Saturday, April 20, 2024

Một ngày ở tòa soạn Người Việt – chuyện không phải ‘ai cũng biết!’

Ngọc Lan và nhóm phóng viên Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tôi sẽ kể cho bạn nghe những gì diễn ra bên trong tòa soạn Người Việt trong một ngày làm việc, điều mà nhiều người vẫn thường “tò mò” muốn biết mỗi khi có dịp.

Dĩ nhiên, bạn là độc giả của Người Việt (tôi tin chắc như thế vì bạn đang đọc những gì tôi viết).

Có thể bạn đang đọc Người Việt theo kiểu truyền thống, nghĩa là cầm trên tay tờ báo giấy để đọc. Có thể bạn đang đọc Người Việt Online, tức đọc từ trên desktop, laptop, iPad hay là từ một máy điện thoại “sờ mát” thông minh nào đó. Dù đọc bằng gì thì những gì bạn đọc được cũng bắt đầu hình thành từ bên trong “căn cứ địa” Người Việt có trụ sở trên đường Moran, đi bộ chừng 5 phút là thấy khu thương mại Phước Lộc Thọ của Little Saigon tươi vui vẫy gọi.

Tòa soạn thường bắt đầu chào đón những khách hàng đầu tiên vào lúc 8 giờ sáng. Đó chính là những người mang tiền đến cho Người Việt làm báo. Họ đến đăng Quảng Cáo, đăng Rao Vặt, đăng thư Cảm Tạ, và cả đăng điều chẳng bao giờ muốn, là Cáo Phó.

Ban Rao Vặt, Quảng Cáo của báo Người Việt mỗi ngày đón tiếp hàng trăm khách hàng đến đăng quảng cáo. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Ai đã từng một lần bước chân đến lãnh địa Người Việt cũng sẽ dễ dàng nhìn thấy những gương mặt quen thuộc của cô Huyền, cô Thúy, cô Liên, cô Đan, cô Phương Anh, cô Phương Nhiêu ngay từ quầy tiếp khách đến đăng các loại Rao Vặt – thế mạnh vô địch của Người Việt hiện nay.

Bước chân qua một cánh cửa, khách đăng Quảng Cáo và các thể loại khác sẽ có dịp tiếp xúc với cô Kim Hồng, cô Mỹ Linh, cô Minh Phú, cô Ngọc Anh, cô Hằng Nguyễn.

Ban Thương Vụ, nơi đón nhận các yêu cầu quảng cáo của khách hàng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Mọi thứ “order” được nhận từ nơi này, sau đó sẽ chuyển đến cho ban Mỹ Thuật-Layout, nghĩa là, bạn sẽ đi thêm mấy bước chân nữa để tiến sâu vào bên trong.

Ban Mỹ Thuật với các anh chị như Bùi Kim Ánh, Đường Thế Kiệt, Long Trần, Nia Nguyễn, Điểm Võ, Vân Nguyễn sẽ đảm nhận việc làm sao cho mọi thông tin Quảng Cáo, Rao Vặt xuất hiện trên trang báo đúng nội dung, đúng vị trí, và đẹp hơn mong đợi.

Trong khi những anh chị vừa kể tên trên làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với khách hàng, thì sâu vào bên trong nữa sẽ là nơi sản xuất tin tức: Ban Biên Tập.

Ngoại trừ nhà báo có biệt danh “cực kỳ cà chớn” Đinh Quang Anh Thái thường thức dậy cùng rạng đông để chuẩn bị nội dung cho mục Điểm Tin Buổi Sáng, thì hầu hết dàn phóng viên, biên tập viên còn lại sẽ có mặt đầy đủ tại tòa soạn từ lúc 10 giờ 30, với công việc đầu tiên trong ngày là câu hỏi “Hôm nay mọi người làm gì?”

Có mặt tại giang sơn của Ban Biên Tập lúc này, bạn sẽ có dịp nghe Đằng-Giao thủng thẳng, “Tôi đã có hẹn phỏng vấn với một số nơi bán bảo hiểm để viết bài về những gì người ta nên làm khi nhà bị hỏa hoạn. Tôi sẽ nộp bài này trong hôm nay.”

Studio nơi sản xuất hầu hết các chương trình của Người Việt TV. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đỗ Dzũng ngồi lắc lư trên ghế, sẽ chậm chậm nói nhỏ nhỏ (khác hẳn với kiểu ào ào trên TV), “Liên quan đến việc trục xuất người Việt Nam, hôm nay tôi sẽ tìm cách liên lạc với những người có trách nhiệm để phỏng vấn và viết về chuyện này.”

“Em sẽ theo dõi tin tức địa phương và dịch bài,” Thiện Lê nói một cách ngắn gọn công việc thường ngày của mình.

Cứ thế Tâm An, Công Thành, Thanh Long, Linh Nguyễn,… sẽ tự nêu ra công việc của mình trước khi Khôi Nguyên, Quốc Dũng, hay Ngọc Lan góp ý, hay “cự nự” rằng thì là nên làm bài đó theo cách như thế nào, cần phải nêu bật được điều gì, hay cũng có lúc “la làng”: “Chời ơi, sao làm đề tài đó lâu quá dzậy? Lẹ lên, lẹ lên, có cần giúp gì không?”

Ông sếp bự nhất của Ban Biên Tập là Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) sẽ có lúc không nói gì, nhưng thường thì ông sẽ nói nhiều hơn bình thường bằng giọng chậm rãi, nhẹ nhàng như một thầy giáo… già, “Cái tựa bài này, mình có thể viết gọn lại như thế này,” hay “Hôm nay có độc giả gửi thư vào góp ý thế này, tôi sẽ trả lời cho ông ta,” và “ông thầy” cũng biết công việc của mình “Hôm nay tôi sẽ nộp bài bình luận cho quý vị vào lúc 6 giờ nhé!”

Ông sếp Đinh Quang Anh Thái thì hay tủm tỉm cười khi nghe mọi người nói, rồi cũng “biết thân biết phận”: “Sáng giờ tui đã sửa và post những tin này, này, này, lên online rồi nè nghen.”

Ban Mỹ Thuật, nơi lay-out tờ nhật báo hàng ngày trước khi gởi đi nhà in. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Nói chung là sự ồn ào, náo nhiệt của tòa soạn thường là từ phòng biên tập vang lên vào thời gian đó, trước khi cuộc họp giải tán, ai nấy bắt tay vào việc của mình.

Với những “chàng trai, cô gái” có nhiệm vụ đọc tin tức thì dĩ nhiên phải làm thêm công việc kiếm tin, biên tập, khi xong rồi thì kêu lên “Có tin rồi, quay nghen!” Thế là ban Ti Vi với anh Nhân Phạm, Dân Huỳnh, Thoán Nguyễn, Quang Nguyễn, giờ có thêm Thịnh Nguyễn, Bá Hân đáp lại “Chờ 5 phút nghen!” – 5 phút đó là để các anh chép tin, mang qua phòng thu, đưa lên promter, và a lê hấp “Action!”

Các phóng viên nhà báo của chúng tôi sau khi xuất hiện trên Người Việt TV trong các chương trình ấn định, nào là Tin Trong Ngày của Đỗ Dzũng, Nhất Anh, Ngọc Lan, Tâm An, Công Thành, “Việt Nam 24 Giờ” của Cát Linh, hay quay các talk show “Trò Chuyện với Ngô Nhân Dụng,” “Quê Nhà Quê Người,” “Giờ Giải Ảo,”… xong, thì lại tức tốc quay trở lại bàn làm việc.

Người viết tiếp bài phóng sự còn đang dang dở, người gọi điện thoại phỏng vấn, người lùng sục tin tức từ các hãng thông tấn mà Người Việt đã phải trả tiền để mua để chọn tin, dịch tin, người thì rà soát lại các chương trình TV đã edit xong để post lên trang mạng Người Việt, người thì đọc, sửa bài vở của các cộng tác viên, biên tập viên từ xa gửi đến, rồi chọn xem tin nào phải đăng lên liền, tin nào có thể từ từ đăng, rồi lại “la làng” lên khi thấy có tin mới, tin sốt dẻo mà sao chưa thấy người nào làm, hay có người phải dừng ngay việc đang làm để lên xe lao đi vì có một “breaking news” gì đó xảy ra… Cứ vậy. Thong thả trong hối hả.

Các nhân viên Ban Thương Vụ, những gương mặt quen thuộc với khách hàng quảng cáo. (Hình: Nhân Quách/Người Việt)

Cho đến 3 giờ chiều, thì các Rao Vặt, Quảng Cáo chuẩn bị lên báo cho ngày kế tiếp coi như khóa sổ để ban Mỹ Thuật-Layout tính toán dàn trang.

Bên trong Ban Biên Tập cũng bắt đầu đưa “maquette” ra từ từ để “thầy cò” Hương Phạm và Bé Châu chỉnh sửa chính tả, lỗi kỹ thuật những bài theo “order” trước khi đưa qua cho Ban Mỹ Thuật trình bày. Những trang “nằm” như Ca Nhạc, Phụ Nữ, Cựu Chiến Binh, Ẩm Thực, Quán Văn, Xe Hơi, Nhà Đất, Sức Khỏe,… sẽ ra trước. Các trang Việt Nam, Thời Sự, Địa Phương thường đi sau vì biết đâu gần cuối ngày có “biến cố” gì xảy ra.

Bài vở trên Người Việt Online thì dĩ nhiên là khác hơn, vì nó phải được đăng lên trong suốt 24 tiếng, cứ trung bình 25 phút lại có một tin mới.

Đôi khi bài vở dự trù đã xong, đột nhiên có những bất ngờ như một trang quảng cáo hay cáo phó nào đó phải đi liền, thế là “Tăng trang nha!” lệnh từ Ban Mỹ Thuật vang lên, thì Biên Tập cũng phải ứng chiến “Thêm bài nha!” Thế là lại vắt giò lên cổ mà chạy tin, chạy bài (mà ông bà mình có thành ngữ lạ nhỉ, giò vắt lên cổ thì làm sao mà chạy?”)

“Bài này đi trang chính 4 cột nha, cho leo vô Thời Sự, bài này đi 3 cột nè, leo vô Địa Phương, bài này leo Việt Nam…”

Cứ thế mà mạnh ai nấy ôm lấy máy tính mà gõ, mà múa…

Căn tin, nơi các nhân viên cùng dùng bữa cơm trưa tại báo Người Việt, được duy trì suốt nhiều năm qua. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)

Đôi khi hơn 8 giờ tối, ngỡ như trang báo đã sẵn sàng bấm nút gửi sang nhà in thì “Có Breaking News, chờ!” thế là “lột ra làm lại” – đó là nỗi “đau đớn” nhất vì xem như mọi thứ layout cả buổi đều đã thành công cốc. Nhưng biết sao được, tin tức là quan trọng, có “đau” gì thì cũng phải nín thở mà làm lại cho kịp giờ gửi nhà in.

Đến khi bước chân ra khỏi tòa soạn, trời đã tuyền một màu đen, và lòng thầm cầu khẩn, “Đừng có xe đụng, bắn nhau, bắt cóc, hay cháy nhà gì nữa nha ông Trời, mắc công con phải làm nữa!”

Tạm tạm công việc một ngày ở tòa soạn diễn ra như vậy, tôi không phải kể thêm việc của Ban Kế Toán, Ban Phát Hành, Ban Điều Hành, vì không có những ban bệ đó thì toàn bộ những gì kể trên chỉ có thể gom lại trong mấy chữ, “Đóng cửa tắt đèn. Giải tán.”

Giờ thì mời bạn xem tiếp tâm sự của một số đồng nghiệp mà tôi có nhắc tên ở trên (những ai không thấy có mặt là tại vì họ phải lo làm cho xong tờ báo này đó).

Phóng viên Tâm An

Gần 10 năm trước, tôi sang Mỹ định cư tại bang Minnesota, nơi thời tiết lạnh giá và rất ít người Việt sinh sống. Tôi cảm thấy rất cô đơn, nhớ người thân, bạn bè, đồng nghiệp và mọi thứ gắn bó với mình ngày còn ở Việt Nam. Thế là tôi tìm đến chợ để xin báo Tiếng Việt về đọc. Tờ báo mà tôi yêu thích nhất khi ấy là tờ Người Việt Minnesota. Sở dĩ tôi yêu thích vì đây là tờ báo có những bài bình luận rất công tâm và sâu sắc, không có những bài mang tính bôi nhọ cá nhân, chia rẽ cộng đồng. Tôi đã xin làm volunteer gần hai năm cho tuần báo Người Việt ở Minnesota.

Năm 2018, tôi quyết định chuyển về California sống, với lý do được “ăn món Việt, nói tiếng Việt, sống theo văn hóa Việt” mỗi ngày. Tôi mong ước được làm việc tại báo Người Việt ở đây nên ngày nào tôi cũng đọc mục “việc làm” của báo Người Việt.

Tôi nhớ như in ngày 20 Tháng Tám, khi đọc thấy thông tin tuyển phóng viên, tôi đã vội nộp hồ sơ ngay qua email, cứ như thể để ngày mai sẽ không còn cơ hội nữa. Chờ cả tuần không thấy email reply xác nhận đã nhận được hồ sơ của tôi hay chưa, tôi sợ email của tôi bị lọt vào mục “spam box” thì thật là đáng tiếc. Nghĩ vậy tôi lại in ra một bộ hồ sơ, rồi ra bưu điện gửi thêm một lần nữa cho chắc.

Ngày được gọi phỏng vấn, tôi xúc động không cầm được nước mắt, nhất là khi tôi gặp được những nhà báo mà trước giờ tôi biết tên mà chưa có cơ hội gặp như Ngô Nhân Dụng, Đinh Quang Anh Thái, Ngọc Lan… Nhưng điều quan trọng nhất là giấc mơ được sống như một người thuần Việt trên đất Mỹ của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng ở nước Mỹ nữa. Có được điều này là nhờ may mắn được làm trong môi trường báo Người Việt.

Phóng viên Công Thành

Tôi đến từ tiểu bang Nebraska, thích viết từ nhỏ nhưng vốn không phải là một người làm báo chuyên nghiệp. Ở Nebraska tôi cũng không có nhiều cơ hội được gặp gỡ tiếp xúc với truyền thông báo chí của người Việt Hải Ngoại.

Một lần sang California thăm gia đình người cô vào năm 2009, tôi thấy cô đọc báo Người Việt và được cô cho biết đây là tờ báo lớn nhất của người Việt Hải Ngoại. Thế là tôi bắt đầu đọc báo Người Việt từ đó.

Tuy nhiên, một ngày tôi thường đọc rất nhiều báo nên chỉ có thể đọc lướt qua các tin tức chính, ngắn gọn, không thích đọc những bài viết dài. Bài viết dài đầu tiên mà tôi đọc trên báo Người Việt là một bài của ký giả Ngọc Lan. Mới đầu tôi nghĩ là “Trời, viết gì mà dài quá, thời gian đâu mà đọc!” Nhưng vì tò mò nên cũng cố gắng đọc cho hết phần mở đầu. Thế rồi tự nhiên bị cuốn vào câu chuyện, cứ thế tiếp tục đọc hết bài như là đọc truyện kiếm hiệp Hồng Kông của Kim Dung!

Từ đó tôi nghĩ rằng, nếu có cơ hội tôi nên nộp đơn xin việc ở đây để được học hỏi từ những anh chị ký giả ở báo Người Việt. Sau các vòng phỏng vấn cam go, rớt lên rớt xuống, cuối cùng tôi được “vé vớt” vào làm phóng viên cho báo Người Việt.

Là người mới nhất làm cho báo, tôi nhận ra một điều thú vị là khoảng 10 anh chị em phóng viên, biên tập viên ở đây, mỗi người đều có một thế mạnh riêng để tôi có thể bắt đầu học hỏi về cái nghề thường được nhiều người gọi là “làm dâu trăm họ” này.

Phóng viên Thiện Lê

Tôi đến nhật báo Người Việt vào Tháng Sáu, 2017, vì trường “bắt” đi thực tập. Sau sáu tháng thực tập, vừa đi học vừa đi làm, tôi được báo Người Việt nhận làm phóng viên toàn thời gian và bắt đầu làm việc chính thức từ Tháng Hai, 2018 cho đến bây giờ.

Là một người thích ăn uống và khá “tốt tướng” nên tôi được các sếp phong chức “trưởng ban ẩm thực” và lãnh luôn trách nhiệm viết bài cho trang Ẩm Thực phát hành vào Thứ Năm hằng tuần. Thế là mỗi tuần tôi đều đi tìm những món ngon ở Little Saigon hoặc ở khắp Orange County để giới thiệu cho các độc giả tìm đến ăn thử. Món ăn Á Châu, Âu Châu, hay Phi Châu, món gì tôi cũng tìm ăn thử, đặc biệt tôi rất thích tìm các tiệm ăn nhỏ, ít người biết đến, nhưng thức ăn ngon.

Mỗi lần tôi đều đi ăn với tư cách một thực khách bình thường để chủ tiệm không đối xử đặc biệt với mình. Tuy vậy, một số tiệm ăn đã treo bài báo của tôi lên tường vì một số độc giả cầm bài báo của tôi đến đưa họ xem, thế là vài chủ tiệm nhận ra tôi khi đến ăn lần nữa vì tờ báo có in hình tôi. Thấy họ vui mừng vì tiệm ăn của họ được khen ngon làm tôi cũng vui theo vì Orange County có nhiều tiệm ăn ngon ít người biết đến.

Tôi hy vọng sẽ tiếp tục làm việc lâu dài ở báo Người Việt và sẽ tiếp tục giới thiệu cho độc giả nhiều món ăn ngon ở quanh đây.

Phóng viên Đằng-Giao

Tôi bắt đầu gia nhập gia đình Người Việt vào Tháng Năm, 2015. Tôi thích viết phóng sự về những con người với những hoàn cảnh đặc biệt. Khi tường thuật một câu chuyện thương tâm nào đó thì tôi cố gắng không lấy nước mắt người đọc, mà chỉ muốn tạo được sự đồng cảm giữa người đọc và nhân vật mà thôi. Thế nên, “rủi ro có ai khóc’ thì tôi thành thật xin lỗi.

Cô Nia Nguyễn, nhân viên Ban Mỹ Thuật:

Làm việc ở Người Việt từ Tháng Bảy, 2017 tới giờ, tôi học được một điều bất ngờ là cuốn Year Book – Niên Giám Điện Thoại – của Người Việt là tích lũy của rất nhiều kỹ năng cũng như thời gian của bao người. Trước đó, tôi chỉ nghĩ nó là một cái đồ lót nồi rất tốt mà thôi. Bây giờ, sau khi tốn hơn sáu tháng để trình bày cuốn niên giám, tôi biết mình đã quá sai lầm.

Các thành viên của Ban Kế Toán và Phát Hành, những người làm công việc thầm lặng ở phía sau mặt báo. (Hình: Nhân Quách/Người Việt)

Anh Bùi Kim Ánh, trưởng Ban Mỹ Thuật-Layout:

Là trưởng ban mỹ thuật, tôi chịu trách nhiệm về tất cả những hình ảnh của Người Việt, từ online đến báo giấy, từ trang đầu đến cáo phó. Làm việc ở đây đã 15 năm, tôi thích không khí thân thiện nơi này, mọi người cùng làm việc một cách thoải mái.

Cô Anh Vũ, nhân viên Ban Sale-Marketing:

Tôi làm trong Ban ‘sale’ 18 năm rồi. Lúc trước các công ty Mỹ như Bank of America, K-mart, Sears, các ‘dealer’ xe hơi… mới bắt đầu vào thị trường Việt Nam, mình lấy quảng cáo của họ rất dễ. Chỉ cần thấy báo Người Việt là họ đồng ý. Bây giờ công việc có khó khăn hơn nhưng tôi vẫn giữ đúng ‘quota’. Tôi cảm thấy rất thoải mái khi làm việc ở đây.

Cô Phương Nhiêu, trưởng Ban Rao Vặt:

Làm việc ở đây 16 năm, tôi chứng kiến sự  phát triển của Người Việt, từ hồi chỉ có bốn trang quảng cáo, rồi lên 10, rồi 12 trang. Tôi quý nhất tình cảm mọi người ở đây dành cho nhau như trong một gia đình lớn.

***

Thế đó, chúng tôi trải qua mỗi ngày ở tòa soạn Người Việt trong không khí khi rộn ràng, khi trầm lặng, khi náo nhiệt, với nhiều hỉ nộ ái ố theo các dòng tin tức diễn ra, không ngày nào giống ngày nào.

Nếu có dịp, mời bạn một lần ghé thăm tòa soạn, để tự “khám phá” thêm nhiều điều thú vị mà tôi còn chưa kể ra, như cùng với mọi người ăn một bữa cơm trưa nhà bàn chẳng hạn, để xem tòa soạn Người Việt đặc biệt như thế nào! (Ngọc Lan và nhóm phóng viên Người Việt)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT