Friday, March 29, 2024

Những ân tình qua ‘Cuộc thi Tâm Tình Độc Giả Cùng Người Việt Qua 40 Năm’

Ngọc Lan & Tâm An/Người Việt

Kết quả cuộc thi Tâm Tình Độc Giả Cùng Người Việt Qua 40 Năm

Giải nhất: “Người Việt Online Num Bờ One của tác giả Anna Chu.

Giải Nhì: “Trả nợ ân tình” của tác giả Mike Nguyễn.

02 Giải Ba: “Kết bạn với Người Việt đi chứ” của tác giả Lê Văn và “Người Việt, khúc thương ca hải ngoại” của tác giả HuyVespa.

04 Giải Khuyến Khích: “Bố tôi và báo Người Việt” của tác giả hlpham (Phạm Hoàng Lan); “Báo Người Việt, nhịp cầu quá khứ, hiện tại và tương lai” của tác giả Trần Tuệ Quân; “Người Việt, người bạn của mọi nhà” của tác giả Hoàng Thanh; và “Người Việt, lần đầu tôi đọc năm 2010 và những kỷ niệm” của tác giả Liêu Thái.


WESTMINSTER, California (NV) – Cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” do nhật báo Người Việt tổ chức được mở ra từ đầu Tháng Mười và kết thúc thời gian nhận bài là ngày 1 Tháng Mười Hai, 2018. Chỉ trong hai tháng ngắn ngủi, tòa soạn đã nhận được hơn 60 bài viết của độc giả từ nhiều tiểu bang, nhiều quốc gia gửi tới dự thi.

Chủ đề cuộc thi năm nay được xem là “khó” đối với nhiều độc giả, bởi lẽ bài thi bắt buộc phải thể hiện được mối tâm tình giữa người đọc và nhật báo Người Việt hay Người Việt Online dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Có lẽ chính vì thế mà một số bài thi đã bị loại vì không đáp ứng đúng chủ đề, dù nhiều bài viết là những câu chuyện rất hay.

Tuy nhiên, cũng chính vì khó, nên bài thi nào bám vào chủ đề cũng đều thể hiện rất rõ mối thâm tình của người viết dành cho Người Việt từ bấy lâu nay.

Đọc những con chữ trong mỗi bài viết, Người Việt ngỡ như đang nghe một người bạn tâm giao, hay hơn thế nữa, như một tri kỷ, gợi nhắc lại những kỷ niệm, những buồn vui mà “chúng mình” có với nhau.

Trong khi phần đông người gửi bài dự thi đánh máy sẵn qua email, thì nhiều người lại chọn cách viết tay trên những trang giấy học trò, tỉ mỉ, cẩn trọng. Người Việt không thể không xúc động với những dòng chữ viết tay đẹp như vẽ của độc giả Giao Lê trình bày từng bài viết ngắn của mình trên từng quyển vở. Người Việt không thể không nhắc tới những dòng chữ nắn nót của độc giả Chúc Thanh từ một miền quê nước Pháp gửi về cho Người Việt.

Người Việt cũng không thể quên ân tình mà độc giả Đặng Xuân Hường, qua bài “Báo Người Việt và ‘Món Nợ Ân Tình,’” gửi đến các thương phế binh VNCH và các nhà đấu tranh dân chủ trong nước từ phần thưởng mà tác giả nhận được từ cuộc thi viết Người Việt tổ chức 5 năm trước đây.

Tác giả Mike Nguyễn nhận giải Nhì từ nhà báo Khôi Nguyên, tổng thư ký toàn soạn báo Người Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Có người dõi theo Người Việt từ những ngày Người Việt còn là một đứa bé sơ sinh, rồi lẫm đẫm bước đi bằng những bước chân chắc nịch, cho đến lúc Người Việt vươn vai thành chàng trai cứng cỏi, bắt đầu giang cánh tay của mình sang mạng online, sang TV, sang Youtube, sang mạng xã hội Facebook,…

Có người đọc Người Việt chỉ vừa mới đây thôi, khi đặt chân tới Mỹ để bắt đầu cuộc sống mới. Dù thân hay sơ, dù mới hay cũ, dù đọc bằng cách nào thì Người Việt ngày nay, qua tâm tình của độc giả, không còn chỉ khoanh vùng nơi Little Saigon, nơi Quận Cam, nơi miền Nam Cali, mà đã bung ra nhiều tiểu bang, nhiều quốc gia, để trong số nhiều bài viết dự thi có cả độc giả đang sống tại Đức, tại Pháp, tại Úc, tại Canada, và dĩ nhiên không thể thiếu những tác giả đang sống nơi quê nhà Việt Nam.

Như tác giả Vĩnh Xuân, trong bài “Người Việt với người Việt tha hương,” đã viết: “Thói quen đã buộc chặt tôi và Người Việt, cứ mỗi sáng, bật cái laptop lên, là tôi vào ngày trang nguoi-viet.com, lướt vào các mục ‘Đọc nhiều nhất’ rồi ‘Đang được quan tâm,’ sau đó nhẩn nha từ tin ‘Việt Nam,’ ‘Tin nóng Việt Nam’ đến ‘Hoa Kỳ,’ ‘Thế Giới,’ như đang chính mình hàn huyên trao đổi với người bạn ‘tâm giao’ mãi không dứt!”

Hay như tác giả Thang Chu trong bài “Quê Hương qua báo Người Việt” viết “Sau gần bốn mươi năm, truyền thống gia đình tôi vẫn là gặp nhau nói tiếng Việt đến cả đời cháu nội ngoại ngay trên đất Mỹ này cũng nhờ Nhật Báo Người Việt.”

Tác giả NB qua bài “Tôi tìm thấy tôi qua báo Người Việt” chia sẻ: “Đời sống cứ thế trôi đi, ban ngày chăm chỉ làm việc, học hành, tối đến niềm vui là xem TV, đọc báo Người Việt. Biết bao kiến thức về tin tức thế giới, về cộng đồng, về khoa học, về đời sống,… được trao đổi rôm rả với mọi người trong gia đình, chồng con tôi thật sự ngạc nhiên hỏi: ‘Sao mẹ biết nhiều thứ quá vậy, cứ như được cập nhật mỗi ngày.’ Tôi chỉ cười: ‘Đọc báo Người Việt đi, hobby mỗi ngày của mẹ đó.’”

Bên cạnh những lời khen ngợi, khích lệ, nhiều độc giả cũng không ngần ngại đóng góp thêm nhiều ý kiến với mong ước Người Việt mỗi ngày một hay hơn.

Với tất cả những tâm tình thương mến đó, cũng thật là khó để ban giám khảo và ban tổ chức lựa chọn bài thi trao giải, bởi, như phóng viên Đằng Giao tâm sự sau hai ngày được yêu cầu đọc và chọn lựa bài thi vòng sơ khảo, “Thôi, tôi xin phép không tiếp tục nhận nhiệm vụ này, vì khó quá cho tôi, bài nào tôi đọc cũng thấy hay hết, dù câu cú văn chương có thể đôi khi còn chưa suôn sẻ, trôi chảy, nhưng mà để chọn lựa thì bài nào tôi cũng muốn trao giải hết.”

Tác giả Lê Văn nhận giải Ba từ ông Nguyễn Tiến Hưng, cựu tổng trưởng Kế Hoạch VNCH. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Những ân tình

Năm nay, bài viết đạt giải Nhất trong cuộc thi viết kỷ niệm 40 năm Báo Người Việt là bài: “Người Việt Online Num Bờ One.” Tác giả của bài viết, bà Anna Chu, hiện ở Garden Grove, là một người thật đặc biệt. Bà tốt nghiệp cử nhân Khoa Thần Học trường Union University of California (UUC). Hiện tại bà đang làm tại văn phòng Bảo Hiểm Life Insurance thuộc hãng bảo hiểm IAA.

Nói với phóng viên Báo Người Việt, bà xúc động: “Tám tháng trước, tôi phải trải qua đợt giải phẫu bứu cổ nên bị mất tiếng không nói được. Buồn, nên tôi rất muốn viết khi đã mất giọng nói.” Mặc dù ở tuổi 62 nhưng ở bà vẫn toát lên vẻ đẹp nhân hậu và tươi tắn. Bà tâm sự: “Ông xã tôi thường trêu đùa rằng bài tôi viết dở ẹt. Vậy nên khi hay tin bài của tôi được giải, tôi hơi bất ngờ vì nghĩ rằng mình không thể. Giải thưởng khiến tôi rất vui và điều đó khích lệ tôi sẽ viết thêm khi muốn trải lòng mình, thay vì muốn nói ra mà không nói được.”

Trò chuyện với tác giả Mike Nguyễn (tên Việt Nam là Nguyễn Thanh) người đã đạt giải Nhì cho bài viết: “Trả nợ ân tình” với giọng văn dí dỏm và sâu sắc. Ông cho biết: “Toàn bộ những chi tiết tôi viết trong bài kể cả hình ảnh cô nàng xinh đẹp học giỏi ở trường college mà tôi ‘cua’ được đúng là vợ của tôi hiện nay. Khi được tin bài của mình nằm trong danh sách đạt giải, tôi rất vui và hồi hộp, không biết mình đoạt giải gì?”

Ban tổ chức muốn ‘tạo bất ngờ’ đến các tác giả đoạt giải thưởng nên chỉ tiết lộ ở phút chót. Vì thế thử hỏi ông đoán xem, có thể đoạt giải gì. Không ngờ ông Thanh đoán trúng phóc: “Tôi đoán mình đạt giải Nhì hoặc giải Ba.”

Lần này, có hai tác giả đoạt giải Ba là tác giả Lê Văn ở thành phố Orange, California và một tác giả ở tận Sài Gòn, Việt Nam.

Tác giả Lê Văn, năm nay 65 tuổi, từng là một sĩ quan VNCH bị đi tù, rồi vượt biên, mất bốn năm gia đình ông mới gặp lại nhau sau cuộc vượt biên tan tác đó, nên ông có nhiều tâm sự. Tác phẩm đạt giải của ông là: “Kết bạn với Người Việt đi chứ,” nội dung kể về những kỷ niệm thăng trầm của cuộc đời ông, cũng như sự thăng trầm của báo Người Việt như thế nào.

Ông Lê Văn cho biết từng là giảng viên dạy học cho các trường đại học thẩm mỹ công, tư quanh vùng Los Angeles và Quận Cam. Đồng thời ông cũng là tác giả của những cuốn sách giáo trình trong các trường thẩm mỹ, như cuốn: “Nail 900,” “Hair 900” và “Facial 900.” Các cuốn sách này chứa đựng 900 câu hỏi luyện thi, xuất bản từ năm 1999, nhưng cho tới nay, sách của ông vẫn được bán ra đều đặn tại các trường dạy về Thẩm Mỹ.

Tác giả Phạm Hoàng Lan (giữa) và người đại diện của tác giả Trần Tuệ Quân nhận giải Khuyến Khích của cuộc thi. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Văn nói: “Có biết bao điều muốn chia sẻ với báo Người Việt, nên lúc viết, tôi đã viết tới hơn 3,000 chữ. Nhưng vì quy định chỉ được 2,000 chữ nên tôi đành phải lược bớt đi rất nhiều chi tiết.”

Gắn bó với báo với người Việt đã lâu, nên ông mong muốn báo Người Việt luôn luôn phát triển và “nên có thêm những mục tư vấn về luật lệ cho các ngành thẩm mỹ, ngành may để cộng đồng có thêm hiểu biết, tránh những rủi ro rắc rối về sau.” Vì theo ông, hiện “vẫn còn nhiều người mặc dù làm trong những ngành này đã lâu, thậm chí đã làm chủ một tiệm làm đẹp, nhưng vẫn còn nhiều kiến thức căn bản về luật lệ ở đây mà họ chưa hề biết.”

HuyVespa, tên thật là Nguyễn Trường Trung Huy, tác giả của bài cũng đạt giải Ba có tựa: “Người Việt, khúc thương ca hải ngoại” hiện đang ở Sài Gòn, Việt Nam nên không thể tới dự lễ kỷ niệm. Qua email, anh cho biết; “Tôi là thế hệ trẻ, sinh năm 1986, sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng tôi lại có sở thích đọc và sưu tầm sách miền Nam trước năm 1975. Trong một lần tình cờ tìm kiếm một vài thông tin về văn học miền Nam trước 1975, tôi đã tìm thấy những bài viết của bác Viên Linh trên báo Người Việt Online. Có lẽ tôi độc nhiều văn học nghệ thuật miền Nam giai đoạn 1954-1975 nên hồn những bài thơ văn đã nhập vào tôi, nên khi viết bài dự thi báo Người Việt chữ cứ thế tuôn trào ra trên bàn phím.”

“Ở Việt Nam, để xem được báo Người Việt Online tôi phải vượt tường lửa. Còn báo Xuân thì tôi nhờ người thân ‘xách tay’ về. Trước đây mang báo về rất khó, nhưng mấy năm gần đây có vẻ dễ dàng hơn. Ai nỡ thu hồi một ấn phẩm trang nhã và rất Việt Nam như của báo Xuân của Người Việt chứ?” Anh hóm hỉnh cho biết thêm.

Muốn cho tờ báo Người Việt ngày càng hấp dẫn hơn, anh HuyVespa đề xuất: “báo Người Việt nên có thêm chuyên trang review film, nhạc trẻ và các cuộc phỏng vấn văn nghệ sĩ ‘hải ngoại’, và nếu có thể, thì tăng thêm việc lưu giữ văn học miền Nam.”

Cũng như anh HuyVespa, chị Hoàng Thanh hiện ở Canada cũng không thể tới tham dự buổi lễ 40 năm Người Việt. Qua email, tác giả cho biết: “Khi tham gia cuộc thi này, tôi chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình đóng góp một bài viết với mục đích là để nói lên các suy nghĩ và tình cảm rất chân thành của mà tôi đã dành cho Nhật Báo Người Việt từ bao nhiêu năm nay. Khi nghe tin tôi có tên trong những tác giả đoạt giải, dĩ nhiên là mình rất vui và bất ngờ. Giải thưởng “Người Việt 40 năm” là một vinh dự và là niềm vui lớn của mình. Tôi đã phát tâm sẽ dùng toàn bộ số tiền của giải thưởng để làm từ thiện giúp cho những ai còn khốn khó hơn mình.”

Xin thay lời của độc giả Hoàng Thanh để làm câu kết cho bài viết này: “40 năm – một khoảng thời gian đủ dài để khẳng định vị trí của Người Việt trong ngành truyền thông báo chí cũng như trong lòng mọi người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới. Trước thềm năm mới, kính chúc toàn ban biên tập của Nhật báo Người Việt thật nhiều sức khỏe và sẽ tiếp tục vững mạnh với nhiều thành công hơn nữa.” (Ngọc Lan & Tâm An)

MỚI CẬP NHẬT