Thursday, March 28, 2024

Ai sẽ đứng phó cho bà Hillary Clinton?


Nguyễn Văn Khanh

Từ đầu năm 2015 khi đồn đoán chính trị Hoa Kỳ tin rằng bà Hillary Clinton sẽ ra tranh cử tổng thống, đã có những dự đoán nói đến người sẽ được bà mời đứng chung liên danh.

Hai tháng trước đây, Ủy Ban Vận Ðộng Tranh Cử của bà cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ xác nhận “đang lập danh sách những người có thể đứng phó,” tức khắc câu hỏi “ai sẽ là người được chọn” lại được nói tới, và 10 nhân vật có tên dưới đây được nhắc đến nhiều nhất:

1. Julian Castro: hiện đang giữ chức tổng trưởng Bộ Gia Cư Và Phát Triển Ðô Thị, ông Castro là cựu thị trưởng San Antonio, Texas, đồng thời cũng được xem là nhân vật trẻ tuổi, sáng giá nhất của đảng Dân Chủ, tương tự như ông Marco Rubio bên đảng Cộng Hòa. Ông đứng đầu danh sách những người có triển vọng được chọn vì nhiều lý do: mới 40 tuổi, gốc Hispanic, tạo thuận lợi cho bà Clinton thu hút lá phiếu của các tập thể thiểu số. Hồi 2012, ông được mời nói chuyện tại Ðại Hội Ðảng Dân Chủ tổ chức ở Charlotte, North Carolina, tương tự như ông Barack Obama dùng bài nói chuyện trước Ðại Hội Ðảng hồi 2004 để bước vào chính trường quốc gia. Theo giới thạo tin tại Washington D.C., từ năm 2014, ông Cựu Tổng Trưởng Bộ Gia Cư và Phát Triển Ðô Thị Henry Cisneros đã gặp riêng bà Clinton, “đề nghị bà nên chọn ông Castro đứng chung liên danh.”

2. Martin O’Malley: Cựu thị trưởng Baltimore, cựu thống đốc Maryland, từng dự cuộc đua sơ bộ 2016, cũng là nhân vật “không tấn công bà Clinton một cách quyết liệt,” khiến nhiều người dự đoán ông sẵn sàng đứng phó để làm bàn đạp chính trị cho tương lai. Ông O’Malley chủ trương cấp tiến, trong lúc bà Clinton được xem là một chính trị gia thuộc cánh ôn hòa. Một yếu tố khác cũng được nói đến: bà Clinton 68 tuổi, cần một người trẻ như ông O’Malley (năm nay mới hơn 50 tuổi) để dựng “thế hệ kế thừa” cho đảng Dân Chủ.

3. Deval Patrick: Cựu thống đốc tiểu bang Massachusetts, được giới sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ gọi là nhân vật nổi bật nhất của lực lượng chính trị gia người da đen (chỉ đứng sau Tổng Thống Obama). Từng có dự đoán bà Clinton sẽ chọn ông “để chắc chắn lấy được phiếu của tập thể cử tri da đen,” nhưng đến giờ ông Deval Patrick, 58 tuổi, chưa lên tiếng ủng hộ người gần như chắc chắn sẽ đại diện cho đảng. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Boston Globe, ông nhìn nhận “bà Cựu Ngoại Trưởng Clinton là ứng cử viên rất sáng giá của đảng, nhưng tôi vẫn muốn lắng nghe tiếng nói của các ứng cử viên khác.” Ông cho hay “sẽ ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào được đảng chọn.”

4. Cory Booker: Ðắc cử thượng nghị sĩ hồi 2013, ông Corey Booker được xem là một nhân vật trẻ tuổi, đáng chú tới của đảng Dân Chủ. Năm nay mới 46 tuổi, ông thành công trong chính trường cấp tiều bang nhờ sự tiếp tay của lực lượng cử tri độc lập, thành phần cử tri ba Clinton cần có để chiến thắng vào Tháng Mười Một tới đây. Trở ngại: một số quan sát viên chính trị e ngại ông Booker không có nhiều kinh nghiệm đối nội lẫn đối ngoại, trong khi “bà Clinton có thể chọn nhiều người khác, tất cả đều có thể đảm trách vai trò tổng thống” khi cần thiết.

5. Elizabeth Warren: ngay từ đầu bà thượng nghị sĩ của tiểu bang Massachusetts đã nói sẽ không tranh cử tổng thống, nhưng điều đó không có nghĩa là bà Warren từ chối lời mời đứng chung liên danh để bảo đảm đảng Dân Chủ tiếp tục nắm hành pháp. Bà Warren được sự quý trọng của các đồng viện Dân Chủ cũng như Cộng Hòa, đồng thời là người có lập trường xã hội cấp tiến, giúp bà Clinton thu hút phiếu của những người ủng hộ ông Bernie Sanders. Hai câu hỏi được nêu lên: thứ nhất, bà Clinton thân cận với giới tư bản Wall Street, bà Warren lại là người chống đối sự can dự của nhóm tài phiệt vào chính trường Hoa Kỳ; thứ nhì, liệu liên danh “hai bà” có là điều bà Clinton nghĩ đến hay không?

6. Tim Kaine: vị thượng nghị sĩ đại diện cho tiểu bang Virginia có thể giúp bà Clinton lấy phiếu ở những tiểu bang cử tri chưa quyết định ngã về phía Dân Chủ hay nghiêng về phía Cộng Hòa, và có thể giúp bà cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ lấy phiếu của lực lượng cử tri độc lập. Ông Tim Kaine là một trong những người đầu tiên lên tiếng ủng hộ bà Clinotn, ca ngợi bà là người “xứng đáng nhất để được chọn làm vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.” Ngoài những yếu tố vừa nêu, ông còn là người thân thiết với gia đình Clinton.

7. Brian Schweitzer: Cựu thống đốc Montana, từ năm 2008 đã từng được xếp trong danh sách những chính trị gia đứng phó cho bà Clinton. Ông là một trong số rất ít người được cử tri miền Tây nói tới, có thể lấy phiếu của giới trung lưu. Trở ngại: trong 2 năm gần đây, ông thường lên tiếng chỉ trích chính sách ngoại giao của bà Clinton, khiến cơ hội được mời đứng cùng liên danh trở nên khó khăn hơn.

8. Evan Bayh: từng làm thượng nghị sĩ và thống đốc tiểu bang Indiana, được Ban Tham Mưu của ông Barack Obama ủng hộ trước khi đích thân ông Obama chọn ông Joe Biden đứng phó. Không chỉ cam kết sẽ vận động giúp bà Clinton, ông còn có cả một kế hoạch để lấy phiếu của tập thể cử tri độc lập. Ông và gia đình cũng là bạn thân với gia đình Clinton.

9. Tom Visack: Cựu thống đốc Iowa, từng giữ vai trò bộ trưởng Nông Nghiệp thời Tổng Thống Bill Clinton. Ðược một số nhà quan sát bầu cử tin tưởng sẽ giúp bà Clinton lấy phiếu cử tri miền Trung Tây. Chuyện bên lề: người nêu ý kiến bà Clinton nên chọn ông Tom Visack là Thượng Nghị Sĩ Tom Harkin cũng của tiểu bang Iowa và cũng là bạn thân với gia đình Clinton.

10. Joaquin Castro: cũng giống như ông anh sinh đôi Julian Castro, ông Dân Biểu Joaquin được xem là thành phần trẻ sáng giá của đảng Dân Chủ. Nếu được chọn ông sẽ giúp cho bà Clinton tương tự như ông anh, nhưng có tin nói ông không muốn giữ vai trò phó tổng thống, vì ước mơ của là có ngày làm thống đốc tiểu bang Texas. Trong email gửi cho những người ủng hộ, ông kêu gọi “tất cả cùng dồn phiếu cho bà Clinton, vì bà là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, giúp tập thể thiểu số cơ hội thăng tiến.”

MỚI CẬP NHẬT