Thursday, March 28, 2024

Vậy mà đã 40 năm!

Nguyễn Tuyển

GIAI PHẨM NGƯỜI VIỆT XUÂN KỶ HỢI 2019 – Một tối ngày Hè năm 1979, tôi đang ngồi chơi với con thì nghe điện thoại reo. Bốc lên thấy Đỗ Ngọc Yến (cố sáng lập viên nhật báo Người Việt) gọi. Từ ngày chạy dạt sang Mỹ tị nạn đến giờ, tôi mới nghe thấy tiếng Yến, thật vui.

“Mày tới tao ăn cơm tối mai,” Yến bảo.

“Xong rồi. Ngày mai, tao tới mày sau khi đi làm ra,” tôi trả lời.

Yến nghe một người bạn thông báo cho biết tôi mới dọn nhà từ Hartfort, Connecticut xuống Quận Cam nên gọi điện thoại cho tôi.

Trước 1975, tôi với Yến vừa là bạn học cùng ban Triết ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tham gia các hoạt động xã hội, rồi sau đó cùng hợp tác với nhau trong chuyện làm báo kiếm cơm.

Yến vì cận thị nặng, không bị bắt đi lính. Còn tôi vào làm phóng viên cho Đài Phát Thanh Sài Gòn với hy vọng nếu có bị động viên thì mong được nhận những nhiệm vụ hợp với khả năng thay vì phải bắn súng.

Tuy cái gốc là phóng viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn, một cơ quan thông tin tuyên truyền của chính phủ, họ cũng lơ cho đám phóng viên đi làm thêm bên ngoài để bù đắp vào cái đồng lương công chức còm cõi. Vì vậy, tôi đã làm thêm cho tờ Sóng Thần, lại còn ôm theo máy hình chụp cho hãng thông tấn AP. Họ lấy tấm hình nào, trả tiền cái đó.

Trong làng báo, Yến làm ở tờ Đại Dân Tộc còn tôi làm cho tờ Sóng Thần. Hai đứa cùng với 3 tên phóng viên khác nữa lập thành một tổ hợp tin tức, cung cấp bài cho khá nhiều báo ở Sài Gòn các tin tức kinh tế nổi bật trong ngày.

Từ Hartfort dọn xuống Quận Cam, tôi được một người bạn cũ cùng làm với tôi ở Đài Sài Gòn giới thiệu vào làm cho một công ty ấn loát ấn phẩm văn phòng tại thành phố Santa Ana. Lúc đó lương tối thiểu chỉ khoảng $4 nhưng tôi được trả ban đầu $9.50 một giờ là mức lương khá cao, nhờ vậy gia đình tôi không đến nỗi thiếu thốn.

Y hẹn với Yến, 5 giờ chiều hết ca, tôi lái xe đến nhà Yến là một căn apartment trên đường Euclid. Một đám trẻ con chơi đùa với nhau chạy rầm rập, la hét ỏm tỏi trong đó có mấy người con của Yến. Bấm chuông, thấy bà Loan, vợ Yến, ra mở cửa. Lần đầu tiên tôi gặp lại bà ấy sau những ngày mạnh ai nấy chạy khỏi Sài Gòn cuối Tháng Tư, 1975.

“Mừng gặp lại anh chị và các cháu,” tôi nói.

“Tôi cũng mừng gặp lại anh. Sao anh biết chúng tôi ở đây?,” chị Loan hỏi.

“Anh ấy nghe tin tôi dọn nhà từ Connecticut xuống đây nên hôm qua gọi điện thoại cho tôi, rủ tới ăn tối, nói chuyện,” tôi nói.

Bà Loan vừa ngạc nhiên vừa có vẻ bối rối vì không thấy chồng cho biết gì chuyện mời bạn ăn cơm. Im lặng vài giây, bà vào bếp cầm ra một cái nồi nhôm, đít nồi còn dính tí cơm cháy. Bà cầm cái muỗng cạo sồn sột rồi nói: “Nhà thì hết gạo, trong tủ lạnh không còn cái gì để ăn. Để tôi cạo chỗ cháy này chiên lên anh ăn đỡ.”

Đến lần tôi bối rối cành hoa. Tôi nghe nói bạn Yến của tôi về Quận Cam làm báo. Chắc thấy tôi dọn về đây thì gọi tôi tới ăn tối rồi nói chuyện báo bổ chứ chẳng gì khác.

Tôi nói chuyện với bà Loan một hồi rất lâu, đợi mãi không thấy Yến về, tôi đành từ giã, nói sẽ đến chơi những lúc khác. Thật tình, trong túi tôi lúc đó cũng không mang theo một đồng nào để chạy ra chợ mua đỡ cho bạn ít đồ ăn. Đâu có nghĩ rằng đi ăn cơm khách phải mang theo tiền.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi có ghé nhà Yến chơi, cũng không mấy khi gặp Yến ở nhà mà đều tất tả chạy đi xin quảng cáo, hay lo những chuyện khác từ A tới Z cho tờ báo mới bắt đầu làm không được bao lâu.

Thời đó, chưa có internet, chưa có computer. Cơ nghiệp làm báo của tờ Người Việt thời đó là một cái máy Varityper đánh máy trên một tờ giấy cỡ chữ, kiểu chữ, lựa chọn trước trên một quả cầu chữ. Cắt dán, xếp lại với nhau thành trang báo, lấy bút mực bỏ dấu tiếng Việt rồi chụp thành bản kẽm và đưa vào máy in.

Lần thì tôi thấy Du Miên, lần thì tôi thấy Du Tử Lê ngồi cặm cụi bỏ dấu. Thời gian này, hầu như tìm nguồn tin là tìm từ báo Mỹ rồi dịch. Những sinh hoạt địa phương của cộng đồng người Việt, các bài phỏng vấn cũng có nhưng không nhiều. Còn làm báo thì như ông chủ báo Đỗ Ngọc Yến chạy long tóc gáy cũng kiếm sống khó khăn nên tôi đã không tiếp tay gì. Một phần cũng vì tôi phải dành rất nhiều thì giờ giúp vợ đối phó với một chứng bệnh nghiệt ngã, con thì còn nhỏ.

Yến vừa dịch tin, viết bài, chạy xin quảng cáo và coi như mọi việc chia sẻ với hai bạn khác để hoàn thành tờ tuần báo nhỏ bé, bán thủ công.

Mãi đến năm 1998, sau khi lao vào và thất bại với một số vụ kinh doanh từ làm địa ốc viên, mở tiệm video đến mở shop may, tôi mới quay lại làm báo với Yến khi tờ báo đã có trụ sở tòa soạn trên đường Moran, Westminster, thuê lại của chính một người đàn em của Yến trong hướng đạo đồng thời cũng là tổng giám đốc tờ Người Việt nay đã thành một công ty gồm nhiều cổ đông góp tiền.

Thời gian này, làm báo đã có internet để tìm tin và viết bài viết tin bằng computer chứ không còn vất vả như hai chục năm trước đó. Dù không còn phải bỏ dấu tiếng Việt bằng tay, vẫn phải in từng bài ra giấy, dán ghép lại với nhau thành trang báo rồi mới chụp thành bản kẽm, giao cho nhà in. Tờ báo đã có một số lượng quảng cáo vững chãi, đặc biệt là mục rao vặt rất tác dụng nên số trang rao vặt ngày càng dày.

Dù sao vẫn còn là bán thủ công với sự trợ giúp của computer, dàn bài vở thành trang báo từ trang đầu đến trang cuối vẫn phải cắt dán. Vì vậy mà xảy ra những lỗi lầm đáng cả cười lẫn mếu.

Cố gắng cắt dán sắp xếp cho kịp giờ đưa nhà in, người có trách nhiệm cắt dán cứ theo cái khung vị trí bài hai cột, bài 3 cột, bài một cột,… do thư ký tòa soạn vẽ để sẵn đó, cứ thế là “ịn” vào. Nhiều hơn một lần, cùng một bản tin được dán trên cùng trang nhất ở hai vị trí khác nhau. Có khi cùng một bản tin thì một cái nằm trang nhất, cái kia nằm trang ba.

Có bản tin là tin của báo Người Việt đã từng đăng khoảng ba tháng trước, nhưng thấy báo bên Úc người ta đăng tin đó hay quá, biên tập viên của Người Việt lấy đăng lại, không nhớ rằng báo bên Úc lấy của báo mình.

Tờ Người Việt từ ban đầu bán thủ công đến bây giờ hoàn toàn làm bằng computer cho tất cả mọi công đoạn hoàn thiện tờ báo từ ấn bản online đến báo giấy. Quả thật, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật nói chung và riêng ngành điện tử điện toán đã thay đổi phương cách làm báo, diện mạo tờ báo.

Nhìn tờ báo Người Việt ban đầu và những số báo Người Việt bây giờ, từ nội dung đến hình thức, đã có sự khác biệt một trời một vực.

Bốn mươi năm trôi qua. Tôi cứ như người nằm mơ! (Nguyễn Tuyển)

(*) Bài đăng trên Giai Phẩm Người Việt Xuân Kỷ Hợi 2019

Video: Việt Nam 24 giờ Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT