Friday, April 19, 2024

Những gì tôi biết về báo Người Việt

Hoàng Khởi Phong

GIAI PHẨM NGƯỜI VIỆT XUÂN KỶ HỢI 2019 – Số báo Xuân năm Kỷ Hợi này đánh dấu 40 năm nhật báo Người Việt phục vụ cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản. Bốn mươi năm trước, tờ báo mang tên Người Việt Cali in số đầu tiên đề ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978.

Số báo Người Việt đầu tiên này đăng tựa đề chữ lớn suốt 8 cột trang nhất theo lối chia thành 8 cột của các nhật báo ở Sài Gòn trước năm 1975: “BỐC 100,000 TỊ NẠN Ở ĐNÁ bằng cầu không vận quân lực Mỹ.”

Cũng trên trang nhất đó là tin “700 TỊ NẠN CHẾT CHÌM ven bờ Mã Lai Á nội 1 tuần.” Và một tin khác viết về cuộc vận động đòi nhân quyền cho đồng bào ở quê nhà trong bản tin “NGƯỜI VIỆT XUỐNG ĐƯỜNG: Biểu ngữ, áo dài Việt Nam ngập Los.” Một tin 3 cột về chiến sự Cam Bốt với tựa đề “HN diệt gọn 1 sư đoàn Miên cách Nam Vang 100 cây số.” Trên trang báo này còn có mục “Cali bi-di-nét,” mục “Chợ Chồm Hổm,” “Hành Lang Mật,” “Ao Thả Vịt”… cho thấy nhật báo Người Việt vừa nối tiếp truyền thống báo chí Việt Nam, vừa hướng về tương lai cuộc sống của người Việt tị nạn trên mảnh đất mới.

Trong số báo ra mắt còn một bài khác loan tin về nỗ lực vận động dư luận quốc tế chống Cộng Sản, dưới tựa đề “NGƯỜI VIỆT XUỐNG ĐƯỜNG: Biểu ngữ, áo dài Việt Nam ngập Los.” Bản tin đó biểu lộ một mối quan tâm khác: Vận động thế giới ủng hộ những cuộc đấu tranh cho nhân quyền và quyền sống trong tự do dân chủ của đồng bào ta trong nước. Suốt 40 năm qua, chúng ta không bao giờ quên mục tiêu đó.

Những hàng tựa đề trên trang nhất đó cũng cho thấy đặc tính của nhật báo Người Việt ngay từ lúc khai sinh là chú trọng đến tin tức: Các tin tức về người tị nạn Việt Nam và các tin liên quan đến nước Việt Nam, và tin tức thế giới. Trong làng báo hải ngoại có lẽ đây là tờ báo in đầu tiên chú ý đặc biệt đến nhu cầu thông tin, coi tin tức có tầm quan trọng ngang với phần ý kiến, bình luận, văn nghệ, giải trí.

Đó là mục tiêu mà người chủ nhiệm sáng lập là ông Đỗ Ngọc Yến đã chọn lựa, mà đến nay tờ báo này vẫn tiếp tục theo đuổi.

Ấn bản Người Việt đầu tiên, 15 Tháng Mười Hai, 1978. (Hình: Tài liệu Người Việt)

1-Cuối năm 1978, tờ Người Việt Cali tiền thân của tờ Người Việt sau này phát hành số đầu tiên. Vào thời gian trước đó gia đình Đỗ Ngọc Yến vẫn còn cư ngụ ở tiểu bang Texas. Sau ba năm đầu cúi gầm mặt xuống, thử làm quen với những công việc mà anh chưa hề nghĩ tới trong cả cuộc đời mình, anh đã cố quên mình là ai để lo cho một gia đình có sáu miệng ăn. Tới một lúc nào đó con người cũ trong anh thức dậy. Tháng Tám, 1978, với $2,000 tiền hai vợ chồng ky cóp để dành trong suốt ba năm lao động nơi xứ người, anh lên đường đi thăm các bạn cũ tại California.

Tại Santa Ana, Đỗ Ngọc Yến gọi về cho vợ, báo tin rằng anh sẽ không về lại Texas, và công việc anh sẽ làm, phải làm trong suốt cuộc đời mình chỉ có thể là làm báo mà thôi. Anh cũng không hề nói cho chị biết làm báo không phải là nhận một công việc nào đó nơi những tờ báo Mỹ, có lương bổng mỗi tuần, có bảo hiểm sức khỏe cho toàn gia đình mỗi khi đau ốm.

Tự trong đáy thâm tâm của anh, làm báo, có nghĩa là phải làm một tờ báo tiếng Việt cho chính mình, để phục vụ cho cộng đồng người Việt ở rải rác trên toàn nước Mỹ, vào thời điểm mà chính các cộng đồng này cũng chưa hề được thành lập.

Suốt trong hai tháng liền, qua rất nhiều lần điện thoại trao đổi giữa vợ chồng về nơi ăn chốn ở, về công việc, chuyện học hành cho các con, rút cục hai tháng sau, cuối năm 1978 Đỗ Ngọc Yến quay lại Texas, để phụ với vợ thu xếp toàn bộ gia đình đưa lên một chiếc xe cũ băng qua một phần sa mạc Mojavie, ngang qua các tiểu bang Texas, New Mexico, Arizona để tới San Diego, thành phố cực Nam của nước Mỹ, giáp ranh với biên giới Mễ Tây Cơ. Mãi tới lúc đó chị Đỗ Ngọc Yến mới biết chồng mình đang cộng tác với tờ Hồn Việt, tờ báo Việt Ngữ đầu tiên của người Việt, do vợ chồng Nguyễn Hoàng Đoan và Khánh Ly làm chủ nhiệm.

Cho tới lúc đón toàn gia về Cali, Đỗ Ngọc Yến cũng không nói tới những gì anh ủ trong lòng, là tờ Hồn Việt chỉ là một trạm phải bước qua, trên con đường anh dự định. Bởi vì với anh, làm báo có nghĩa là một tờ nhật báo, chứ không phải là một tờ nguyệt san. Thế có nghĩa là một ngày nào đó, có thể là một tháng, có thể là hai tháng, có thể là ba năm, có thể là mười năm, nhưng dứt khoát anh không thể bằng lòng với một tờ nguyệt san. Với anh, báo có nghĩa là tin tức nóng hổi hằng ngày, là những món ăn tinh thần như hai bữa cơm không thể thiếu để bồi bổ cho thể chất hằng ngày.

Khi Đỗ Ngọc Yến đưa toàn gia sang Cali, anh vẫn còn là một cộng tác viên của tờ Hồn Việt, song tờ báo mà anh ấp ủ đã phát hành được hai số mà không có tòa soạn, bởi vì chính anh và gia đình còn ăn nhờ ở đậu, tờ báo chưa hề có một phương tiện trong tay, đã thế nó được hình thành từ San Diego, nhưng nơi phát hành chính là Santa Ana cách nơi tờ báo hình thành khoảng một trăm dặm đường. Vào thời gian này số người Việt ở San Diego có khoảng 7,000 người, ở Los Angeles có khoảng 10,000, và tại Santa Ana, cùng những thành phố kế cận có khoảng 15,000 người Việt.

Chỉ hai tuần lễ sau khi tạm trú ở San Diego, nơi Đỗ Ngọc Yến cộng tác với tờ Hồn Việt, toàn bộ gia đình Đỗ Ngọc Yến lại lếch thếch đưa nhau lên Santa Ana, tạm trú nơi một căn chúng cư hai phòng ngủ, nhưng ngoài gia đình anh sáu người, còn có thêm bốn năm thân hữu khác đã cư ngụ trước tại căn chúng cư này. Khi tờ Người Việt Cali phát hành số đầu tiên, nó là tờ có khổ nhật báo đầu tiên, song chưa hề là nhật báo, mà là bán nguyệt san, trong khi các tờ Việt Ngữ khác đã ra đời trước như Hồn Việt, Trắng Đen, Văn Nghệ Tiền Phong là những tờ báo khổ tạp chí.

Tờ Người Việt Cali trong những số phát hành đầu tiên nhờ phương tiện kỹ thuật của tờ Hồn Việt ở San Diego, với những nỗ lực chính ngoài Đỗ Ngọc Yến còn có sự góp sức của những người cư ngụ tại Santa Ana. Trước đó, khi mới tới Mỹ, vợ chồng Tống Hoằng cư ngụ tại New Mexico. Về phần Nguyễn Thiện Cơ khi chạy khỏi Việt Nam sau ngày 30 Tháng Tư vài ngày, ra đi từ Vùng 4, anh được tàu Na Uy vớt đưa về Na Uy, và mới được gia đình đón qua đoàn tụ tại Mỹ. Cùng đi với Nguyễn Thiện Cơ từ Na Uy qua Mỹ còn Lê Anh Dũng, nguyên là một sĩ quan cấp chuẩn úy của QLVNCH, vừa mới ra trường vài tháng thì Tháng Tư, 1975, ập đến. Lê Anh Dũng là một trong những cộng tác viên đắc lực nhất của tờ Người Việt trong những giai đoạn đầu, bởi vì anh là một người có thể làm được tất cả mọi việc không có tên gọi trong một tờ báo.

Khi tờ Người Việt Cali bắt đầu, vợ chồng Đỗ Quý Toàn và Hà Dương Thị Quyên cư ngụ tại Canada, Hoàng Ngọc Tuệ còn đang sống lây lất ở Sài Gòn, những người còn lại như Nguyễn Đức Quang, Lê Đình Điểu, Đỗ Tăng Bí, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Phước Quan, Phạm Quốc Bảo, Trần Đình Quân… còn đang bị cầm tù trong các trại tù ở Việt Nam.

Mặt tiền trụ sở báo Người Việt năm 1984 lúc còn phát hành một tuần một số tại địa chỉ 9393 F Bolsa Ave. (Hình: Võ Thành Điểm)

2-Cũng cuối năm 1978, tôi được Nguyễn Khả Lộc mời đi ăn cưới vợ chồng anh tại một chúng cư ở Buena Park. Vào thời điểm đó người Việt tị nạn chưa có lệ tổ chức đám cưới tại nhà hàng, nhất là đám cưới của vợ chồng Nguyễn Khả Lộc hầu như cả hai cùng không có gia đình ruột thịt, chỉ toàn là thân hữu.

Tôi và Nguyễn Khả Lộc là hai người bạn ngồi chung lớp Đệ Nhất B1, trường Trung Học Chu Văn An niên khóa 1961, nhưng từ thuở xa xưa đó tôi và Lộc không phải là bạn thân. Nhóm bạn thân của tôi có khoảng hơn mười người, cùng học với nhau từ Nguyễn Trãi sang Chu Văn An, khi lên Đệ Nhất nhóm bị chia làm hai một nửa ngồi lớp B1, phần còn lại chui vào lớp B8.

Sở dĩ tôi không phải là bạn thân của Nguyễn Khả Lộc khi còn đi học, vì trong lớp nhóm tôi quấy phá nghịch ngợm, thì Nguyễn Khả Lộc tuy không phải là một học sinh gương mẫu, song tính anh thích lè phè, tà tà chứ không hạp với bọn tôi ưa ồn ào. Lộc xin đổi lớp, nào ngờ anh lại đụng nửa nhóm còn lại của bọn tôi ở lớp B8.

Sau này khi ra đời có lần gặp nhau tại Vũng Tàu, cả hai ngồi uống cà phê ở một quán ngay bờ biển, Lộc nói với tôi là khi xin đổi lớp bị nhét vào lớp B8, anh lại đụng một nửa nhóm tôi và lại xin đổi lớp một lần nữa, song bị thầy Giám Học Nguyễn Văn Kỷ Cương mắng cho một mẻ tơi bời, anh đành chịu trận với bọn tôi cho tới khi xong tú tài. Thế rồi lớp chúng tôi hòa tan vào chiến tranh Việt Nam.

Nguyễn Khả Lộc không bao giờ là một học sinh gương mẫu, anh là một người lè phè, song học cái gì cũng tới nơi tới chốn, thi cái gì cũng đậu, do đó anh chưa bao giờ vào lính, nhưng anh có rất nhiều bạn học đang hiện diện trong quân đội. Anh có bạn trong mọi quân binh chủng của QLVNCH, kể cả lính chuyên môn như tôi, cho tới lính tác chiến thứ dữ như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân.

Đầu năm 1976, tôi gặp lại Nguyễn Khả Lộc tại Santa Ana, anh cho tôi biết anh đang âm thầm chuẩn bị tiền bạc để đón hôn thê của anh từ Pháp qua, bằng giấy tờ… không thật. Tôi cứ nghĩ là anh đang nói đùa, thế rồi cuối năm 1978, anh mời tôi đi dự đám cưới anh tại một chúng cư ở một phòng ngủ ở Buena Park. Đó là lần đầu tiên tôi gặp Đỗ Ngọc Yến, và những người về sau này là nòng cốt cho tờ Người Việt.

Trong tiệc cưới Lộc, tôi ngồi đối diện với Đỗ Ngọc Yến, bên cạnh tôi là Phan Huy Đạt, thế rồi câu chuyện quay sang việc làm báo. Năm đó tôi và Hoàng Chính Nghĩa đã làm nhà xuất bản Bố Cái được hơn một năm, đã in được ba cuốn sách, mà việc sắp chữ do chính chúng tôi tự lo bằng dàn máy IBM Selectric, một loại máy đánh chữ có bộ nhớ 2,000 từ, có thể thay đổi kiểu chữ bằng những quả cầu. Dàn máy Nghĩa và tôi sử dụng có quả cầu đánh chữ Tây Ban Nha, nên có thêm được dấu sắc, dấu huyền và dấu ngã, nhưng dấu hỏi và dấu nặng phải bỏ lấy bằng tay.

Trong câu chuyện, Đỗ Ngọc Yến rủ tôi đi làm báo. Tôi chỉ ậm ừ cho qua, bởi vì tôi nghĩ làm báo tiếng Việt để sinh sống ở nước Mỹ này thật không khác gì chuyện ngủ mơ, khi mà chỉ có vỏn vẹn khoảng 100,000 người Việt sống trong một xứ sở rộng hơn 10 triệu cây số vuông, có một dân số là 250 triệu người. Vả lại lúc đó tôi ở Mỹ chỉ có một mình, nhưng đằng sau lưng tôi, trên đôi vai tôi là một tiểu gia đình của tôi, đó là chưa kể một đại gia đình có tới tám anh em, hơn 30 đứa cháu, mà năm 1975 chỉ có một mình tôi thoát được ra khỏi nước.

Tuy không nhận lời làm báo với Đỗ Ngọc Yến, song trước đó tôi đã là bạn cùng lớp với Nguyễn Khả Lộc, trong thời gian làm nhà xuất bản Bố Cái, tôi khá thân với Phan Huy Đạt, nên ngay từ những ngày đầu của tờ báo Người Việt, tôi đã có những giao tình chặt chẽ với một vài người trong nhóm chủ trương của tờ báo này.

Và tôi nhớ trong đám cưới của Lộc, chính tôi đã nói với Đỗ Ngọc Yến là tại sao lấy tên tờ báo là Người Việt Cali. Cái tên này vô hình trung đã thu hẹp địa bàn hoạt động của tờ báo trong phạm vi tiểu bang Cali không mà thôi. Tôi góp ý là nên bỏ quách cái chữ Cali để thành một tờ báo của người Việt, cho dù người Việt đó ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Tôi không biết lời đề nghị của tôi có góp phần nào trong việc tờ Người Việt Cali chỉ sau một thời gian ngắn đã không còn chữ Cali trên măng sét tờ báo. Về phần tôi tuy không thực sự cộng tác với báo Người Việt, nhưng tôi tự coi mình là thân hữu của tờ báo này, và âm thầm quan sát những diễn tiến của tờ báo ngay từ khi nó mới góp mặt với đời.

Ông Nguyễn Đức Quang (giữa), tổng giám đốc, và ông Lê Đình Điểu, chủ bút, trả lời phỏng vấn của phóng viên Los Angeles Times vào năm 1986. (Hình: Tài liệu Người Việt)

3-Khoảng giữa năm 1979, vì bị chủ chúng cư than phiền về số người quá đông cư ngụ trong một căn chúng cư hai phòng ngủ, Đỗ Ngọc Yến tìm thuê được một căn duplex hai phòng ngủ. Cùng dọn về với anh kỳ này chỉ còn vài người thực sự chăm lo cho tờ báo. Căn nhà mới thuê này nằm trên đường Euclid, có hai phòng ngủ chính mà toàn bộ gia đình Đỗ Ngọc Yến sáu người chiếm một phòng, phòng còn lại là chỗ ở của Du Miên, Lê Anh Dũng và một hai người khác đi về bất thường. Thế nhưng căn nhà này có một cái garage được biến cải thành nơi làm báo.

Do đó có thể nói căn nhà số 1005 N. Euclid chính là tòa soạn đầu tiên của tờ Người Việt, chỉ tiếc là luật lệ ở nước Mỹ khá gắt gao, nên Đỗ Ngọc Yến đã không thể trương tấm bảng “Người Việt” trên mái của căn garage này. Cũng trong thời gian này tờ Người Việt đã bỏ hẳn chữ Cali ở trên măng sét, và tiến được một bước khá dài là từ một bán nguyệt san chuyển sang tuần báo. Các nhân vật chính của tờ báo lúc này là Đỗ Ngọc Yến, Du Miên, Lê Anh Dũng. Những anh em khác như Phan Huy Đạt, Tống Hoằng, Nguyễn Khả Lộc, Nguyễn Thiện Cơ, Lý Văn Chương ai nấy đều đi làm, đi học, và kiếm tiền để đóng góp cho tờ Người Việt trong lúc khó khăn ban đầu.

Cũng trong năm 1979 này, các khu thương mại Việt Nam bắt đầu hiện diện. Khu thương mại đầu tiên phải nhắc tới là góc đường First và Sullivan trong thành phố Santa Ana. Nơi đây nhìn chéo qua đường số 1 chính là Sở Xã Hội, nơi mà người Việt từ khắp nơi lân cận đổ về. Khu vực này chỉ có vài căn phố trống.

Trong một thời gian ngắn chừng vài tháng, người Việt đã dựng lên một quán ăn là Hội Quán Việt Nam, bên cạnh đó là một tiệm bán đồ khô được người chủ đặt tên là “chợ” Sài Gòn, kế đó là một tiệm bi da Pháp, và phòng mạch Bác Sĩ Trần Mạnh Ngô. Vì số người Việt ở những nơi khác sau vài năm biết đá biết vàng tại những nơi xa xôi lạnh lẽo ùn ùn kéo về Cali, số người Việt ban đầu cư ngụ quanh quẩn nhiều nhất tại thành phố Santa Ana, vô hình trung đã khiến cho thành phố này có một thời gian trở thành địa danh chính cho người Việt quần tụ. Dần dần dân Việt tràn sang các thành phố lân cận như Garden Grove, Westminster, Anaheim, Costa Mesa…

Cho tới giữa năm 1979, trong khu Bolsa Mini Mall còn vài căn bỏ trống, những người có máu thương mại tới thuê những căn này, đó mới thật sự là khu thương mại đầu tiên của người Việt, mà mãi hơn 10 năm sau bằng một quyết định hành chánh, cái tên Little Saigon mới được ra đời. Nhưng đó là chuyện của 10, 15 năm sau khi cộng đồng Việt Nam đã đủ sức tranh đua thương mại với người Hoa, là sắc dân Á Châu đã cắm dùi lâu năm trên chợ Tàu Los Angeles, nhiều năm trước khi người Việt đặt chân lên đất Mỹ.

Trong số những người có cái nhìn viễn kiến về khu vực buôn bán của người Việt sau này có Đỗ Ngọc Yến. Vào đầu năm 1980, sau khi hội ý với các anh em khác, Đỗ Ngọc Yến mạnh dạn đứng thuê một căn trong khu Bolsa Mini Mall, làm tòa soạn ngay giữa nơi tập trung buôn bán của người Việt. Trước đó khu vực này đã có một số cửa tiệm của người Việt Nam, như tiệm ăn Thiên Cung về sau trở thành tiệm Thành Mỹ, tiệm sách Tú Quỳnh, văn phòng bán bảo hiểm của Nguyễn Xuân Phước… Thế nhưng chỉ hai tháng sau Đỗ Ngọc Yến lại dọn đồ nghề về lại căn garage của mình, nhường căn phòng đã thuê cho Du Miên và Tống Hoằng, để hai anh làm tờ báo Saigon Mới cùng hoạt động với một nhà in nhỏ. Địa điểm này về sau khi tờ Saigon Mới đình bản đã trở thành Quán Bò Viên Ông Từ.

Cũng trong năm 1980 này Nguyễn Đức Quang đặt chân tới Mỹ. Anh bị tù Cộng Sản hơn ba năm trời, vừa mới được thả ra anh đã tham gia tổ chức và thành công ngay trong chuyến vượt biển đầu tiên. Nguyễn Đức Quang được Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Thiện Cơ làm một tấm bảng chào mừng chăng ngang trên mái của tòa soạn Người Việt, nghĩa là chăng ngang trên mái garage của căn nhà 1005 N. Euclid.

Vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ, Nguyễn Đức Quang đã nhanh chóng trở thành nhân vật số hai của tờ Người Việt. Là một người tốt nghiệp chính trị kinh doanh, Nguyễn Đức Quang cũng nghĩ như Đỗ Ngọc Yến là phải mang tòa soạn ra khu vực thương mại chính của người Việt. Do đó vào đầu năm 1981, Đỗ Ngọc Yến và Nguyễn Đức Quang cùng với các anh em khác bươn chải để đưa tờ Người Việt từ garage của căn nhà 1005 N. Euclid ra khu phố thương mại của người Việt tại Quận Cam.

Lần xông ra này để thuê nhà được rẻ hơn những căn mặt tiền một chút, tờ Người Việt thuê căn cuối của một dãy nhà thẳng góc với đường Bolsa, bên cạnh tiệm sách Văn Khoa cũ của anh Đỗ Đình Tuân. Cũng nên nhắc lại trong lần “mở đường máu” xông ra này, Nguyễn Đức Quang đã đổ máu thật sự, khi một băng du đãng “Skin Head” của các thiếu niên da trắng từ xóm nhà phía sau xông sang kiếm chuyện. Nguyễn Đức Quang đã bị một tên du đãng bất ngờ phang một thanh gỗ vào đầu. May mà vết thương không nặng.

Từ khi tờ Người Việt dọn ra địa điểm này, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang lang thang ở các chỗ bán đồ cũ. Hai anh tìm mua tất cả mọi đồ vật nào có thể sử dụng được cho tòa báo, và những ai đã tới tòa soạn Người Việt trong thời gian này, hẳn phải thấy làm lạ là bàn ghế trong tòa soạn có rất nhiều kiểu cao, thấp khác nhau, màu mè lập thể. Đó là chưa kể tới những kệ sách, bàn kính để layout do hai nhân vật chính Đỗ Ngọc Yến và Nguyễn Đức Quang tự chế biến, hình thù kệch cỡm xấu xí, miễn là làm được việc thì thôi.

Tại địa điểm thứ hai này, số nhân viên của tờ báo bắt đầu gia tăng khá đông. Nhiều người mới vượt biển sang sau như Phạm Quốc Bảo, Nguyễn Phước Quan, Lê Minh Phú, Võ Thành Điểm… Có người qua Mỹ từ năm 1975, nhưng cư ngụ tại những tiểu bang lạnh lẽo vùng Đông Bắc tìm về Cali nắng ấm như Nguyễn Thượng Hiệp, từ Pháp qua như vợ chồng Lê Đình Điểu. Trong các nhân vật tới với Người Việt tại địa điểm này còn có Duy Sinh, nhưng anh chỉ cộng tác với Người Việt một thời gian thật ngắn, sau đó xoay xở để làm tờ báo Việt Nam Tự Do cho riêng mình, trong khi đó Nguyễn Thượng Hiệp cũng rời Người Việt qua làm báo Đồng Nai với vợ chồng Dương Hữu Chương và Diễm Chi.

Cũng cần nhắc tới là từ khi dọn tờ báo ra ngoài khu phố thương mại, tờ Người Việt không còn giữ khổ nhật báo nữa, mà đổi sang khổ tabloid. Cuối năm 1983 tờ Người Việt tiến thêm một bước dài, tờ báo phát hành một tuần hai số để đáp ứng cho nhu cầu thương mại của người Việt đang gia tăng, cũng như vì nhân số của tờ báo khá đông, có đủ khả năng làm hai số báo một tuần.

Cũng trong thời gian này, những tiến bộ của ngành computer đang dần dần làm thay đổi bộ mặt các tờ báo. Tuy nhiên những tiến bộ này chỉ mới làm thay đổi các tờ báo Mỹ mà thôi, và chưa đủ phổ thông đến độ biến cải được bộ mặt các tờ báo Việt vừa nghèo, chữ Việt còn có thêm năm dấu rắc rối, mà thị trường lại quá nhỏ.

Do đó các tờ báo chữ Việt vẫn phải dùng các máy đánh chữ IBM Selectric, sau khi sắp chữ xong phải bỏ dấu bằng tay. Nhiều khi độc giả đọc xong phải nhăn mặt vì những lỗi bỏ dấu làm sai hẳn ý của câu văn. Thí dụ chữ “đảm đang” có khi bị bỏ dấu thành “dâm đãng,” chữ “cổ võ” biến thành chữ “có vợ.” Đó là chưa kể tới những hàng chữ mấp mô lên xuống và những khoảng trống khó hiểu của các tiêu đề, bởi vì các tiêu đề dùng chữ lớn, máy IBM không có những quả cầu có kích thước lớn đủ để làm tít. Do đó để làm tít chữ Việt, phải sử dụng những mẫu chữ in sẵn, có sáp phía sau. Khi dùng phải lấy một đồng bạc cắc chà trên mặt chữ, lớp sáp phía sau sẽ ăn lên tờ giấy dùng để layout.

Khi làm tít, muốn có một chữ “Nam” phải chà ba mẫu tự N, A, M, do đó cái tít càng dài, càng dễ lên xuống mấp mô, và thỉnh thoảng có một chữ chà không đủ mạnh, khiến cho lớp sáp không bám chắc vào tờ giấy layout bên dưới, khi di chuyển đến nhà in, rớt mất một chữ, và tạo thành một chỗ trống khó hiểu trong cái tiêu đề của bản tin. Đó là chưa kể những cái dấu cho chữ Ă, Â, Đ, Ê, Ô, Ơ, Ư cùng dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng khi bỏ bằng tay trên các hàng tít không thể nào đều được. Cuộc cách mạng computer đã bùng ra trên rất nhiều lãnh vực, đặc biệt là ấn loát. Song báo Việt Ngữ còn phải chờ thêm vài năm sau mới có những người Việt trực tiếp bắt tay vào thực hiện các software dùng riêng cho chữ Việt.

Ông Alan Runfelt, một kỹ thuật gia điện toán, người đã giúp nhật báo Người Việt cải tiến trong việc dùng máy PC để đánh máy tiếng Việt và in chữ ra trên giấy bằng máy Varityper. (Hình: Tài liệu Người Việt)

4-Năm 1984, các khu thương mại Việt Nam đã hình thành rõ nét hơn. Trong khu Bolsa Mini Mall với hàng trăm cửa hàng, giờ đây chỉ còn lác đác một vài cơ sở thương mại không phải do người Việt làm chủ. Từ khu thương mại đầu tiên này các tiệm buôn Việt Nam bung ra tứ phía, làm cho những vườn dâu, vườn bắp trên con đường này biến mất, và thay vào đó là những khu vực buôn bán được dựng lên ào ạt, bởi vì số lượng người Việt đang tập trung vào vùng này gia tăng đến chóng mặt.

Cũng trong năm này Đỗ Ngọc Yến, Nguyễn Đức Quang bắt đầu nhận thức được một điều, tờ Người Việt phải có những bước tiến cấp kỳ để đáp ứng kịp với đà tăng trưởng của cộng đồng Việt Nam. Với hơn một chục nhân viên thường trực, trong một tòa soạn lỉnh kỉnh đầy bàn ghế đã chật đến độ không chen chân nổi, thế mà cứ cái đà thương mại gia tăng như thế này, không sớm thì muộn giấc mơ nhật báo phải thành sự thật.

Cuối năm 1984, tòa soạn Người Việt dọn đến địa điểm mới nằm trên đường Moran. Khi dọn sang địa điểm này, về nhân sự thì tờ Người Việt được một đợt sóng mới từ nhiều nơi đổ về. Trước tiên là gia đình Lê Đình Điểu từ Pháp dọn qua, kế đó làn sóng vượt biên đã đổ vào tờ Người Việt những danh tính khác gồm Trần Đình Quân, Trầm Tử Thiêng… và số nhân viên thường trực đã lên tới gần 20 người, và tờ báo thì tiến thêm một bước thật dài trên con đường tiến tới nhật báo, mà những quan sát viên đứng ngoài như tôi vẫn nói đùa là “cách nhật báo,” nghĩa là một tuần ra ba số. Tuy nhiên vẫn còn một trở ngại là khổ báo vẫn còn là khổ tabloid.

Giữa thập niên 1980, các đợt ODP và vượt biên mang một đợt người Việt tới Mỹ, có thể nói quá nửa người Việt đến Mỹ trong giai đoạn này chọn Quận Cam làm nơi đất lành, nâng tổng số người Việt trong vùng lên tới hơn 100,000 người. Số sinh viên Việt Nam tại các trường Santa Ana College, Orange Coast College và Golden West College gia tăng đến chóng mặt. Tại các hãng xưởng người ta nghe thấy tiếng Việt líu lo trong các giờ lunch, và khu thương mại của người Việt đã lấn sang các đường Brookhurst, Westminster và Magnolia, cùng với đường Bolsa đã hình thành một khu tứ giác mà trong đó các cơ sở thương mại của người Mỹ rút đi dần dần, và các bảng hiệu chữ Việt tiến lên thay thế.

Năm 1985, tờ Người Việt tiến thêm một bước đáng kể nữa là ra một tuần năm số, và đồng thời cũng điều chỉnh lại khổ báo thành nhật báo. Công tâm mà nói sự cải tổ này không đến từ phía Người Việt, mà do những yếu tố bên ngoài thúc đẩy. Lúc đó, ông Lê Quý Biên, một nhân vật thính mũi của Quận Cam, với sự đồng ý của Bộ Chỉ Huy Camp Pendelton đứng ra tổ chức 10 năm kỷ niệm trại Pendelton. Vài chục ngàn người ở khắp nơi lũ lượt kéo về thăm chốn cũ, không một ai phải trả tiền vào cửa, nhưng phải trả $5 tiền bãi đậu xe. Với số tiền này ông Lê Quý Biên tuyên bố sẽ ra nhật báo, và ông Biên quả đã làm được hai, ba số báo khổ nhật báo rồi thôi. Chỉ hai, ba số báo này đã thúc đẩy anh em Người Việt, phải nghĩ đến chuyện tiến nhanh thật nhanh lên thành nhật báo.

Lúc này số nhân viên thường trực của tờ Người Việt đã lên tới gần 30 người, có đủ khả năng để làm một tờ nhật báo. Điều quan trọng nhát trong lần cải tổ này, chính là trang “Rao Vặt” đã dần dần trở nên một phần quan trọng sinh tử cho tờ báo, là một trong vài động mạch chính cho tờ báo, chứ không phải những bài vở, nội dung, đường lối của tờ báo.

Cũng trong thời điểm này, về kỹ thuật tờ báo tiến được một bước khá dài, với một hệ thống máy đánh chữ Varityper, tất nhiên dàn máy này được sản xuất nhằm phục vụ cho những cơ sở ấn loát Mỹ, nhưng những nhân viên Mỹ với sự góp ý của các chuyên viên Việt Nam, đã biến cải dàn máy này, để có thể đánh máy tiếng Việt. Từ đây không còn có vụ bỏ dấu bằng tay, không còn sử dụng chữ “ịn” để làm tít, nhưng dàn máy Varityper này quá cồng kềnh, nó to bằng cả một cái bàn, đó là chưa kể tới những phụ tùng lỉnh kỉnh như giấy, thuốc hóa học để nhuộm… Và sau cùng khi layout thì vẫn phải lăn keo, cắt dán trước khi mang tới nhà in. Dẫu sao chăng nữa tờ báo giờ đây ngay hàng thẳng lối, như sinh viên sĩ quan sắp hàng duyệt binh. Trang báo không còn cảnh thò ra thụt vào, các hàng tít không còn gập ghềnh lên xuống và không còn những chỗ trống khó hiểu.

Về nhân sự có thêm Nguyễn Xuân Hoàng năm 1987, Lê Gia Thụy vào năm 1988, và một điều đáng tiếc đã xảy ra vào năm 1990, khi Nguyễn Đức Quang dứt áo ra đi, Tống Hoằng bỏ sở nước về làm toàn thời gian cho Người Việt để trám vào chỗ trống Nguyễn Đức Quang để lại. Cũng trong năm 1990, về nhân sự còn có thêm vợ chồng Trần Dạ Từ, Nhã Ca từ Thụy Điển qua Mỹ vào cộng tác với Người Việt. Nhưng chỉ một năm sau, với sự tiếp tay của vài thân hữu, Trần Dạ Từ và Nhã Ca khai trương bảng hiệu Việt Báo, mà trụ sở của tờ báo này cũng nằm trên đường Moran, nhưng sát với đường Bolsa hơn là vị trí của tờ Người Việt.

Cuối năm 1989, nhóm chủ trương của Người Việt quyết định làm thêm một tờ tạp chí hằng tháng, đó là tờ Thế Kỷ 21 với Lê Đình Điểu làm chủ nhiệm, chủ bút Nguyễn Xuân Hoàng. Trong thời gian này tôi đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Văn Học, và được anh em đề nghị làm phụ tá chủ bút, mặc dù tôi từ chối vì vừa đi làm thợ tiện, vừa phải trông coi tờ Văn Học, thế nhưng tên tôi vẫn nằm trong chức vụ phụ tá chủ bút ở số 1, và chỉ được lấy ra từ số 2. Tuy nhiên, là một thành viên ngay từ buổi họp thành lập, tôi đóng góp bài vở trong những số đầu, và là đại diện cho tờ Thế Kỷ 21, trong buổi ra mắt tạp chí này tại Austin, Texas; trong khi Lê Đình Điểu đại diện ra mắt ở Paris, Pháp; Phạm Quốc Bảo lãnh phần ra mắt ở Seattle, Washington; Nguyễn Xuân Hoàng ra mắt ở San Jose, Bắc California và Montreal, Canada. Từ số báo thứ nhì, Đỗ Quý Toàn nhận làm chủ bút Thế Kỷ 21, dưới bút hiệu Vương Hữu Bột.

Về phát triển của Người Việt, thì năm 1991 có một điểm son khá lớn là cuốn Niên Giám Điện Thoại đầu tiên của Người Việt ra đời, tờ báo ra một tuần sáu số chỉ thiếu báo ngày Thứ Hai. Và cũng trong khoảng thời gian này về nhân sự có thêm Đỗ Tăng Bí đoàn tụ gia đình, Hà Tường Cát theo chương trình H.O. tới Mỹ. Ngay lập tức hai anh trở thành những người nồng cốt của tờ báo, bởi vì cái nhân của tờ Người Việt là những người đã từng quấn quít, quận quịt với nhau mấy chục năm ròng, từ lúc còn trai trẻ, trong các phong trào Hướng Đạo, Du Ca, các hoạt động sinh viên trong các khuôn viên trường đại học, cũng như các chương trình xã hội như tại Quận 8, Sài Gòn…

Năm 1991 tòa soạn 4,000 bộ vuông đã trở nên khá chật. Lúc đó nhân viên đã lên tới ba, bốn chục người kể cả toàn thời gian và bán thời gian. Người Việt dọn địa điểm lần thứ tư, chỉ cách địa chỉ cũ một khoảng đường chưa được một trăm mét, và dọn vào một căn phố cũng nằm trên đường Moran, rộng khoảng 7,000 bộ vuông. Địa chỉ đó giờ đây là tòa soạn báo Viễn Đông, tờ báo do Nguyễn Đức Quang gây dựng từ năm 1993, nghĩa là ba năm sau khi Nguyễn Đức Quang rời khỏi Người Việt, gây dựng và trụ trì một tiệm video tại thành phố Tustin. Trụ sở ban đầu của tờ Viễn Đông nằm trên đường Bolsa, trong khoảng giữa Newland và Beach, và chỉ mới dọn về địa chỉ cũ của Người Việt vào năm 2002, sau khi Người Việt mua được dãy phố của nhà in Westminster Press nằm cuối đường Moran và dọn về địa chỉ này. Giờ đây trên đường Moran vẫn có ba tờ báo, tính từ ngoài vào trong là tờ Viễn Đông, Việt Báo và Người Việt.

Nhạc sĩ Lý Văn Chương (trái) và nhà báo Lê Đình Điểu trong kỷ niệm 9 năm Người Việt. (Hình: Tài liệu Người Việt)

5-Năm 1993, tôi chính thức trở thành một nhân viên của tờ Người Việt. Trước đó vào đầu năm 1990, sau 15 năm làm lao động nơi xứ người, tôi bị hãng Parker Hannifin cho nghỉ việc. Suốt 15 năm cắm đầu vào tiện những thỏi sắt vô tri, để thành những cơ phận không biết dùng để làm gì, sau khi bị nghỉ việc đột nhiên tôi thèm làm một cái gì đó cho riêng mình. Sở trả lại cho tôi $10,000 tiền tôi đóng vào quỹ hưu trí, với số tiền này tôi lên San Jose chung làm nhà in với một người bạn cũ, tại một nhà in đã hoạt động được cả chục năm. Một năm sau tôi hiểu được một điều là tôi không phải là người làm business. Khi hiểu ra điều này thì số vốn nhỏ nhoi của tôi đã không cánh mà bay hết. Từ giã anh bạn chủ nhà in đã có nhã ý cho tôi hùn hạp, tôi cũng chán không có ý chờ anh bạn bán nhà in, trả cho tôi được phần nào hay phần ấy.

Từ San Jose tôi đi ngược lên phía Bắc sống vài tháng trong vùng Portland và Seattle, kế đó tôi băng ngang nước Mỹ về sống một thời gian ngắn tại Salt Lake City, rồi lại tiếp tục đi về hướng Đông, sống nửa năm tại Houston, lang thang thêm nửa năm tại các thành phố New Orlean, Dallas, rồi quay trở lại Houston thêm một thời gian. Trong thời gian này tôi làm đủ nghề để sống trên đường, phần nhiều là bán 7-11, Stop N Go, bán xăng và thậm chí có lần đứng rửa chén trong nhà hàng Mỹ, có lần chợt tỉnh ra và thấy mình đứng ủi quần áo cho một tiệm giặt ủi. Chán chê mê mỏi trên đường ba năm liền rồi mới quay trở lại Quận Cam vào đầu năm 1993.

Cũng trong năm 1993 này, Phạm Quốc Bảo và Lê Thiện Tùng được một người bạn trẻ chuyên lấy quảng cáo của các công ty Mỹ tên là Huy, mời ra gánh vác tờ báo mà anh bạn này mới mua lại, đó là tờ Diễn Đàn Chủ Nhật, trụ sở của tờ báo này nằm trên đầu đường Moran. Như vậy trên con đường này vào năm 1993 có tòa soạn của ba tờ báo, tính thứ tự từ ngoài vào gồm Diễn Đàn Chủ Nhật, Việt Báo và trong cùng là Người Việt. Sự ra đi của Phạm Quốc Bảo và Lê Thiện Tùng khiến cho ban biên tập của Người Việt có một lỗ thủng cần trám. Tôi chính thức bước vào làng báo trong dịp này.

Lẽ ra cùng nhận việc một ngày với tôi còn có Dương Phục từ dưới San Diego lên, nhưng Dương Phục phút chót lại ngã vào làm cho Diễn Đàn Chủ Nhật với Phạm Quốc Bảo. Trước tôi vài tháng, Vũ Ánh cũng từ miền Đông dời qua miền Tây trong năm này, anh cũng đổ bộ vào Người Việt làm một biên tập viên bán thời gian.

Tôi nhớ ngày đầu đi nhận việc, tổng thư ký là Nguyễn Xuân Hoàng rủ tôi đi uống cà phê Croissant Doré. Vừa kéo ghế ngồi xuống tôi nhìn thấy một trung niên hán tử bỏ 25 cent vào thùng báo Người Việt, trước khi lấy tờ báo cho chính mình, hán tử này bê nguyên cả chồng báo trong thùng bỏ lên nóc thùng, để những người sau muốn mua báo… không phải mất công bỏ tiền cắc làm chi cho thêm rắc rối. Cứ việc nhón một tờ báo trên nóc thùng báo. Tôi nghĩ thầm coi bộ nghề “báo” này khó “khá.” Phải chi anh bạn trung niên này bê cả chồng báo ra xe, rồi mang về phân phát cho bà con lối xóm lại là một chuyện khác. Rõ ràng khi phải bỏ 25 cent vào thùng báo, làm như anh bạn này bị… cái thùng báo xúc phạm, nên bê cả chồng báo bỏ lên nóc thùng cho bõ ghét.

Năm 1994, Trần Đại Lộc thoát khỏi Việt Nam bằng ngã H.O.. Ban đầu anh quyết định cư trú tại Houston, thế nhưng chỉ trong một thời gian ngắn anh bị các bạn cũ thuyết phục và đồng ý dời về Cali sinh sống, làm việc chung với Người Việt.

Năm 1995 Phạm Phú Minh đặt chân xuống nước Mỹ, nếu như Vũ Ánh đổ bộ vào tờ Người Việt, thì Phạm Phú Minh từ trên trời nhảy dù xuống để tăng cường cho bộ phận đầu não của tờ báo. Và sau cùng đầu năm 1996, Ngô Mạnh Thu được đoàn tụ với con trai là Ngô Lê Trọng Tú. Anh là toa xe lửa cuối cùng của cỗ xe Người Việt, đã đến Mỹ sau đầu tàu Đỗ Ngọc Yến chẵn tròn 20 năm.

Năm 1996, Đỗ Quý Toàn từ Canada về đảm nhiệm chức vụ chủ bút, sau một thời gian bắt tay vào việc chấn chỉnh lại ban biên tập, tờ Người Việt hoàn tất con đường “Nhật Báo” bằng cách phát hành đủ bảy số báo trong tuần. Kể từ đây, mỗi sáng Thứ Hai tới tòa soạn, không một ai còn cảm thấy thiêu thiếu một cái gì đó bằng cách nhón một tờ báo, đem về bàn mình lướt qua xem tình hình thế giới, tình hình trong nước…

Năm 1997, Nguyễn Xuân Hoàng cùng với Vũ Ánh rời Người Việt qua cộng tác với Viễn Đông. Tuy nhiên, Vũ Ánh vẫn phụ trách làm tin cho Đài Phát Thanh VNCR, và là một thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của đài kể từ khi đài này mới thành lập vào cuối năm 1995, với những nhân vật đầu não gồm Lê Đình Điểu, Hoàng Ngọc Tuệ, Vũ Ánh…

Cũng trong năm 1997 này tôi tạm rời xa Người Việt, quay trở về với nghề nghiệp thợ tiện của mình, vì tôi không thể để vuột một cơ hội cuối cùng để cân bằng tài chánh, tạo sự ổn định từ căn bản cho đời sống của bản thân tôi. Nói một cách giản dị là tôi phải kiếm tiền mua cho tôi một căn nhà nhỏ, để có chỗ chui ra chui vào trong những năm cuối đời, và chỉ trở lại bàn viết của tôi sau hai năm làm việc cật lực, một tuần bảy ngày, một ngày 12 tiếng trong một xưởng tiện cánh máy bay ở Brea.

Cuối năm 2001 tờ Người Việt đứng trước một ngã ba đường. Nếu cứ giữ nguyên đường lối như từ khi mới thành lập thì coi như đã lên tới đỉnh. Muốn tiến xa hơn nữa thì phải thay đổi một vài ý niệm ban đầu, phải kiện toàn lại từ thành phần, cơ cấu, tổ chức cũng như điều hành. Nói một cách khác, tờ Người Việt cần một cuộc cải tổ thật sâu rộng như một cuộc lột xác từ thượng tầng kiến trúc tới hạ tầng cơ sở. Đã đến lúc Người Việt phải phát triển ra khỏi phạm vi của một tờ nhật báo thuần túy, mà tổ chức thành một công ty truyền thông lớn, với nhiều công ty nhỏ hoạt động trong các lãnh vực khác nhau.

Với một chục thành viên trong Hội Đồng Quản Trị, thật khó mà có thể đạt được sự đồng thuận của tất cả mọi thành viên. Rút cục đầu năm 2002, tờ Người Việt đành phải chấp nhận một giải pháp chia tay với sự ra đi của Tống Hoằng, Nguyễn Thiện Cơ và Bùi Huy Vĩnh. Ra đi nhưng thực ra là ở lại, bởi vì lúc đó Người Việt đã mua được trụ sở, và sẽ dời đi trong vòng một thời gian ngắn. Trụ sở cũ của Người Việt trở thành trụ sở mới của Viễn Đông, bởi vì Tống Hoằng, Nguyễn Thiện Cơ và Bùi Huy Vĩnh đã đạt được một giải pháp với Nguyễn Đức Quang, để phát triển tờ Viễn Đông. Những người ở lại với Người Việt tất nhiên phải theo chân tòa soạn dời về trụ sở mới vào ngày 23 Tháng Tám, 2002.

Qua cuộc cải tổ này, một số khuôn mặt trẻ được đưa vào Hội Đồng Quản Trị của tờ Người Việt. Trước kia số tuổi trung bình của các thành viên trong hội đồng là 57, với sự hiện diện của những người thuộc thế hệ thứ hai sung vào, đã kéo tuổi trung bình của hội đồng này xuống thấp hàng chục tuổi. Về lương bổng của mọi nhân viên ngay sau khi tái cấu trúc lại, toàn thể nhân viên được tăng lương trung bình là 20% so với lương cũ.

Cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến và trang nhất báo Người Việt ra ngày 15 Tháng Mười Hai, 1978. (Hình: Dân Huỳnh)

6-Sau cùng tôi muốn nhắc tới những người đã nằm xuống. Trong trụ sở mới của Người Việt, có ba căn phòng có gắn bảng tên bằng đồng, đó là Phòng Sinh Hoạt Lê Đình Điểu, Phòng Hội Trần Đại Lộc, và Phòng Hội Trần Đình Quân, thự danh của những người nòng cốt của Người Việt đã nằm xuống trước tiên trên đất Mỹ. Nếu kể thêm trong khoảng thời gian sau này còn có thêm ba danh tánh nữa là Ngô Mạnh Thu, Lý Văn Chương, và Đỗ Ngọc Yến.

Nếu kể theo thứ tự thời gian, thì Trần Đại Lộc bỏ anh em mà đi sớm nhất. Anh từ Việt Nam qua Houston vỏn vẹn vài tháng, rồi từ Houston dọn về Cali vào năm 1994, thời gian anh sống cùng bằng hữu chỉ được ba năm ngắn ngủi. Anh mất vào Tháng Năm, 1997, sau một cơn bạo bệnh kéo dài cả năm trời. Khi Trần Đại Lộc khép mắt, Đỗ Ngọc Yến ngậm ngùi nói: “Ngày xưa Lộc chuyên môn là người đi tiền trại, giờ đây chắc là anh muốn đi trước, lo một chỗ cắm trại cho anh em sau này.”

Cái trại mà Trần Đại Lộc đi tiền sát, chọn đất cắm lều chẳng bao lâu sau đã có Lê Đình Điểu tới tiếp tay. Khi Điểu mất, tờ Người Việt mất đi một phần nội lực đáng kể, bởi vì anh là linh hồn của tờ Thế Kỷ 21, là cái đích tập hợp của VNCR, VAALA. Anh là một người chồng, người cha, người bạn, người anh gương mẫu của nhiều người. Anh là một người điều độ, trầm tĩnh, không bao giờ cư xử thái quá với bản thân và với người đối diện.

Kế tiếp đó là Trần Đình Quân, người anh lớn của phong trào Du Ca Đà Nẵng và Huế. Nếu như Trần Đại Lộc và Lê Đình Điểu mất đi vì chứng bệnh ung thư hiểm nghèo, thì Trần Đình Quân đã sống tám, chín năm trời vật vờ dưới ảnh hưởng của căn bệnh Alzheimer, và không ý thức được anh đã mò từng bước thời gian để bước từ thế kỷ 20 qua thế kỷ 21. Lạ một điều là Quân quên rất nhiều điều vừa xảy ra trong vòng nửa tiếng, một giờ. Nhưng anh giữ rịt nhiều điều sâu thẳm ở trong lòng hàng hai, ba chục năm về trước.

Cái chết ập đến bất ngờ với Ngô Mạnh Thu qua chứng tai biến mạch máu não. Anh là toa tàu chót của con tàu Người Việt, không ngờ anh đã vội tách riêng cái toa của mình để đến điểm hẹn với Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Trần Đình Quân. Anh đi vội vã không kịp để lại cho vợ con và bằng hữu một lời nào.

Rồi đến Lý Văn Chương. Dường như anh là người trẻ nhất trong số những người rường cột dựng lên bảng hiệu Người Việt. Khi Lý Văn Chương mất đi, anh vừa có chẵn 50 năm góp mặt với đời, mà trong đó có hơn 30 năm quấn quít, quận quịt với các anh em đã dựng lên tờ Người Việt ở xa đất Việt hàng ngàn hải lý.

Và trại này có thêm sự xuất hiện của Đỗ Ngọc Yến. Sự ra đi của anh khác với những người khác. Anh mắc bệnh tiểu đường và suy thận, hằng tuần phải vào bệnh viện lọc máu. Ngày 17 Tháng Tám, 2006, anh ra đi tại bệnh viện Fountain Valley. Anh là người có khuynh hướng chống thực dân và chống chủ nghĩa Cộng Sản. Anh thành lập tờ báo Người Việt với mục đích loan báo những tin tức trung thực tại Việt Nam cũng như những gì đang xảy ra với người tị nạn ở hải ngoại. Anh cũng đứng vai trò trung gian chuyển đạt quan điểm người Việt tị nạn đến với người Mỹ qua báo chí Mỹ.

Nơi căn trại của Trần Đại Lộc, giờ đây có thể buổi sáng dậy tập thể dục với Lê Đình Điểu, Đỗ Ngọc Yến, và buổi tối là nghe tiếng đàn ca, hát xướng của các nhạc sĩ Trần Đại Lộc, Trần Đình Quân, Ngô Mạnh Thu, Lý Văn Chương. Các bạn có thiêng thì phù hộ cho những người ở lại được mạnh khỏe, phụ với chúng tôi đánh đuổi đạo quân ung thư, đạo quân tiểu đường, đạo quân huyết áp… và thỉnh thoảng nhớ nhắc chúng tôi yêu thương nhau hơn.

Là một biên tập viên của tờ báo, và đồng thời là một người đã quan sát tờ Người Việt từ khi mới thành lập, tôi cầu chúc thế hệ tiếp theo giữ được tinh thần của thế hệ đi trước, bảo vệ và đùm bọc lẫn nhau trong mọi tình huống, đưa Người Việt từ một tờ báo của sắc dân thiểu số nhập vào sinh hoạt báo chí của dòng chính. Và cho dù những đổi thay của thời đại điện tử có mau tới đâu chăng nữa, sẽ có một lúc chữ Việt chỉ còn là một phần nhỏ trên tờ báo. Ngày đó có thể là 20, 30 năm. Cho dù là một thế kỷ nữa, tôi cũng mong khi nào tờ Người Việt còn đến tay độc giả của nó, thì trong tờ báo đó bắt buộc phải có một phần chữ Việt. (Hoàng Khởi Phong)

(*) Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT