Friday, April 19, 2024

Người Việt 40 năm, qua tâm tình của các cựu chủ bút

Luật Sư Phan Huy Đạt

Tôi mang danh “chủ bút” báo Người Việt trong một thời gian rất rất ngắn, ở năm đầu tiên khi tờ báo mới ra đời. Lâu quá rồi nên tôi không còn nhớ rõ, hình như chỉ có vài tháng trong năm 1979.

Năm đó tòa soạn dọn từ nhà anh chị Đỗ Ngọc Yến ra căn phố nhỏ nằm trong góc khu Bolsa Mini Mall, gần tiệm sách Tú Quỳnh, chung chỗ với nhà in của hai anh Du Miên và Tống Hoằng.

“Sự nghiệp chủ bút” của tôi coi như không có gì. Lúc đó báo Người Việt mới chỉ là một tuần báo nhỏ lắm, chỉ có bốn trang khổ lớn. Tòa soạn hình như chỉ có hai người làm toàn thời gian là anh Đỗ Ngọc Yến và anh Du Miên, thêm anh Nguyễn Thiện Cơ lo trị sự. Lúc đó tôi giúp nhiều về biên tập. Ngoài ra còn anh Tống Hoằng, anh Nguyễn Khả Lộc, anh Lý Văn Chương, và một số anh em Du Ca, góp công góp sức ngoài giờ đi làm “sở Mỹ.”

Báo nhỏ, người ít, nên thực ra sự phân công rất linh động. Người nào cũng làm đủ thứ chuyện. Ba người lo nhiều về bài vở là anh Yến, anh Du Miên và tôi. Tôi lo viết tin tổng hợp, lấy nguồn từ báo chí tiếng Anh và Pháp, và những bài tổng hợp thời sự, có thể tạm gọi là bình luận. Ba anh em chia nhau các “chức vụ”: anh Yến làm Chủ Nhiệm, anh Du Miên làm Tổng Thư Ký, tôi làm Chủ Bút.

Đến cuối năm 1979 hay đầu 1980 thì anh em có sự bất đồng. Anh Du Miên và anh Tống Hoằng ra tờ báo Sài Gòn. Tờ Người Việt dọn về lại nhà anh Đỗ Ngọc Yến. Anh Nguyễn Đức Quang, mới từ trại tị nạn qua, vào cuộc, làm việc toàn thời gian cho tờ báo, lo rất nhiều về biên tập. Cùng lúc đó, tôi bắt đầu nhận việc tại trường Orange Coast College, thế là chấm dứt sự nghiệp chủ bút.

Nhà văn Phạm Quốc Bảo, thành viên Hội Đồng Quản Trị

Cộng tác với báo Người Việt đến nay là trên 36 năm, sinh hoạt này khiến lưu lại trong tâm tư tôi mấy điểm vắn tắt:

  • Viết và làm báo là do hoàn cảnh và nhu cầu sinh sống đưa đẩy tôi vào nghề.
  • Những yếu tố căn bản của nghề truyền thông nói chung lẫn ngôn từ, nghĩ, nói và viết có được chính mình luôn luôn cập nhật để thực hành hay không?Bài mình viết ra có chính xác, mạch lạc và vừa đủ hay không?
  • Mỗi ngày mà không tìm ra được một cái gì mới để bổ túc vốn hiểu biết và để thực hiện, thì đó là một điều kém vui
  • Mỗi ngày mà không thực hiện được một điều gì đấy có ích lợi cho mình và người khác thì cũng là một thiếu sót cần nỗ lực thêm.

Nhà báo Đỗ Bảo Anh, phóng viên nhật báo Los Angeles Times

Đây là công việc đòi hỏi chúng ta phải luôn có trạng thái dung hòa giữa những gì đang xảy ra trong thế giới tin tức và những gì đang xảy ra bên trong cơ quan truyền thông, học cách điều hành nhân lực, giờ “nộp bài” và những cảm xúc suốt 24 giờ/1 ngày. Trên tất cả những điều này là nguyên tắc tuyệt đối công bằng và kỹ lưỡng.

Tôi đã cố gắng từng ngày một và với bất kỳ những thành công nào chúng tôi có được, đó là phần thưởng của đội ngũ nhân viên sáng tạo, tận tụy và những độc giả trung thành của chúng tôi.

Điều đặc biệt là chúng tôi được làm việc trong cộng đồng này. Trong phạm vi truyền đạt thông tin của mình, chúng tôi đã và đang tiếp tục tập trung vào người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ hai, thứ ba, cũng như thế hệ thuộc “dòng chính,” từ những người đang loay hoay, vất vả trong cuộc sống cho đến những người đã đạt được thành công rực rỡ.

Hơn ai hết chúng tôi hiểu những câu chuyện diễn ra ở địa phương có ý nghĩa rất quan trọng với cộng đồng gốc Việt ở Nam California.

Giờ đây, là một ký giả với hơn 25 năm trong nghề, tôi vẫn luôn biết ơn là chúng ta có thể thực hiện một công việc vốn được nền tự do báo chí tại Little Saigon ủng hộ. Đây là một nơi đã được định hình từ những lý tưởng và ước mơ đã thấm nhuần trong trái tim của những người tị nạn.

Tôi đã lớn lên với tờ báo này và tôi hy vọng cả thế hệ 1.5 và thế hệ thứ nhì sẽ sớm được cơ hội làm quen với bao nhiêu bài viết trên tờ báo và luôn luôn nhìn báo Người Việt như người bạn chuyên môn và thành thật.

Nhà báo Phạm Phú Thiện Giao, trưởng Ban Việt Ngữ đài VOA

Tư thế độc lập và tính chuyên nghiệp giúp nhật báo Người Việt tồn tại và được thừa nhận là một trong số ít nguồn thông tin tin cậy của độc giả tiếng Việt.

Duy trì tính độc lập và chuyên nghiệp lại rất tốn kém; uy tín không hề là món hàng miễn phí hoặc trả giá rẻ. Rồi đối mặt với thách đố đến từ chuyển biến khốc liệt của công nghệ thông tin. Công ty Người Việt buộc phải chuyển mình kịp lúc để có thể tồn tại; hay là chết.

Thách đố chung vẫn còn tiếp diễn, chi phối sự thay đổi toàn diện nền báo chí thế giới từ hơn một thập niên qua.

Nhật báo Người Việt, một cách chiến lược, đã chuyển mình đúng hướng, đã khởi động kịp thời, và bước kịp lên chuyến tàu lao nhanh dưới sức ép của mạng xã hội, thiết bị đọc di động, và sự thay đổi thói quen tiếp cận thông tin của độc giả.

Đường còn dài, thách đố vẫn còn. Nhưng mọi sự thay da đổi thịt đều cần thiết, để tồn tại và thành công.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT