Thursday, April 18, 2024

Người Việt, khúc ‘hải ngoại thương ca’ của tôi

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Huyvespa

Có thể tự nhận tôi là một độc giả “trung thành” – theo một cách đặc biệt – với tờ báo của “nhà Việt Nam xây bên ngoài Việt Nam” này. Người Việt phiên bản báo mạng là trang thông tin truy cập thường nhật của tôi, còn báo giấy, 10 năm nay, số Tết là một ấn phẩm mà bằng mọi cách tôi phải mang về được Việt Nam – vì đối với tôi, không có số báo Tết Người Việt trong nhà thì Tết Việt không còn là… Tết Việt!

Nền văn chương nói chung và báo chí nói riêng của chúng ta – khởi đi từ một nền văn hóa nghệ thuật khai phóng và nhân bản trước 1975 ở miền Nam – trong nước, rồi hồng thủy, rồi phần thư, rồi thuyền nhân, rồi biển ngoài, rồi xiển dương, rồi gầy dựng, rồi “bàn viết lữ thứ”…  Và rồi, với tôi là một ngược dòng, “chút quà cho quê hương”, chúng-ta-VỀ-mang-theo-quê-hương…

Sau những cuộc “thương hải tang điền,” giờ đây, lạ lùng thay, hồn vía Tết Việt còn tinh tuyền ở biển ngoài, Giai Phẩm Xuân Người Việt mang về theo biết bao là êm ái của những kỷ niệm rất Việt Nam… mà dường như những dưỡng chất Việt Nam này đã từ lâu nhạt phai trên chính bản xứ… cũng như “bên này nằm nghe quê hương bên kia pháo nổ tưng bừng,” bên này-bên kia… đã hoán đổi, một lần nữa, tình tự dân tộc của ngày hội quê hương – Tết Việt –  thấm đẫm trong từng trang báo “Xuân”… từ bìa đến ruột, từ hình thức đến nội dung…

Bìa của Giai Phẩm Xuân Người Việt thường là tranh của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hợp, với những bức “tranh xuân” thanh bình của nữ họa sĩ này – những bức tranh xuân mà nếu được lên tiếng, chúng sẽ hát lên khúc ca dao êm đềm, hoặc chính là câu trả lời cho những câu hỏi của nhà văn Duyên Anh “Có bao giờ em hỏi – quê hương mình ở đâu?,” đó chính là những sắc Xuân đền bù cho những mất mát “Chưa kịp mê tam cúc, xuân hồng đã trôi mau/ Chưa kịp hôn môi Tết, Tháng Giêng son phấn sầu…”; đó là lời nhắc nhở để không bao giờ lãng quên: “Sợ em đã quên mùi hoàng lan đêm xuân/ Quên hương cau thông vàng bụi phấn…” (thơ Duyên Anh)

Chính vì thế, với tiết Xuân, với nhạc Xuân, với “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ,” Giai Phẩm Xuân Người Việt chính là báo Xuân, là Tết, là món quà tươi tắn và nhẹ nhàng, cũng như những mơ ước an bình nhỏ nhoi trong đời sống bây giờ – lạ thay – còn có thể tìm lại trong một cánh “thư xuân hải ngoại”:

“Ước gì giờ này mẹ đang ôm con trong lòng mà ru
Cho mẹ còn nghe hương xuân trao cha mới vài xuân đầu
…Ước gì giờ này anh đang ôm em xuân về ngoài kia
Mối tình bình yên đôi ta không lo lắng gì chia lìa…”
(Trầm Tử Thiêng)

Người Việt, trong tôi, còn là những dấu ấn khó phai từ những chuyên mục Giải Ảo, Quê Nhà Quê Người, Tiếng Việt Dấu Yêu… mang lại những chân giá trị cho chính hồn Việt. Theo dõi say mê những cuộc đối thoại, đàm thoại… tôi đang nhận lại những chân giá trị của tiếng Việt, chữ nghĩa Việt, những sự thật, những tinh tuyền Việt Nam, những bản sắc văn hóa chưa bị vấy bẩn.

(Hình: Tác giả cung cấp)

Nhưng trên hết, nhờ Người Việt, tôi như có cánh cửa mở ra để đi ngược về dĩ vãng, nhìn thấu vào những kỷ niệm/ký ức/dấu ấn hai mươi năm lộng lẫy nền văn học nghệ thuật của miền Nam khai phóng và nhân bản – đặc biệt là qua các bài viết của các tác giả: Viên Linh, Du Tử Lê, Ngành Mai hay “Câu chuyện văn nghệ với (cố ca sĩ) Quỳnh Giao”…

Những câu chuyện của ngậm ngùi, “của tin,” “thác là thể phách còn là tinh anh”… Những bài viết của chuyên trang Văn Học Nghệ Thuật từ bấy năm qua mang về cho tôi một “quê hương thu nhỏ.” “Quê hương” ở đây, không hẳn phải là phố xá, sông suối, cửa nhà… mà là một “quê hương” trú ẩn của tình tự dân tộc, quê hương một lần nữa là những êm ái không thể cầm tận tay mà chỉ có thể đến bằng cách “Ta về như hạc vàng thương nhớ/ một thưở trần gian bay lướt qua,” chỉ có thể là những ước mộng “Việt Nam không đòi xương máu, tự do công bình bác ái muôn đời…,” là những “buổi chiều Thủ Đô tưng bừng phố xá”…

Qua chuyên trang Văn Học-Nghệ Thuật, những văn thơ, tản văn, câu chuyện, giai thoại về bài hát-kịch nghệ-cải lương; biết bao nhiêu tao nhân mặc khách của một thời đã “về quanh chiếu ngồi” trong hàng trăm kỳ những bài viết về sách vở/ về những tử nhật-sinh nhật của các văn nghệ sĩ/ về những tạp chí “trăm hoa đua nở” của một thời… qua ký ức của nhà văn Viên Linh, những phác thảo sinh hoạt văn học nghệ thuật của Du Tử Lê, và nhiều những thơ văn của các tác giả đã thành danh trước đây, cũng như những tác giả của nền “văn-học-hải-ngoại”… Người-Việt như dựng bày một nơi chốn/ một không khí của thời Ngọc Đông Yêu Dấu – nơi những êm ái tiệm cận được với nhịp tim, nơi cho những rung động trú nấp, một điểm đến để những suy tưởng dừng chân, một nơi chốn mà người ta có thể giãi bày…những gì người ta nghĩ, người ta yêu, người ta ghét… nơi mà để trở về thấm đẫm với không khí văn thơ nhạc họa nâng tâm hồn của Người Việt bay lên.

Đặc biệt, nhờ “nhịp cầu tri âm” Người Việt, tôi đã hân hạnh biết và làm quen, trao đổi thư từ với nhà văn Viên Linh, chia sẻ những câu chuyện sách vở/báo chí, những “hạnh ngộ” với những gương mặt xưa cũ sau một “Trôi Giạt Lớn,” để được nghe những câu chuyện như từ trong giấc mộng, như câu chuyện tìm lại đứa con tinh thần bộ tuần báo Nghệ Thuật trước 1975 là một điển hình cho những cái duyên sách vở kỳ diệu:

“Khoảng 45 năm qua, người làm tờ báo ấy không nhìn thấy mặt mũi nó, cho đến tháng trước, sau nhiều năm dò tìm, chịu mua với giá đắt, (525 mk), một gói hàng bọc kín trong bao nylon, gồm 50 cuốn Nghệ Thuật đã từ một tỉnh nhỏ ở miền Trung Việt Nam, vượt qua nhiều chặng đường, bay qua bể, và từ San Jose bằng đường bưu điện Hoa Kỳ, vào đứng thanh thản như kẻ trở về nhà cũ, trên giá sách thư viện Khởi Hành.”

(Tuần báo Nghệ Thuật & Mai Thảo cùng bạn hữu-tác giả: Viên Linh – đăng trên Người Việt Online khoảng 2010)

Những dấu chỉ qua các tài liệu trên Người Việt; những câu chuyện khó tin và xúc động như vậy… cũng là một động lực để tôi mải miết kiếm tìm và tích góp lại chút tả tơi vàng son ngày cũ: những sách báo, ấn phẩm, nhạc tờ… của hai mươi năm nền văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam, và, chính nhờ Người Việt, tôi đã “lên đường” từ nhiều năm trước.

Trong tôi, Người Việt chính là hồn người Việt…

“Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm dòng
Mai sau nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung”
(Trăm Dòng – Viên Linh)

Và chắc chắn, với những gì Người Việt đã đang và sẽ làm, hy vọng “mai sau dù có bao giờ,” không chỉ có tiếng khóc… mà còn có cả những nụ cười chung!

Người Việt, khúc “hải ngoại thương ca” của tôi. Xin chúc mừng 40 năm và sẽ còn nhiều 40 năm nữa mang đến và trao truyền những ký ức Việt của/và cho Người Việt khắp năm châu trong “một mùa thương kết muôn hoa lòng” sum vầy tươi sáng và yêu dấu! (Huyvespa)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT