Tuesday, April 23, 2024

Giở nón tiễn đưa

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: [email protected].

Đinh Trực

Khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ. (Hình: NguyenHueHaiNgoai)

Một buổi sáng nọ, tôi dẫn cháu ngoại đang học lớp hai đi bộ ra tiệm để ăn phở. Trên đường đi đến quán phở quen, bất chợt gặp một đám tang đi ngang qua.

Tôi bảo thằng bé ngừng lại, đợi đám tang đi qua rồi tôi giở cái nón trên đầu xuống. Tôi bảo:

-Con giở nón xuống…! Thằng bé không hiểu tại sao, nhưng cũng giở cái nón ra khỏi đầu…

Khi đám tang đã đi qua, tôi đội nón lên đầu, đứa cháu hỏi:

-Ông ơi, tại sao mình phải giở nón ra khỏi đầu vậy ông?

Một câu hỏi hay mà tôi rất đang muốn nó hỏi.

-À, là mình tỏ lòng kính trọng người đã mất cũng như chia buồn với tang gia!

-Ba ông ngoại dạy hả?

-Cô giáo ngoại dạy hồi ông ngoại nhỏ bằng con…!

-Ủa, sao cô giáo con không dạy cho tụi con giống như cô giáo ông ngoại vậy?

Đến đây thì tôi giả vờ không nghe vì có tiếng kèn xe và cũng đã đến tiệm phở rồi.

Không chỉ riêng thằng bé lớp hai, mà còn rất nhiều người trong thời buổi hiện đại này đã rất ngạc nhiên về điều này.

Thời ấy, những năm thập niên 60-70, khi vào học lớp năm, lớp tư…, thầy cô lớp nào trong giờ Công Dân Giáo Dục cũng dạy thế. Và mỗi buổi đi học đến trường hay tan học về, nếu gặp giờ chào cờ của các công sở chúng ta cũng ngả nón đứng nghiêm cho đến lúc buổi chào cờ kết thúc.

Cho mãi đến bây giờ đã thành một thói quen không thể nào quên được.

Nhớ ngày xưa, lúc thuở còn ôm cặp-táp (cartable) trên đường đi học hay lúc đám trẻ chúng tôi rủ nhau đi tắm ao, bắt dế…, bất chợt thấy đám tang đi ngang, cả đám mười mấy đứa chúng tôi đều tự động, không ai bảo ai, đều giở nón xuống và cúi cả đầu, có đứa len lén ngó lên và phát hiện vài ba người lớn có râu chòm cũng giở nón cối trắng ra và cúi đầu như đám học trò nhỏ chúng tôi.

Tôi cũng có lần nhìn thấy trước cổng trường tiểu học đang có rất nhiều phụ huynh chờ đón con, người thì dõi mắt tìm kiếm, người gọi tên con mình… Lúc ấy, trên đường phố có xe đưa đám tang từ từ đi ngang qua. Nhiều người ngước nhìn xe đưa tang rồi bàn tán xôn xao về tiếng kèn Tây phát ra, rồi những bài hát vang lên từ đội nhạc lễ đám tang.

Rồi bao nhiêu đôi mắt trầm trồ, ngưỡng mộ một anh tung hứng cây kèn, uốn éo thân mình theo điệu nhạc, rồi nhiều tràng pháo tay tán thưởng…

Duy nhất trong số những phụ huynh đang ồn ào đó, có người đàn ông trên 60 tuổi, lặng lẽ bước chân xuống xe, lấy chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm trên tay, đứng thẳng người, đầu hơi cúi một chút. Ông cứ đứng vậy, yên lặng chờ xe tang đi qua mới ngước mặt gọi cháu lên xe đi về…!

Người đứng bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi:

-Ủa, ông quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ vậy?

Tôi nghe ông ấy trả lời:

-Tôi không hề quen biết hay bà con với người đã mất, nhưng sống trên đời phải hiểu: “Nghĩa tử là nghĩa tận” mà chú em.

Rồi ông nói tiếp:

-Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ. Chính vì vậy, mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì như một phản xạ không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là thói quen tự nhiên từ nhỏ đi học cho đến bây giờ.

Hành động và lời nói của người đàn ông kia thật đáng để chúng ta suy ngẫm. Những thói quen tốt đẹp của ông chính là những “trái ngọt” được nuôi dưỡng từ nền giáo dục nhân văn, khai trí, khai tâm, khai sáng và khai phóng.

Từ những bài học đạo đức giản dị nhưng thực tế và sâu xa, những “mầm non” hôm nay của chúng ta cũng như vậy, cũng cần được dạy cách học, học cách nghĩ, học cách sống để trở thành cái cây cứng cáp, thành những con người thiện lành, không dửng dưng vô cảm trước cuộc sống đang diễn ra thường ngày.

-Lễ phép: Không mất tiền mua mà mua được tất cả.

-Lịch sự: Là vật trang điểm cho mọi việc làm.

-Cảm ơn: Lời bày tỏ thái độ trân trọng và tình cảm tri ân với người giúp mình.

-Xin lỗi: Được xem là cách chứng tỏ lòng kính trọng và thiện cảm với người khác.

Thế hệ ấy, hôm nay cũng già hết rồi, tóc trên đầu đã có nhiều “muối hơn tiêu.” Thỉnh thoảng có dịp vô tình hay hẹn trước, chúng tôi ngồi bên nhau uống café mà kể lại chuyện đi học thời xưa, ôn lại những câu chuyện cũ những bài học cuộc sống mà ngày xưa cùng ngồi chung một lớp…

Cô dạy: Ra công viên không được đi trên cỏ, không được khạc nhổ trên đường phố, chốn đông người. Không được hái hoa trong công viên, khi đến sau là phải sắp hàng, không được nói chuyện to tiếng chốn công cộng như rạp hát, chùa chiềng, không được ăn cắp trái cây ven đường, gặp thầy cô đi đường thì phải cúi đầu khoanh hai tay và dạ, thưa, xin lỗi, cảm ơn…là các từ ngữ cần phải nhớ.

Đi đường, thấy có chào cờ phải đứng lại nghiêm thẳng người, nhìn về lá cờ, khi gặp người già cả, kẻ nghèo khó, người mẹ bồng con, người tật chân, chống nạng, người khuân vác nặng nề, thì phải giúp xách đồ dùm.

Rồi đám bạn già lại chuyển sang những kỷ niệm thật đáng nhớ của ngày xưa, nhắc lại những trò chơi nghịch ngợm như: rủ nhau đi tìm hái trái mắt mèo để trét tri vào ghế của thầy khi lên học lớp nhất; ra về cùng nhau tắm ao, rồi chui rào hái trộm xoài của nhà ông Tư sát trường, đi ngang nhà nào có nuôi chó thì “xịt xịt,” “sủa gâu gấu” cho chó người ta chạy ra sủa “ăng ẳng,” rồi ùa nhau chạy, chạy mất luôn cả chiếc dép Nhật (thời đó mấy đứa có cha mẹ kha khá mua cho), còn những thằng đi học chân không thì chạy vô tư…

Những lúc ấy, tôi nhìn thật kỹ gương mặt từng đứa, tất cả đều giống nhau ở nét già, râu tóc đều bạc và lộ vẻ điềm đạm thật nhiều so với hơn nửa thế kỷ trước.

Ước gì tuổi thơ được quay trở lại một lần nữa; ước gì hôm nay các cháu nhỏ được học và thực hành những bài học Công Dân Giáo Dục cơ bản về đạo lý làm Người như ngày xưa nhỉ…!

MỚI CẬP NHẬT