biết rõ bản chất của Cộng Sản.

Rồi vài thập niên trôi qua, Việt Nam vẫn không có gì thay đổi, cả nước có cả chục tờ nhật báo và tạp chí nhưng tất cả tin tức đều như nhau, đọc một tờ có thể biết nội dung tin tức của nhiều tờ khác mà không cần phải tốn thêm đồng nào, đó là cách nói hài hước, châm biếm của người dân.

May thay, sự tiến bộ của công nghệ đã làm thay đổi bộ mặt thế giới. Internet xuất hiện như một cơn sóng thần tràn qua cuốn phăng tất cả ngăn cách do thiên nhiên hoặc con người dựng nên. Tôi với những người dân Việt Nam khác không còn phải trông vào những tờ báo in trong nước (dù biết không trung thực chút nào), thay vào đó tôi có thể đọc mọi thứ trên mạng. Mọi người có thể tìm đọc các thông tin trung thực, và có thể tin cậy được sau bao năm sống trong cảnh bưng bít tăm tối. Sự thật như luồng ánh sáng soi rỏ bộ mặt thật của xã hội Việt Nam dưới thời Cộng Sản.

Cách đây khoảng bốn năm, trong một lần lang thang trên mạng tìm đọc các tin tức về cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài, tôi tình cờ đọc được báo Người Việt, một cái tên làm cho tôi ấn tượng kèm theo nội dung các bài báo tuy không giống những tờ báo ở Sài Gòn mấy chục năm về trước vì thời gian và không gian thay đổi quá nhiều, nhưng tờ Người Việt đối với tôi như một ngọn gió mới lạ mang đến những tin tức sống động về cuộc sống, quan điểm của người dân quanh Little Saigon và rải rác khắp Hoa Kỳ và thế giới.

Tin tức thì vốn dĩ có tốt và xấu, cả vui lẫn buồn và báo Người Việt thì tường thuật đầy đủ, theo tôi là khá trung thực. Có lúc đọc tin xấu vì thấy cộng đồng người Việt bỏ xứ ra đi vì Cộng Sản lại “hục hặc,” quay lại đối đầu nhau vì những nghi ngờ hoặc “vô tình” nối giáo cho giặc. Nhưng tin tức tốt đẹp cũng thường xuất hiện với những lá cờ vàng tung bay song song với hình ảnh cộng động người Việt đoàn kết trong các buổi hội họp, diễn thuyết hay biểu tình ủng hộ tự do dân chủ.

Hình ảnh cuộc sống tự do, thịnh vượng của người Việt ở khắp nơi trên thế giới trong đó có Little Saigon được đăng trên các tờ báo mạng tiếng Việt ở hải ngoại, trong đó có Người Việt là báo tôi hay vào đọc. Thật sự thì có lúc tôi cũng nghi ngờ, vì trong những đề tài nóng bỏng về tình hình ở Việt Nam, một độc giả như tôi gửi những bình luận (comment) của mình lên để bày tỏ ý kiến nhưng không thấy xuất hiện.

Tôi thì vốn nghĩ, một tờ báo lưu hành trên một đất nước có truyền thống tự do, dân chủ sâu đậm như nước Mỹ sẽ không ngại ngùng cho độc giả được thể hiện ý kiến cá nhân như các tờ báo Washington Post, New York Times… Ở một quốc gia tự do như Hoa Kỳ, tất cả người dân trong đó có cộng đồng người Việt, không phải sợ hãi khi nói lên ý kiến của mình, nên thỉnh thoảng tôi cũng đọc được bài viết của một độc giả nào đó “báo động” sự mua chuộc của Hà Nội với các tờ báo hải ngoại cộng thêm việc không cho đăng những bình luận của các độc giả, và dĩ nhiên điều này làm tôi phải ngờ vực.

“Bạn có thể đánh lừa tất cả mọi người vào một số thời điểm và đánh lừa một số người suốt đời. Tuy nhiên, bạn không thể lừa dối tất cả mọi người trong mọi lúc” (A. Lincoln). Như vậy, nếu Người Việt có thể gạt được vài độc giả như tôi, nhưng không thể gạt hay che mắt tất cả mọi người. Tôi được biết Người Việt là tờ báo xuất hiện ở Little Saigon lâu đời nhất. Một tờ báo cũng như một sản phẩm, muốn sống còn phải có khách hàng, dĩ nhiên với những khách hàng đầu tiên của Little Saigon thì sự trung thực là tiêu chí hàng đầu, và thời gian tồn tại của Người Việt làm tôi tin tưởng vào tâm địa trong sáng và chuộng sự thật của những người cầm bút ở tòa soạn của tờ báo.

Có sự thật thì cũng có sự giả dối, Cộng Sản vốn tồn tại dựa trên những thông tin giả dối, lừa gạt người dân từ trong chiến tranh cho đến ngày hôm nay. Và báo chí Cộng Sản cũng thừa hưởng các đặc tính này. Cái ác thì không bao giờ ưa thích cái thiện, vì vậy bộ máy nhà nước Cộng Sản Việt Nam ra sức xây tường lửa để ngăn chận độc giả trong nước tìm đọc báo hải ngoại, trong đó có báo Người Việt. Nhưng điều đó thì bất khả thi, độc giả yêu chuộng sự thật và tự do vẫn tìm mọi cách để vượt qua “bức màn tre” để có được những thông tin mà mình muốn có. Họ không muốn đọc hoặc không thích đọc cả trăm tờ báo được phép đọc thoải mái trong nước vì mọi người đều biết tất cả những tờ báo này chỉ có một tổng biên tập và sống sót từ tiền thuế của người dân.

Ngày nào các chế độ độc tài còn không thích, không muốn người dân yêu chuộng tự do và sự thật thì ngày đó họ còn sợ những tờ báo dám nói lên sự thật và những nhà báo trung thực.

Ước mong của tôi là báo Người Việt sẽ tồn tại thêm vài chục năm nữa để độc giả trong nước có được một tờ nhật báo với những tin tức sốt dẻo, xứng đáng là tờ báo Việt Nam đầu tiên xuất bản trên đất nước tự do Hoa Kỳ, nơi mà ngành truyền thông luôn xem sự thật là tôn chỉ hàng đầu. (Vũ Gia Phan)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT