Friday, March 29, 2024

Tìm về kỷ niệm

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Long Tuyền

Yên Phú bây giờ đang đứng bên này bờ đại dương, một vùng đất hứa đầy xa lạ với tất cả. Quê hương chỉ còn là hình ảnh tiềm ẩn nơi tâm trí Yên Phú, anh đang nghĩ về ý nghĩa cao quý của hai chữ “tự do,” và chỉ có tự do mới là hạt giống vô giá để đưa con người đến chỗ hạnh phúc vẹn toàn. Hành trang mà YP mang bên mình chỉ còn là kỷ niệm và những hình ảnh thân quen.

Grand Haven, thành phố thuộc bang Michigan, YP đang sống, nơi đây hầu như không có người Việt. Vì thế anh rất thèm tiếng nói người Việt Nam, mỗi khi bắt gặp người nào hao hao giống người Việt anh tưởng như một vùng trời Việt Nam đang đứng trước mặt anh, thế rồi YP vẫn thất vọng!

Tình yêu quê hương trong lòng YP là thế đó, vì vậy Lacordaire nói rằng: “Tình yêu quê hương nảy sinh trong lòng người, nó là tâm tình sâu thẳm được nuôi dưỡng bằng lịch sử của quá khứ và kỷ niệm của cuộc sống cá nhân, nơi đó tập trung những gì ta đã thấy, đã làm, đã sống từ những ngày lành của thời ấu thơ, đến những xao động của thời lão thành, và viễn tượng đến mồ mã chúng ta.

Hiện tại, YP đang sống nơi “miền đất lành nhưng chim không đậu.” Vì thế một lần nữa anh rời bỏ nơi đây, tìm về miền Nam California, nơi miền đất ấm, có đông người Việt Nam tị nạn.

Vào năm 1992, nơi đây có gì? Về truyền thanh, truyền hình và báo chí, chỉ duy nhất Ðài 18 phát hình 1 tiếng vào lúc 4 giờ buổi chiều mỗi ngày do cô Huyền Trang sáng lập. Về truyền thanh có đài Little Saigon cũng chưa lớn mạnh. Về nhật báo nếu không lầm thì chỉ duy nhất báo Người Việt và Việt Báo Kinh Tế nay là Việt Báo, chỉ thế thôi, chợ chỉ một Saigon Market của ông Trần Dũ. Hội nhập vào dòng chính nước Mỹ duy nhất chỉ Nghị Viên Tony Lâm.

Trên đại lộ Bolsa vẫn còn nhiều khoảng đất trống, có Phước Lộc Thọ và vài ba cửa hàng tạp hóa, và vài tiệm ăn người Việt Nam, có tiệm “Bún Bò Mụ Rớt” tiệm “Bánh Mì Ba Lẹ,” tiếng nghe quen thuộc đã làm YP gợi nhớ đến Việt Nam da diết, quê hương vẫn mãi là tiếng gọi quen thuộc của ngày xưa trước.

Little Saigon, thủ phủ của người Việt Nam tị nạn không thịnh hành tấp nập như hôm nay.

Thời điểm Hạ tàn Thu chắp nối, gió thu về gợi buồn và nhớ đến quê hương. YP thả bộ trên đại lộ Bolsa vào chiều nắng nhạt, tạt vào chợ Trần Dũ mua tờ báo Người Việt về nhà xem, sau đó được biết tin Lý Tống vượt ngục CS đã đến được nước Mỹ an toàn, YP và Lý Tống ở cùng lao tù A30. YP muốn viết bài phóng sự gởi báo Người Việt xin được đăng, nhưng lòng vẫn còn tư lự, không biết lập trường và chủ trương Người Việt thế nào có cho đăng hay không.

Hơn thế nữa, YP ngại rằng mình chỉ viết tay trên giấy học trò, không có computer và không có email, cell phone chưa được phổ biến thịnh hành như hôm nay, nếu ai có một trong thứ đó cũng thuộc hạng sang giàu “gồ” lắm! làm thế nào Yên Phú mơ đến được.

Thế rồi, YP vẫn quyết định viết gởi về Người Việt, với chủ đề “Lao Tù Thương Khó” nội dung bài viết nói về Lý Tống, dầu anh đang ở trong “miệng sói hang hùm” nhưng anh vẫn bất khuất trước những tên “quản giáo” cho rằng loại người “vô giáo” nhỏ chăn bò lớn làm “cán bộ.” Bài viết tuy mộc mạc nhưng rất chân thành có sao nói vậy, không hư cấu.

