Wednesday, April 24, 2024

Mùa thuốc lá quê tôi

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục “Độc Giả Viết” nhằm mời gọi quý độc giả “cùng làm báo” với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý độc giả vui lòng gởi email: [email protected].

Thi Lê

Nghề trồng thuốc lá là nghề vất vả. (Hình minh họa: Amos Gumulira/AFP via Getty Images)

Trước đây ở quê tôi, mùa thuốc lá thường diễn ra trong khoảng từ giữa Tháng Mười Một đến giữa Tháng Năm.

Quê tôi, làng Vinh Huy, xã Bình Trị, vùng bán sơn địa của miền Tây Thăng Bình, nghề trồng thuốc lá không phải là nghề truyền thống mà là nghề mới du nhập, được bà con xem như một nghề “ơn nghĩa.”

Chuyện là trong kháng chiến I, nhiều người từ Duy Xuyên, Điện Bàn tản cư vào quê tôi, trong đó có nhiều người từ làng Thanh Quýt, Điện Bàn. Sau khi hòa bình lặp lại, họ lần lượt hồi cư. Trước khi “quy cố hương” những người Thanh Quýt truyền nghề trồng thuốc lá lại cho “dân bản địa” để thay cho một lời cám ơn vì đã cưu mang họ suốt những ngày “khốn khó!”

Sau cái lụt 23 Tháng Mười âm, mùa thuốc mới thực sự bắt đầu nhưng trước đó khoảng mười ngày, người dân đã bắt đầu làm chòi và gieo hạt thuốc để có cây thuốc con.

Chòi con thuốc là một nhà sàn có kích thước khoảng 2.5 mét, 1.5 mét và có sàn cao cách mặt đất khoảng 1.2 mét để tránh heo gà và cả chuột, cóc, nhái phá hoại.

Xung quanh sàn có bốn ống tre bao quanh mặt sàn để có thể đổ một lớp đất dày độ 10 phân mà gieo hạt thuốc. Chòi thuốc thường xây về hướng Nam để tránh bớt nắng nóng làm thuốc hư hỏng.

Trồng thuốc lá phải sử dụng phân bò và nhất là bánh dầu, vì vậy nghề trồng thuốc lá ở quê tôi thường gắn với nghề trồng đậu phụng (thuốc lá hoàn toàn không sử dụng phân heo). Cây thuốc thường được trồng theo hàng, cây cách cây độ 0.5 mét và hàng cách hàng độ 1-1.2 mét.

Công đoạn đầu tiên là gieo hạt thuốc trên chòi. Cùng với việc gieo hạt người ta chuẩn bị đất. Để làm thành hàng thuốc người ta phải đào rãnh sâu độ 0.2 mét, lấy đất đào rãnh đắp qua hai bên thành vồng đất cao độ 0.4 mét. Đây là nguồn đất dự trữ để hình thành nên hàng thuốc sau này. Đường rãnh làm thành hàng thuốc có bề ngang khoảng 0.3-0.4 mét.

Khi cây thuốc trên chòi có được 3-4 lá, người ta nhổ lên đem cấy vào một chiếc “hoảng” được chằm bằng lá chuối có đường kính độ 1.5 cm, trong đó được nện chặt bằng phân bò mịn đã thấm nước. Người ta dùng một que nhọn đâm một lỗ nhỏ ở giữa hoảng phân rồi đem gốc cây thuốc con bỏ vào và nhận chặt chân lại.

Các cây thuốc con trong hoảng được đặt cẩn thận trên các vĩ đan bằng tre có niền bốn bên và được đem treo lên cao hoặc để nơi không bị chó mèo, gà chuột động đến. Cây thuốc sau khi cấy được đặt ở nơi đủ ánh sáng (không bị nắng) và được phun sương hàng ngày để giữ độ ẩm.

Sau khoảng một tuần, cây thuốc con được “đặt” xuống hàng (sau khi gỡ hoảng lá chuối). Mỗi cây thuốc được bao bọc bằng một mô đất tròn cao độ 3 cm, mô đất là loại đất mịn trộn với phân bò và một ít bánh dầu. Phân và bánh dầu cũng phải rất mịn. “Đặt” xong, mỗi cây thuốc lại được bảo vệ bằng một cái “hoảng” khác được chằm bằng lá thơm (dứa) có đường kính độ 5 cm.

Sau khi “đặt” thuốc, mỗi ngày cây thuốc đều phải được tưới cho ẩm thường xuyên, bằng vòi sen. Khoảng 10-15 ngày sau khi cây thuốc đã lớn, chờm lên khỏi chiếc hoảng người ta lại gỡ chiếc hoảng bảo vệ và thực hiện công đoạn “nhử thuốc.”

Nhử thuốc bằng cách bỏ quanh mô đất một ít phân bò và bánh dầu đã giã nhỏ, xong cuốc đất hai bên vồng lấp kín gốc thuốc và lớp phân vừa bỏ. Sau “nhữ” khoảng 15 ngày là “phụ.”

Phụ cũng thực hiện như nhử thuốc nhưng lượng phân bò và bánh dầu nhiều hơn và thô hơn vì cây thuốc đã lớn. Nhờ lượng phân bón mới lại được tưới nước thường xuyên nên cây thuốc lớn nhanh.

Khi cây đã cao khoảng 0.4 mét, người ta bắt đầu ngắt cơi (ngắt ngọn) để cây thuốc nhảy nhánh. Khi tất cả cây thuốc đã lớn đều được ngắt cơi hết là thực hiện “lên hàng.” Lần này, các lá thuốc được bó lại bằng một dây rơm. Bỏ nhiều phân và bánh dầu vào quanh cây thuốc, lượng phân nhiều, bánh dầu có cả hạt mịn và thô (viên to bằng nón tay trỏ). Xong, người ta lấy hết tất cả đất hai bên vồng để vun lên cho cây thuốc thành hàng.

Người trồng thuốc be hàng để có một cái rãnh ở giữa nhằm khi tưới giữ được nước. Sau khi lên hàng, cây thuốc sẽ nhảy nhánh, mỗi cây thường có từ 4-5 nhánh. Khi trên mỗi nhánh có độ 8-10 lá người ta lại ngắt cơi nhằm giữ cho các lá được lớn và dày.

Từ đây cho đến khi thu hoạch, người ta phải chăm sóc thường xuyên cây thuốc. Hàng ngày phải tưới để gốc thuốc luôn ẩm, phải bắt sâu và nhất là tránh cho lá thuốc không bị rầy ăn. Khi phát hiện dưới lá có rầy phải tức tốc tiêu diệt bằng cách dùng nếp nấu xôi thật dẻo, quết mịn rồi đem chấm rầy. Miếng xôi quết mịn dẻo quánh được kẹp bằng đôi đũa. Lật lá thuốc lên lăn đều hai mặt để rầy bám hết vào cục xôi.

Ngoài bắt sâu, chấm rầy còn phải thường xuyên lặt nhánh. (Hình minh họa: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

Ngoài bắt sâu, chấm rầy còn phải thường xuyên lặt nhánh. Lặt nhánh là bẻ các chồi thuốc mọc ra giữa cuộn lá và thân cây thuốc. Lặt nhánh nhiều lần sẽ để lại nơi cuống lá một cục u. Nhìn cục u đôi khi cũng đánh giá được chất lượng của thuốc. Cục u càng lớn lá thuốc càng dày, chất lượng càng cao (đượm, thơm, ngon…)

Khi lá thuốc đã già, biểu hiện là đuôi lá thuốc cong xuống, màu lá thuốc bắt đầu chuyển (bớt xanh hay thơn thớt vàng…) người ta bắt đầu thu hoạch. Bẻ lá thuốc bằng cách để tay vào dưới cuốn lá chỗ giáp thân rồi giật mạnh (nhằm giữ cái u).

Khi bẻ thuốc, phải chừa lại các lá thuốc bị úa vàng ở dưới chân thường gọi là thuốc “xai” để phân biệt với lá thuốc nhứt ở trên. Lá thuốc “nhứt” được đựng trong các giỏ bội đem về nhà và xâu lại thành từng xâu.

Để có một xâu thuốc người ta phải vót “lòi thuốc” bằng tre. Dùng thân cây tre vừa già tới (già quá sẽ cứng vót lòi dễ bị gãy) cưa thành đoạn dài độ 1.2 mét, chẻ ra thành thanh nhỏ rồi vót cho tròn chuốt cho thật láng, đầu vót nhọn và “duốn” cho chiếc lòi gấp lại thành hai phần. Người ta xâu các lá thuốc trong lòi, cứ mỗi bên lòi là 25 đôi lá (một xâu thuốc 100 lá thuốc).

Xâu xong, hai đầu của chiếc lòi được duốn lại và cột thêm sợi lạt để treo lên cho khô. Các xâu thuốc sau khi treo cho khô (không phơi ra nắng), được đem xuống cắt hết các sợi lạt, đập cho hết bụi và bó thành bó. Mỗi bó là 100 xâu được kẹp theo lối trái trả (xếp lần lượt mỗi bên một xâu). Các bó thuốc được chất lại thành đống và chờ thương lái từ tận Thanh Quýt vào!

Để có một xâu thuốc người ta phải vót “lòi thuốc” bằng tre. (Hình minh họa: Amos Gumulira/AFP via Getty Images)

Sau khi bẻ thuốc “nhứt,” các cây thuốc được chặt cho ngắn bớt được vô phân, tưới nước để thu hoạch thuốc “nhánh.” Thuốc này phẩm chất thấp hơn (lá nhỏ và mỏng hơn), không xâu thành xâu mà phơi trên nong cho khô, được bán theo cách cân ký thành một mớ nhưng chủ yếu để lại sử dụng. Sau khi thu hoạch thuốc nhánh có thể tận dụng thêm một lượt thuốc “nhóc” nữa. Thu hoạch xong thuốc nhóc, coi như mùa thuốc lá chấm dứt.

Đối với quê tôi ngày ấy, kinh tế còn mang nặng tính tự cung tự cấp. Cây thuốc lá là loại cây “hàng hóa” tạo điều kiện không những để tăng thu nhập, tận dụng thời gian lao động mà còn đem lại một nguồn tiền để chi dùng trong các việc khác: giỗ chạp, hiếu hỉ, cho con đi học, sửa nhà cửa, tậu thêm ruộng nương trâu bò… vì vậy nghề trồng thuốc lá có ý nghĩa rất thiết thực.

Nghề trồng thuốc lá là nghề vất vả, cần nhiều lao động và tùy thuộc rất nhiều vào thị trường. Từ ngày nghe tiếng gọi của đô thị hóa, thanh niên trai tráng bỏ làng vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng với giấc mơ đổi đời; các cụ già ngồi chép miệng lo “không có người khiêng ra gò” thì mùa thuốc lá “ơn nghĩa” cũng không còn!

Thuốc lá quê tôi không vĩ đại như Con đường thuốc lá của Erskine Caldwell; không hoành tráng như thuốc lá của làng Thanh Quýt nhưng cũng đủ cho những hoài niệm nao lòng với bao người con xa xứ!

MỚI CẬP NHẬT