Friday, April 19, 2024

Người Việt và Căn Nhà Ma

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Hữu Duyên Nguyễn (Anna Chu)

Giờ ăn trưa của hãng tôi thường khi nhóm nào theo nhóm nấy, tức là Mễ theo Mễ, đen theo đen, Việt theo Việt, Tàu theo Tàu, trắng theo trắng, vì đa số không nói được ngôn ngữ chính là tiếng Anh. Do đó ngồi chung với người của mình thì thoải mái nhất, vô hình chung thành ra luật bất thành văn, tự hiểu với nhau chứ không phải kỳ thị chủng tộc hay có ý đồ gì.

Ấy mà mấy hôm nay trưa nào mọi người cũng xúm lại nhóm người Việt để theo dõi câu chuyện trong báo Người Việt đăng về “Căn nhà ma.”

Anh Kha giỏi tiếng Anh nhất nhóm vừa đọc vừa dịch cho mọi người nghe. Mấy anh chị Việt Nam thì vừa ăn vừa dán mắt vào phone theo dõi loạt phóng sự “Khám phá căn nhà ma nổi tiếng nhất Little Saigon” trong Người Việt Online.

“Ái da, cắn nhằm miếng xương gà chắc mẻ răng tui rồi…,” chị Ngọc xuýt xoa

“Ai biểu, ăn không lo ăn, lo cắm đầu vô cái phone, đáng đời,” cô Hà ngồi cạnh lườm chị thật bén.

“Đang tới hồi ly kỳ…,” chị Ngọc vẫn dán mắt vào phone trả lời lấy lệ. Hà tuy cằn nhằn chị Ngọc nhưng lỗ tai cô hình như đang dỏng về hướng anh Kha. Tôi cười thầm vì sự tò mò là cốt lõi của con người, nghe chuyện lạ mà ai không tò mò mới là lạ đó, nhất là chuyện ma.

Tôi ngồi riêng góc bàn cười tủm tỉm một mình, vừa ăn vừa nhớ đến cơ duyên biết được nữ phóng viên Ngọc Lan.

Qua Facebook Ngọc Lan tôi mới biết thiên phóng sự này nên vô hãng giới thiệu cho mọi người cùng xem mới vui vầy nè. Số là nghề “phóng viên” là nghề tôi ước mơ từ năm học lớp sáu. Nhưng “mộng vỡ tan” từ ngày “đen thui” ấy; thế nên khi thấy Facebook phóng viên Ngọc Lan qua danh sách Facebook của bạn, tôi mến mộ xin kết bạn ngay. Quen nhau từ độ ấy, hết theo dõi vụ Minh Béo lộn xộn cho đến đủ thứ khác trên đời, nhưng thành thật mà nói chưa được một lần Ngọc Lan mời phỏng vấn đời tư của tôi. Thật đáng tiếc, nếu phỏng vấn tôi, bảo đảm cô ấy sẽ có thiên phóng sự ly kỳ hơn cả “Căn nhà ma.”

Nửa giờ ăn trưa qua nhanh nhưng cũng đủ để anh Kha đọc và dịch xong thiên phóng sự kỳ bốn “Lần đầu bước chân vào căn nhà ma.” Mọi người xôn xao bàn tán nhưng tựu chung ai cũng tỏ vẻ khâm phục nữ phóng viên xinh xắn Ngọc Lan.

Tôi thì vốn dĩ không sợ ma vì tôi biết rõ có ma và ma đến từ đâu nên tôi không hề sợ. (*) Cách nay ba năm khi căn nhà chúng tôi ở bị bể đường ống nước. Chúng tôi buộc phải tìm thuê nhà khác, vợ chồng tôi có gọi hỏi căn nhà ma này vì người ta đồn nhà có ma cho thuê rất rẻ. Chúng tôi được trả lời nhà bán chứ không cho thuê.

Tôi để ý đến căn nhà ma từ đó, nên khi Ngọc Lan bắt đầu rao thiên phóng sự về ngôi nhà này thì tôi là người chú tâm theo dõi để xem có ma thật không.

Trong bài kỳ bốn này tôi vô cùng thích thú với phân đoạn “Ngọc Lan cố gắng tìm vẫn không thấy điều gì khác lạ.” Biết mà, là chỉ do người ta tưởng tượng rồi đồn rùm lên thôi. Không biết dân tộc khác thì sao nhưng tôi biết rõ người Việt Nam mình có tài thêu dệt lắm, một nói thành mười, mười thành một trăm là chuyện thường ngày ở huyện mà thôi.

Ban đầu có thể do một tên say rượu nào đó, hoặc một kẻ bị quáng gà nhìn ba chùm ba cháng vào lúc trời nhá nhem gió mưa sắp đến, sấm chớp ì ào thấy mây bay vần vũ, thấy cây cối lắc lay, lại tưởng hồn ma bóng quế nên đồn ầm lên như vậy. Vì theo bài phóng sự kỳ ba thì trước kia chủ nhà không ở đó nên có cho những người vô gia cư tá túc, mà đa số họ là dân ghiền bài, nghiện rượu, ma túy nên trông gà hóa cuốc là phải rồi.

Đọc bài phóng sự về “Căn nhà ma” trên Người Việt Online qua điện thoại. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Hết giờ ăn trưa. Mọi người vừa trở lại nơi làm việc với thắc mắc hỏi nhau chứ chưa có câu trả lời “Có ma trong ngôi nhà ấy không ta?”

Chiều về ghé chợ tôi cũng nghe mấy người tính tiền bàn cãi sôi nổi về “Ngôi nhà ma” này, người nói có, kẻ nói không, người nhún vai kẻ thè lưỡi. Công nhận cô Ngọc Lan này biết cách khai thác thật đấy.

Mấy ngày trôi qua, ai cũng ngóng chờ bài báo có chữ “cuối” để xem ma như thế nào?

Cô Lan thì cứ bala, bala kể chuyện thời sự xung quanh, mọi người nói cô này biết cách câu giờ nhe. Kỳ năm bài báo không hấp dẫn mấy với sự kể lể dài dòng và thái độ bực bội của bà Mễ chủ nhà hàng xóm. Lúc bà đang xây nhà cũng có tin đồn một người thợ xây bị chết, có buồn cười không khi mà bà chẳng thấy ai trong những người thợ xây nhà bị bệnh thì nói gì là chết. Bà thất vọng và nói thẳng rằng người Việt sao tin có ma như thế “Ý bả nói là người Việt yếu bóng vía đó, chỗ này tôi thêm đó nhe mọi người.” Đang dịch tiếng Anh quay qua nói tiếng Việt ngon ơ, anh Kha khiến cho những người kia nhao nhao “What do you say?” (Bạn nói gì?)

Bà đó ở nơi phần đất ấy đã mười lăm năm rồi, bà cũng đã từng lên thành phố hỏi có ai chết trên miếng đất này không. Câu trả lời là không. Bà còn tính mua luôn căn nhà ma bên cạnh và mua cả ma luôn mới hết hồn chứ. Bây giờ không bàn về ngôi nhà nữa mà mọi người lại bàn ra tán vào về bà Mễ hàng xóm, anh Kha chấm dứt thật dí dỏm “Chắc ma này ma Việt nên nó sợ bà Mễ là đúng thôi. Hi Hi.” Cả đám cười giòn tan, trở lại với giờ làm việc buổi chiều.

Rồi cũng đến hai chữ “kỳ cuối” với hình ảnh anh thanh niên mặc áo thun đen có logo trắng trên ngực và cái mặt trắng toát hiện ra trong bóng đêm từ góc nhà bếp đi lên. Hấp dẫn, hấp dẫn rồi đây, anh Kha hôm nay có giá ghê ai cũng muốn ngồi gần để… nghe cho rõ, để xem cho kỹ. Nhóm bên kia đang ồ, à ồn lên người trố mắt kẻ lè lưỡi, rụt vai.

“Cha nội, dịch cho chính xác dùm, không được ‘biến có thành không, biến không thành có’ nhen cha.” Kèm theo lời nhắc là cái hất hàm của anh Hùng.

Anh Kha dường như không quan tâm anh Hùng nói gì, đằng hắng lấy giọng bắt đầu dịch. Vừa nghe vừa tranh nhau xem bức ảnh trong bài báo, mọi người nhốn nháo:

“Hả, người chứ đâu phải ma, OMG…”

Anh Kha nhẩn nha vừa dịch vừa giải thích cho mọi người biết nhân vật đó là chàng chủ nhà trẻ tuổi.

“Anh ta giả ma ra nhát hay sao vậy?” Mọi người đồng thanh hỏi.

“Ai biết anh ta có ý đồ gì, bài báo không nói điều này” Anh Kha nhún vai, lắc đầu.

Mỗi người một câu lại bàn về anh chủ nhà, bàn về việc anh ta đeo mặt nạ.

“Có gì đâu, thì anh ta làm đẹp da thôi mà.” Tôi chen vào như là mình rành lắm vậy. Ai về chỗ nấy vừa ăn vừa tám tiếp.

Cuối cùng thì trắng đen cũng ra lẽ, ba người của nhóm phóng sự đã không thấy và cũng không bị con ma nào phá rối hay hãm hại trong đêm ngủ lại đó.

Cuối cùng thì căn nhà ma đã được minh oan nhưng mọi người vẫn thắc mắc về việc “chiếc xe của phóng viên Đằng Giao tự nhiên biến mất rồi sau đó thấy lại trong kỳ hai.” Theo bài viết thì vào khoảng năm giờ chiều và trời sáng như ban trưa… trên đường Hurley xe anh đậu nơi đó để vào căn nhà ma, chụp vài bức ảnh xong quay lại ngay nhưng chiếc xe đã không cánh mà bay.

Sau bốn mươi lăm phút đi tới đi lui định vị vẫn không thấy chiếc xe; khi con anh cho anh thông tin về chiếc xe, anh định gọi cảnh sát thì… ủa, nó kia kìa, nằm chình ình nơi ấy… Chiếc xe hiện ra trước mắt anh như giỡn cợt, như trêu anh.

Mọi người bàn tán sôi nổi vấn đề này nhưng không có câu trả lời.

Tôi nhớ đến vị vua khôn ngoan nhất thế giới mấy ngàn năm trước Chúa Giáng Sinh, vua Salômôn người Do Thái đã viết: “Bạn không thể biết các luồng gió sẽ thổi về đâu, hay các xương của thai nhi được kết cấu trong lòng mẹ thể nào. Bạn cũng sẽ không thể am tường những công việc của Đức Chúa Trời, Đấng dựng nên mọi sự cũng thể ấy.” (**)

Thật vậy có những sự việc mà khoa học cũng không thể giải đáp và trí khôn hữu hạn của con người không thể nào hiểu hết sự vô hạn của Thượng Đế.

Cám ơn nhóm phóng viên báo Người Việt đã cho chúng tôi những thông tin quý báu, chúng tôi sẽ không biết và không hiểu gì về ngôi nhà này nếu không nhờ đọc loạt phóng sự này.

Cám ơn báo Người Việt đã cung cấp những kiến thức cho chúng tôi qua từng loạt bài viết, qua những thiên phóng sự nhất là những tin tức quan trọng mà nếu không đọc được tiếng Anh chúng tôi sẽ như người dốt.

Vô cùng cảm ơn và rất yêu thích báo Người Việt. (Anna Chu)

Chú thích:

(*) Kinh thánh cho biết ma quỷ không phải do người chết rồi thành ma thành quỷ mà là do thiên sứ trưởng chống nghịch lại Đức Chúa Trời là đấng đã dựng nên chúng. (Xin Google “Kinh thánh nói gì về ma quỷ”.)

(**) Kinh thánh sách Truyền Ðạo đoạn 11 câu 5, 6.

MỚI CẬP NHẬT