Hai hôm sau, YP thấy có bài bài viết mình đăng trên báo Người Việt. YP cảm thấy lòng mình được an ủi và hạnh phúc, vì đã góp tiếng nói trên diễn đàn ngôn luận, tuy YP không là nhà văn nhà báo. Tờ báo được đăng bài viết, Yên Phú vẫn cất giữ dầu phải di chuyển chỗ ở nhiều lần. 30 năm trôi qua, bụi thời gian đã làm tờ báo vàng cháy giấy rách nát từng mảnh không còn đọc được nữa, nhưng bản thảo viết tay YP vẫn còn cất giữ đến hôm nay, làm vật kỷ niệm.

Yên Phú ghi nhớ kỷ niệm đầu tiên bước chân đến nước Mỹ, và tiếp theo khi báo Người Việt tổ chức hai cuộc thi viết kỷ niệm 30 và 35 năm ngày thành lập báo Người Việt, Yên Phú đều tham dự, tuy không đoạt giải nhất, nhì, ba, nhưng cũng được nhận bút mỗi bài $50.

Yên Phú rất cảm ơn đến tòa soạn báo Người Việt, dầu gì cũng là những kỷ niệm trên bước đường tha hương của kẻ ly hương, được góp tiếng trên diễn đàn ngôn luận, dù bài viết không hay, người đọc có ghé mắt ít hay nhiều. Song Yên Phú chỉ mong một người đọc cũng đủ làm an ủi lắm rồi.

Hằng đêm tâm tư Yên Phú hướng về cố hương “tìm lại quá khứ ” thương tiếc cho số phận hai nền đệ nhất và đệ nhị VNCH bị yểu mệnh, Yên Phú vẫn buồn không nguôi, nhưng vẫn sống với nỗi buồn ấy, vui cùng nỗi buồn ấy và cất kỹ trong tâm tư YP đến trọn đời.

Chế độ VNCH tên gọi thật quen thuộc, và được ngời sáng với cả nghìn từ, không như cái “xã hội tệ hại xấu xa” mà người lãnh đạo miền Bắc rao bán bấy lâu!

Yên Phú lúc nào cũng chan chứa dòng lệ khi đêm về, anh gọi đó là “giọt lệ thầm của quá khứ ” giọt lệ thầm ấy là mền không đủ ấm. Song theo luật “vũ trụ nhân sinh” ngày này, tháng này, hay năm khác đến, đêm xứ Mỹ hay ngày xứ Mỹ rồi cũng phải tụ về một điểm, YP cho đó là định mệnh của con người, trời đất đã xếp đặt sẵn, con người không thể cưỡng lại, vì thế anh mới cảm thấy vơi bớt nỗi buồn.

Có lắm kẻ tị nạn Cộng Sản tìm được hai chữ tự do, khi đã đạt được như ý rồi, xem như “qua cầu rồi gió bay” hay như kẻ ăn cổ “hết xôi rồi việc.”

Nhưng đối với YP từng mỗi phút qua từng mỗi giây, hình bóng quê hương của những ngày xưa cũ, đã khắc in nơi tâm khảm YP làm sao quên được!

Anh là người tị nạn không phải như “người ta đi cấy lấy công.” Song anh là “người đi cấy còn trông nhiều bề, trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông gió trông ngày trông đêm, trông sao chân cứng đá mềm, trời yên bể lặng mới yên tấm lòng.”

Tâm tư YP vẫn còn vấn vương với cái dĩ vãng tủi nhục của người lính tan hàng sau Tháng Tư Đen, dĩ vãng ấy không bao giờ xóa mờ trong lòng YP, là nhục không dám chết, nhục bỏ chạy, nhục đầu hàng, và kéo theo biết bao điều nhục.

Song, YP biết nhục nhưng phải sống để chịu nhục, còn hơn là vào luồn ra cúi, để nhận chút cơm thừa cặn bẩn từ kẻ thắng ban cho, YP không thể quy lụy cúi đầu bằng những lời dối trá, không thỏa hiệp với tội ác để nhận bổng lộc phận hàng thần.

Yên Phú khâm phục cho những ai sinh ra trong chiến tranh, lại sống bất hạnh trong hòa bình mà vẫn giữ tròn tiết tháo, “áo xiêm đùm bọc lấy nhau, vào luồn ra cúi công hầu mà chi.”

Yên Phú cũng xin một ai đó đừng hiểu lầm YP lại khích lên lòng hận thù. Hôm nay YP “không có kẻ thù và cũng không có lòng căm thù một ai.” Vì buồn ruột, nên “đưa nỗi buồn vào lòng để lòng vơi bớt buồn” chỉ thế thôi!

Yên Phú rất khâm phục lời nói cố Đại Tá Ngô Thế Linh trước khi trở về với cát bụi, là một bài học để đời đối với Yên Phú.

Trên Internet, Yên Phú đã đọc được lời gia đình cố Đại Tá Ngô Thế Linh: “Cha tôi đã nhận vinh dự trong yên lặng không kèn trống, cũng như chấp nhận những thất vọng, không một lời phàn nàn, có lần ông đã nói với chiến hữu ‘là một người chỉ huy chiến đấu cho lý tưởng tự do, mà phải bỏ súng đầu hàng, trong khi CS lan tràn tiến tới là một điều sỉ nhục, cho dầu có những lý do chính đáng, chúng ta không thể nào tự đề cao những chiến thắng, hay là sự hy sinh dũng cảm của chúng ta.’”

Dẫu sao định mệnh đã an bài, YP vẫn còn lo cho gia đình con cái, dạy bảo và khuyên nhủ chúng đóng góp với đất nước đang được cưu mang qua câu châm ngôn “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” và uống nước phải nhớ nguồn.

Yên Phú trăn trở một khi con cái đã trưởng thành trong cái xã hội mới này, mà giá trị đạo đức cho đến văn hóa hoàn toàn khác hẳn, mà YP đã nuôi dạy chúng ngày xưa.

Thế rồi YP suy cho tận, nghĩ cho cùng, anh tự nhủ lại lòng mình mỗi thế hệ đều có tầm vóc và hiểu biết riêng tư, hãy để chúng nó tự do chọn lựa, dù có sai lầm, nhưng cứ để chúng nó tự đứng dậy, bằng chính những suy nghĩ chính mình.

Vả lại có lo cũng chẳng lo được gì, vì chúng nó có bao giờ cần đến sự lo lắng của người lớn đâu! Chúng nó lớn lên trưởng thành ở nước Mỹ và trở thành người công dân Mỹ gốc Việt.

Song sách vở Việt Nam dạy con người là phải yêu quê hương, nhưng lòng chúng chỉ yêu nước Mỹ và tập quán nước Mỹ mà thôi, “trí và lòng” chúng khó mà trùng phùng với nhau vào một điểm.

Tình yêu quê hương không phải là ý thức và dòng máu, mà là thứ tình gắn bó từ thuở thiếu thời với những chân trời quen thuộc, bằng màu sắc, mùi vị, âm thanh mà tuổi thơ quen thấy quen nghe.

Hơn thế nữa, là những công dân Mỹ gốc Việt, là những phần tử ưu tú của Việt Nam mai hậu, nếu ngày mai kia, liệu chúng nó có còn chiếu cố đến tổ quốc Việt Nam không!

Nếu chúng nó biết vâng lời cha mẹ do những băn khoăn nói trên. Thật là điều an ủi và hân hạnh cho YP, cái hân hạnh ấy, không phải là cho PY mà cho tất cả mọi người, YP chỉ mừng được là con cái nói rành rẽ tiếng Việt, vì “tiếng Việt còn là đất nước còn” “đất nước thì dân tộc Việt còn.”

Trong khi tuổi già nơi YP đang đứng trước hiên nhà chờ sẵn, như bóng đêm của một mảnh đời đang từ từ khép kín. Nhưng YP vẫn còn hy vọng ở lớp thế hệ kế thừa, là hãy yêu quê hương nước Việt Nam như yêu mẹ hãy còn.

Sau cùng, YP xin cảm ơn Tòa Soạn Người Việt, và kính chúc các anh chị trong tòa soạn một mùa Lễ Tạ Ơn, nhiều niềm vui trong tình thương yêu tương kính. (Long Tuyền)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT