Thursday, April 25, 2024

An bom nháy

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: [email protected]

Thận Nhiên

Loại album này rất thông dụng và rẻ tiền, (Hình: HanhTuyen/NguoiViet

Khoảng trưa ngày 30 Tháng Tư, 1975, là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với những người bộ đội Bắc Việt.

Trước đó, tôi từng gặp Việt Cộng, họ đều là người miền Nam, thuộc Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, là tù binh bị bắt giam trong đồn An Ninh Quân Đội ở trước mặt nhà tôi khi còn ở Long Khánh.

Lần này thì khác. Toán quân đổ xuống ở khu chợ còn để trống ở cư xá Thanh Đa, Sài Gòn. Họ đều rất trẻ, khoảng trên dưới 20, giọng Bắc khó nghe đối với người Sài Gòn.

Khi tôi và vài đứa bạn tò mò chạy xuống xem, thì một nhóm đang nấu cơm và chơi bài. Sau này biết món bài này gọi là tú lơ khơ.

Một người hỏi: “Chúng mày có an bom nháy không, tao mua, hay đổi lương khô cho?”

Chúng tôi không hiểu anh ta muốn gì. Một anh khác lập lại ba tiếng “an bom nháy,” nhấn giọng từng tiếng một.

Chúng tôi vẫn chưa hiểu. Một anh khác bèn lục ba lô, lấy ra một tập album hình, trên bìa bọc nhựa có in hình cô gái, loại hình ảnh khi để thẳng thì cô nghiêm mặt, khi cầm nghiêng tay thì cô sẽ nháy mắt cười.

Loại album này rất thông dụng và rẻ tiền, được bày bán trong các tiệm sách hay tiệm tạp hóa. Chúng tôi hiểu ra thế nào là “an bom nháy,” và ngạc nhiên khi thấy cả nhóm thanh niên bỏ chơi bài, chụm đầu lại, thay phiên nhau lắc cuốn album, vừa ngắm vừa cười, như chơi một món đồ chơi lạ.

Một thằng trong bọn trẻ chợt nhớ ra rằng, nhà nó cũng có loại album này liền chạy về lấy xuống hai cuốn. Nó không bán, cũng không đổi lương khô vì ăn thử thấy không ngon. Nó tặng các anh bộ đội.

Tôi không còn thấy họ đáng sợ như từng nghe người miền Nam mô tả, và nhớ hoài ánh mắt mê gái, nụ cười ngờ nghệch, trên những gương mặt trắng xanh.

 

MỚI CẬP NHẬT